Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 19/08/2024, 05:33 (GMT+7)
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới

Nhằm thực hiện tốt vai trò là lực lượng chủ công, xung kích trong tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội trong thời kỳ mới, các doanh nghiệp Quân đội đã, đang triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tạo sự đột phá đổi mới về mô hình tổ chức, hoạt động. Trong đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp là một trong những vấn đề cốt lõi, có tính cấp thiết.

Quang cảnh Hội nghị giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ năm 2022. Ảnh: qdnd.vn

Quản trị doanh nghiệp là khái niệm có nội hàm rộng, bao gồm tổng thể các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất,… của chủ thể quản trị (cơ quan chủ quản, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp) tiến hành trên các lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu doanh nghiệp đặt ra. Đây là nội dung rất quan trọng, trực tiếp thúc đẩy năng lực sản xuất, khả năng sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp Quân đội, do tính chất, yêu cầu nhiệm vụ có tính đặc thù cao, nên công tác quản trị doanh nghiệp càng có vị trí, vai trò quan trọng, đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, cả về hiệu quả kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp, công tác quản trị trong các doanh nghiệp Quân đội có nhiều bước tiến mới, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống quy chế, quy định về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phân cấp, phân quyền được bổ sung, hoàn thiện. Nhiều tồn tại, bất cập, “nút thắt” trong quản lý, quản trị doanh nghiệp được tháo gỡ. Các doanh nghiệp Quân đội tích cực ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào quản trị, nhất là trong quản trị nguồn nhân lực, tài chính, đầu tư, quản trị các dự án, v.v. Một số doanh nghiệp đã tiên phong xây dựng, thực hiện có hiệu quả mô hình quản trị hiện đại. Nhờ đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị nên mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới; chiến tranh thương mại, xung đột quân sự,... làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng đa số doanh nghiệp Quân đội chủ động thích ứng, giữ được ổn định và có sự phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư. Qua đó, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Quân đội đối với sự phát triển chung của đất nước, trở thành lực lượng quan trọng để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, v.v.

Bên cạnh kết quả đạt được, những hạn chế về công tác quản trị của một số doanh nghiệp Quân đội được thể hiện rõ ở trình độ trong định hướng xây dựng chiến lược và quá trình chỉ đạo, chỉ huy, điều hành sản xuất kinh doanh. Việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới kỹ thuật, công nghệ còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng. Công tác quản lý tài chính, kiểm tra, giám sát,... còn có sơ hở, chưa thật đầy đủ, cụ thể, hiệu quả chưa cao, v.v. Nguyên nhân của hạn chế nêu trên chủ yếu là do một số chính sách, cơ chế quản trị chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với đặc thù kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Mặt khác, một số cán bộ quản lý doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại, tâm lý ngại đổi mới, ngại thay đổi,… dẫn đến chậm thích ứng, chưa bắt kịp yêu cầu phát triển. Trong khi đó, việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đã, đang là vấn đề cấp thiết, với những yêu cầu rất cao, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại và mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, cũng như xu thế kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,… diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, cùng với đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại, các doanh nghiệp Quân đội cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tạo môi trường, động lực để phát triển. Phạm vi bài viết, chúng tôi đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp Quân đội. Đây là vấn đề quan trọng đảm bảo cho công tác quản trị doanh nghiệp Quân đội được thực hiện bài bản, đúng hướng và đạt hiệu quả cao. Các đơn vị chủ quản, doanh nghiệp Quân đội, trước hết là cấp ủy, ban lãnh đạo, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên các doanh nghiệp cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò quan trọng của công tác quản trị đối với sự tồn tại, phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt là bảo đảm cho thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong Quân đội theo Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 21/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp lại doanh nghiệp Quân đội giai đoạn 2021 - 2025, Kết luận số 1815-KL/QUTW, ngày 03/3/2023 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, xác định rõ chủ trương, mục tiêu, kế hoạch, lộ trình và các biện pháp thực hiện đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hơp với pháp luật về kinh tế, tài chính của Nhà nước, đặc thù của Quân đội và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng.

Để đạt hiệu quả cao, người đứng đầu doanh nghiệp cần không ngừng học tập, bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, nghệ thuật quản trị, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, khát vọng đổi mới, sáng tạo. Tích cực chỉ đạo, định hướng nghiên cứu đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh lưỡng dụng cao, cải tiến kỹ thuật, tìm cách làm hay, ý tưởng mới trong quá trình quản trị doanh nghiệp trên các lĩnh vực, từ sản xuất đến công nghệ, tài chính, nhân lực, v.v. Qua đó, thực hành triệt để các biện pháp tiết kiệm chi phí, tiết giảm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; bảo tồn vốn theo quy định,… nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp.

Hai là, tích cực áp dụng, vận hành hiệu quả mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp với quy định của Bộ Quốc phòng và các nguyên tắc, thông lệ quốc tế. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, đến nay, các doanh nghiệp Quân đội đã, đang triển khai thực hiện thống nhất mô hình Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc); trong đó, Chủ tịch Công ty là đại diện chủ sở hữu trực tiếp của doanh nghiệp và Tổng Giám đốc (Giám đốc) điều hành sản xuất kinh doanh. Điều đó tạo điều kiện thực hiện đầy đủ trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp về theo dõi, giám sát, điều hành, quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân định chức năng Chủ tịch và Tổng giám đốc ở một số doanh nghiệp chưa thật đầy đủ, rõ ràng, nên việc thực hiện còn lúng túng. Vì vậy, thời gian tới, các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội cần tích cực nghiên cứu, học tập và vận dụng linh hoạt mô hình quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế để triển khai vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần chú trọng nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) làm cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả và tính công khai, minh bạch, công bằng về quyền lợi của các bên tham gia vào doanh nghiệp Quân đội. Đồng thời, tích cực áp dụng khoa học, công nghệ, công cụ quản trị hiện đại vào hoạt động quản trị doanh nghiệp, như: hệ thống phần mềm quản trị nhân lực, quản trị kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quản trị dự án đầu tư, quản trị tài chính, kế toán. Rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ doanh nghiệp, như: quy chế quản lý tài chính, quy chế quản lý lao động, tiền lương; nghiên cứu xác định quy trình hiện đại trong xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư và sản xuất, kinh doanh phù hợp với năng lực hiện có cả về vật lực và trí lực tại doanh nghiệp. Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản trị nhân lực, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về tay nghề, chuyên môn kỹ thuật, chế độ, chính sách, ưu đãi cho người lao động, v.v.

Ba là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm quản lý nhà nước về kinh tế đối với các doanh nghiệp Quân đội. Những năm qua, bám sát nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Chính phủ về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn về quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp Quân đội khá hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở quan trọng để doanh nghiệp triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sáp nhập các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về hệ thống quy định chung, quy định nội bộ và một số văn bản hướng dẫn chưa thật cụ thể, chi tiết, rõ ràng. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cơ quan chức năng cần tích cực rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, quy định về quản lý, sắp xếp doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này của các doanh nghiệp Quân đội. Trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định mới về quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp, đặc biệt là tổ chức và quản lý hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng. Qua đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng đối với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp khác. Mặt khác, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Quân đội phát triển bền vững.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tài chính trong các doanh nghiệp Quân đội. Với mục tiêu trọng tâm là chấp hành nghiêm quy chế, quy định về quản lý tài chính, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng theo Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác tự kiểm tra việc triển khai thực hiện quy chế lãnh đạo của cấp ủy về công tác tài chính, quy chế công khai tài chính; đẩy mạnh phong trào thi đua “Đơn vị quản lý tài chính tốt”. Đôn đốc, giám sát các đơn vị thực hiện nghĩa vụ nộp, giải ngân và thanh quyết toán ngân sách hằng năm; phân bổ và công khai dự toán ngân sách theo quyết định của Bộ Quốc phòng. Tích cực phối hợp với cơ quan Bộ Quốc phòng báo cáo phê duyệt phương án giá sản phẩm quốc phòng từ các nguồn ngân sách; thu hồi và thanh toán công nợ, giảm số dư công nợ, hạn chế phát sinh công nợ khó đòi; trích lập các khoản dự phòng tài chính theo quy định. Chấn chỉnh ngay những vướng mắc trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công của đơn vị, đôn đốc tiến độ giải ngân của dự án đầu tư, xử lý triệt để việc tồn đọng tài chính còn chậm và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp Quân đội.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đột phá trong nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, hướng tới phát triển một số lĩnh vực công nghệ trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; phát huy quyền chủ động, trách nhiệm trong quản lý tài chính và tự chủ, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị của các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới.

Đại, TS. PHAN THỊ HOÀI VÂN, Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.