Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:10 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời, luôn quan hệ, ứng xử nhân văn với tất cả các nước trên thế giới, nhất là với các nước láng giềng. Nét đẹp truyền thống đó cũng là tư tưởng, quan điểm nhất quán, kế sách giữ nước bền vững từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình của dân tộc ta. Năm tháng trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng tư tưởng, kế sách, kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền nhân về công tác đối ngoại nói chung, quan hệ với các nước láng giềng nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Để góp phần khẳng định, kế thừa, phát triển kinh nghiệm, truyền thống quý báu đó lên tầm cao mới, phù hợp với bối cảnh quan hệ quốc tế và điều kiện cụ thể của đất nước trong tình hình mới, Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết “Tăng cường quan hệ với các nước láng giềng - nâng tầm vị thế đất nước” của tác giả: Quang Hợp - Mạnh Hà.
I. Tầm quan trọng chiến lược quan hệ láng giềng
II. Quan điểm và giải pháp
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại là nhu cầu cấp thiết, quan trọng, thậm chí quyết định sự tồn tại, phát triển đối với mọi quốc gia. Tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó. Nhận thức rõ vấn đề trên, Đảng ta khẳng định: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”1; “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”2. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta và cũng là thông điệp gửi tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Chính sách đối ngoại của Việt Nam không hề mang tính hình thức mà hoàn toàn thực chất, được thể hiện rõ bằng những hành động cụ thể của mình trong quan hệ đối ngoại: Việt Nam mong muốn “là bạn, là đối tác tin cậy” với mọi quốc gia, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển giữa các quốc gia, luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước đối tác. Việt Nam không lệ thuộc và không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Đồng thời, cam kết thực hiện chính sách quốc phòng minh bạch, mang tính chất hòa bình, tự vệ và “chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”3. Độc lập, tự chủ là lợi ích cao nhất của đất nước và cũng là nguyên tắc bất di, bất dịch của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Việt Nam không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào và không cho phép bất kể thế lực nào xâm phạm lợi ích, nguyên tắc tối thượng đó trong quan hệ quốc tế. Với quan điểm và hành động tích cực, có trách nhiệm trên, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo đó, quan hệ đối ngoại của Việt Nam không ngừng được mở rộng, phát triển đa dạng. Cho đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên Liên hợp quốc; trong đó, quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước, riêng với Nga và Ấn Độ là đối tác chiến lược toàn diện, với Trung Quốc là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, với Nhật Bản là đối tác chiến lược toàn diện sâu rộng. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực.
Trong quan hệ đối ngoại rộng mở đó, Đảng ta đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, đồng thời xác định rõ, đây là vấn đề chiến lược, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta. Việt Nam là quốc gia biển, không có nhiều nước láng giềng nên mối quan hệ láng giềng trước đây cũng như hiện nay luôn được trân trọng, gìn giữ, bồi đắp, phát triển không ngừng, bất kể đó là nước lớn, vừa hay nhỏ, giàu hay nghèo. Đó là mối quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, bình đẳng, cùng có lợi của các quốc gia láng giềng, góp phần đảm bảo lợi ích, môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đối với dân tộc ta, cụm từ “láng giềng” mang hàm nghĩa tốt đẹp ở cả phương diện quốc gia cũng như gia đình, nó ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Việt. Về phương diện gia đình, “hàng xóm, láng giềng” là người rất mực gần gũi. Chẳng thế mà ngạn ngữ dân tộc ta có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, hay “tắt lửa tối đèn có nhau”, luôn giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau trong mọi việc lớn, nhỏ, vui, buồn, nhất là trong hoạn nạn. Nét đẹp ứng xử ấy được hình thành từ lâu đời, thử thách, tiếp nối qua nhiều thế hệ, trở thành cốt cách, truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam. Về phương diện quốc gia, “láng giềng” là nước có chung đường biên giới, “núi liền núi, sông liền sông”, có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống đáng tự hào mà không phải quốc gia nào cũng có thể có được. Thực tiễn lịch sử trước đây cũng như hiện nay cho thấy, không gì vui và hạnh phúc hơn khi có láng giềng tốt và không có gì bất hạnh hơn khi không có láng giềng hoặc láng giềng không tốt. Nếu có mối quan hệ láng giềng tốt thì mọi việc đều sẽ “thông đồng, bén giọt”, biến những phức tạp lớn thành vừa, vừa thành nhỏ, nhỏ thành không có gì, khó khăn đến mấy cũng vượt qua. Trái lại, nếu quan hệ láng giềng không tốt thì phức tạp nhỏ cũng trở thành lớn, khó có thể giải quyết. Mối quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng được hun đúc từ lịch sử, được tôi luyện, thử thách khắc nghiệt qua thời gian với nhiều biến cố, cho nên hết sức bền chặt, đặc biệt thủy chung, trong sáng, không gì có thể phá vỡ. Vì thế, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với các nước láng giềng, chăm lo gìn giữ, bồi đắp, không ngừng phát triển và trên thực tế, quan hệ đó đã, đang trở thành tài sản quý, sức mạnh nội sinh, động lực của mỗi nước để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam, trong tâm khảm của mình không bao giờ quên và hết sức biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước láng giềng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Nhờ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa đó, đặc biệt là tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia nên cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đã thắng lợi vẻ vang, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của mỗi nước. Về phần mình, Việt Nam luôn trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai, ứng xử nhân văn, “trước sau như một” trong quan hệ hợp tác với các nước láng giềng. Thấu suốt quan điểm “giúp bạn là tự giúp mình”, Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ các nước láng giềng khi gặp khó khăn. Bằng chứng rõ nhất là khi nước bạn Campuchia gặp hoạn nạn, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã không quản ngại hy sinh, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân nước Bạn trong công cuộc giải phóng đất nước, thoát khỏi chế độ diệt chủng của tập đoàn phản động Pol Pôt - IêngSary năm 1979. Và mới đây, ngày 21/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia. Hai bên thống nhất ra Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia, gồm 16 hoạt động, ký 07 văn kiện hợp tác về các lĩnh vực then chốt và bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng mà hai bên cùng quan tâm. Đó là minh chứng rõ nét về mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước, cũng như các nước láng giềng nói chung. Tinh thần hợp tác, hữu nghị không gì lay chuyển nổi của các nước láng giềng còn tiếp tục được thể hiện, tỏa sáng trong cuộc chiến chống kẻ thù chung của nhân loại – Đại dịch Covid-19. Việt Nam và các nước láng giềng đã tích cực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ thiết bị y tế, vaccine phòng dịch,… cùng nhau vượt qua thời khắc ngặt nghèo của đại dịch.
Thực tiễn lịch sử đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ láng giềng. Mối quan hệ đó đặc biệt trên nhiều phương diện, đặc biệt gần gũi, gắn bó; đặc biệt thủy chung, trong sáng; đặc biệt hữu nghị truyền thống,…; vì thế, nó vượt ra ngoài phạm vi của mối quan hệ thông thường. Tầm quan trọng và giá trị của mối quan hệ láng giềng không chỉ được thể hiện trong cách ứng xử, sự ủng hộ, tin cậy lẫn nhau trong hoạt động song phương, đa phương về giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế liên quan, mà hơn thế còn được thể hiện trong mối quan hệ hợp tác toàn diện, cùng có lợi giữa các nước láng giềng. Hiện nay, trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, quan hệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nhạy cảm, đan xen lợi ích thì việc gìn giữ, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống giữa các nước láng giềng càng trở nên quan trọng, thực sự có vai trò then chốt trong tổng thể quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Đó là vấn đề chiến lược, là “chìa khóa” để Việt Nam hướng tới tương lai, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
(Số sau: II. Quan điểm và giải pháp)
QUANG HỢP – MẠNH HÀ _________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 161.
2 - Sđd, tr. 162.
3 - Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQGST, H. 2019, tr. 28.
Tăng cường quan hệ,ứng xử nhân văn,các nước láng giềng,vị thế đất nước
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng