Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 11/07/2024, 10:04 (GMT+7)
Về mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương

Từ chủ trương của Quân khu 7 và từ thực tiễn địa bàn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã tham mưu về tổ chức xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt (là quân nhân dự bị) đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Đây là mô hình mới, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, cần tiếp tục được nghiên cứu, nhân rộng.

Trong nhiều năm qua, bằng chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, tỉnh Bình Dương vươn lên trở thành một trong những địa phương hàng đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp và 01 khu liên hợp - dịch vụ - đô thị với gần 70 nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước (trong đó có 65.567 doanh nghiệp trong nước); 4.211 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với khoảng hơn 1,2 triệu lao động, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, do số người lao động đến làm ăn, sinh sống trên địa bàn ngày càng đông, lại đa dạng về trình độ, ngành nghề,... và lứa tuổi; trong khi đó việc bảo đảm cơ sở hạ tầng, thu nhập, chính sách thu hút, đãi ngộ người lao động của một số doanh nghiệp còn bất cập, làm phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Lợi dụng vấn đề trên, các thế lực thù địch, phần tử xấu tăng cường hoạt động chống phá, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động tham gia đình công, lãn công,... làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, an ninh trong các địa bàn khu công nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của địa phương.

Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra Trung đội dân quân thường trực Khu công nghiệp Mỹ Phước.

Trước tình hình đó, nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, định hướng dư luận, vận động người lao động chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, giúp các doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương; Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 05/QĐ-UBND, ngày 23/5/2022 về xây dựng Đề án tổ chức xây dựng, quản lý và sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt là quân nhân dự bị đang làm việc trong các khu - cụm công nghiệp, công ty, xí nghiệp (gọi tắt là các doanh nghiệp) trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án được thành lập, bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tỉnh (làm Trưởng ban), lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh (làm Phó Trưởng ban Thường trực) cùng các thành viên cơ cấu một số ban, sở, ngành, đoàn thể, như: Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an Tỉnh, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Tỉnh, v.v. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được phân công của từng thành viên; hằng năm tiến hành hướng dẫn xây dựng, quản lý, sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt là quân nhân dự bị; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh là cơ quan thường trực, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân cấp huyện (thành phố), cấp xã (phường, thị trấn), mà thường trực là cơ quan quân sự cùng cấp trực tiếp tổ chức, duy trì hoạt động các tổ lực lượng chính trị nòng cốt và giao đồng chí chỉ huy trưởng quân sự cấp xã làm tổ trưởng, trên cơ sở tổ viên là lực lượng chính trị nòng cốt được tuyển chọn, xây dựng. Để kịp thời định hướng đi vào hoạt động, tạo sự thống nhất, khắc phục những hạn chế, lúng túng ban đầu, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu một số nội dung về mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt trong các doanh nghiệp trên địa bàn để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Về cơ cấu, thành phần của lực lượng chính trị nòng cốt, cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan của địa phương rà soát nắm chắc số quân nhân dự bị đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn, tiến hành lựa chọn, xác minh về nhân thân, đảm bảo tốt về tiêu chuẩn chính trị, ưu tiên tuyển chọn những đồng chí là đảng viên, có chất lượng chính trị tốt, nhận thức và chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, doanh nghiệp; có khả năng thu thập, xử lý thông tin và tuyên truyền, vận động, thuyết phục công nhân, người lao động để kết nạp vào lực lượng.

Lực lượng dân quân tự vệ tham gia diễn tập bắn đạn thật với Sư đoàn 5.

Về nguyên tắc tổ chức, phương châm hoạt động, lực lượng chính trị nòng cốt là quân nhân dự bị thực hiện nhiệm vụ, chấp hành mệnh lệnh trực tiếp của người phụ trách (tổ trưởng); đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chỉ đạo các cấp. Từng thành viên duy trì việc báo cáo, trao đổi thông tin với tổ trưởng về tình hình hoạt động trong các doanh nghiệp, nắm chắc và phản ánh kịp thời tình hình dư luận, những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng liên quan đến đời sống, quyền lợi của người lao động, tình hình an ninh, trật tự trong doanh nghiệp; những vấn đề có liên quan đến việc gây rối, lôi kéo, kích động người lao động đình công, lãn công, tụ tập đông người trái pháp luật, v.v. Định kỳ hằng quý, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện tổ chức gặp gỡ, kết hợp với sinh hoạt giao nhiệm vụ, chi trả kinh phí bảo đảm cho hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt. Hằng tuần, lực lượng chính trị nòng cốt nắm tình hình, báo cáo tổ trưởng hoặc người phụ trách thông qua gặp mặt trực tiếp, qua tin nhắn nhóm Zalo hoặc điện thoại. Khi có vụ việc xảy ra hoặc khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong doanh nghiệp, khu dân cư, kịp thời báo cáo cho tổ trưởng.

Như vậy, trên cơ sở bám sát và nghiên cứu thực tiễn, bước đầu Đề án đã thể hiện tính khả thi cao, rõ nét cả về cơ chế bảo đảm chính sách, phương thức tổ chức, nguyên tắc hoạt động, công tác tuyển chọn, v.v. Qua hơn một năm thực hiện Đề án, việc tổ chức, xây dựng, quản lý, sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt là quân nhân dự bị đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh (với 91 tổ, gần 2.000 tổ viên) đã mang lại hiệu quả tích cực, trở thành mô hình tiêu biểu, được các cấp đánh giá, ghi nhận và nhân rộng mô hình. Trong quá trình hoạt động, lực lượng chính trị nòng cốt đã thu thập, cung cấp nhiều thông tin quan trọng1 giúp các ban ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của người lao động, góp phần ổn định tình hình, không để xảy ra vụ việc đình công, lãn công phức tạp, tạo môi trường ổn định cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả nắm, báo cáo tình hình của lực lượng chính trị nòng cốt có lúc chưa kịp thời, tính dự báo không cao, kỹ năng thu thập thông tin chưa nhạy bén, công tác rà soát, tuyển chọn, bổ sung, giao nhiệm vụ chưa được tiến hành chưa thường xuyên, v.v. Để khắc phục những hạn chế đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả  của mô hình, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm đi vào chiều sâu, có chất lượng; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một làđẩy mạnh quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, trực tiếp là cơ quan quân sự các cấp trong xây dựng, quản lý và sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt là quân nhân dự bị. Đây là vấn đề quan trọng, nhưng là mô hình mới triển khai; vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo, cho cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện tốt việc quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Giúp cán bộ, đảng viên nắm vững chủ trương, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Quân khu, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh về thực hiện Đề án xây dựng, quản lý và sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt. Thực hiện đúng phương châm: công tác xây dựng, quản lý và sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành của Ban Chỉ đạo, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng các thành viên, vai trò thường trực của cơ quan quân sự các cấp, phát huy trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên trong công tác tham mưu. Thông qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án; huy động sự vào cuộc của các ban, sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện.

Hai là, tập trung xây dựng, tuyển chọn, quản lý và sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt là quân nhân dự bị đang làm trong các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo đúng lộ trình của Đề án, bảo đảm tinh, gọn, chặt chẽ, hiệu quả, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở. Trước mắt, tập trung củng cố lực lượng chính trị nòng cốt hiện có; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, quy định của địa phương nơi cư trú, nội quy, quy định của doanh nghiệp. Công tác sàng lọc, tuyển chọn, kết nạp lực lượng chính trị nòng cốt phải bảo đảm chất lượng, đúng theo tiêu chuẩn đã xác định trong từng giai đoạn của Đề án; tập trung vào các doanh nghiệp trọng điểm, có số lượng công nhân đông, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn dễ xảy ra đình công, lãn công; chú trọng ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng.

Ba là, thường xuyên tổ chức tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động; đồng thời, bảo đảm tốt quyền lợi, chế độ chính sách cho lực lượng chính trị nòng cốt. Nội dung huấn luyện, tập huấn tập trung vào phương pháp nhận diện, tiếp cận đối tượng; kỹ năng nắm bắt, đánh giá tình hình, xử lý thông tin, phương pháp báo cáo người phụ trách; kỹ năng tuyên truyền, định hướng dư luận đối với công nhân, người lao động; kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật về lao động. Về công tác bảo đảm, lực lượng chính trị nòng cốt bao gồm các tổ trưởng và tổ viên tiếp tục được thụ hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm trên cơ sở được vận dụng như phụ cấp hàng quý đối với sĩ quan dự bị theo Điều 3, Nghị định số 79/2020/NĐ-CP của Chính phủ (đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh cho phép chi từ ngân sách). Lực lượng chính trị nòng cốt có thành tích xuất sắc, có nhiều tin báo quan trọng, góp phần ngăn chặn các vụ việc phức tạp sẽ được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời, cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm chăm lo chính sách, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chính trị nòng cốt có công việc, thu nhập ổn định, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH CHUẨN, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
__________________
       

1 - Sau khi đi vào hoạt động, chỉ riêng trong năm 2023, đã nắm và kịp thời báo cáo cho tổ trưởng được 4.015 tin, trong đó có 397 tin có giá trị, 203 tin dự báo.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.