Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:57 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
I. Quan điểm của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
II. Thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Tiếp theo và hết*
III. Giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng ta. Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế và cả những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển, để thực hiện thắng lợi chủ trương trên, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, hoàn chỉnh; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về biển, đảo, nhất là tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện Chiến lược biển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, khoa học - công nghệ biển, v.v. Có như vậy, mới tạo được động lực và sức mạnh tổng hợp để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu Chiến lược đã xác định, đẩy nhanh phát triển bền vững kinh tế biển; đồng thời, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, “thế trận lòng dân” vững chắc trên biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Theo đó, công tác tuyên truyền cần được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn, trình độ, nhận thức của nhân dân, nhất là các đối tượng hoạt động trên biển. Ngoài việc cung cấp thông tin khách quan, có định hướng những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông để mọi người hiểu đúng thực chất, cần làm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta để củng cố niềm tin, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, vạch trần âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch muốn lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo làm phương hại đến quan hệ với các nước láng giềng, chia rẽ nội bộ, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Trong quá trình tuyên truyền, cần kết hợp cung cấp các tài liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý, luận chứng khoa học và tình hình thực tiễn, để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, đảo nước ta trên cơ sở Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) khi được thông qua. Công tác thông tin, tuyên truyền cần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha ông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm biển, nhất là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, phòng, tránh thiên tai,… cho các tầng lớp nhân dân, tạo niềm tin, đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ đối với bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc bổ sung, xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình và điều kiện là cần thiết, quan trọng. Qua đó, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của biển, hình thành sự gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực kinh tế biển với quốc phòng, an ninh thành một thể thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương, nhất là những địa phương ven biển phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các chủ trương thực hiện Chiến lược biển cần được nghiên cứu, xây dựng dựa trên các căn cứ khoa học, hiện đại, các cơ sở dữ liệu, được đánh giá một cách toàn diện về thực trạng phát triển kinh tế biển, những thuận lợi, thế mạnh và cả những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, v.v. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết làm ăn kinh tế với những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới ở vùng biển thuộc chủ quyền của ta, tạo thế đan cài lợi ích trong phát triển kinh tế biển với các đối tác; đồng thời, khẳng định chủ quyền tại các vùng biển của ta, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hành động lấn chiếm biển, đảo và giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo với các nước có liên quan bằng các giải pháp chính trị, thương lượng, hòa bình.
Ba là, phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với ngoại lực để tạo nguồn lực dồi dào cho phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế, nhưng để biến các tiềm năng ấy thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc đầu tư thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh, như: khai thác, chế biến dầu khí; hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển; khai thác, chế biến hải sản; du lịch,... ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo là hết sức cần thiết. Trong đó, cần ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh, các trung tâm dịch vụ có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân bằng các chính sách thỏa đáng, ưu đãi, phù hợp, nhằm giúp họ yên tâm gắn bó với biển, đảo - vấn đề then chốt trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển. Cùng với đó, cần tận dụng tốt nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác, hội nhập quốc tế tạo nguồn lực dồi dào cho phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền tại các vùng biển của Tổ quốc. Trong quá trình hợp tác, tranh thủ nguồn lực, cần quán triệt sâu sắc quan điểm đối ngoại của Đảng, giữ vững nguyên tắc chiến lược, có cách nhìn biện chứng, toàn cục và tuyệt đối tránh chỉ thấy lợi ích kinh tế đơn thuần mà xem nhẹ hoặc gây tổn hại các lợi ích khác, nhất là vấn đề chủ quyền, lãnh thổ - lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc.
Bốn là, tăng cường quản lý, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển đi đôi với bảo vệ môi trường biển, ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển. Phát triển “nền kinh tế biển xanh” đang là xu hướng của nhiều quốc gia biển trên thế giới. Tất nhiên, với nước ta về lâu dài cũng phải theo hướng này, nhằm bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, dựa trên phương thức quản lý tổng hợp về biển, đại dương, cũng như bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên; trong đó, lấy khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực là hạt nhân. Theo đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; sớm hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, như: hàng hải, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm, v.v. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình trọng điểm, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để điều tra cơ bản, quản lý, sử dụng, bảo tồn tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện nghiêm túc các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia. Xây dựng nguồn nhân lực biển chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển là vấn đề quan trọng có tính đột phá chiến lược. Muốn thế, cần có cơ chế, chính sách đặc biệt đối với công tác đào tạo, thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về biển và đại dương. Huy động các nguồn lực cả trong nước và nước ngoài, từ các thành phần kinh tế để đầu tư cho quản lý, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển gắn với bảo vệ môi trường biển và ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống trên biển. Sớm hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, tương xứng với tiềm năng đã được khẳng định. Đó là con đường ngắn nhất để xây dựng “nền kinh tế biển xanh”, đạt các tiêu chí cơ bản về phát triển bền vững.
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân thực hiện thắng lợi Chiến lược biển. Để phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cần sự “vào cuộc” với trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân. Trước hết, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, các lực lượng và sự tham gia tích cực của toàn dân. Quá trình thực hiện, phải thấu suốt chủ trương, quan điểm của Đảng: gắn chặt xây dựng với bảo vệ; phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa. Lập trường nhất quán đó được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật về biển đã ban hành, như Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như trong các tuyên bố chính thức của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Đồng thời, chú trọng xây dựng lực lượng, điều chỉnh, bố trí và triển khai thế trận quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới. Đặc biệt, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như: Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư tích cực, chủ động tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trên vùng biển Việt Nam, góp phần tích cực vào việc duy trì an ninh trật tự, an toàn trên biển, thể hiện rõ vai trò quản lý và bảo vệ vùng biển. Việc triển khai xây dựng cơ sở hậu cần - kỹ thuật tại các vùng biển, đảo cần được xúc tiến nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, tạo tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh trên biển. Trong đó, cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích nhân dân ra định cư ổn định và làm ăn dài ngày trên biển; thí điểm xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế tại các đảo, quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thiên nhiên đã ban tặng cho nước ta vùng biển rộng lớn, có tiềm năng rất lớn về thủy sản, hải sản, khoáng sản, du lịch. Đó là đặc ân của tạo hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được. Để giữ được “báu vật” đó đến ngày nay, các thế hệ người Việt Nam đã phải đấu tranh bằng biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của mình suốt mấy nghìn năm lịch sử. Bởi thế, trách nhiệm thiết thực và cao cả của chúng ta ngày nay là phải trân trọng, khai thác, giữ gìn, bảo vệ để biển, đảo mãi mãi là không gian sinh tồn cho muôn đời con cháu mai sau.
THANH PHÚC - XUÂN CƯỜNG - BÁ BÌNH ____________
* - Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ Số 9-2019
giải pháp phát triển,không gian sinh tồn,chủ quyền biển
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng