Thứ Năm, 21/11/2024, 00:43 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Để đánh bại các biện pháp, thủ đoạn tác chiến của địch trong tác chiến phòng thủ quân khu, đòi hỏi người chỉ huy (tư lệnh) và cơ quan quân khu (chiến trường) phải tổ chức tốt các hoạt động tác chiến theo quyết tâm, kế hoạch đã xác định; trong đó, giải quyết tốt trận then chốt tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến dịch có vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy tác chiến phòng thủ quân khu phát triển theo hướng có lợi, giành thắng lợi quyết định.
Tác chiến phòng thủ quân khu là hoạt động tác chiến mang tính tổng hợp cao, tiến hành trên nền tảng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố, được xây dựng, chuẩn bị từ thời bình, nhằm đánh bại âm mưu, thủ đoạn, biện pháp tác chiến của địch, ngăn chặn, đẩy lùi các hướng tiến công vào địa bàn quân khu, nên giữ vị trí quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình tác chiến, quân khu có thể mở các loại hình tác chiến chiến dịch, vận dụng linh hoạt hình thức chiến thuật, đợt hoạt động tác chiến để đánh bại các đợt tiến công của địch, trong đó có trận then chốt đánh địch đổ bộ đường không.
Về đối tượng tác chiến, dự báo khi tiến công vào địa bàn quân khu lực lượng địch có thể là cụm tác chiến liên hợp, nòng cốt là các lữ đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới, 01 sư đoàn hải quân đánh bộ và từ 01 đến 02 lữ đoàn đổ bộ đường không, sử dụng vũ khí công nghệ cao, trang bị hiện đại, được hỏa lực không quân, pháo binh, tên lửa chi viện. Về thủ đoạn và phương pháp tiến công, địch có thể sử dụng lực lượng lấn chiếm biên giới, tiến công hỏa lực, tiến công đường bộ kết hợp đổ bộ đường không và bạo loạn vũ trang từ bên trong; trong đó, đổ bộ đường không sẽ được chúng vận dụng linh hoạt, rộng rãi, thực hiện mưu đồ phối hợp cùng các lực lượng phá vỡ thế trận phòng thủ, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong chiều sâu phòng thủ của quân khu.
Về ta, lực lượng vũ trang các quân khu có sự phát triển cả về tổ chức, biên chế cũng như trình độ tác chiến; được huấn luyện cơ bản, tổ chức diễn tập ở các cấp độ, quy mô, loại hình tác chiến khác nhau, trong đó có đánh địch đổ bộ đường không. Tuy nhiên, kinh nghiệm đánh địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ, nhất là trong điều kiện địch sử dụng vũ khí, phương tiện công nghệ cao chưa nhiều. Vì vậy, để giành thắng lợi trong tác chiến phòng thủ nói chung, đánh địch đổ bộ đường không nói riêng, người chỉ huy (tư lệnh) và cơ quan quân khu cần giải quyết nhiều vấn đề tác chiến chiến dịch; trong đó có trận then chốt tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến dịch; thắng lợi của trận then chốt này sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động tác chiến phòng thủ quân khu phát triển, bảo vệ vững chắc địa bàn. Phạm vi bài viết bàn về trận then chốt đánh địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ quân khu để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Trước hết, tạo thế đánh địch hiểm hóc, liên hoàn, có thế khống chế, bao vây, chia cắt để buộc địch phải đổ quân vào khu vực dự kiến. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình và từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gần đây cho thấy, khi thực hành tiến công vào địa bàn quân khu, địch sẽ sử dụng nhiều biện pháp tác chiến hòng đánh nhanh, giải quyết nhanh. Tuy nhiên, do phần lớn các quân khu không chỉ có phạm vi rộng, địa hình hiểm trở, bị chia cắt lớn,... mà còn có thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, rộng khắp, nên nhiều khả năng địch sử dụng biện pháp đổ bộ đường không chiến dịch để hỗ trợ cho lực lượng tiến công đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong chiều sâu phòng thủ của các quân khu. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các quân khu là phải khống chế, ngăn chặn, tiêu diệt được địch đổ bộ đường không, tạo tiền đề để các lực lượng cơ động chiến dịch đánh bại các đợt tiến công của địch. Để làm được điều đó, trước hết người chỉ huy và cơ quan quân khu cần chỉ đạo các đơn vị, nhất là lực lượng đánh địch đổ bộ đường không xây dựng các phương án tác chiến hợp lý, tạo lập thế trận hiểm hóc, liên hoàn, có thể chủ động khống chế, chia cắt địch ngay từ đầu, kết hợp với nghi binh, lừa địch, buộc chúng phải đổ quân xuống khu vực mà ta đã dự kiến.
Với quân khu có địa hình rừng núi, người chỉ huy và cơ quan cần dự kiến chính xác đường bay, hướng bay và khu vực bãi đổ của địch; nắm chắc lực lượng, phương tiện và ý định của chúng, từ đó chỉ huy các đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương và đơn vị phòng không đứng chân trên địa bàn, chiếm lĩnh các điểm cao có giá trị, hình thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, khống chế đường bay, triển khai các hoạt động nghi binh, tạo thế để buộc địch phải đổ quân theo ý định của ta. Trường hợp địch không đổ bộ vào nơi ta đã chuẩn bị, phải nhanh chóng chỉ huy các đơn vị cơ động đẩy mạnh hoạt động tác chiến; sử dụng lực lượng tại các điểm cao khống chế khu vực địa hình có giá trị, không cho địch đổ quân ồ ạt, buộc chúng phải kéo dài thời gian đổ quân, tạo thời cơ cho các lực lượng bước vào chiến đấu. Cùng với đó, chỉ huy các đơn vị chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đánh mạnh vào bên sườn, phía sau đội hình tiến công đường bộ cũng như lực lượng bạo loạn vũ trang để chúng không thể hỗ trợ được lực lượng đổ bộ. Các đơn vị trực tiếp đánh địch đổ bộ nhanh chóng bao vây bãi đổ, thực hiện chia cắt địch giữa trên không với mặt đất, giữa các thành phần đổ bộ với nhau, giữa sở chỉ huy lữ đoàn đổ bộ với các phân đội địch,... để nhanh chóng tiêu diệt địch đổ bộ đường không.
Với quân khu có biển và đồng bằng, cần hình thành thế đánh địch liên hoàn, rộng khắp; dựa vào thế trận làng, xã chiến đấu, chia cắt lực lượng đổ bộ đường biển, tiến công đường bộ với đổ bộ đường không; khống chế, bao vây, chia cắt địch trên các bãi đổ bộ, khiến chúng không thể triển khai đội hình chiến đấu. Quá trình tạo lập thế trận phải bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, bởi nếu để địch phát hiện, ta không chỉ bị địch đánh phá, sát thương, mà còn bị lộ ý định tác chiến, khi đó việc tạo lập thế đánh trận then chốt tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến dịch sẽ gặp khó khăn.
Hai là, tạo và nắm chắc thời cơ đánh địch. Trong tác chiến, thời cơ có vai trò đặc biệt quan trọng; là yếu tố quyết định thắng lợi của chiến dịch hoặc trận đánh cụ thể. Thời cơ có thể do ta tạo ra, nhưng cũng có thể do sai lầm của địch trong tác chiến mà ta cần tận dụng. Đối với đánh địch đổ bộ đường không, thời cơ tốt nhất để tiến công là khi địch đang đổ quân hoặc mới đổ bộ, chưa ổn định đội hình hay đổ được một phần lực lượng (có sở chỉ huy lữ đoàn); lực lượng của ta đã tạo được thế ngăn chặn, bao vây, chia cắt từng bãi đổ bộ; lực lượng cơ động đã có chuẩn bị trước, sẵn sàng bước vào tác chiến. Muốn vậy, người chỉ huy và cơ quan phải chú trọng nghiên cứu, đánh giá, kết luận chính xác tình hình, dự kiến đúng hoạt động địch đổ bộ đường không; có kế hoạch tổ chức lực lượng trinh sát, bám nắm địch liên tục, cả ban ngày và ban đêm trên các khu vực; tập trung vào hướng, khu vực chủ yếu dự kiến địch sẽ đổ bộ. Khi tổ chức trinh sát, phải nắm chắc vị trí, số lượng địch trong từng bãi đổ quân, vũ khí, trang bị; kết hợp trinh sát nắm địch với thực hiện các biện pháp phòng, chống địch trinh sát, không để lộ ý định tiến công của ta.
Cùng với đó, chỉ huy lực lượng cơ động của quân khu phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Bộ đẩy mạnh tiến công địch trên các hướng, bao vây chủ lực địch, buộc chúng phải đổ bộ đường không để chi viện đối phó - tạo thời cơ đánh địch. Khi thời cơ xuất hiện, người chỉ huy và cơ quan phải nhanh chóng nắm tình hình, hạ quyết tâm kịp thời, chính xác, không để bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ. Trong trường hợp các yếu tố bảo đảm cho thời cơ xuất hiện chưa đầy đủ, người chỉ huy và cơ quan vẫn có thể hạ quyết tâm chiến đấu, nếu nhận thấy các lực lượng cơ động có thể giành thắng lợi trận then chốt đánh địch đổ bộ đường không. Bên cạnh đó, người chỉ huy phải nắm chắc thời cơ cơ động lực lượng, bởi đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến kết quả của trận then chốt đánh địch đổ bộ đường không chiến dịch. Nếu cơ động đúng thời cơ sẽ tiêu diệt lớn lực lượng địch, tạo đột biến thúc đẩy chiến dịch phát triển; nếu cơ động quá sớm, địch sẽ phát hiện được ý định tác chiến của ta, nếu cơ động muộn sẽ bỏ lỡ thời cơ tốt nhất tiêu diệt địch.
Ba là, sử dụng lực lượng đánh địch đổ bộ đường không hợp lý. Với ý đồ hỗ trợ lực lượng tiến công đường bộ, đường biển, hỗ trợ lực lượng bạo loạn bên trong hoặc đánh chiếm các mục tiêu trong khu vực phòng thủ quân khu, địch có thể tổ chức đổ bộ đường không khoảng 01 lữ đoàn hoặc 01 lữ đoàn tăng cường (bộ binh hoặc kị binh đường không), được trang bị binh khí kỹ thuật hiện đại, phương tiện gọn nhẹ và được hỏa lực không quân, pháo binh, tên lửa chi viện đắc lực. Mặt khác, địch đổ bộ đường không thường có tính biến động, bất ngờ cao, tình huống diễn biến khẩn trương, phức tạp và chúng thường dùng hỏa lực pháo binh, không quân đánh phá “dọn bãi” trước khi đổ bộ. Vì vậy, vấn đề quan trọng trong sử dụng lực lượng đánh trận then chốt tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến dịch là bảo đảm đủ sức tiêu diệt địch ở thời cơ có lợi nhất. Muốn vậy, người chỉ huy và cơ quan quân khu cần tổ chức lực lượng đánh địch đổ bộ đường không gồm nhiều thành phần, như: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, các binh chủng chiến đấu…; trong đó, bộ đội chủ lực giữ vai trò nòng cốt. Lực lượng này cần được tổ chức ngay từ đầu chiến dịch, có lực lượng dự bị và bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ.
Về quy mô, có thể sử dụng lực lượng khoảng 01 sư đoàn bộ binh kết hợp với lực lượng của một số binh chủng chiến đấu và bộ đội địa phương trên địa bàn tác chiến. Khi tổ chức, phải căn cứ vào tình trạng tâm lý và sức khỏe của bộ đội, sở trường, sở đoản cũng như khả năng cơ động của từng đơn vị; phát huy sức mạnh của lực lượng tăng cường, phối thuộc và các đơn vị bạn để thực hiện trận then chốt tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến dịch. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trận then chốt tiêu diệt địch đổ bộ đường không trong Chiến dịch Plây Me (từ 19/10 đến 26/11/1965) tại thung lũng Ia-Đrăng là một điển hình về nghệ thuật đánh địch ở trạng thái đặc thù này. Bằng nghệ thuật tạo lập thế trận, ta đã buộc địch phải đổ quân xuống đúng khu vực dự kiến; cùng với việc chuẩn bị kỹ về lực lượng và thế trận, nên khi địch đổ quân xuống thung lũng Ia-Đrăng, ta đã tiêu diệt gọn gần một tiểu đoàn.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến sẽ sử dụng vũ khí có độ chính xác cao, khả năng sát thương lớn, phương thức tác chiến hiện đại, sức cơ động nhanh, v.v. Để giành thắng lợi trận then chốt đánh địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ quân khu, góp phần thúc đẩy các hoạt động tác chiến chiến dịch phát triển theo hướng có lợi, người chỉ huy và cơ quan quân khu phải nắm chắc các nguyên tắc tác chiến chiến lược, giải quyết hiệu quả các vấn đề về đánh địch đổ bộ đường không một cách linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với hình thái địch, ta và môi trường tác chiến.
Thượng tá, TS. LÊ QUỐC HUY, Trường Sĩ quan Lục quân 1
trận then chốt,địch đổ bộ đường không chiến dịch,tác chiến phòng thủ quân khu,nắm chắc thời cơ,bao vây,chia cắt
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc