Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Chủ Nhật, 27/01/2013, 09:40 (GMT+7)
Một số vấn đề cơ bản về nghệ thuật bảo đảm đường cơ động trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Bảo đảm đường cơ động là một trong những nội dung quan trọng của bảo đảm công binh. Trong chiến tranh, đường cơ động có thể quyết định đến sự thành công hay thất bại của hoạt động tác chiến trên chiến trường. Vì thế, nghiên cứu nghệ thuật bảo đảm đường cơ động trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề quan trọng, thiết thực đối với Bộ đội Công binh.

Đặc trưng của tổ chức bảo đảm đường cơ động (BĐĐCĐ) trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, phương tiện công binh và huy động đông đảo các lực lượng khác (binh chủng hợp thành và địa phương) để tổ chức BĐĐCĐ bằng các hình thức phù hợp. Đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp. Bởi lẽ, trong chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến sử dụng vũ khí công nghệ cao, trang bị, khí tài trinh sát hiện đại... là chủ yếu. Trong khi đó, đường cơ động và những hoạt động BĐĐCĐ là những mục tiêu mà địch tăng cường trinh sát và đánh phá. Hơn nữa, yêu cầu công tác BĐĐCĐ phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình tác chiến, kể cả việc bảo đảm cho các lực lượng phát triển chiến đấu, chiến dịch. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ BĐĐCĐ cho các lực lượng trong chiến tranh BVTQ, cần có giải pháp toàn diện, chuyên sâu, cả biện pháp kỹ thuật, chiến thuật và nghệ thuật tổ chức bảo đảm.

Qua khảo cứu việc BĐĐCĐ trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh BVTQ ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, có thể nhận thấy: việc BĐĐCĐ cho tác chiến hình thành và phát triển không đều giữa các vùng chiến lược, giữa các cấp (chiến lược, chiến dịch và chiến thuật). Khi quy mô và hình thức tác chiến thay đổi thì phương pháp, nghệ thuật BĐĐCĐ cũng phải thay đổi và phát triển theo. So với chiến tranh giải phóng và các cuộc chiến tranh trước đây thì chiến tranh BVTQ hiện nay có sự phát triển cả về vũ khí, trang bị, quy mô, tính chất, phương thức và thủ đoạn tác chiến. Vì thế, nghệ thuật BĐĐCĐ cũng cần có sự phát triển phù hợp.

Các chiến sĩ Công binh đảm bảo an toàn cầu phao Chèm
 

  Trong thời bình, chúng ta có điều kiện chuẩn bị trước một phần hệ thống đường cơ động, thông qua sự kết hợp giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh của đất nước và theo phương án, kế hoạch xây dựng các khu vực phòng thủ (tỉnh, huyện). Trong tác chiến chiến lược, chúng ta  tận dụng hệ thống đường có sẵn là chủ yếu; nơi có điều kiện thì kết hợp cả đường bộ lẫn đường thủy. Việc mở đường mới rất hạn chế, chủ yếu trong trường hợp phải mở đường vòng tránh qua khu vực trọng điểm địch đánh phá hoặc mở đường vào trận địa hoả lực, sở chỉ huy, kho trạm hậu cần – kỹ thuật (tiêu chuẩn đường quân sự làm gấp). Vì vậy, trong thời bình, cần tập trung nghiên cứu quy hoạch hệ thống mạng đường theo phương án tác chiến cơ bản; đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ các công trình trên một số trục đường quan trọng để phục vụ cho mục đích quân sự, quốc phòng khi cần thiết. Theo định kỳ, lực lượng công binh trên các hướng chiến lược tổ chức trinh sát, nắm chắc tình hình các trục đường theo phân cấp để có cơ sở bổ sung, điều chỉnh phương án BĐĐCĐ trong chiến tranh. Mặt khác, cần nghiên cứu, sản xuất một số loại vật liệu chế thức và khí tài ngụy trang, nghi trang công trình trên đường; có công nghệ để sẵn sàng sản xuất hàng loạt trong giai đoạn chuẩn bị trực tiếp cho chiến tranh.

 Khi đất nước có chiến tranh, người chỉ huy và cơ quan công binh các cấp cần nắm chắc số lượng, chất lượng từng tuyến đường đã có; căn cứ vào điều kiện địa hình, âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch và phương thức tác chiến, ý định, tổ chức sử dụng, bố trí lực lượng của ta để xác định nội dung, nhiệm vụ tiến hành làm mới hoặc sửa chữa, củng cố hoàn thiện các tuyến đường. Tư tưởng chỉ đạo của nghệ thuật BĐĐCĐ là “Chuẩn bị chu đáo, chỉ huy chặt chẽ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp mở đường và biện pháp thi công làm đường mới; phát huy sức mạnh của các lực lượng, phương tiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến của lực lượng binh chủng hợp thành và các lực lượng khác”. Theo đó, các cấp phải xác định rõ nhiệm vụ và phương pháp BĐĐCĐ ngay từ đầu và triển khai làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là việc xây dựng phương án tổ chức mạng đường cơ động, khai thác vật liệu và bảo đảm phương tiện xe máy, khí tài. Việc tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng BĐĐCĐ phải phù hợp với khối lượng công việc và nhiệm vụ bảo đảm của từng lực lượng khác nhau.

Đối với các lực lượng binh khí kỹ thuật (xe tăng, thiết giáp, xe kéo pháo…), đường cơ động phải có cấu trúc mặt đường phù hợp, có phương án bảo đảm đường dự bị, đường vòng tránh ở các trọng điểm. Chú trọng chuẩn bị cầu quân sự chế thức đi cùng hoặc tổ chức đơn vị công binh chuyên trách làm bến vượt, ngầm để vượt sông. Cùng với phát huy khả năng của lực lượng công binh, trên cơ sở cơ chế được xác định trong Pháp lệnh về Dự bị động viên và quy định của pháp luật, các đơn vị cần phối hợp với địa phương tăng cường huy động vật chất, khí tài tại chỗ để bảo đảm sức sống của tuyến đường.

    BĐĐCĐ của bộ binh tùy thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ, hình thức tác chiến; chủ yếu là huấn luyện cho bộ đội phương pháp trinh sát soi đường, phát tuyến, tạo ra đường để hành quân bộ. Các đơn vị công binh chủ yếu tham gia vào công tác khắc phục vật cản, chuẩn bị trang bị vượt sông nhẹ để bảo đảm cho bộ binh cơ động qua sông, suối.

   Trong quá trình cơ động, các lực lượng cần tăng cường các biện pháp nắm quy luật hoạt động trinh sát, đánh phá của địch trên từng khu vực, nhất là khu vực trọng điểm đánh phá để quyết định thời cơ BĐĐCĐ cho phù hợp; không nhất thiết chỉ cơ động vào ban đêm, có thể lợi dụng cả ban ngày khi có điều kiện. Để BĐĐCĐ thông suốt và cơ động đúng thời cơ, các đơn vị cần hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng phòng không để bảo vệ đường; với lực lượng hoá học để ngụy trang đường bằng màn khói; với lực lượng tác chiến điện tử để chế áp, gây nhiễu, các phương tiện, vũ khí công nghệ cao của địch.

 Trong tác chiến, việc BĐĐCĐ tập trung vào triển khai lực lượng bảo đảm giao thông (BĐGT) là chủ yếu; đồng thời, vẫn phải có lực lượng, phương tiện sẵn sàng mở đường (tuyến đường mới hoặc đường vòng tránh, đường nhánh vào sở chỉ huy và trận địa hoả lực các cấp). Để bảo đảm tác chiến thắng lợi, hệ thống cầu, đường phải được chuẩn bị trước một bước, kể cả khi thời gian chuẩn bị không dài. Mặt khác, do quân địch có phương tiện trinh sát hiện đại, nên yêu cầu phải giữ bí mật về tuyến đường cơ động trong quá trình chuẩn bị và thực hành BĐĐCĐ (cả bảo đảm đường và BĐGT).

Căn cứ vào chiều dài của tuyến đường, khối lượng đất đá, điều kiện địa hình, tình hình địch, khả năng bảo đảm của ta, thời gian và lực lượng thi công để người chỉ huy quyết định một trong các phương pháp BĐĐCĐ sau: rải quân dọc tuyến; thi công cuốn chiếu; thi công đồng loạt; thi công nhảy cóc hoặc phương pháp ém sẵn lực lượng, phương tiện để thi công. Tuỳ theo yêu cầu, nhiệm vụ và khả năng bảo đảm của ta, có thể áp dụng các biện pháp thi công truyền thống, như: bằng nhân lực; nhân lực kết hợp với thuốc nổ; nhân lực, thuốc nổ kết hợp với phương tiện cơ giới. Trong quá trình khôi phục, sửa chữa đường, các đơn vị công binh chủ yếu đảm nhiệm các khu vực phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao, như: khắc phục cầu, ngầm, vị trí bị hư hại nặng... Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, nên làm dứt điểm từng đoạn; ở những nơi trống trải thì chuẩn bị sẵn vật liệu, tập trung thi công vào thời điểm thích hợp để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Trường hợp mở đường mới, cần chú ý giữ hiện trạng của địa vật xung quanh để bảo đảm bí mật và giảm khối lượng ngụy trang. Đối với những đoạn đường gần địch, phải tiến hành từng bước; khi thời gian gấp thì bảo đảm cho xe bánh xích đi trước, sau đó thi công để bảo đảm cho xe cơ giới vượt qua. Trong mọi trường hợp, người chỉ huy phải có biện pháp nắm chắc quy luật hoạt động của địch ảnh hưởng đến tuyến đường và điều kiện địa hình, thời tiết của địa bàn để bố trí thời gian và đội hình thi công linh hoạt, phù hợp.

  Tổ chức BĐGT được tiến hành sau khi hoàn thành việc làm đường, sửa đường. Các đơn vị công binh triển khai một lực lượng trên tuyến đường để bảo đảm cho các đơn vị cơ động vào vị trí tập kết, hành quân di chuyển đội hình, hoặc bảo đảm cho nhu cầu vận chuyển tiếp theo. Một số hình thức BĐGT thường được vận dụng là: chốt chặn trọng điểm giao thông (lực lượng tham gia BĐGT chốt chặn các trọng điểm để bảo đảm đường thông suốt); rải quân kết hợp chốt chặn trọng điểm (lực lượng tham gia BĐGT rải quân dọc trục đường, có trọng điểm để kịp thời khắc phục hậu quả địch đánh phá). Cùng với các hình thức trên, các phân đội công binh còn tổ chức thành đội bảo đảm vận động, nằm cùng đội hình cơ động chiến đấu của các đơn vị binh chủng hợp thành và các đơn vị binh chủng để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, như: khắc phục vật cản, xử lý các sự cố mặt đường, mở đường vòng tránh, làm ngầm, cầu tạm, v.v.

Để BĐGT thông suốt, các đơn vị cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều biện pháp; trong đó, cần chú ý các biện pháp về tổ chức trinh sát nắm địch, tổ chức lực lượng bám trụ ở các trọng điểm giao thông để sửa đường hoặc làm mới… Yêu cầu đặt ra là, nắm chắc tình hình địch, tình hình từng tuyến đường, đoạn đường, cầu cống bị địch gây hư hỏng để có kế hoạch khắc phục kịp thời. Ở những nơi trọng điểm phải có kế hoạch triển khai lực lượng, phương tiện, thuốc nổ và tập kết sẵn vật liệu; dự kiến trước các phương án để khi bị địch đánh phá kịp thời sửa chữa, khắc phục hoặc mở đường vòng tránh, không để ùn tắc.

  Quá trình BĐGT cần hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ, như: lực lượng vũ trang địa phương, giao thông, dân quân, tự vệ, thanh niên xung phong... để có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện và vật chất hậu cần, kỹ thuật cùng BĐGT. Hiệp đồng với lực lượng phòng không các cấp để bảo đảm phòng không; đồng thời, tích cực tổ chức lực lượng để tham gia bắn máy bay bay thấp của địch. Cùng với đó, cần vận dụng các biện pháp ngụy trang, nghi trang công trình để bảo vệ đường và bảo đảm bí mật cho các lực lượng, phương tiện cơ động trên đường.

BĐĐCĐ trong chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng, có yêu cầu rất cao về nghệ thuật; nhất là nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật vận dụng các phương pháp, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật bảo đảm công binh phù hợp với từng hình thức tác chiến của binh chủng hợp thành. Vì thế, cán bộ công binh các cấp cần không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, nắm chắc các yếu tố chi phối đến nhiệm vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp để nâng cao khả năng BĐĐCĐ, góp phần đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong mọi tình huống.

Thiếu tướng PHẠM QUANG XUÂN

Tư lệnh Binh chủng Công binh

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.