Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:59 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
I. Loại bỏ “sâu mọt” ra khỏi hàng ngũ cán bộ
II. Cán bộ tốt và một số yêu cầu đặt ra hiện nay (Bấm vào đây để xem phần III)
Thực tiễn cho thấy, mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau, yêu cầu cụ thể về phẩm chất, năng lực đối với đội ngũ cán bộ có sự khác nhau, nhưng dù giai đoạn nào, cấp, ngành nào, lĩnh vực, địa phương nào,... thì cán bộ và công tác cán bộ cũng giữ vai trò quyết định. Hơn 90 năm qua, do Đảng ta luôn quan tâm, đặt đúng vị trí và lãnh đạo làm tốt công tác cán bộ, nên ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều xuất hiện những cán bộ, đảng viên tiêu biểu, tỏ rõ bản lĩnh chính trị, anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích vẻ vang, rạng danh non sông, đất nước. Trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực hiện nay, nhiệm vụ cách mạng nước ta đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả để giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững. Tình hình đó, đang đặt ra những yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực và đòi hỏi mỗi cán bộ phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”1, v.v. Theo đó, cùng với việc tự giác phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên của mỗi cán bộ, công tác cán bộ ở mỗi cấp, ngành, lĩnh vực và mỗi địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình,... cụ thể hóa, công khai chi tiết các tiêu chí về phẩm chất, trình độ, năng lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương mình để mỗi cán bộ dù đã, đang, hoặc sẽ được bổ nhiệm giữ cương vị, trọng trách, chức danh nào đều thực sự: “sáng về tâm”, “xứng về tầm”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Để đáp ứng yêu cầu đó, trong phạm vi bài viết, tác giả xin đề xuất một số vấn đề sau.
1. Về phẩm chất
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, triệt để tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng và tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII do Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) đã thống nhất thông qua. Mỗi cán bộ, dù ở cương vị nào, cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương nào cũng đều phải: có tinh thần yêu nước sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, tận tuỵ với công việc, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể, đất nước và dân tộc; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, được tập thể và nhân dân tín nhiệm; không tham vọng quyền lực, cơ hội, vụ lợi, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, v.v. Trên cơ sở chức năng, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ được giao, mỗi cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương cụ thể hóa, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí về phẩm chất cán bộ sát, đúng, phù hợp với thực tiễn để mỗi cán bộ luôn đủ tâm, xứng tầm: “khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”2. Việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm các chức danh cán bộ thường gắn với quy hoạch, xây dựng đội ngũ cấp ủy đảng các cấp; vì thế, công tác nhân sự cán bộ cần thực hiện đúng hướng dẫn của Đảng, tiến hành chặt chẽ, kiên quyết không để lọt những cán bộ: bản lĩnh chính trị không vững vàng; cơ hội, tham vọng quyền lực, xu nịnh, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Chuyên quyền, độc đoán, thiếu công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm. Không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp. Kê khai tài sản không trung thực, giàu nhanh mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
2. Về trình độ
Cùng với sự vận động, phát triển nhanh về mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và những đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đòi hỏi người cán bộ phải tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt để thích nghi, tránh lạc hậu, phù hợp với xu hướng xây dựng xã hội học tập và “học suốt đời” của nhân loại ở thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng đã và đang thôi thúc người dân Việt Nam cũng như cán bộ phải nỗ lực học tập nâng cao trình độ để phát triển toàn diện. Tự học là cách tốt nhất để tự hoàn thiện và làm giàu tâm hồn, trí tuệ, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, xã hội văn minh, hạnh phúc. Theo đó, cùng với những yêu cầu chung nhất về: trình độ lý luận chính trị, trình độ đào tạo (bậc học), ngoại ngữ, tin học,... mỗi cán bộ cần tự chọn và theo đuổi một hay nhiều vùng kiến thức, kỹ năng phù hợp khả năng nhận thức, sở trường của mình, vì: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết gắn lên trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức của nhân loại”3. Thực sự tiêu biểu về trình độ trí tuệ, có kiến thức toàn diện, giỏi về chuyên môn, chuyên ngành đào tạo, biết vận dụng lý luận khoa học vào thực tiễn, có tư duy đổi mới, sáng tạo, tầm nhìn bao quát tương xứng chức trách đảm nhiệm. Cương vị càng cao đòi hỏi trình độ lý luận, nhận thức, tư duy trí tuệ phải tương xứng; trình độ vận dụng lý luận khoa học vào phân tích, dự báo tình hình phải nhuần nhuyễn, chính xác, sát xu hướng vận động phát triển của thực tiễn; đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có tính khả thi cao, hiệu quả. Ở mỗi cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương tiếp tục chuẩn hóa về trình độ đối với mỗi chức danh cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo, chủ trì, chủ chốt và kiểm soát thật chặt chẽ tiêu chí này trong quá trình tiến hành công tác cán bộ. Chỉ nên bổ nhiệm cán bộ khi họ hội tụ đầy đủ tiêu chí đã được chuẩn hóa đối với mỗi chức danh; kiên quyết không “cho nợ” trình độ và loại ra khỏi hàng ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị những trường hợp “chạy” bằng cấp, người không đủ tiêu chí trình độ theo quy định đối với chức danh đảm nhiệm.
3. Về năng lực
Đây là yêu cầu quyết định chất lượng công tác của cán bộ trong mọi tiến trình cách mạng. Tuy không có quy chuẩn để “lượng hóa” năng lực cán bộ, nhưng từ những yêu cầu chung nhất trong các nghị quyết, văn bản của Đảng, Luật Cán bộ, công chức, năng lực của mỗi cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo, chủ trì, chủ chốt ở mỗi cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương được biểu hiện trên những khía cạnh chủ yếu, như: việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phù hợp, sát yêu cầu, nhiệm vụ cấp mình và kết quả tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Qua thực tiễn chứng tỏ là người có năng lực, sáng tạo, làm việc hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có năng lực quy tụ, đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao, phát huy được sức mạnh tổng hợp của đội ngũ cán bộ, quần chúng trong lĩnh vực công tác, địa bàn được phân công; lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thực sự tiêu biểu, mẫu mực về năng lực công tác được thực tiễn kiểm nghiệm, có năng lực tư duy, tầm nhìn chiến lược tương xứng với chức danh đảm nhiệm; thường xuyên phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới, đúng, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao. Đồng thời, tiêu biểu về ý thức tổ chức kỷ luật, tính chiến đấu cao; gắn bó mật thiết với nhân dân, có uy tín trước tập thể; biết phát hiện, sử dụng hiệu quả người có đức có tài và thực sự là “công bộc” của nhân dân, v.v. Ngoài ra, còn có năng lực tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên; dám nhận và hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn, đột suất; ứng xử văn hóa, văn minh, linh hoạt, kịp thời giải quyết và xử lý hiệu quả mọi tình huống xảy ra.
Như vậy, cán bộ tốt là công dân Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và được pháp luật thừa nhận; có phẩm chất, năng lực và uy tín hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được thực tiễn kiểm nghiệm. Yếu tố quyết định nhân cách cán bộ tốt là: phẩm chất (đức), năng lực (tài) và phải được thực tiễn kiểm nghiệm; sự thống nhất biện chứng giữa “đức” và “tài” trong mỗi cán bộ tạo nên uy tín của họ. Vì thế, để đánh giá đúng cán bộ cũng như việc tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ phải chú trọng cả đức và tài; không được tách rời, tuyệt đối hóa hay xem nhẹ yếu tố nào: “Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”4. Đây là những yêu cầu chung nhất đối với cán bộ tốt. Căn cứ vào tính chất, chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, mỗi cơ quan, tổ chức ở mỗi cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương cần cụ thể hóa và ban hành những tiêu chí cụ thể, phù hợp, toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, uy tín, hiệu quả công tác,... để: “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công,… Không có cán bộ tốt thì hỏng việc”5.
HẢI ÂU – VĂN THẢNH ____________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. XXVII.
2 - Sđd, Tập 5, tr. 315.
3 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 41, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 362.
4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 345-346.
5 - Sđd, Tập 6, tr. 356.
Kỳ sau: III. Để có cán bộ tốt
Công tác cán bộ
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng