Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 31/07/2024, 15:45 (GMT+7)
Bàn về công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới trong Quân đội

Thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” tiến lên hiện đại, cùng với điều chỉnh về tổ chức, Quân đội đã và đang được tăng cường nhiều loại trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại và sự xuất hiện của các loại trang bị kỹ thuật này sẽ tác động rất lớn đến công tác kỹ thuật, đặc biệt là về bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Đây là nội dung đặt ra bức thiết cần được quan tâm, nghiên cứu.

Hiện nay, dưới tác động nhiều chiều của tình hình thế giới và từng khu vực, việc trang bị kỹ thuật thế hệ mới cho quân đội đã, đang được nhiều nước quan tâm và trở thành một xu thế. Đây chủ yếu là trang bị kỹ thuật truyền thống được tích hợp dưới dạng mô-đun bảo mật những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ cao (còn gọi là trang bị kỹ thuật công nghệ cao), bao gồm: công nghệ điện tử, công nghệ điều khiển - tự động hóa, công nghệ thông tin, vật liệu mới,... nhằm nâng cao độ chính xác, tầm xa hoạt động, cũng như khả năng hoạt động trong điều kiện môi trường phức tạp cả ngày và đêm. Đặc biệt, với sự phát triển vượt trội về tính năng kỹ thuật, chiến thuật và những thay đổi về công nghệ chế tạo của trang bị kỹ thuật thế hệ mới đã mở ra hướng phát triển các phương thức tác chiến mới, kèm theo đó là yêu cầu thay đổi về tổ chức và phương thức bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật của quân đội các nước.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Quân chủng Phòng không - Không quân luôn được bảo đảm kỹ thuật tốt, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: qdnd.vn

Đối với Quân đội ta, việc đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng ngày càng nhiều trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, nhất là các quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại đã tác động rất lớn đến công tác tổ chức và phương thức bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới, bài viết xin trao đổi một số nội dung chủ yếu sau:

1. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung tổ chức ngành Kỹ thuật bảo đảm đủ khả năng quản lý, khai thác, làm chủ trang bị kỹ thuật thế hệ mới

Thực tế trang bị kỹ thuật hiện nay làm nảy sinh nhiều vấn đề trong công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật nếu giữ nguyên tổ chức ngành Kỹ thuật Quân đội như trước đây. Đặc biệt, việc phân định chuyên ngành kỹ thuật (yếu tố cơ bản trong tổ chức ngành Kỹ thuật) theo đặc điểm hành chính quân chủng, binh chủng, ngành quân sự sẽ gây ra sự trùng lặp về công nghệ giữa các chuyên ngành (như trang bị tên lửa, rađa, tàu thuyền, điện tử, thu phát,… cùng có ở nhiều quân, binh chủng), dẫn đến tổ chức hệ thống cơ quan và cơ sở kỹ thuật ở cả 3 cấp (chiến lược, chiến dịch và chiến thuật) rất cồng kềnh, phân tán. Bên cạnh đó, trang bị thế hệ mới, hiện đại thuộc các ngành Tham mưu (trang bị thao trường, mô phỏng), Chính trị (trang bị phát thanh, truyền hình, in ấn), Hậu cần (quân nhu, xăng dầu, quân y) không được coi là trang bị kỹ thuật nên không tận dụng được năng lực bảo đảm kỹ thuật của Quân đội. Khắc phục những bất cập này, việc tổ chức các chuyên ngành kỹ thuật theo công nghệ chế tạo của trang bị kỹ thuật là giải pháp cần cân nhắc, bởi đây là phương án mà các nước phát triển đã thực hiện và mang lại những hiệu quả thiết thực, với những ưu điểm nổi trội. Trước hết, phương án này đáp ứng được đặc điểm tích hợp công nghệ tương đương trong trang bị thế hệ mới, không phân biệt trang bị được sử dụng trong tổ chức hành chính nào, từ đó, khắc phục được tình trạng phân tán, trùng lặp về tổ chức. Hai là, tối ưu về nguồn lực đầu tư, tập trung nâng cao khả năng công nghệ cho các cơ sở kỹ thuật có cùng công nghệ để bảo đảm cho trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Ba là, các chuyên ngành theo công nghệ chế tạo sẽ hỗ trợ công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật đối với mọi loại trang bị kỹ thuật thế hệ mới có cùng công nghệ, kể cả của các ngành Tham mưu, Chính trị, Hậu cần lâu nay vẫn phụ thuộc vào nhà sản xuất. Song, quan trọng hơn cả, tổ chức chuyên ngành kỹ thuật theo công nghệ chế tạo sẽ đáp ứng nhanh, hiệu quả công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho Quân đội trong chiến tranh công nghệ cao do khả năng tập trung cao khả năng, năng lực về công nghệ của phương án này.

Để tổ chức chuyên ngành kỹ thuật theo công nghệ chế tạo trang bị kỹ thuật, trước hết cần xác định nhóm công nghệ tương đồng để đưa vào cùng một chuyên ngành. Trên cơ sở đó, rà soát, điều chỉnh, xây dựng các cơ quan và cơ sở kỹ thuật chuyên ngành tập trung tại cơ quan kỹ thuật (cơ quan hậu cần - kỹ thuật) của mỗi cấp. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các cơ quan chuyên ngành kỹ thuật mới sẽ phải gắn kết chặt chẽ với nhiều đầu mối hành chính quân sự (quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn) để triển khai các mặt công tác kỹ thuật, nhất là các mặt có liên quan đến hoạt động của cơ quan chỉ huy, như: bảo đảm trang bị, khai thác làm chủ, huấn luyện, sử dụng, động viên trang bị thế hệ mới. Đây là việc “bất khả thi” với tổ chức chuyên ngành kỹ thuật trước đây; vì vậy, cần có sự điều chỉnh, bổ sung một số chức năng, mối quan hệ công tác giữa cơ quan kỹ thuật và cơ quan tham mưu ở các cấp. Cùng với đó, trong tổ chức các chuyên ngành kỹ thuật theo phương án mới, cần xây dựng, phát triển các trung tâm công nghệ cao đầu ngành và chuyên ngành mũi nhọn để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác làm chủ các công nghệ đặc trưng trên trang bị kỹ thuật thế hệ mới mà nhà sản xuất không cung cấp tài liệu công nghệ, mã nguồn. Trước mắt, có thể tái cấu trúc và bổ sung các trang, thiết bị công nghệ đối với một số viện, trung tâm nghiên cứu hiện có gắn với bổ sung chức năng, nhiệm vụ để nhanh chóng làm chủ các trang bị kỹ thuật thế hệ mới đã được biên chế trong Quân đội.

2. Đổi mới tư duy tổ chức công nghiệp quốc phòng, tập trung nâng cao tiềm lực kỹ thuật - công nghệ điện tử ở cấp chiến lược nhằm chủ động và từng bước tự chủ trong bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật đối với trang bị kỹ thuật thế hệ mới

Để công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới được thực hiện chủ động, bền vững và hiệu quả lâu dài, cần thiết phải tập trung nâng cao tiềm lực kỹ thuật - công nghệ hiện đại của ngành kỹ thuật ở cấp chiến lược. Thực hiện nội dung này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, nòng cốt là ngành Kỹ thuật Quân đội và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; trong đó, cần đổi mới tư duy tổ chức công nghiệp quốc phòng trong thời kỳ mới với trọng tâm là phát triển mạnh mẽ công nghiệp điện tử làm nền tảng để xây dựng công nghiệp quốc phòng “tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”. Theo đó, về tư duy tổ chức, cần quy hoạch hệ thống nhà máy sản xuất, sửa chữa gắn kết chặt chẽ với hệ thống viện nghiên cứu, hệ thống trung tâm công nghệ cao để thực hiện chủ động và hiệu quả nhiệm vụ khai thác, làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực sửa chữa lớn, cũng như cải tiến, thiết kế, chế thử và chế tạo, tiến tới tự lực sản xuất vật tư, trang bị kỹ thuật công nghệ cao bảo đảm đồng bộ. Trước mắt, cần rà soát, cơ cấu lại hệ thống các nhà máy sản xuất, sửa chữa lớn trang bị kỹ thuật hiện có theo nhiệm vụ, ngành nghề và vùng miền. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, quy mô, cơ chế quản lý, đặt hàng và hoạt động phù hợp, bảo đảm tập trung, thống nhất về quản lý nhà nước, song tự chủ về tài chính của các cơ sở; phát huy được vai trò, trách nhiệm và sự tham gia tích cực, hiệu quả của các thành phần kinh tế nhằm phát huy tiềm năng công nghiệp quốc gia và hợp tác quốc tế. Về kỹ thuật - công nghệ, cần tăng cường đầu tư vốn và trang thiết bị công nghệ ngành điện tử cho nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác làm chủ, cải tiến, hiện đại hóa và sản xuất vật tư kỹ thuật; hình thành tập đoàn công nghệ điện tử quân sự mạnh, có trình độ tiên tiến và là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đây là tiền đề cho phép chủ động, tự chủ trong sản xuất trang bị công nghệ cao trong các năm tiếp theo.

3. Đổi mới phương thức bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới gắn với các yêu cầu tác chiến ở cấp chiến dịch, chiến thuật

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), việc sử dụng vũ khí công nghệ cao sẽ diễn ra phổ biến và đặt ra các yêu cầu cao về tác chiến đồng bộ, khẩn trương, lấy tác chiến mạng làm trung tâm, đòi hỏi công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật ở cấp chiến dịch, chiến thuật phải theo sát và đáp ứng kịp thời. Để đáp ứng yêu cầu đó, cùng với điều chỉnh tổ chức ngành kỹ thuật ở khối các đơn vị cấp chiến dịch, chiến thuật, cần chú trọng đổi mới phương thức quản lý và tổ chức bảo đảm cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Đối với công tác bảo đảm trang bị, cần tăng cường vai trò các đầu chuyên ngành kỹ thuật (sau khi điều chỉnh phân định chuyên ngành) và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao được tham gia trong các dự án mua sắm và sản xuất. Nghiên cứu và từng bước áp dụng phương thức quản lý và bảo đảm cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới theo vòng đời, nhằm chủ động lập kế hoạch và tổ chức bảo đảm ngay từ thời bình, sẵn sàng chuyển trạng thái chiến đấu khi có tình huống. Có thể áp dụng gói bảo trì trọn đời hoặc theo giai đoạn khi mua sắm trang bị đối với một số loại trang bị kỹ thuật có vòng đời không lớn, số lượng không nhiều và công tác bảo đảm ít bị ảnh hưởng trong chiến tranh. Với bảo đảm kỹ thuật cho trang bị cần thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa trang bị theo hướng “lưỡng dụng” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các trung tâm công nghệ cao quốc gia và các cơ sở điện tử trong khu vực phòng thủ. Để đạt hiệu quả cao, cần khảo sát, đánh giá tổng thể các yếu tố, nhất là khả năng ký hợp đồng liên kết cung cấp tài liệu công nghệ, bảo đảm vật tư kỹ thuật, cũng như năng lực bảo đảm kỹ thuật của các đơn vị này. Trên cơ sở đó, nghiên cứu điều chỉnh, phân công, phân cấp bảo đảm theo hướng tăng cường phân cấp sửa chữa lớn thay thế cụm đối với trang bị truyền thống cho cấp chiến dịch và sửa chữa vừa thay thế cụm cho cấp chiến thuật nhằm giúp cấp chiến lược tập trung vào nhiệm vụ sửa chữa lớn trang bị kỹ thuật công nghệ cao và sản xuất vật tư kỹ thuật cấp cho cấp dưới. Đồng thời, tăng cường các loại linh kiện và các tài liệu kỹ thuật công nghệ; đầu tư các thiết bị chẩn đoán kỹ thuật, phát hiện hỏng hóc, các giá thử kiểm tra chức năng, đánh giá chất lượng kỹ thuật,… giúp cơ sở sửa chữa cấp chiến dịch, chiến thuật nhanh chóng quy vùng hỏng hóc, kịp thời khắc phục theo phân cấp.

4. Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ trình độ, năng lực bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới

Bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới là nhiệm vụ hết sức phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật - lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia thực hiện vừa phải có phẩm chất đạo đức tốt, vừa phải có năng lực, trình độ và tác phong công tác “khoa học, cụ thể, tỉ mỉ” đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm theo phân cấp, nhất là những yêu cầu khắt khe trong quy trình bảo dưỡng, sửa chữa. Để làm được điều đó, cùng với làm tốt công tác quy hoạch, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo đội ngũ này theo hướng “chuẩn hóa” về trình độ và theo “tiêu chí” của từng vị trí, chức danh tổ chức chuyên ngành kỹ thuật mới. Muốn vậy, cùng với coi trọng hợp tác, liên kết đào tạo ở nước ngoài các chuyên ngành công nghệ lõi, công nghệ mũi nhọn đặc thù cần phát huy vai trò của hệ thống các học viện, nhà trường có thế mạnh về lĩnh vực công nghệ cao trong và ngoài Quân đội để đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Theo đó, cùng với bổ sung, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo kỹ sư quân sự công nghệ cao trong các nhà trường Quân đội, cần tăng cường tổ chức liên kết với các cơ sở đào tạo có thế mạnh về công nghệ cao ngoài Quân đội; trong đó, cần chú trọng nghiên cứu, áp dụng mô hình đào tạo theo nhu cầu có sự “kết hợp tay ba” giữa trường đại học - doanh nghiệp - viện nghiên cứu. Trước mắt, đối với Học viện Kỹ thuật quân sự, cần sớm được giao nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Công nghệ cao làm cơ sở nghiên cứu cho đội ngũ giáo viên, cơ sở đào tạo thực hành cho sĩ quan tương lai và đào tạo nhân viên kỹ thuật trình độ đại học liên quan khai thác trang bị công nghệ cao(mô hình này đã và đang được ngành Y tế áp dụng có hiệu quả). Trung tâm công nghệ cao thuộc Học viện có thể được giao nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho các loại trang bị kỹ thuật công nghệ cao của các ngành Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Quân y toàn quân; là nơi có đủ điều kiện, cơ sở đồng bộ để đào tạo và xây dựng đội ngũ công trình sư (tổng công trình sư quân sự), cũng như cung cấp lực lượng tham gia vào các dự án chuyển giao công nghệ, mua sắm, sản xuất vật tư kỹ thuật, sản xuất trang bị kỹ thuật công nghệ cao.

Bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật mới trong Quân đội là vấn đề rất quan trọng trong tiến trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Việc đề xuất điều chỉnh tổ chức ngành Kỹ thuật, thay đổi phương thức bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới trong điều kiện Quân đội đang thực hiện sáp nhập cơ quan Hậu cần - Kỹ thuật ở cả 3 cấp là những vấn đề lớn, phức tạp cần tiếp tục được quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính khoa học, khả thi, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới./.

Thiếu tướng, PGS, TS. PHẠM DŨNG TIẾN

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.