Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:30 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Trên khắp biên cương dải đất hình chữ S, bất cứ nơi đâu đều in dấu chân của những người lính “quân hàm xanh”, các anh đã, đang không quản ngày, đêm bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; làm điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc vươn lên trong cuộc sống. Suốt nhiều năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng nói chung, Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma nói riêng không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia mà còn chung sức xây dựng thôn, bản biên giới ngày càng vững mạnh; tạo dựng nên những công trình thắm tình Đồn – Xã, góp phần quan trọng làm đổi thay diện mạo vùng biên giới cửa khẩu nhiều gian khó, trở thành vùng đất tràn đầy sức sống.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm bài “Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma và những công trình thắm tình quân - dân vùng biên giới” của nhóm tác giả Quang Hợp, Lê Minh.
I. Vùng biên cương nhiều phức tạp, đầy gian khó
II. Vùng biên giới cửa khẩu Chi Ma chuyển mình, khởi sắc
Nằm về phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn, nơi có đỉnh Mẫu Sơn hùng vĩ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) như một điểm tựa vững vàng giữa trùng điệp núi rừng vùng Đông Bắc. Tại đây, Đồn không chỉ có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 16,3 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc, mà còn phụ trách địa bàn 03 xã: Tú Mịch, Yên Khoái và Mẫu Sơn thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Đây là địa bàn miền núi, biên giới, có địa hình hiểm trở, phức tạp, với cả núi cao, đồi thấp, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 352m, cao nhất là đỉnh Mẫu Sơn (cao 1.541m so với mặt nước biển). Dân số của 03 xã mà Đồn quản lý có gần 10.000 người, thuộc 06 dân tộc anh em: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chỉ cùng chung sống. Tuy có sự khác biệt nhất định về ngôn ngữ, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa,… song đồng bào các dân tộc nơi đây luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, đồng bào các dân tộc đã vun đắp nên truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó, thủy chung, tương thân, tương ái, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chế ngự thiên nhiên, đấu tranh bền bỉ, ngoan cường, bất khuất, không chịu khuất phục trước các thế lực xâm lăng, giữ yên bờ cõi đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành Trung ương và của tỉnh Lạng Sơn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nơi đây đã có bước phát triển; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, đặc thù của địa bàn và do nhiều nguyên nhân khác nhau, vùng biên cương nơi Đồn đứng chân và làm nhiệm vụ còn tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, hết sức phức tạp và đầy gian khó.
Những năm trước, khi đặt chân đến vùng đất này, cảm nhận đầu tiên của mỗi người là những dãy núi hiểm trở, trùng điệp, kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, mạng lưới đường giao thông ở các thôn, bản chưa phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Tuy chỉ cách thành phố Lạng Sơn hơn 30 km nhưng hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn chưa có sự kết nối liên hoàn từ tỉnh, huyện, xã, xuống các thôn, bản; kết cấu, chất lượng hệ thống cầu, cống, đường thấp kém. Số lượng đường giao thông nội bộ xã, liên xã, đường ngõ xóm được bê tông hóa còn rất thấp1, chủ yếu vẫn là đường đất và cấp phối, mặt đường nhỏ, hẹp, có nhiều dốc cao, nguy hiểm. Hằng năm, cứ vào mùa mưa lũ là mặt đường trở nên lầy lội, sụt, lún nên việc đi lại của đồng bào cũng như vận chuyển hàng hóa bằng ô tô, xe máy rất khó khăn, có nơi không thể thực hiện được mà phải đi bộ mang vác, gùi. Thậm chí, có thời điểm, do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, đường sá bị chia cắt, khiến nhiều nơi bị cô lập, nhất là tại các thôn Lặp Pịa, Bó Pằm, Khuổi Lầy,… của xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Nguyên nhân của tình trạng trên là do địa hình nơi đây khá phức tạp, độ dốc lớn, dân cư thưa thớt, phân tán, thu nhập thấp, nên việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các công trình hạ tầng rất khó khăn, nhất là tại các thôn, bản có địa hình đồi núi, sông suối chia cắt, độ dốc lớn thì cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách hỗ trợ của trên để thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Trên tuyến biên giới, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư làm đường tuần tra biên giới, song hiện nay vẫn còn khoảng 06 km là đường đất, chưa được bê tông hóa; các đường nhánh, đường lên mốc phục vụ tuần tra còn thiếu,… gây khó khăn không nhỏ cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ cũng như phục vụ việc đi lại, làm ăn của đồng bào các dân tộc.
Trực tiếp đi xuống các thôn, bản mới thấy “bức tranh” về cuộc sống của đồng bào còn nhiều gian khó. Hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc còn mang tính tự phát, chưa được đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, đời sống, sinh hoạt của đồng bào. Số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia còn thấp so với tỷ lệ bình quân của cả nước, cả 03/03 xã đều chưa đạt chuẩn tiêu chí về điện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thậm chí có nơi còn chưa được phủ sóng điện thoại, nên thông tin liên lạc gặp nhiều trở ngại. Vấn đề nước sinh hoạt cho đồng bào cũng là vấn đề nan giải, chủ yếu phải tận dụng nguồn nước từ các khe núi của đỉnh Mẫu Sơn, rồi thông qua hệ thống đường ống chằng chịt, dài hàng cây số để đưa nước về dùng. Bên cạnh đó, trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hiện tượng băng tuyết thường xuyên xảy ra trên đỉnh Mẫu Sơn; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới việc trồng trọt, chăn nuôi, nên cuộc sống của đồng bào các dân tộc vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, cái đói, cái nghèo luôn rình rập. Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm hơn 25,3%, cao hơn trung bình chung của cả nước và tương đương với tỷ lệ hộ nghèo của một số huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn (riêng xã Mẫu Sơn là hơn 55,8%), có nhiều hộ gia đình thiếu đói quanh năm. Chính thực trạng đói nghèo, kém phát triển cộng với nhận thức, hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước còn nhiều hạn chế nên đồng bào các dân tộc rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động tranh chấp đất đai, đồi rừng, tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đi liền với cái đói, cái nghèo đeo đẳng, những dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống đồng bào nơi đây, như: y tế, giáo dục vẫn còn lạc hậu, chậm phát triển. Mặc dù là địa bàn biên giới, có sự quan tâm của trên, song thực tế những năm trước đây cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng y tế đã lạc hậu, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ, trạm y tế các xã chủ yếu là nhà cấp 4 được xây dựng, sử dụng từ nhiều năm, đã xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế chưa được đào tạo cơ bản, thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu, nhất là cán bộ người địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thêm vào đó là phong tục, tập quán lạc hậu; đời sống của người dân còn khó khăn, chưa thực sự quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, thiếu chủ động trong tiếp cận công tác khám, chữa bệnh và các dịch vụ y tế. Các cháu nhỏ chưa được quan tâm chăm sóc, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em cao, nhiều cháu không được tiêm chủng vaccine theo đúng quy định, độ tuổi. Năm 2015, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tính theo cân nặng/tuổi là hơn 16,3%; tính theo chiều cao/tuổi là 29,4%; trong khi đó, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia thì tỷ lệ trung bình tương ứng trên toàn quốc là 14,1% và 24,6%.
Cùng với đó, hệ thống trường lớp trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng cơ bản, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học xuống cấp, thiếu thốn. Các điểm trường phần lớn nằm xa trung tâm xã, điển hình như Trường Trung học cơ sở bán trú Mẫu Sơn nằm cách trung tâm xã gần 20 km, việc đi học của các em gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, đa số các hộ đồng bào các dân tộc thiểu số còn chưa quan tâm tạo điều kiện để con em tới trường, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, đi làm phụ giúp gia đình còn khá phổ biến. Sự bất đồng ngôn ngữ trong quá trình dạy và học cũng là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển giáo dục trên địa bàn. Các em còn chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ đã phải học tiếng phổ thông nên không hiểu bài, học kém, nảy sinh tâm lý chán nản, sợ học, sợ phải đến trường. Do vậy, nhiều học sinh đã bỏ học khiến tình trạng mù chữ và tái mù chữ chậm được khắc phục. Mặt khác, do rơi rớt của một số hủ tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra, dẫn đến nhiều học sinh khuyết tật, nhận thức chậm,... ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực của đồng bào.
Qua làm việc, trao đổi với lãnh đạo, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma được biết nơi đây vốn là “điểm nóng” về hoạt động của các loại tội phạm. Đơn vị được giao quản lý địa bàn có đường biên giới dài, với hàng chục đường mòn, lối mở,… nên phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái pháp luật, v.v. Những năm gần đây, các nhóm tội phạm thường chọn địa bàn Chi Ma là nơi trung chuyển mua bán người và đưa người lao động qua biên giới làm việc trái pháp luật. Nạn nhân của các vụ mua bán người rất đa dạng, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và nam giới; trong đó chủ yếu là phụ nữ được các đối tượng mua về làm vợ (thực chất là nô lệ tình dục), mại dâm, bị cưỡng bức lao động, lấy nội tạng, đẻ thuê, bán bào thai, v.v. Quá trình phạm tội, chúng thường cấu kết chặt chẽ giữa người mua và bán, người môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia, được che giấu dưới nhiều hình thức, như: tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, kết hôn, nhận con nuôi,… gây nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng.
Đối tượng tội phạm ma túy thường sử dụng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, như: thuê cửu vạn mang vác, cất giấu ma túy trong các phương tiện chuyên chở hàng hóa loại siêu trường, siêu trọng xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu. Chúng thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động nhằm tránh sự phát hiện và sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Bên cạnh đó, các “ông trùm” thường cấu kết chặt chẽ với nhau hình thành những đường dây và phân công cụ thể từng công đoạn, vai trò, vị trí của từng đối tượng để dễ bề chối tội khi bị bắt giữ.
Đối với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại thì phương thức, thủ đoạn buôn lậu chủ yếu là mang, vác, vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua các đường mòn biên giới; sau đó ghi hóa đơn bán hàng, vận chuyển về nội địa bằng xe ô tô, dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính, v.v. Đây là vấn đề nhức nhối trên địa bàn từ nhiều năm nay mà Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cùng với các lực lượng chức năng phải căng mình đối phó. Đặc biệt, khi đại dịch Covid -19 bùng phát thì nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn rất lớn, khó kiểm soát, do các lái xe, chủ hàng từ các nơi khác đến khu vực cửa khẩu; người, phương tiện đi từ vùng có dịch vào địa phương và từ người xuất nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Chỉ tính từ năm 2015 đến năm 2017, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố hơn 40 vụ với hàng trăm đối tượng về buôn bán vận chuyển ma túy, vận chuyển trái phép pháo nổ, mua bán người; xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm vụ vi phạm xuất, nhập cảnh, vận chuyển hàng hóa trái phép, hàng hóa nhập lậu vô chủ, đánh bạc,... thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền hàng tỉ đồng.
Từ thực tiễn địa bàn cho thấy, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp tích cực, song những gian khó, phức tạp trên các tuyến biên giới nói chung, khu vực Đồn Biên phòng Chi Ma quản lý nói riêng vẫn tồn tại, thậm chí có mặt còn gay gắt hơn. Tình hình đó đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, toàn diện của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương;… trong đó, Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt, trực tiếp trong quản lý, bảo vệ và xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết; là chìa khóa để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng khu vực biên giới do Đồn phụ trách vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, phát triển về văn hóa xã hội.
QUANG HỢP – LÊ MINH ____________
1 - Năm 2017, tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn được bê tông hóa mới chiếm khoảng 21,2%.
Biên phòng cửa khẩu Chi Ma,thắm tình quân - dân vùng biên giới
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng