Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:40 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
(Tiếp theo và hết)
I. Tầm quan trọng chiến lược quan hệ láng giềng
II. Quan điểm và giải pháp
Trên cơ sở đánh giá, dự báo đúng tình hình thế giới, đặc điểm, tính chất quan hệ, hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định: “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng”1; đồng thời, định hướng trong thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động, làm sâu sắc hơn mối quan hệ láng giềng, nhất là đối ngoại song phương trên tất cả các lĩnh vực, bình diện, cấp độ, với ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân. Mối quan hệ đó phải được coi trọng đúng tầm trong tổng thể hoạt động đối ngoại, theo tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên thực tế, mối quan hệ đó đã và đang phát triển tốt đẹp, đúng phương châm hợp tác, hữu nghị, truyền thống, phù hợp với nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Nhưng bên cạnh những điểm đồng là cơ bản, mang tính bao trùm, thì giữa các nước láng giềng vẫn còn những điểm bất đồng, tồn tại với tính chất và mức độ khác nhau. Đó cũng là điều bình thường, bởi “ngay anh em một nhà cũng có lúc khó tránh khỏi bất hòa, khúc mắc”. Vậy nên quan trọng là cần phải cùng nhau hợp tác nhận rõ vấn đề, giải quyết “thấu tình, đạt lý” theo hướng tăng điểm đồng, giảm thiểu những điểm bất đồng, qua đó củng cố mối quan hệ láng giềng ngày càng bền chặt.
Để đạt được mục tiêu đó, cần thấu suốt quan điểm chỉ đạo của Đảng, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau.
1. Giải quyết tốt vấn đề biên giới trên đất liền, trên biển giữa các nước láng giềng và các nước có chung vùng chồng lấn trên biển. Trong quan hệ láng giềng, vấn đề biên giới, lãnh thổ luôn rất hệ trọng, thiêng liêng đối với mỗi nước, nhưng trong đó cũng chứa đựng không ít phức tạp, nhạy cảm. Vì thế, giải quyết tốt hay không tốt vấn đề này sẽ dẫn đến những hệ lụy tương ứng về nhiều mặt, tác động trực tiếp đến mối quan hệ láng giềng. Việc giải quyết vấn đề biên giới được thực hiện qua đối ngoại song phương, với quy trình chặt chẽ gồm nhiều bước, nhiều khâu, nhiều nội dung, trong đó có hai nội dung lớn. Một là, xây dựng, hoàn thiện các văn kiện pháp lý, như: hiệp ước, hiệp định, nghị định, nghị định thư, thỏa thuận,… được ký và có hiệu lực của chính phủ hai nước có chung đường biên giới. Hai là, xác định tuyến biên giới trên đất liền (trọng tâm là phân giới, cắm mốc trên thực địa), trên biển. Hiện nay, trên tuyến biên giới đất liền, Việt Nam đã ký nhiều văn kiện pháp lý về biên giới2 với các nước láng giềng và cũng đã hoàn thành phân giới, cắm mốc trên thực địa giữa Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, riêng biên giới Việt Nam – Campuchia đã hoàn thành trên 85%. Về tuyến biên giới, ranh giới trên biển, Việt Nam đã ký các văn kiện pháp lý với các nước láng giềng và nước có liên quan3 trên các vùng biển. Ngoài ra, với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam đã góp phần tích cực vào thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc về “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), đang nỗ lực để sớm hoàn thành “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC). Cùng với việc giải quyết tốt vấn đề biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, Việt Nam và các nước láng giềng cần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại các cấp, phối hợp tổ chức giao lưu biên giới, cùng nhau hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, v.v. Qua đó, làm cho mối quan hệ giữa các nước láng giềng ngày càng được củng cố, bền chặt, thắm tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, đáp ứng nguyện vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
2. Củng cố, tăng cường “lòng tin” chiến lược giữa các nước láng giềng. Trong mối quan hệ giữa các quốc gia, cũng như giữa người với người, nhân tố quyết định là “lòng tin”, nhưng phải là lòng tin chiến lược bền chặt, lâu dài, chứ không phải là lòng tin nhất thời, mỏng manh, dễ vỡ. Bởi thế, ngạn ngữ có câu: “mất của cải là mất ít, mất tình bạn là mất nhiều, mất lòng tin là mất tất cả”. Có lòng tin chiến lược sẽ có tất cả, nếu không có nó sẽ chẳng có gì và mối quan hệ láng giềng sẽ không thể tồn tại lâu dài. Đáng mừng là, quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng được xây dựng trên cơ sở lòng tin và nó được tôi luyện, thử thách khắc nghiệt qua thời gian trong suốt chiều dài lịch sử của mỗi nước. Vì thế, mối quan hệ láng giềng trở nên bền chặt, thực chất và là vốn quý, niềm tự hào của các nước. Nhưng để giữ được mối quan hệ, lòng tin chiến lược giữa các nước láng giềng là điều không dễ, nhất là trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên chăm lo, củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là niềm tin chính trị bằng nhiều phương thức, không để lòng tin đó bị xói mòn bởi bất cứ lý do gì. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quyết định sự thành bại của mối quan hệ láng giềng. Hiện nay, đối với mỗi nước không chỉ có quan hệ láng giềng, mà còn có những mối quan hệ khác cũng không kém quan trọng trong mối quan hệ quốc tế đa phương, đa dạng, đan xen lợi ích, nhiều nhạy cảm, phức tạp, tác động cả tích cực và tiêu cực đến mối quan hệ láng giềng. Trong đó, không loại trừ việc lợi dụng, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, hòng chia rẽ sự đoàn kết, tin cậy giữa các nước láng giềng. Vì thế, các nước láng giềng phải hết sức tỉnh táo trong quan hệ đối ngoại trên cơ sở giữ vững lòng tin chiến lược. Đặc biệt, phải đặt lợi ích chung, lợi ích toàn cục của các nước láng giềng lên trên trong việc xử lý các tình huống liên quan, nhất là những phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế. Cần hết sức tránh việc vì lợi ích nhỏ mà bỏ lợi ích lớn, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài theo kiểu “tham bát bỏ mâm”, gây tổn hại đến quan hệ láng giềng. Cũng cần thấy, mục đích của quan hệ hợp tác là lợi ích, không có lợi ích sẽ không có quan hệ, hoặc nếu có cũng không thể bền vững lâu dài. Cho nên cần tuân thủ phương châm cùng có lợi, tôn trọng lợi ích của đối tác. Cùng với đó, cần cân nhắc mối quan hệ hợp tác đó tác động ra sao đến mối quan hệ láng giềng, tránh việc vì lợi ích riêng, lợi cục bộ mà bất chấp tất cả, đánh mất sự tin cậy, lòng tin chiến lược của các nước láng giềng.
Việt Nam là dân tộc có truyền thống nhân văn, luôn ứng xử đúng mực, có trách nhiệm, “trước sau như một” trong quan hệ đối ngoại, nhất là quan hệ láng giềng, nên rất thấu hiểu điều đó. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để củng cố lòng tin chiến lược trong quan hệ láng giềng mà các nước đã dầy công tạo dựng, gìn giữ, vun đắp, phát triển. Sở dĩ Việt Nam có được sự tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng cũng như vị thế cao trên trường quốc tế cũng là bởi nhận thức, hành động chân thành đó. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tăng cường lòng tin chiến lược, sự đoàn kết, thống nhất, hữu nghị giữa các nước láng giềng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
3. Kiên định, kiên trì giải quyết các vấn đề tồn đọng theo hướng “tăng điểm tương đồng, giảm bất đồng”giữa các nước láng giềng. Như đã đề cập, hiện nay, trong quan hệ hợp tác giữa các nước láng giềng, bên cạnh những điểm tương đồng là cơ bản thì cũng còn một số vấn đề bất tương đồng, hạn chế. Những tồn đọng đó khá đa dạng về nội dung, tính chất, mức độ nghiêm trọng, như: vấn đề biên giới, chủ quyền, lãnh thổ, sử dụng nguồn nước sông Mê kông, phối hợp ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, môi trường, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, v.v. Trong đó, vấn đề lớn nhất, phức tạp và khó giải quyết nhất là việc tuyên bố chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông của các nước láng giềng và nước có liên quan trong khu vực. Về vấn đề này, Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Với thiện chí hòa bình, Việt Nam thể hiện rõ lập trường về việc đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; việc giải quyết tranh chấp phải được thực hiện thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và COC (khi hoàn thành). Việt Nam phản đối mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Các bên cần hết sức kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình tránh để xảy ra xung đột, gây tác động xấu đến việc đảm bảo an ninh trong khu vực.
Trong quá trình hợp tác, giải quyết những bất đồng, vướng mắc, tồn đọng, các nước láng giềng cần có sự nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, thiện chí vì lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực. Đặc biệt, cần phải kiên định, kiên trì giải quyết từng bước, từng việc, theo hướng dễ làm trước, khó làm sau, tạm gác lại những việc quá khó, chưa thể giải quyết ngay, tránh nóng vội dẫn đến sai lầm làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng xấu đến quan hệ láng giềng. Với tinh thần các nước láng giềng là đối tác tin cậy của nhau, chúng ta tin tưởng rằng, những bất đồng, vướng mắc hiện đang tồn tại dù phức tạp khó khăn đến mấy cũng sẽ từng bước được giải quyết ổn thỏa, đáp ứng sự mong mỏi, nguyện vọng thiết tha của nhân dân mỗi nước.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ thực chất, tầm quan trọng của mối quan hệ láng giềng, đồng thời cảnh giác với mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Ngoại giao nhân dân là một trong ba kênh đối ngoại quan trọng, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng. Để nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng biên giới nắm vững chủ trương đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và trực tiếp tham gia tích cực, hiệu quả công tác này, trước hết cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền cả trực tiếp và gián tiếp qua các phương tiện truyền thông của Trung ương và địa phương. Qua đó, làm cho nhân dân hiểu đúng thực chất, tầm quan trọng của quan hệ láng giềng. Đồng thời, thấy rõ các nước láng giềng là “phên giậu”, là đối tác tin cậy, là đầu mối giao thương kinh tế, thương mại, văn hóa,… đối với nước mình và quan hệ hợp tác với các nước láng giềng sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho ta và bạn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Nội dung tuyên truyền về mối quan hệ láng giềng cần đa dạng, phong phú, trong đó tập trung vào hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, những thành tựu nổi bật của nước ta và các nước láng giềng. Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội,… dẫn tới bùng nổ thông tin, cả thông tin chính thống và thông tin trái chiều, xấu độc. Do đó, để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn tin bằng cả kỹ thuật và pháp luật. Đặc biệt, trước những thông tin trái chiều, sai sự thật và những sự kiện, vấn đề nhạy cảm liên quan đến mối quan hệ láng giềng, cần chủ động tuyên truyền kịp thời, chính xác để nhân dân hiểu đúng sự thật và định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta.
Như chúng ta đã biết, các thế lực thù địch với bản chất hiếu chiến, dã tâm thâm độc, chúng đã và đang chống phá điên cuồng cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Do những toan tính chiến lược, chúng không hề muốn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nhất là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng tốt đẹp. Vì thế, chúng ra sức tìm mọi cách chống phá, hòng chia rẽ sự đoàn kết, phá vỡ quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống của nước ta. Trên thực tế, chúng từng sử dụng chiêu bài xuyên tạc lịch sử, lợi dụng vấn đề Biển Đông, lãnh thổ, hợp tác kinh tế giữa nước ta với nước láng giềng để kích động một số người ngộ nhận lòng yêu nước tham gia gây rối, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Trong công tác tuyên truyền đối ngoại nói chung, quan hệ láng giềng nói riêng, cần hết sức lưu ý vấn đề này. Phải tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để nhân dân thường xuyên nêu cao cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, không mắc các “chiêu trò ảo thuật”, xuyên tạc, kích động, chống phá của chúng; đồng thời, tham gia tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh khốc liệt này.
Trên đây là một số giải pháp chính, khi thực hiện cần kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác để đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng ngày càng bền chặt, mang lại hiệu quả thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển ở mỗi nước; đồng thời, góp phần tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
QUANG HỢP – MẠNH HÀ _________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 163.
2 - Biên giới trên đất liền: Việt Nam – Trung Quốc đã ký 06 văn kiện; Việt Nam – Lào đã ký 09 văn kiện; Việt Nam – Campuchia đã ký 05 văn kiện. Ngoài ra, Việt Nam – Lào – Trung Quốc đã ký Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa ba nước.
3 - Biên giới trên biển: Việt Nam đã ký với các nước liên quan gồm 10 văn kiện, trong đó với Trung Quốc 03, Campuchia 01, Malaysia 02, Phillipine 02, Indonesia 01, Thái Lan 01.
Nước láng giềng,vị thế đất nước,hội nhập quốc tế,hoạt động đối ngoại
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng