QPTD -Thứ Ba, 19/11/2019, 16:00 (GMT+7)
Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2019)
Tổng cục Chính trị chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam – một số kinh nghiệm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Người nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”1; “Thi đua là một cách tốt nhất, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”2, “Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người… càng hăng hái thi đua thì người chiến sĩ càng phải ra sức tìm tòi học hỏi, cầu tiến bộ”3. Vì vậy, thi đua ái quốc là động lực phát triển, là biện pháp cực kỳ quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, bồi dưỡng, rèn luyện nhân cách, xây dựng xã hội mới, cuộc sống mới.

Đoàn đại biểu Đại hội Thi đua Quyết thắng Tổng cục Chính trị giai đoạn 2014-2019 chụp ảnh chung tại Phủ Chủ tịch (Ảnh: qdnd.vn)

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã tham mưu, chỉ đạo tiến hành hiệu quả công tác tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội, làm cho công tác này trở thành một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, biện pháp hữu hiệu nhằm giáo dục, định hướng, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Những kết quả nổi bật là:

Tổng cục Chính trị đã tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng; đặc điểm, nhiệm vụ của Quân đội để tham mưu xây dựng, ban hành các thông tư, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là về quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các điều khoản do Chính phủ ủy quyền giao cho Bộ Quốc phòng4. Đồng thời, tham mưu, kiện toàn, tổ chức bộ máy cơ quan, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; chỉ đạo duy trì thực hiện có nền nếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đồng, tổ thi đua, khen thưởng các cấp5. Tích cực tham gia các phong trào Thi đua yêu nước, hoạt động của Hội đồng thi đua, khen thưởng Trung ương, khối thi đua các ban, bộ, ngành nội chính Trung ương; chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh điển hình tiên tiến; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao hiệu quả tiến hành công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội.

Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ ở mỗi giai đoạn lịch sử, Tổng cục Chính

trị đã tham mưu, chỉ đạo tổ chức tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Trong kháng chiến chống Pháp, Tổng cục Chính trị đã tham mưu cho Bộ Tổng Chỉ huy ra huấn lệnh tiến hành Cuộc vận động “Rèn luyện Quân đội và lập chiến công” (năm 1947, gọi tắt là Luyện quân, lập công) kéo dài đến đầu năm 1949 và đã nhanh chóng phát triển thành phong trào lớn, góp phần xây dựng, củng cố quân đội; rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật chuyển từ đánh du kích nhỏ lẻ lên đánh vận động chiến cho cán bộ, chiến sĩ; cổ vũ bộ đội chiến đấu anh dũng, đập tan cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến. Đồng thời, tham mưu mở rộng Cuộc vận động “Lập công” trong chiến dịch Biên giới 1950; chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua “giật cờ Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc thắng lợi, nước ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng là giải phóng dân tộc ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhiệm vụ xây dựng Quân đội có bước phát triển mới, Tổng cục Chính trị đã ban hành nhiều chỉ thị về tổ chức thi đua xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại, vừa huấn luyện, chiến đấu, vừa tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điển hình như: Chỉ thị 01/CT-H, ngày 12-01-1959 tổ chức phát động Phong trào thi đua “Tiến nhanh vượt mức kế hoạch”; ngày 19-5-1961 phát động Cuộc vận động “Xây dựng Quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại”. Đặc biệt, trước kẻ thù mới và đế quốc Mỹ hùng mạnh, một bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nảy sinh tâm lý “sợ Mỹ”, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Tổng cục Chính trị đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương chỉ đạo phát động phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Ba nhất”, Cuộc vận động “Khắc sâu căm thù, nâng cao khí tiết, phát huy truyền thống Quân đội”, “Toàn quân là dũng sĩ”, v.v. Các phong trào, cuộc vận động trên đã góp phần xây dựng ý chí, củng cố quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ cho cán bộ, chiến sĩ với khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” và tinh thần “Toàn quân là dũng sĩ”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo việc tăng cường đổi mới nâng cao hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng với nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động phong phú, như: “Giành ba đỉnh cao quyết thắng”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp quân đội hội nhập và phát triển”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, v.v. Có thể khẳng định, sự chỉ đạo kịp thời hiệu quả, liên tục của Tổng cục Chính trị, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khẳng định vai trò ngày càng to lớn trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Nhận thức đúng vai trò xây dựng và tuyên truyền phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến, ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, Tổng cục đã ban hành chỉ thị về tuyển lựa các chiến sĩ xuất sắc, bồi dưỡng, nêu gương “người tốt, việc tốt”. Qua đó, tiến hành tuyên truyền, nhân rộng với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, như: phát động phong trào noi gương học tập anh hùng, chiến sĩ thi đua, đưa các điển hình đi tuyên truyền tại các đơn vị, tuyên truyền trực tiếp qua hệ thống thông tin trên chiến trường, qua báo chí... hình thành các phong trào đua đuổi, vượt điển hình. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, Tổng cục Chính trị đã xây dựng, ban hành Kế hoạch 510/KH-CT, ngày 22-4-2011 về xây dựng, nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2011-2015, chỉ đạo gắn xây dựng, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng với điển hình trong các phong trào thi đua, cuộc vận động trong Quân đội, đặc biệt là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Từ những việc làm thiết thực trong giai đoạn 2011-2019, toàn quân đã có hàng ngàn tập thể, hàng vạn điển hình được phát hiện, biểu dương, khen thưởng, hàng chục tập thể, hàng trăm cá nhân được tôn vinh trong toàn quân, toàn quốc.

Bên cạnh đó, Tổng cục Chính trị đã tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, ban hành chỉ thị về khen thưởng trong Quân đội (1951), chỉ đạo tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm quá trình xét đề nghị khen thưởng trong chiến đấu, trong các nhiệm vụ, khen thưởng tổng kết kháng chiến, khen thưởng bậc cao, các huy hiệu nhân các sự kiện chiến thắng,... nhằm động viên bộ đội. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Tổng cục Chính trị đã có công điện ủy quyền phân cấp khen thưởng cho chỉ huy các đơn vị từ trung đoàn đến mặt trận, đã góp phần kịp thời động viên, khuyến khích bộ đội tích cực chiến đấu, không sợ hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ6, v.v. Đồng thời,  tham mưu, chỉ đạo hoàn thành khen thưởng tổng kết trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cho hơn 5 triệu lượt tập thể, cá nhân7. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng cục đã thực hiện tốt vai trò chủ trì tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt việc khen thưởng các loại hình thành tích theo đúng quy định của pháp luật, với số lượng trung bình khoảng 40.000 lượt đối tượng/năm, không kể những năm có sự kiện lớn. Bên cạnh đó, Tổng cục đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về khen thưởng, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, công khai, công bằng, chính xác, kịp thời; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và lập được thành tích xuất sắc, đột xuất; làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ; tham mưu đề xuất Chính phủ, hướng dẫn và tiến hành tốt việc khen thưởng tồn đọng trong các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ ở tuyến biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Cam-pu-chia.

Từ thực tiễn 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và quá trình chỉ đạo, tiến hành công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam của Tổng cục Chính trị, rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, chủ động làm tốt công tác tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo toàn quân tiến hành có hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, nhân tố có ý nghĩa quyết định đến kết quả tổ chức, tiến hành công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội. Thực tiễn đã chứng minh, ở đâu, khi nào làm tốt công tác này thì công tác thi đua, khen thưởng phát triển đúng hướng, khẳng định được sức sống, động lực tinh thần to lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, việc Tổng Quân ủy, Tổng cục Chính trị ra các chỉ thị, hướng dẫn phát động tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động gắn với làm tốt việc tuyên dương, khen thưởng gây phong trào học tập các anh hùng, chiến sĩ thi đua đã góp phần dẫn dắt toàn quân thi đua không ngừng, lập chiến công và giành những thắng lợi hết sức to lớn. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên được Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với phong trào Thi đua yêu nước, các cuộc vận động của các cấp, các ngành trong và ngoài Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tiêu biểu đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, luôn bám sát thực tiễn, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng vào hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quân đội, của cơ quan, đơn vị; kết hợp chặt chẽ phong trào Thi đua Quyết thắng với phong trào Thi đua yêu nước, các phong trào, cuộc vận động của Trung ương, địa phương, các ngành, các tổ chức trong và ngoài Quân đội. Trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Mục đích của thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công, nghĩa là nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội chính là nền tảng, là nhiệm vụ của thi đua. Vì vậy, thi đua, khen thưởng phải luôn bám sát và hướng vào hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quân đội, của cơ quan, đơn vị. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là mục đích của thi đua.

Thực tiễn trong kháng chiến, Tổng cục đã chỉ đạo tiến hành rất tốt các phong trào, cuộc vận động thi đua xây dựng Quân đội hùng mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng cục đã chỉ đạo hướng phong trào thi đua vào nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, thực hiện tốt các phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, xây dựng “Đơn vị văn hóa”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, thi đua thực hiện “Ba khâu đột phá”, Cuộc vận động “Quản lý khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”…, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, xây dựng “Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Đồng thời, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ phong trào Thi đua Quyết thắng với phong trào Thi đua yêu nước, các phong trào, các cuộc vận động, chương trình hành động cách mạng của Trung ương, địa phương, các ngành, các tổ chức trong và ngoài Quân đội. Bài học kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nhờ có sự lồng ghép và kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua “Ba nhất” với các phong trào thi đua “Gió đại phong”, “Sóng duyên hải”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”…, sau này là Phong trào Thi đua Quyết thắng với các phong trào Thi đua yêu nước, phong trào thi đua của các ngành trong Quân đội đã giúp phong trào Thi đua Quyết thắng phát triển toàn diện, sâu rộng, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Ba là, công tác thi đua, khen thưởng phải luôn đổi mới, sáng tạo, có sức lôi cuốn cán bộ, chiến sĩ đồng lòng hưởng ứng, tích cực tham gia. Bản chất của thi đua là đổi mới, sáng tạo, là quá trình luôn vận động, phát triển. Vì vậy, các cấp, các ngành phải luôn đặt nguyên tắc đổi mới, sáng tạo lên trước hết, phải tiến hành toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới về nội dung thi đua; hình thức, phương pháp tổ chức thi đua, khen thưởng. Nội dung phải thiết thực, không giáo điều, hình thức, hướng thi đua vào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trung tâm, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, khắc phục các khâu yếu, mặt yếu, làm cho thi đua, khen thưởng giúp cho mọi người tiến bộ, tổ chức vững mạnh, từ đó mà lôi cuốn mọi người, mọi tổ chức tự giác thi đua; cổ vũ, động viên thi đua khơi dậy tính  “ganh đua” tích cực, không cam chịu, đồng thời đấu tranh với các biểu hiện thi đua bằng thủ đoạn, bằng mọi giá, không thực chất.

Bốn là, luôn coi trọng, chăm lo làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, coi đó là biện pháp cách mạng để thúc đẩy phong trào thi đua phát triển. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng và tuyên truyền phổ biến nhân rộng điển hình tiên tiến; coi một tấm gương sống còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền. Quán triệt tư tưởng của Người, Quân đội ta đã vận dụng và tổ chức nhiều phong trào đua đuổi kịp điển hình, nhân rộng điển hình, như: phong trào thi đua học tập tấm gương Anh hùng Nguyễn Quốc Trị và tổ chiến đấu Giáp Văn Khương (1950 - 1954), phong trào thi đua “Học tập quân và dân miền Nam anh hùng” (1965), các chỉ thị về “Bồi dưỡng nêu gương “người tốt, việc tốt” (1969),  Kế hoạch 510/KH-CT, ngày 22-4-2011 về xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, v.v. Thông qua phong trào thi đua, đã kịp thời tuyên truyền, cổ vũ, động viên, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, làm cho công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến thực sự trở thành mũi nhọn xung kích, động lực chính trị - tinh thần to lớn cổ vũ toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng đúng quy định nhằm động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân không ngừng thi đua. Đây là nội dung hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Bởi, có đánh giá đúng tình hình, mới xác định đúng nội dung và xây dựng được kế hoạch, chương trình hoạt động sát tình hình thực tiễn; khen thưởng đúng quy định mới giúp đạt mục đích động viên, khuyến khích hình thành động cơ thi đua đúng đắn và thúc đẩy mỗi tập thể, cá nhân thi đua không ngừng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sau đợt thi đua phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”8. Thực tiễn trong Quân đội, việc này đã được tiến hành thường xuyên, nền nếp. Bên cạnh đó, phải kiên quyết phê phán, khắc phục tư tưởng coi nhẹ, hời hợt, qua loa, chiếu lệ, hay tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm tràn lan, thiếu trọng tâm, trọng điểm, dẫn đến sự nhàm chán, lãng phí thời gian, công sức bộ đội, ảnh hưởng đến công việc của cơ quan, đơn vị.

Công tác thi đua, khen thưởng là nội dung quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị, một mặt hoạt động cơ bản của công tác tư tưởng - văn hóa. Việc rút ra những kinh nghiệm Tổng cục Chính trị chỉ đạo, tiến hành công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội là việc làm rất cần thiết không chỉ mang giá trị lịch sử trong quá khứ mà còn có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, mang đậm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, với những nét đặc trưng tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa, tính tổ chức, kỷ luật, sức khỏe, tri thức khoa học và trình độ quân sự; xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tiên phong, gương mẫu thực hiện các chủ trương, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, về nêu gương cán bộ; thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ toàn quân không ngừng phấn đấu, rèn luyện, cống hiến lập công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng PHẠM HỒNG THANH, Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam
______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 406.

2 - Sđd, tr. 146.

3 - Sđd, tr. 408.

4 - Chỉ thị 339-CT/ĐUQSTƯ,  ngày 04-10-2004 của Thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước, phát hiện bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị 507-CT/ĐƯT, ngày 28-7-2014 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội, v.v. Các Thông tư của Bộ Quốc phòng, như: 79/2011/TT-BQP, ngày 26-5-2011; 160/2014/TT-BQP, ngày 09-11-2014; 151/2018/TT-BQP, ngày 02-10-2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v. Thông tư liên tịch 35/2012/TTLT-BQP-BNV của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ quy định các chức danh tương đương để xét khen thưởng quá trình cống hiến trong Quân đội, Thông tư 172/2011/TT-BQP, ngày 05-9-2011 ban hành Quy chế công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội, Thông tư 83/2011/TT-BQP, ngày 16-6-2011 về sử dụng kinh phí thi đua, khen thưởng, v.v.

5 - Tham mưu ban hành Quyết định 867/QĐ-BQP, ngày 28-3-2013 về thành lập Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tư 14/2013/TT-BQP, ngày 24-01-2013 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Quốc phòng.

6 - Tham mưu ban hành Quyết định 867/QĐ-BQP, ngày 28-3-2013 về thành lập Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tư 14/2013/TT-BQP, ngày 24-01-2013 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Quốc phòng.

7 - Điện số 467/D, ngày 03-4-1972 của Bộ Quốc phòng gửi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Trị Thiên đồng ý quyền hạn xét duyệt khen thưởng với các đơn vị, cá nhân (Mặt trận được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất trở xuống, chỉ huy Sư đoàn được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba…).

8 - Đề xuất ban hành Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (1994); Nghị quyết 47-NQ/ĐNN, ngày 29-9-1981 của Hội đồng Nhà nước ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Quyết định 998/QP, ngày 01-7-1982 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về khen thưởng huân chương và trợ cấp khuyến khích đối với quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Cam-pu-chia, Quyết định 844/QĐ-BQP, ngày 09-6-1984 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về khen thưởng quân nhân làm nhiệm vụ tuyến biên giới phía Bắc, hải đảo xa. Ban hành Chỉ thị 12/CT-H, ngày 09-3-1962 về khen thưởng Huân chương, huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Quy định 168/H,  ngày 27-4-1965 về xét khen thưởng trong chiến đấu. Hướng dẫn 229/HH ngày 09-11-11970 về khen thưởng Huân chương, huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Chiến sĩ giải phóng; Chỉ thị 61/CT-H, ngày 08-11-1979 về khen thưởng chuyên gia, Quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Hướng dẫn 30/CS, ngày 01-02-1988 về xét khen thưởng nhân ngày truyền thống của các đơn vị; Hướng dẫn 124/HD-CT, ngày 22-01-2015 về tiếp tục giải quyết khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia, Lào và tuyến 1 biên giới phía  Bắc, hải đảo xa, v.v.

9 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 146.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới 22/12/2019

Đổi mới tư duy trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị 21/12/2019

Kinh nghiệm chỉ đạo công tác Chính sách trong Quân đội của Tổng cục Chính trị 20/12/2019

Ngành Chính sách Quân đội bám sát yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong tình hình mới 19/12/2019

Cơ quan chính trị, cán bộ chính trị với việc bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Quân đội 19/12/2019

Thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, góp phần hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam 19/12/2019

Bộ Tư lệnh 86 với việc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng 18/12/2019

Công tác đảng, công tác chính trị trong tăng cường tiềm lực quốc phòng 17/12/2019

Nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng trên địa bàn Tây Nam Bộ 17/12/2019

Tổng cục Chính trị tổ chức Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 16/12/2019