Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 16/09/2024, 10:20 (GMT+7)
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), chiến dịch phòng ngự sẽ có vai trò quan trọng trong tác chiến phòng thủ quân khu và có thể được tổ chức ngay từ đầu hoặc trong quá trình tác chiến phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn trọng yếu trên một hướng chiến lược. Vì vậy, ngay trong thời bình, việc nghiên cứu thấu đáo về điều kiện, địa bàn và quy mô mở chiến dịch này đã, đang là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Tác chiến phòng thủ quân khu được xác định là một loại hình tác chiến chiến lược, thể hiện bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam, được nghiên cứu, đề xuất do yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây là loại hình tác chiến có tính tổng hợp cao, do quân và dân trên địa bàn quân khu tiến hành (có thể có lực lượng của cấp trên tham gia), lấy lực lượng vũ trang quân khu làm nòng cốt, dựa trên nền tảng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) được chuẩn bị từ thời bình, diễn ra bằng kết hợp đấu tranh trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, binh vận, địch vận, v.v. Trong đó, đấu tranh quân sự là chủ yếu, với các hoạt động tác chiến phòng thủ, phòng ngự, phản công, tiến công với nhiều quy mô khác nhau theo một kế hoạch thống nhất, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đảng ủy, bộ tư lệnh quân khu. Mục đích của tác chiến phòng thủ quân khu nhằm bảo toàn lực lượng, đánh trả kịp thời, có hiệu quả khi địch tiến công hỏa lực, giữ ổn định thế trận, hoạt động kinh tế - xã hội thời chiến và tiêu hao rộng rãi, tiêu diệt bộ phận quan trọng lực lượng, kìm giữ, ngăn chặn các hướng tiến công của địch khi chúng tiến công trên bộ vào địa bàn, kết hợp đập tan bạo loạn, lật đổ, giữ vững khu vực, mục tiêu trọng yếu, tạo điều kiện và phối hợp với lực lượng cơ động của trên tiêu diệt bộ phận lực lượng quan trọng, đánh bại tiến công của địch vào địa bàn quân khu.

Để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến phòng thủ, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và toàn dân; vận dụng linh hoạt các loại hình chiến dịch, hình thức chiến thuật, biện pháp chiến dịch và thủ đoạn chiến đấu. Trong đó, có thể tổ chức chiến dịch phòng ngự ở không gian, thời gian nhất định, nhằm ngăn chặn hướng tiến công chủ yếu, tiêu hao, sát thương lớn, tiêu diệt một bộ phận quân địch, bảo vệ mục tiêu chủ yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho tác chiến rộng khắp và các hoạt động tác chiến khác của quân khu. Bài viết bàn về một số nội dung chủ yếu về mở chiến dịch phòng ngự, tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Chúng ta biết, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, việc mở chiến dịch phòng ngự trong các loại hình tác chiến chiến lược nói chung, tác chiến phòng thủ quân khu nói riêng phải căn cứ vào tình hình cụ thể về âm mưu, thủ đoạn của địch, tình trạng đất nước, khả năng của từng quân khu, điều kiện, thời cơ tạo ra trên từng hướng chiến trường; trong đó, những căn cứ vào tình hình địch là rất quan trọng, mang tính quyết định. Qua nghiên cứu cho thấy, điều kiện, trường hợp mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu có thể diễn ra ở một trong hai trường hợp sau.

Thứ nhất, địch tiến công đúng theo phương án ta đã dự kiến, quân khu tiến hành mở chiến dịch phòng ngự ngay từ đầu cuộc chiến tranh. Trong trường hợp này, chiến dịch sẽ có điều kiện thuận lợi để chuẩn bị trước một bước từ thời bình cả về lực lượng, thế trận, thiết bị chiến trường và các mặt bảo đảm. Để thực hiện được điều đó, trên hướng trọng điểm của chiến trường có mục tiêu trọng yếu cần được bảo vệ, tùy theo quy mô chiến dịch, quân khu chủ động sử dụng lực lượng chủ lực thích hợp, cùng với lực lượng trong khu vực phòng thủ các tỉnh (thành phố) tiến hành chuẩn bị phương án, lực lượng cho chiến dịch phòng ngự ngay từ thời bình. Theo đó, việc chuẩn bị phải được tiến hành đồng bộ, chu đáo trên tất cả các mặt: phương án, lực lượng, thế trận, thiết bị chiến trường, xây dựng trước một số công trình, công sự cần thiết ở những khu vực, điều kiện cho phép; tổ chức huấn luyện, diễn tập,… phối hợp hoạt động giữa các lực lượng theo phương án đã dự kiến. Khi chiến tranh xảy ra, quân khu tiến hành bổ sung nhiệm vụ, hiệp đồng, chỉ huy lực lượng của chiến dịch phòng ngự nhanh chóng cơ động chiếm lĩnh trận địa, triển khai lực lượng theo phương án, giành thế chủ động đánh địch ngay từ đầu và trong suốt quá trình tác chiến chiến dịch. Các lực lượng tham gia chiến dịch kịp thời phát hiện, ngăn chặn, sát thương, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phương tiện chiến tranh, đánh bại hướng, mũi tiến công của địch, tạo thế và thời cơ cho các lực lượng cơ động của quân khu và cấp trên thực hiện các đòn đánh phản công, tiến công trên địa bàn, đánh bại cuộc tiến công của địch vào địa bàn quân khu, thúc đẩy tác chiến chiến lược phát triển.

Thứ hai, trong quá trình tác chiến phòng thủ, mặc dù bị đánh rộng khắp, căng kéo nhưng trên một hướng, khu vực nhất định, địch tập trung lực lượng, hỏa lực mạnh tiến công, uy hiếp mục tiêu, địa bàn trọng yếu,… quân khu phải nhanh chóng mở chiến dịch phòng ngự để ngăn chặn, đánh bại hướng, mũi tiến công của địch (thường đối với quân khu trong nội địa, quân khu địa bàn có chiều sâu). Trong trường hợp này, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch phòng ngự rất ngắn, ta lại chưa có phương án chuẩn bị trước, nên gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những hạn chế đó, tư lệnh, cơ quan quân khu phải chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng trong khu vực phòng thủ tăng cường hoạt động tác chiến rộng khắp, căng kéo địch; đồng thời, khẩn trương điều chỉnh quyết tâm, lực lượng, chuyển hóa thế trận. Trong điều kiện thời gian ngắn, yêu cầu khẩn trương, để đáp ứng yêu cầu tác chiến, quân khu phải dựa vào thế trận khu vực phòng thủ địa phương trên khu vực, hướng tiến công chủ yếu của địch để tạo lập thế trận chiến dịch phòng ngự. Từ đó giành và giữ quyền chủ động đánh địch; tạo thế, thời cơ và điều kiện cho các hoạt động tác chiến tiếp theo của quân khu và cấp trên. Nếu không kịp thời tổ chức và thực hành mở chiến dịch phòng ngự thì không đủ điều kiện và khả năng giữ vững được thế trận phòng thủ, các khu vực, mục tiêu trọng yếu.

Về địa bàn mở chiến dịch cũng hết sức đa dạng và linh hoạt, bởi tính chất, đặc điểm địa hình, khí hậu, thời tiết của các quân khu rất khác nhau. Những quân khu có biên giới, biển, địa hình rừng núi, trung du có chiều dài lớn, chiều ngang hẹp, dễ bị chia cắt. Khi tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, hướng biển có nhiều khả năng là hướng tiến công chủ yếu của địch, nhưng không loại trừ tình huống chúng có thể tranh thủ được một số quốc gia có chung đường biên giới đất liền với nước ta để triển khai hướng tiến công chủ yếu từ những địa bàn đó. Do vậy, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tình hình các mặt, nhất là dự kiến tình hình địch (khi chúng tiến công vào địa bàn từng quân khu) cũng như căn cứ vào ý định của cấp chiến lược, quyết tâm và phương thức tác chiến của tác chiến phòng thủ quân khu để dự kiến khu vực có thể mở chiến dịch phòng ngự. Địa bàn được lựa chọn có thể trên hướng phòng thủ chủ yếu của quân khu, nơi địa hình có giá trị chiến thuật, đủ điều kiện để triển khai binh lực, hỏa lực, lập thế trận phòng ngự vững chắc, vừa có thế đánh, vừa có thế giữ; là khu vực án ngữ các trục đường mà khi địch tiến công buộc phải vượt qua mới đánh chiếm được mục tiêu chủ yếu. Tuy nhiên, do địa bàn quân khu rộng, nên chiến dịch phòng ngự thường diễn ra trên khu vực địa hình hỗn hợp (rừng núi, trung du, đồng bằng, đô thị). Việc nghiên cứu, xác định chính xác địa bàn mở chiến dịch phòng ngự có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ quyết định đến tạo lập, xây dựng thế trận, bảo đảm tính vững chắc, liên hoàn trong bố trí, triển khai lực lượng, tổ chức họat động phòng thủ, phòng ngự, tiến công trong chiến dịch phòng ngự mà còn tác động rất lớn đến thế trận chung và việc thực hiện ý định, phương thức tác chiến phòng thủ của quân khu. Về phạm vi địa bàn chiến dịch, tùy thuộc đặc điểm địa hình và quy mô chiến dịch để quân khu xác định cho phù hợp. Về mặt lý thuyết, chiến dịch phòng ngự quy mô nhỏ có thể xác định trên địa bàn từ 4 đến 6 huyện thuộc 1 hoặc 2 tỉnh (thành phố). Đối với chiến dịch quy mô vừa, có thể xác định trong phạm vi một vài tỉnh (thành phố) trong địa bàn quân khu, trên một hướng phòng thủ chiến lược.

Về quy mô chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan; trong đó, chủ yếu căn cứ vào đặc điểm địa bàn, khả năng của quân khu và tình hình địch (quy mô lực lượng, khả năng vũ khí, trang bị, khả năng được chi viện hỏa lực của địch tiến công). Tùy theo tính chất nhiệm vụ, tình hình cụ thể, quân khu thường tổ chức chiến dịch phòng ngự quy mô nhỏ1. Trường hợp được cấp trên tăng cường, phối thuộc lực lượng, phương tiện, quân khu có thể tổ chức chiến dịch phòng ngự quy mô vừa2. Việc quyết định mở chiến dịch phòng ngự ở quy mô nhỏ hay vừa trên từng hướng, từng khu vực, địa bàn cụ thể, điều kiện và trường hợp cụ thể là tư duy sáng tạo, nghệ thuật trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của đảng ủy, bộ tư lệnh quân khu, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của chiến dịch phòng ngự; đồng thời, giành ưu thế lực lượng cho các trận chiến đấu (chiến dịch) phản công, tiến công tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, đánh bại ý đồ của địch trên hướng, khu vực đã xác định trong quyết tâm tác chiến phòng thủ của tư lệnh quân khu.

Trên cơ sở tổ chức, biên chế lực lượng của quân khu ngay từ thời bình và được kiện toàn, mở rộng khi có chiến tranh; tình hình thực tế của các khu vực phòng thủ địa phương, đảng ủy, bộ tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch chuẩn bị chu đáo phương án, kế hoạch tổ chức sắp xếp, phân chia sử dụng, bố trí các lực lượng phòng thủ, phòng ngự và cơ động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác bảo đảm, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, có thế phòng thủ, phòng ngự vững chắc và thế tiến công thuận lợi. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các biện pháp nâng cao hiệu quả mở chiến dịch phòng ngự, tạo điều kiện và khả năng cho các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong suốt quá trình tác chiến.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), các yếu tố về môi trường tác chiến, địch, ta sẽ có nhiều thay đổi; vì vậy, lý luận mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, phát triển, phù hợp với điều kiện mới của chiến tranh hiện đại.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN ĐÌNH CHUNG, Học viện Lục quân
____________________
        

1 - Lực lượng thường sử dụng một sư đoàn chủ lực quân khu, được tăng cường các đơn vị binh chủng chiến đấu, bảo đảm của quân khu và một số trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội địa phương, lực lượng vũ trang và lực lượng của các sở, ban, ngành đoàn thể và lực lượng quần chúng nhân dân trong các khu vực phòng thủ địa phương trên địa bàn chiến dịch.

2 - Lực lượng tham gia thường từ 2 đến 3 sư đoàn bộ binh của quân khu, cùng với lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn chiến dịch; được tăng cường, phối thuộc, chi viện các đơn vị thuộc các quân chủng, binh chủng chiến đấu, bảo đảm của quân khu hoặc cấp trên.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.