QPTD -Thứ Sáu, 17/02/2023, 09:55 (GMT+7)
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng - kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

Quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng, nhằm góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài, không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước. Đây là nội dung rất quan trọng, có tính xuyên suốt, đồng thờiphương thức, kế sách bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của tất cả các cơ quan, đơn vị, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp. Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu chùm bài viết: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng - kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của nhóm tác giả Phùng Chất - Trần Toàn.

I. HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ ĐỐI NGOẠI QUỐC PHÒNG - “TRỤ CỘT” GÌN GIỮ MÔI TRƯỜNG HÒA BÌNH, BẢO VỆ TỔ QUỐC (Xem phần II tại đây)

Những năm qua, tình hình an ninh chính trị thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều nội dung vượt ra ngoài dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, với tính chất, tầm mức ngày càng quyết liệt. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như: xung đột sắc tộc, tôn giáo, an ninh, an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm có tổ chức, tội phạm trên không gian mạng,... tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp.

Đối với nước ta, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với chủ trương “nội yên, ngoại tĩnh” và tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, nhân văn, thân thiện với láng giềng, lấy lẽ phải, công lý và chính nghĩa để thuyết phục lòng người, Việt Nam luôn chủ trương thực thi chính sách ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, mang đậm nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái chính trị và luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu tối thượng, nhằm giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường, ngăn chặn hiểm họa xâm lăng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền hòa bình dài lâu cho đất nước. Kế thừa truyền thống đó trong điều kiện mới, Đảng ta luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bình đẳng, cùng có lợi; chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cây và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế toàn diện, sâu rộng, nhằm kiến tạo, giữ vững môi trường hòa bình; tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài; đồng thời, tạo dựng và tăng cường lòng tin chiến lược với các nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là cách thức để Việt Nam thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tham gia giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Là một bộ phận của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng, hướng tới mục tiêu thiết lập và mở rộng quan hệ, hợp tác về quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi, không phân biệt sự khác nhau về thể chế chính trị, trình độ phát triển. Theo đó, Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác về quốc phòng dưới bất kỳ điều luật, áp đặt hoặc sức ép nào. Việt Nam nhận thức rõ, hợp tác quốc phòng là một trong những cơ sở quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới; là yếu tố căn bản để thực hiện các mục tiêu quốc phòng của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đối ngoại quốc phòng đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần xây dựng lòng tin chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới. Thông qua đối ngoại quốc phòng, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam; về tính chất quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam cùng truyền thống, bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trên tinh thần đó, Việt Nam chủ trương mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ quốc phòng với nhiều quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới, tham gia ngày càng tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương và đa phương. Hiện nay, hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng được Việt Nam triển khai dưới nhiều hình thức, như: trao đổi đoàn quân sự; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; tham vấn - đối thoại quốc phòng; hợp tác huấn luyện, đào tạo; giải quyết các vấn đề nhân đạo; tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế,...; việc tăng cường trao đổi, giao lưu sĩ quan trẻ, hợp tác giữa các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu với các nước cũng luôn được coi trọng; qua đó, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột1.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước, tổ chức trong khu vực và quốc tế cũng được triển khai một cách bài bản, đồng bộ, đa dạng, tùy thuộc vào từng lĩnh vực, cấp độ. Đối với các quốc gia có biên giới liền kề, hợp tác quốc phòng được xác định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, bởi thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, xây dựng và giữ vững tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Với các nước lớn, đối ngoại quốc phòng giúp xử lý tốt quan hệ, tạo thế đan xen chiến lược, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc. Với các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, nội dung và hình thức hợp tác quốc phòng ngày càng được mở rộng, làm sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực. Đối với các nước ASEAN, quan hệ quốc phòng thường xuyên được củng cố, là yếu tố quan trọng để củng cố lòng tin chiến lược nhằm tạo dựng sự ủng hộ của đa số các nước ASEAN đối với các lợi ích chính đáng của Việt Nam trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Với các nước bạn bè truyền thống, quan hệ quốc phòng được duy trì linh hoạt, bảo đảm phù hợp với nhu cầu quốc phòng của Việt Nam cũng như khả năng quốc phòng của nước bạn; với các nước có liên quan, thông qua quan hệ quốc phòng giúp các bên hiểu rõ hơn quan điểm của nhau, tạo cơ hội giải quyết các vấn đề có liên quan đến lợi ích của các bên, v.v. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ quốc phòng với hơn 100 nước, trong đó có 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cường quốc trên thế giới. Về cơ bản, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với các đối tác chủ chốt; trong đó, Cuba, Lào, Campuchia là quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện; Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc là quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện; 13 nước có quan hệ đối tác chiến lược2; 13 nước có quan hệ đối tác hợp tác toàn diện3; Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thủy đạc quốc tế (EHO) là quan hệ hợp tác. Ngoài ra, có 31 nước đặt Phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Việt Nam và 20 nước kiêm nhiệm, Việt Nam cũng đặt Phòng Tùy viên Quốc phòng tại 32 nước4, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu.

Với chủ trương mở rộng và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ quốc phòng song phương, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương, Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với quân đội các nước trên nhiều lĩnh vực: (1). Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Việt Nam chủ động, thích ứng nhanh và kịp thời điều chỉnh kế hoạch đối ngoại quốc phòng theo hướng đổi mới, linh hoạt phương thức triển khai, đồng thời đề xuất các nội dung, sáng kiến hợp tác bảo đảm phù hợp với thực tiễn5. (2). Chú trọng và thúc đẩy hợp tác quốc phòng thông qua ký kết, thực hiện hiệu quả các văn bản, thỏa thuận hợp tác với các nước láng giềng về bảo vệ biên giới; phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm; tăng cường tuần tra chung; giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; kết nghĩa đồn trạm, cụm bản,... góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và phát triển. (3). Trên biển, Quân chủng Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam duy trì tốt công tác bảo đảm an ninh và thực thi pháp luật thông qua các cơ chế tham vấn song phương, ký kết các văn bản hợp tác; tổ chức tuần tra chung; phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin về tìm kiếm cứu nạn; tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ đa phương. (4). Duy trì và thúc đẩy hợp tác thông qua các cơ chế hợp tác về trao đổi, chia sẻ thông tin quốc phòng, nhằm nắm vững chủ trương của các nước đối với những vấn đề quốc tế, khu vực có liên quan đến an ninh, lợi ích của Việt Nam, từ đó tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước. (5). Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học thông qua việc chủ động tuyển chọn, cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài và mở rộng, tiếp nhận học viên quân sự của các nước đến học tập tại Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy giao lưu, trao đổi, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm, cũng như tiếp thu công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cũng như khả năng phối hợp hoạt động với quân đội các nước. Đây là “chìa khóa” để đội ngũ cán bộ Quân đội có thêm cơ hội cọ xát, trải nghiệm thực tế trong môi trường làm việc quốc tế, từ đó nâng cao năng lực, tính chính quy, tinh nhuệ. (6). Đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, thương mại quân sự với các nước trên nguyên tắc đảm bảo tối ưu lợi ích. Tổ chức thành công Triển lãm quốc tế về quốc phòng tại Việt Nam lần thứ Nhất và một số hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp quốc phòng tại các sự kiện quốc tế, triển lãm kinh tế - quốc phòng trên không gian mạng; đồng thời, tranh thủ và tận dụng tối đa mọi nguồn lực về vốn, khoa học, công nghệ cũng như sự hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị,... của các đối tác, nhất là các nước có nền công nghiệp phát triển để tăng cường tiềm lực quốc phòng; các hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Quân đội cũng được đẩy mạnh. (7). Coi trọng mở rộng hợp tác khoa học kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng với các nước, nhất là các đối tác chiến lược truyền thống theo hướng chuyển giao công nghệ, tự sửa chữa, cải tiến và sản xuất, tập trung vào các sản phẩm công nghiệp quân sự công nghệ cao, hiện đại.

Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia đầy đủ, liên tục các cơ chế, khuôn khổ hợp tác quân sự, quốc phòng do ASEAN thành lập và dẫn dắt, bảo đảm phù hợp với các diễn đàn an ninh quốc tế trong khu vực; tham gia có trách nhiệm vào các tổ chức đa phương ở tầm quốc tế và khu vực. Đặc biệt, đối ngoại quốc phòng đa phương có sự chuyển biến mạnh về tư duy, từ “tham dự” sang “chủ động đóng góp, xây dựng, định hình luật chơi chung”; đảm nhận và chủ trì thành công các hoạt động hợp tác thực chất6; tích cực cử lực lượng Quân đội tham gia các hoạt động thực tế trong khuôn khổ ASEAN và hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Với cương vị là Chủ tịch các Hội nghị quốc phòng, quân sự ASEAN năm 2020, Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ động phối hợp, tham vấn các bộ, ngành liên quan và các đối tác, thúc đẩy Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác ứng phó dịch bệnh lan truyền; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM); Hội nghị ADMM mở rộng (ADMM+) ra tuyên bố chung (sau 07 năm ADMM+ không ra được Tuyên bố chung). Qua đó, làm cơ sở để các nước Chủ tịch ADMM, ADMM+ tiếp theo xây dựng văn kiện các hội nghị cũng như ADMM triển khai các hoạt động hợp tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh7. Việc lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam thường xuyên tham dự và phát biểu tại các diễn đàn an ninh quốc tế lớn, như: Shangri-La (Singapore), Hương Sơn - Bắc Kinh (Trung Quốc), Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow (Nga),... đã giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc; tính chất nền quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ. Đồng thời, khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, những năm gần đây, Việt Nam chủ động tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với nhiều quy mô, hình thức khác nhau. Ngoài việc cử các sĩ quan Quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ8,... Việt Nam còn triển khai 04 Bệnh viện dã chiến đến Nam Xu-đăng; triển khai Đội Công binh đến phái bộ UNISFA của Liên hợp quốc, v.v. Sự chủ động và tích cực của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nghĩa tình, thủy chung, yêu chuộng hòa bình,... trong mắt bạn bè quốc tế; đồng thời, khẳng định năng lực hội nhập quốc tế và làm việc trong môi trường đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế đánh giá cao.

Từ các hoạt động hiệu quả trên có thể khẳng định, hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng là “chìa khóa” để kiến tạo và tăng cường lòng tin chiến lược với các nước trong khu vực và trên thế giới; là “trụ cột” để nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là đối với các nước lớn, các nước đối tác, cũng như các nước khác biệt về chế độ chính trị. Đây là vấn đề rất quan trọng trong tình hình và xu thế hiện nay, vừa góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế, vừa là thành tố quan trọng trong kiến tạo, gìn giữ môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, mở ra cơ hội để chúng ta tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

PHÙNG CHT - TRN TOÀN
____________

1 - Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã đón 46 đoàn với 81 lượt tàu, hơn 18.000 lượt sĩ quan và thủy thủ Hải quân các nước tới thăm.

2 - Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp, Malaysia, Philippines, Australia, New Zealand.

3 - Nam Phi, Chile, Brazil, Venezuela, Argentina, Ukraina, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Myanmar, Canada, Hungary, Brunei, Hà Lan.

4 - 08 nước Việt Nam có kiêm nhiệm, gồm: Hoa Kỳ kiêm nhiệm Canada, Australia kiêm nhiệm New Zealand, Pháp kiêm nhiệm Bỉ và EU, Cộng hòa Sec kiêm nhiệm Hungary và Slovakia, Tây Ban Nha kiêm nhiệm Italy, Trung Quốc kiêm nhiệm Pakistan và Mông Cổ, Đức kiêm nhiệm Hà Lan.

5 - Thông qua kênh ngoại giao quốc phòng, các nước Cuba, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ,... đã hỗ trợ Việt Nam trang thiết bị, vật tư y tế và vaccine phòng, chống dịch Covid-19.

6 - Cùng Ấn Độ đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo chu kỳ 2014 - 2017; cùng với Nhật Bản về Gìn giữ hòa bình chu kỳ 2021 - 2023.

7 - Nội dung về an ninh biển và Biển Đông cùng một số nội dung khác trong Tuyên bố chung ADMM/ADMM+ năm 2021; dự thảo Tuyên bố chung ADMM/ADMM+ năm 2022 được Brunei và Campuchia kế thừa từ các Tuyên bố chung năm 2020 nhằm đạt đồng thuận tại hội nghị.

8 - Sau gần 08 năm, đến nay, Việt Nam đã triển khai được hơn 70 lượt sĩ quan theo hình thửc cá nhân đến các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi. Hiện đang duy trì 07 sĩ quan tại Cộng hòa Trung Phi; 05 sĩ quan tại Nam Xu-đăng và 07 sĩ quan tại Phái bộ UNISFA, v.v.

Số sau: II. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.