Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 18/04/2024, 09:15 (GMT+7)
Bàn về nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật của Quân đội thời kỳ mới

Con người và vũ khí trang bị là hai nhân tố cơ bản, quyết định đến xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; trong đó, nhân tố con người là quyết định. Tiến hành công tác đảng, công tác chính trị nói chung, trong công tác kỹ thuật nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp xây dựng, phát huy nhân tố con người, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; quán triệt, thực hiện chỉ thị, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp nói chung, ngành Kỹ thuật Quân đội nói riêng đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở bảo đảm kỹ thuật đã phát huy truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường’’, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm trang bị, kỹ thuật. Hiện nay, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cũng như những tác động của mặt trái của xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch đặt ra yêu cầu mới, cao hơn trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đối với công tác kỹ thuật. Bài viết trao đổi một số nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hiện đại hóa Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật thời kỳ mới. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu; bởi có nhận thức đúng thì hành động mới thống nhất và đem lại chất lượng, hiệu quả cao trong hoạt động thực tiễn. Thực tiễn công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật những năm qua cho thấy, tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, song tư duy, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế, thiếu thống nhất, chưa theo kịp sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ. Do vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác kỹ thuật và công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật thời kỳ mới. Để đạt hiệu quả, từng cơ quan, đơn vị cần đổi mới tư duy, có cách làm sáng tạo; lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên; bố trí thời gian sinh hoạt, học tập chính trị phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Chủ động định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức của bộ đội, giúp cho mọi quân nhân hiểu sâu, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đồng thời, xác định rõ tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tự học tập, tự nghiên cứu; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục biểu hiện tư duy giản đơn, phiến diện, nhận thức lệch lạc do công tác quán triệt, giáo dục không đầy đủ, v.v.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị, bảo đảm sự thống nhất, thiết thực, hiệu quả. Công tác đảng, công tác chính trị nói chung, trong công tác kỹ thuật nói riêng chủ yếu nhằm thực hiện và tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và từng nhiệm vụ; do đó, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này có ý nghĩa rất quan trọng. Để làm được điều đó, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác kỹ thuật; trọng tâm là Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Từ đó xác định chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, chương trình kế hoạch thực hiện công tác đảng, công tác chính trị bảo đảm toàn diện, đồng bộ, khoa học, đúng sự chỉ đạo, định hướng của trên, sát thực tiễn nhiệm vụ công tác kỹ thuật của cơ quan, đơn vị mình. Ở mỗi cấp, phải quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và cá nhân để nêu cao trách nhiệm tổ chức thực hiện; giữ vững sự lãnh đạo tập trung thống nhất, tránh buông lỏng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hoặc “khoán trắng” cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Mọi mặt hoạt động của công tác quan trọng này phải được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất; được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, khi xác định các chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trên từng nội dung, nhiệm vụ công tác kỹ thuật phải rõ phương hướng, yêu cầu nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị. Trong đó, coi trọng định hướng chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực, phát huy tính chủ động sáng tạo của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ công tác kỹ thuật. Thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn thiện, cụ thể hóa các quy chế, quy định liên quan đến công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức, cá nhân. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị; khắc phục tình trạng trùng lặp, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách; phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa các cấp, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là của cán bộ chủ trì, chủ chốt các cơ quan, đơn vị, tạo sự chuyển biến đồng bộ về chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật.

Ba là, luôn bám sát thực tiễn để đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ. Thực hiện giải pháp này, đòi hỏi các tổ chức, lực lượng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị phải luôn bám sát tình hình tư tưởng, hoạt động của bộ đội, yêu cầu nhiệm vụ, những vấn đề tác động đến công tác kỹ thuật,... để đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng; kịp thời định hướng, cổ vũ và phát huy nhân tố tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, ngăn chặn loại bỏ ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ của bộ đội. Quá trình thực hiện, cấp ủy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần nêu cao tinh thần “bảy dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức và chính sách, giữa giáo dục với hành chính, giữa huấn luyện chính trị và quân sự, chuyên môn kỹ thuật, nhất là đối với các đơn vị sau điều chuyển, sáp nhập. Đồng thời, tăng cường giáo dục quan điểm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, ý chí quyết tâm làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho bộ đội.

Bốn là, phát huy vai trò của đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp. Chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật phụ thuộc trước hết vào lòng nhiệt huyết, trách nhiệm và năng lực, nhất là năng lực vận dụng vào giải quyết những tình huống kỹ thuật chuyên ngành của người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và tiến hành. Vì vậy, cấp ủy các cấp thường xuyên coi trọng việc kiện toàn về số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ quan kỹ thuật, làm cơ sở để phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chính trị và bí thư, phó bí thư là cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm có kiến thức toàn diện, nhất là kiến thức chuyên sâu, khả năng vận dụng tổng hợp các hình thức, phương pháp, phương tiện tiến hành công tác đảng, công tác chính trị theo cương vị, chức trách được giao. Trong đó, tập trung bồi dưỡng những nội dung cốt lõi cùng khả năng vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và kỹ năng giáo dục, thuyết phục quần chúng; phương pháp, tác phong công tác sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành. Để đạt hiệu quả, các đơn vị cần phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị trong tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ, từng cán bộ chính trị lập kế hoạch học tập, xác định chỉ tiêu phấn đấu, biện pháp thực hiện; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá, kết hợp với sự kiểm tra giám sát của cấp trên để tự hoàn thiện mình, vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Năm làphát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, phương tiện trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị nói chung, trong công tác kỹ thuật nói riêng. Theo đó, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng và cơ quan chức năng, sử dụng mọi nguồn lực, phương tiện vào tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, nhất là đối với các chuyên ngành, bộ phận kỹ thuật đặc thù; quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, tạo ra phong trào hành động cách mạng sâu rộng, thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, cơ quan tham mưu, hậu cần, kỹ thuật trong đơn vị cùng tham gia tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Quan tâm đảm bảo vật tư, kỹ thuật, kinh phí; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu lý luận về hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị trong công tác kỹ thuật phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị các cấp cần thường xuyên bám sát sự vận động của thực tiễn, sâu sát đơn vị; nắm vững phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu công tác kỹ thuật, nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các giải pháp trên để tiến hành tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Trung tướng TRẦN DUY HƯNG, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.