Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:05 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
I. Quan điểm của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Tiếp theo*
II. Thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, những năm qua, quân và dân ta đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và đạt được những thành tựu quan trọng. Nổi bật là, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân, nhất là nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển và hoạt động trên biển về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc có sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, đã nhận thức sâu sắc hơn về hai nhiệm vụ chiến lược, nắm vững nội dung trọng tâm trong quan điểm của Đảng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước; cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển của nước ta, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nắm vững định hướng và những quan điểm khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, cũng như thấy rõ những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, v.v.
Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn. Đây là thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Theo đó, sau khi Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09-02-2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” ban hành, Chính phủ, Quốc hội thể chế hóa bằng các quyết định, nghị định, bộ luật,… đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trên cơ sở đó, các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thế ổn định, vững chắc cho các hoạt động sản xuất, đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp xảy ra trên biển. Nhiều chính sách mới, hợp lòng dân được ban hành, nhất là việc khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân ra đảo định cư lâu dài và lao động, sản xuất trên các vùng biển, đảo xa bờ, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, kinh tế biển và vùng ven biển của nước ta đã có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng tích cực, đang trở thành một trong những động lực để phát triển đất nước1. Cơ cấu ngành, nghề kinh tế biển có sự điều chỉnh phù hợp, xuất hiện một số ngành nghề mới với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, ưu tiên đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, như: khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nhờ đó, vai trò và tỷ trọng kinh tế biển trong nền kinh tế quốc dân tăng rõ rệt; một số đảo đã và đang phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển, như: Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc, v.v.
Lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển (Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng và Hải quân) được đầu tư, kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị, phương tiện kỹ thuật nên đã và đang thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên các vùng biển thuộc quyền; thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là các tình huống phức tạp trên biển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, phòng, chống tội phạm, v.v. Không những thế, các lực lượng này còn mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác, tích cực tham gia tuần tra chung, diễn tập tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển với các lực lượng cùng chức năng của các nước trong khu vực.
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đến nay hệ thống phòng thủ biển, đảo được tăng cường; phương án tác chiến các cấp bảo vệ biển, đảo, quần đảo thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác tuyên truyền biển, đảo, giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được đẩy mạnh, nhất là với ngư dân, các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, ven biển. Nhờ đó, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa nhân dân vùng biển với các lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân trên biển, đảo ngày càng vững chắc. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng về đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh, các lực lượng trên đã xử trí tốt mọi tình huống, kể cả tình huống phức tạp trên biển, kiềm chế được xung đột. Điều quan trọng là không để cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá mối quan hệ của nước ta với các nước láng giềng, trong khi vẫn đạt được mục tiêu giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc và môi trường hòa bình để phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta cũng còn những hạn chế và đó cũng là những khó khăn, thách thức đặt ra, cần phải giải quyết trong thời gian tới. Trước hết, công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo chưa thật sâu rộng, nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp nên hiệu quả tổ chức thực hiện còn hạn chế. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành có liên quan và người dân chưa được như mong đợi. Kinh nghiệm, trình độ quản lý biển, đảo chưa ngang tầm; hệ thống chính sách tuy đã được bổ sung và từng bước hoàn thiện, nhưng vẫn còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, hiệu lực thực thi thấp, v.v.
Về tổng thể, quy mô kinh tế biển mặc dù có tăng, song vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mục tiêu, yêu cầu kế hoạch đề ra. Giá trị thu được từ hoạt động kinh tế biển vẫn chủ yếu từ các nghề biển truyền thống, trong khi các nghề biển công nghệ cao, như: năng lượng sóng thủy triều, khai thác khoáng sản dưới lòng nước sâu, hóa chất, dược liệu biển,… chưa được tập trung nghiên cứu. Các ngành kinh tế biển mũi nhọn được ưu tiên phát triển, như: dầu khí, đóng tàu, hàng hải, chưa tận dụng được cơ hội, tiềm năng, lợi thế để phát triển, thậm chí còn làm thất thoát số lượng lớn ngân sách nhà nước2. Khai thác và chế biến dầu khí gặp nhiều khó khăn cả về sản lượng và năng lực chế biến các sản phẩm từ lọc hóa dầu. Ngành đóng tàu biển phát triển còn chậm; chủ yếu đóng, sửa chữa tàu nhỏ hoạt động ven bờ, doanh thu và hiệu quả thấp. Đội tàu biển phần lớn là tàu cũ, cơ cấu không hợp lý (thừa tàu chở hàng hóa, hàng rời, thiếu tàu container, tàu chuyên dụng), chủ yếu hoạt động trên các tuyến gần. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu, lạc hậu, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo đột phá mạnh cho phát triển một số trung tâm kinh tế biển ở tầm quốc gia, khu vực. Hệ thống cảng biển, khu kinh tế biển được xây dựng mở rộng nhanh, nhưng còn thiếu đồng bộ với nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối bằng các tuyến đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển nên chưa thu hút được các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do nguồn lực hạn chế, đầu tư dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm, không phân định rõ các dự án ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thiếu chiều sâu,... nên hiệu quả thấp.
Đối với lĩnh vực khai thác, sử dụng biển và hải đảo, các chuyên gia và nhà quản lý đánh giá là kém hiệu quả, thiếu bền vững, không tuân thủ quy hoạch, với phương thức tự phát, chủ yếu là đầu tư nhỏ và sử dụng công nghệ lạc hậu, nên làm cạn kiệt dần nguồn lợi hải sản và suy giảm các hệ sinh thái ven biển, như: rừng ngập mặn, vùng triều, rạn san hô, v.v. Đánh bắt xa bờ chưa phát triển, mặc dù có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, nhưng quá trình thực hiện yếu kém dẫn đến các phương tiện đánh bắt xa bờ chất lượng kém3. Công tác dự báo xu hướng diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và biển xâm thực chưa đúng mức nên việc ứng phó kém hiệu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống nhân dân các vùng ven biển. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, khoa học - công nghệ biển, quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn,… còn nhỏ, trang bị thô sơ, chậm được đầu tư nâng cấp. Nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về biển chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu.
Quá trình phát triển kinh tế biển ở một số lĩnh vực chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh. Một số địa phương ven biển khi xây dựng quy hoạch, kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, dự án kinh tế ven biển, trên đảo chưa chú trọng các phương án xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, “thế trận lòng dân”, chủ yếu chạy theo lợi ích kinh tế nên để xảy ra tình trạng một số dự án, hoạt động kinh tế ảnh hưởng đến yêu cầu quốc phòng - an ninh. Quá trình dân sự hóa, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, cảng biển, khu neo đậu, cơ sở hạ tầng nghề cá, công trình phòng thủ biển, đảo thực hiện chậm. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị, phương tiện của các lực lượng thực thi pháp luật cũng như sức mạnh của lực lượng vũ trang bảo vệ biển, đảo mặc dù đã được tăng cường song vẫn còn những bất cập. Tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp và đã nhiều lần nước ngoài có hành động xâm phạm chủ quyền, cản trở việc khai thác dầu khí cũng như nguồn lợi hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Trong khi đó, các thế lực phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá Đảng và Nhà nước, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế biển, v.v.
Những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần phải giải quyết nhanh, triệt để trong thời gian tới bằng các giải pháp đồng bộ, khoa học để biển, đảo Việt Nam mãi là không gian sinh tồn, phát triển cho các thế hệ hiện tại và tương lai của dân tộc. v
THANH PHÚC - XUÂN CƯỜNG - BÁ BÌNH _______________
* - Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 9-2019
1 - Theo Tổng cục Thống kê, đến nay, đóng góp của kinh tế thuần biển đạt khoảng 10% GDP cả nước, có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập, phát triển được 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng, tổng chiều dài khoảng 45.000 m, v.v.
2 - Tình trạng kinh doanh thua lỗ, thất thoát tài sản, tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES).
3 - Hàng loạt sai phạm trong thực hiện chính sách đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
(Số sau: III. Giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc (Bấm vào đây để xem số III)
để biển,đảo mãi là,không gian sinh tồn
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng