Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 08/07/2024, 10:17 (GMT+7)
Một số vấn đề về bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Bảo đảm hóa học là một trong những mặt bảo đảm quan trọng trong tác chiến, nhất là đối với các cuộc chiến tranh hiện đại. Đặc biệt, khi đánh địch đổ bộ đường không chiến lược, nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng và gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, cần được quan tâm, nghiên cứu một cách thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.

Bộ đội hóa học thực hành tiêu tẩy. Ảnh: baoquankhu7.vn

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch có thể tiến hành đổ bộ đường không chiến lược ngay từ đầu hoặc trong suốt quá trình chiến tranh và không loại trừ việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo đó, tình huống địch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ rất phức tạp; nhu cầu bảo đảm phòng hóa rất lớn; trong khi đó, lực lượng hóa học, phương tiện phòng hóa của ta có hạn, phải tiến hành trong điều kiện địch đánh phá ác liệt bằng cả xung lực, hỏa lực và tác chiến điện tử rộng rãi, v.v. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự, vận dụng phương thức tác chiến, tổ chức chỉ huy, bảo đảm, v.v. Trong đó, bảo đảm hóa học là một trong những nội dung quan trọng, nhằm phòng, chống có hiệu quả vũ khí hủy diệt hàng loạt và tham gia đánh địch đổ bộ đường không chiến lược. Để phát huy cao nhất sức mạnh, khả năng bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, người chỉ huy, cơ quan chủ nhiệm, đơn vị hóa học cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

1. Dự đoán, dự toán đúng khả năng, tình huống địch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự cố hóa chất độc, phóng xạ. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng hàng đầu đảm bảo cho người chỉ huy, cơ quan và đơn vị phòng hóa các cấp trong hạ quyết tâm và tiến hành các biện pháp bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược chính xác, hiệu quả. Đặc điểm nổi bật của địch đổ bộ đường không thường bất ngờ về địa điểm, thời gian đổ bộ; hỏa lực chi viện cho đổ bộ mạnh, đặc biệt khi địch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ tạo ra tình huống tác chiến hết sức phức tạp, ác liệt. Mặt khác, trong đánh địch đổ bộ đường không chiến lược, có thể là một chiến dịch và cũng có thể là một số chiến dịch, trận đánh diễn ra đồng thời hoặc kế tiếp nhau, trong không gian rộng, với nhiều hình thức chiến thuật; tình huống tác chiến diễn ra khẩn trương, tính cơ động, biến động rất cao. Vì vậy, để bảo đảm hóa học kịp thời, hiệu quả cho các lực lượng đánh địch ở thời cơ có lợi, đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan chủ nhiệm hóa học các cấp phải nghiên cứu nắm chắc tình hình chiến trường, nhất là tình hình địch về vũ khí hủy diệt hàng loạt, dự báo được mục đích, quy mô lực lượng, phương tiện, loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, khu vực, địa bàn, phương pháp, thủ đoạn sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt của địch, cũng như khả năng xảy ra sự cố hóa chất độc, phóng xạ trên địa bàn; làm cơ sở xây dựng quyết tâm, kế hoạch bảo đảm hóa học và có biện pháp chỉ huy, chỉ đạo thống nhất trong công tác chuẩn bị và thực hành phòng, chống.

Để làm được điều đó, người chỉ huy, cơ quan chủ nhiệm hóa học cần vận dụng linh hoạt các biện pháp thu thập, nghiên cứu, đánh giá khả năng, tình huống địch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo đó, cùng với nắm, đánh giá thông qua các thông báo, chỉ lệnh hóa học của cấp trên, cơ quan chủ nhiệm hóa học cần tổ chức sử dụng, bố trí hệ thống đài quan sát, trinh sát phóng xạ - hóa học phù hợp với địa bàn tác chiến. Đồng thời, có kế hoạch phối hợp với lực lượng quân báo - trinh sát, cơ quan tham mưu các cấp và nhân dân trên địa bàn để nắm, phát hiện chính xác hiện tượng, thời điểm, phương tiện, thủ đoạn sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt của địch. Trên cơ sở đó, dự báo chính xác khả năng địch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt; nhiệm vụ và khả năng bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược; báo cáo, đề đạt các biện pháp bảo đảm hóa học và khắc phục sự cố hóa chất độc - xạ trên địa bàn khoa học, phù hợp.

2. Kết hợp chặt chẽ các lực lượng, phương tiện bảo đảm hóa học trên hướng (khu vực) tác chiến chủ yếu, các chiến dịch, trận đánh và thời cơ quan trọng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong nghệ thuật sử dụng hóa học, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nâng cao hiệu quả, khả năng bảo vệ, phòng hóa cho các lực lượng đánh địch ở những thời điểm quan trọng, thời cơ quyết định. Thông thường khi đổ bộ đường không chiến lược, địch sẽ sử dụng lực lượng ở quy mô lớn (từ một số lữ đoàn đến sư đoàn hoặc hơn), có khả năng vượt trội về lực lượng, phương tiện, linh hoạt về thời gian, khu vực đổ bộ và chủ động trong sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm hóa học, cần triệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ lực lượng, phương tiện hóa học ba thứ quân, thế trận hóa học vững mạnh, rộng khắp trên từng địa bàn, khu vực. Trong đó, lấy lực lượng hóa học cấp chiến lược, chiến dịch làm nòng cốt, lực lượng hóa học các khu vực phòng thủ, dân quân tự vệ phòng hóa kiêm nhiệm và các lực lượng khác làm nền tảng; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm tại chỗ và cơ động, giữa phương tiện, trang bị phòng hóa hiện đại với thô sơ, tự chế. Đặc biệt, để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng bảo đảm, phải nhạy bén, linh hoạt, cân đối xử lý tốt mối quan hệ giữa tập trung và phân tán, cơ động và tại chỗ trên cơ sở nguyên tắc: tập trung thích hợp bảo đảm hóa học cho các đơn vị làm nhiệm vụ tác chiến chủ yếu, trên hướng (khu vực) tác chiến chủ yếu, các chiến dịch, trận đánh then chốt và thời cơ quan trọng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần chủ động, tiến hành đồng bộ các biện pháp bảo đảm, như: triển khai lực lượng, mở sẵn các bãi tiêu tẩy gần các trục đường cơ động chính, lót chất tiêu tẩy gần các bãi mở sẵn để kịp thời tiêu tẩy, vệ sinh toàn bộ cho các đơn vị bị nhiễm độc, nhiễm xạ nặng; tổ chức lực lượng cơ động sẵn sàng cơ động tiêu tẩy cho các đơn vị bị nhiễm; tích cực tham gia phối hợp các lực lượng và nhân dân khắc phục hậu quả sự cố hóa chất độc - xạ xảy ra trên địa bàn,... hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do vũ khí hủy diệt hàng loạt của địch gây ra, duy trì tốt sức chiến đấu của các lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược.

3. Tích cực, chủ động, sáng tạo trong sử dụng màn khói ngụy trang, nghi binh lừa địch; đồng thời, chú trọng phát huy uy lực các loại vũ khí đặc chủng sát thương, tiêu diệt địch. Trong đánh địch đổ bộ đường không chiến lược, sử dụng màn khói ngụy trang, nghi binh là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bảo đảm hóa học, nhằm hạn chế khả năng quan sát bằng mắt thường, khí tài quang học, hồng ngoại...; hạn chế độ chính xác của vũ khí công nghệ cao; che giấu lực lượng, mục tiêu và hành động tác chiến của các lực lượng. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, người chỉ huy, cơ quan, chủ nhiệm hóa học cần bám sát quyết tâm tác chiến đã xác định và các yếu tố có liên quan, xây dựng kế hoạch bảo đảm hóa học khoa học, có tính khả thi cao, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa phòng, chống và chủ động tham gia đánh địch. Để đạt hiệu quả cao, quá trình triển khai, cơ quan, chủ nhiệm hóa học cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với đơn vị được ngụy trang, nghi binh và lực lượng vũ trang địa phương tại chỗ thực hiện nhiệm vụ sử dụng màn khói ngụy trang, nghi binh; kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng màn khói ngụy trang với sử dụng màn khói nghi binh, xây dựng các mô hình, trận địa pháo binh, tên lửa giả, hoạt động nghi binh của các lực lượng khác để nghi binh lừa địch, tạo “giả” như “thật”,... làm cho địch khó phán đoán, dẫn tới sai lầm, bộc lộ nhiều sơ hở, buộc phải đánh theo cách đánh của ta; đồng thời, tuyệt đối không làm lộ mục tiêu và ý định tác chiến.

Cùng với sử dụng màn khói, lực lượng hóa học cần chú trọng phối hợp với các lực lượng sử dụng vũ khí đặc chủng tập kích tiêu diệt các mục tiêu: khu tập trung bộ binh - xe tăng, cụm hỏa lực, máy bay đổ quân trên mặt đất, sở chỉ huy của địch, v.v. Tuy nhiên, vũ khí đặc chủng hóa học thường có tầm bắn hiệu quả ngắn, khi khai hỏa dễ bị địch trinh sát, phát hiện và tiêu diệt. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng, người chỉ huy, cơ quan, đơn vị hóa học cần triệt để dựa vào thế hiểm của địa hình, công sự trận địa làm sẵn để bố trí, sử dụng vũ khí đặc chủng; ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng (khu vực) tác chiến chủ yếu, các chiến dịch, trận đánh then chốt, then chốt quyết định. Đồng thời, cần có biện pháp giữ bí mật, bảo đảm an toàn, sử dụng đúng thời cơ, phát huy thế mạnh của vũ khí đặc chủng.

4. Làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật phòng hóa cho các lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược. Trong tác chiến chiến lược nói chung, đánh địch đổ bộ đường không chiến lược nói riêng thường diễn ra trên địa bàn rộng, thời gian tương đối dài, nhiệm vụ nhiều, tình huống địch tập kích vũ khí hủy diệt hàng loạt diễn biến nhanh, khẩn trương và ác liệt; các lực lượng thường đã trải qua các giai đoạn tác chiến trước đó; vừa phải đánh địch tiến công đường bộ, vu hồi và đánh địch đổ bộ đường không chiến lược; lượng tiêu hao vật chất, trang bị cũng nh­ư nhu cầu bảo đảm hóa học lớn. Bên cạnh đó, hoạt động bảo đảm hóa học luôn gắn liền với các loại khí tài phòng hóa, hoạt động trong môi trường độc hại, trang bị kỹ thuật hóa học là các loại đặc chủng, nhiều chủng loại, yêu cầu bảo đảm đúng, đủ, đồng bộ. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm hóa học cho các lực lượng đánh địch, người chỉ huy, cơ quan chủ nhiệm, đơn vị hóa học cần có kế hoạch bảo đảm trang bị kỹ thuật hóa học chặt chẽ, chu đáo, kịp thời trong mọi tình huống, nhất là các lực lượng trên hướng (khu vực) tác chiến chủ yếu, các chiến dịch, trận đánh then chốt, then chốt quyết định. Thực hiện điều đó, cơ quan, chủ nhiệm, đơn vị hóa học cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh lắp đặt khí tài phòng hóa tập thể cho các sở chỉ huy, hầm phẫu, v.v. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng hệ thống hầm phòng hóa, giao thông hào có nắp che trong hệ thống công sự chiến đấu; tổ chức hệ thống các kho, trạm, khu vực tập trung vật chất, trang bị kỹ thuật hóa học phù hợp; kết hợp chặt chẽ các phương tiện vận tải để cơ động bảo đảm trang bị kỹ thuật hóa học đ­­ược liên tục, nhanh, kịp thời. Chuẩn bị đủ trang bị kỹ thuật hóa học và có lượng dự trữ, bổ sung xử trí các tình huống tác chiến trong đánh địch đổ bộ đường không chiến lược. Cùng với đó, các đơn vị hóa học cần tích cực, chủ động khai thác, sử dụng vũ khí thu được của địch để đánh địch; thu thập các bằng chứng địch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt phục vụ đấu tranh ngoại giao, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, v.v.

Bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ nặng nề, đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu một cách thấu đáo, phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại và sự phát triển của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS. VŨ VĂN NĂM, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng hóa

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.