Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 09/09/2024, 09:07 (GMT+7)
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh

Lực lượng vũ trang quân khu là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cũng như ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn, v.v. Từ thực tiễn phòng, chống đại dịch Covid-19 và những nguy cơ tiềm ẩn khó lường của dịch bệnh hiện nay, đòi hỏi cần nghiên cứu thấu đáo việc tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu trong ứng phó với hiểm họa dịch bệnh.

Nước ta nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với đó là nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ lây lan, bùng phát của các loại dịch bệnh là rất lớn. Ứng phó với dịch bệnh là một nhiệm vụ chính trị quan trọng - nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của toàn quân, trong đó có lực lượng vũ trang các quân khu. Đây là lực lượng tại chỗ, luôn nắm chắc tình hình và hoạt động ổn định trên địa bàn nên được xác định là một trong những lực lượng nòng cốt phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác ứng phó và khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra ngay từ cơ sở. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra, nhất là dịch bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh, đe dọa tính mạng, sức khỏe của nhân dân thì vai trò, hiệu quả của lực lượng vũ trang quân khu trong triển khai tổng hợp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời càng có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, việc tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, chặt chẽ, khoa học, là vấn đề có ý nghĩa quyết định nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng, chống dịch.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Lực lượng vũ trang Quân khu 7. Nguồn: dangcongsan.vn

Hiện nay, việc ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống nói chung, dịch bệnh nói riêng là một nội dung quan trọng trong hoạt động phòng thủ dân sự. Công tác này được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức1. Từ quy trình đó và dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thì quân khu và các đơn vị trực thuộc từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên phải tổ chức ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, trực tiếp làm tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quan trọng này. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành lập ban chỉ đạo ở từng cấp theo quy định.

Do tính chất phức tạp, nguy hiểm khó lường của dịch bệnh, đòi hỏi quân khu phải chỉ đạo các đơn vị dự kiến thành phần, quy mô tổ chức ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và xây dựng quy chế hoạt động, mối quan hệ công tác của ban chỉ đạo, v.v. Đây là cơ sở để ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, trước hết là cấp quân khu được thành lập, hoạt động ngay sau khi dịch bệnh được công bố. Để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thành phần ban chỉ đạo cấp quân khu có thể gồm các đồng chí: phó tư lệnh quân khu phụ trách hậu cần làm trưởng ban; phó tham mưu trưởng quân khu, phó chủ nhiệm chính trị, phó chủ nhiệm hậu cần, phó chủ nhiệm kỹ thuật quân khu làm phó trưởng ban và chỉ huy các cơ quan, đơn vị2 làm ủy viên. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp quân khu làm tham mưu cho thường vụ đảng ủy, bộ tư lệnh quân khu và là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng, ban hành quy chế làm việc, thành lập tổ giúp việc, có thể do đồng chí phó chủ nhiệm hậu cần quân khu làm tổ trưởng. Tổ giúp việc tham mưu, đề xuất triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong quân khu, giúp ban chỉ đạo ban hành các văn bản, tiếp nhận thông tin về dịch bệnh, tổng hợp tình hình báo cáo (định kỳ, đột xuất) theo yêu cầu của ban chỉ đạo. Tăng cường phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Quốc phòng; chỉ đạo công tác chuyên môn, tham mưu cho ban chỉ đạo quân khu triển khai công tác kết hợp quân - dân y, lựa chọn cơ sở chẩn đoán, xây dựng phương án vận chuyển, cấp cứu người mắc bệnh; tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Căn cứ tình hình cụ thể của dịch bệnh, quân khu có thể thành lập ban chỉ huy ứng phó cấp quân khu và chỉ đạo thành lập đến cấp huyện đúng, đủ thành phần theo Nghị định số 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Phòng thủ dân sự. Quá trình hoạt động, ban chỉ đạo quân khu trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trong toàn quân khu theo kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó với từng cấp độ dịch, vừa bảo đảm tốt yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ. Thực tế trong phòng, chống dịch Covid-19, Quân khu 7 đã ban hành Quyết định số 779/QĐ-BTL, ngày 20/3/2020 thành lập Ban Chỉ huy lâm thời phòng thủ dân sự Quân khu 7 (Ban Chỉ huy ứng phó với dịch bệnh), gồm các đồng chí: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu làm Trưởng ban; Phó Tư lệnh Quân khu phụ trách hậu cần làm Phó ban thường trực; Phó Chính ủy Quân khu và các đồng chí Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố làm Phó Trưởng ban và các ủy viên (Phó Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến; Chủ nhiệm Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật Quân khu; Chánh Thanh tra quốc phòng; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng; đại diện Ban Giám đốc Công an, Sở Y tế các tỉnh, thành phố), bảo đảm đủ sức chỉ huy phòng, chống dịch hiệu quả.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra, động viên các chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Nguồn: qdnd.vn

Cùng với tổ chức hệ thống ban chỉ đạo phòng, chống và ban chỉ huy ứng phó với dịch bệnh, các quân khu cần tổ chức lực lượng ứng phó với dịch bệnh ở các cấp. Lực lượng này được tổ chức dựa trên cơ sở lực lượng của phòng quân y quân khu; ban quân y các sư đoàn, tỉnh, thành phố; quân y lữ đoàn; hệ thống y học dự phòng (đội y học dự phòng và các tổ phòng chống dịch của các đơn vị); hệ thống tiếp tế gồm các kho thuốc, trang bị (phân kho quân y/kho quân khu, bệnh viện tỉnh, thành phố, sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn); hệ thống cơ sở điều trị (các bệnh viện quân y, quân dân y; bệnh viện các tỉnh, thành phố; bệnh xá sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn; phòng khám, trung tâm y tế quân dân y,...). Lực lượng tại chỗ do bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố chỉ đạo mỗi quận, huyện sử dụng 01 trung đội dân quân thường trực và sẵn sàng huy động các trung đội, đại đội dân quân cơ động, các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội trực thuộc; các quận, huyện chỉ đạo mỗi xã, phường sử dụng 01 tiểu đội dân quân thường trực thực hiện nhiệm vụ phối hợp bảo vệ các mục tiêu và tham gia phòng, chống dịch bệnh. Đối với lực lượng cơ động, quân khu sử dụng lực lượng của các trung đoàn thuộc sư đoàn chủ lực; các lữ đoàn, tiểu đoàn binh chủng trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chốt chặn các đầu mối giao thông quan trọng, ngăn chặn người, phương tiện qua lại giữa các vùng có dịch; tuần tra, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch; vận chuyển lương thực, thực phẩm, v.v. Về lực lượng tham gia phối hợp, quân khu chỉ đạo các địa phương, đơn vị căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn để sử dụng lực lượng còn lại tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh kết hợp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng cơ động bảo vệ an toàn đơn vị. Theo đó, cùng với sử dụng lực lượng bộ đội thường trực và lực lượng dân quân tự vệ, cần chú trọng huy động, tổ chức sử dụng lực lượng dự bị động viên nhằm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh tại chỗ, các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, huấn luyện, huy động lực lượng này; trong đó, cần chú trọng quan tâm đến sử dụng lực lượng dự bị động viên binh chủng (công binh, hóa học,..) có trang bị phương tiện kỹ thuật để phục vụ cho việc xử lý một số tình huống ở các cấp độ dịch, bảo đảm cho lực lượng này được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, tạo cơ sở để huy động được nhanh chóng thực thi nhiệm vụ trong tình trạng dịch bùng phát nhanh, khó kiểm soát.

Bảo đảm hậu cần có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; do đó, việc sử dụng lực lượng hậu cần cần tính toán một cách khoa học. Theo đó, ngay từ khi chưa xuất hiện dịch bệnh, quân khu chỉ đạo cục hậu cần và các cơ quan, đơn vị rà soát thực lực, tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy xây dựng kế hoạch (dự kiến) thành lập các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (toàn quân khu có thể tổ chức từ 03 - 04 bệnh viện), với quy mô từ 300 đến 500 giường/bệnh viện cùng các phương tiện, trang thiết bị hậu cần phục vụ đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Để đáp ứng yêu cầu cao trong phòng, chống dịch, những bộ phận làm nhiệm vụ tại các địa bàn dịch bùng phát mạnh cần phối hợp với lực lượng của Bộ Y tế, y tế khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố phải cử cán bộ thuộc cục hậu cần có trình độ, kinh nghiệm trực tiếp xuống chỉ đạo. Do nhu cầu cao về số lượng và chuyên môn, quân y các đơn vị tham mưu, lựa chọn một số chiến sĩ có trình độ văn hóa 12/12 trở lên và một số quân nhân chuyên nghiệp để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và thành lập lực lượng “chiến sĩ vệ sinh” tham gia phục vụ tại các điểm cách ly y tế, bệnh xá, bệnh viện. Đồng thời, tổ chức lực lượng bảo đảm ăn uống (nhân viên nhà ăn, nhà bếp; lực lượng tiếp phẩm; tiếp tế ăn uống,...) để phục vụ người bệnh tại các bệnh viện, bệnh xá, khu cách ly. Ngành doanh trại   các đơn vị tổ chức kiện toàn lực lượng đáp   ứng yêu cầu dồn dịch, bảo đảm ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện có dịch và giãn cách phòng, chống. Cùng với đó, sử dụng lực lượng vận tải của các cơ quan, đơn vị (có lực lượng dự bị, thay thế); trong đó, chú trọng chuẩn bị phương tiện phù hợp với yêu cầu vận chuyển (máy bay, ô tô, tàu, xuồng,...), đáp ứng nhu cầu vận chuyển số lượng lớn ca bệnh và trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm,... khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Trong trường hợp cần thiết có thể huy động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (bệnh viện, bưu điện, hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, tổ chức thanh niên xung phong, các đơn vị, công ty xây dựng,...) cùng tham gia.

Tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh là nội dung quan trọng, quyết định đến thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn (nếu xảy ra). Đây mới là nghiên cứu bước đầu, cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức, sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, tạo sức lan tỏa hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Trung tướng NGUYỄN TRƯỜNG THẮNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 7
_____________________
        

1 - Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự.

2 - Phó chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng Tài chính/Quân khu; Phó Trưởng phòng (Tác chiến, Quân huấn - Nhà trường, Khoa học quân sự, Quân báo, Hóa học), Trưởng ban Công nghệ thông tin/Bộ Tham mưu Quân khu; Phó Trưởng phòng (Tuyên huấn, Dân vận), Tổng biên tập báo - truyền hình/Cục Chính trị; Phó Trưởng phòng tham mưu/Cục Kỹ thuật; Trưởng phòng (Tham mưu, Quân nhu, Quân y, Doanh trại, Vận tải), Chủ nhiệm Chính trị, Đội trưởng Đội y học dự phòng, Trợ lý Phòng Quân y (Thư ký)/Cục Hậu cần.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.