QPTD -Thứ Năm, 19/12/2019, 13:59 (GMT+7)
Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2019)
Ngành Chính sách Quân đội bám sát yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong tình hình mới

Sự hình thành, phát triển của công tác chính sách trong Quân đội và ngành Chính sách Quân đội gắn liền với sự ra đời, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, ngành Chính sách Quân đội luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và Quân đội trong từng thời kỳ, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp trên và chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngành Chính sách Quân đội luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chủ động tham mưu, nghiên cứu đề xuất ban hành và hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội phù hợp với điều kiện đất nước, thực tiễn chiến tranh, yêu cầu xây dựng, chiến đấu của Quân đội trong từng giai đoạn và nguyện vọng của các đối tượng được thụ hưởng. Nổi bật là, tham mưu cho Chính trị Cục (nay là Tổng cục Chính trị) tổ chức thành công Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên (27-7-1947); khởi xướng và thực hiện tốt phong trào đưa thương binh về làng trong kháng chiến chống thực dân Pháp; làm tốt công tác động viên, khen thưởng chiến trường, đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong giai đoạn này, ngành Chính sách Quân đội luôn bám sát thực tiễn hoạt động chiến đấu của bộ đội trên khắp các chiến trường, kịp thời tham mưu, chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, tổ chức chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh; chính sách quản lý, chăm sóc gia đình quân nhân ở hậu phương (chính sách B, C, K),... từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội. Nhờ đó, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã huy động được mọi nguồn lực xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Quân đội, hậu phương Quân đội, tạo động lực chính trị - tinh thần to lớn, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, xây dựng hậu phương Quân đội vững mạnh; khích lệ động viên sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đất nước hòa bình, thống nhất, ngành Chính sách Quân đội đã nỗ lực, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan trong và ngoài Quân đội, giúp Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho quân nhân hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trở về hậu phương; đề xuất với trên thực hiện tốt chủ trương khen thưởng cho các đối tượng có thành tích trong các cuộc kháng chiến; phối hợp tổ chức nuôi dưỡng, cứu chữa thương binh, bệnh binh từ các chiến trường chuyển ra; tập trung giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, bảo đảm đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Đồng thời, đề xuất chính sách bảo đảm ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Cam-pu-chia; giúp Bộ Quốc phòng trình Nhà nước ban hành: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, chính sách đối với sĩ quan dự bị,… phục vụ nhiệm vụ xây dựng Quân đội chính quy và đẩy mạnh công tác hậu phương Quân đội. Qua đó, góp phần động viên toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Quân đội, từng bước ổn định hậu phương sau chiến tranh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, Ngành đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chính sách có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp, tác phong công tác, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất bổ sung và ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản về chế độ, chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phù hợp với tình hình kinh tế và sự phát triển của đất nước, của Quân đội. Phối hợp với các cơ quan chức năng giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng trình Ban Bí thư Trung ương Đảng,… ra các chỉ thị, chính sách phục vụ chủ trương chấn chỉnh tổ chức lực lượng, tinh giản biên chế; đề xuất Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản quy định việc tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với các đối tượng trong Quân đội đi lao động hợp tác quốc tế; giải quyết tồn đọng sau chiến tranh; đổi mới thi đua - khen thưởng, động viên phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân, v.v. Đồng thời, ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chế độ, chính sách đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, hậu phương Quân đội, góp phần ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Những năm gần đây, Ngành đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu, tham mưu giúp Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành mới, bổ sung, sửa đổi đồng bộ các chế độ, chính sách, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội; chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và các chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Nhiều chính sách đã đi vào thực tiễn, có tính nhân văn cao, như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công trong Quân đội theo tiến trình cải cách chính sách tiền lương của Đảng, Nhà nước; chính sách thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ; chính sách đặc thù phục vụ yêu cầu phát triển nhiệm vụ, tinh giản biên chế của Quân đội, v.v. Qua đó, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Quyết định 1237/QĐ-TTg, ngày 27-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, ngành Chính sách Quân đội đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương, đơn vị rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án 1237; tích cực đề xuất, phối hợp với các nước: Lào, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc triển khai các hoạt động đối ngoại, gặp gỡ, hội đàm, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin về quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh và hợp tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là những trường hợp hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế. Từ khi thực hiện Đề án 1237 đến nay, toàn quân đã tìm kiếm, quy tập được hơn 15.600 hài cốt liệt sĩ (trong nước hơn 7.200; Lào hơn 2.400; Cam-pu-chia gần 6.000); nhiều hài cốt liệt sĩ đã được xác minh tên, tuổi, quê quán và bàn giao về địa phương, gia đình theo đúng quy định. Đồng thời, phối hợp xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo 20 đài hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia và 05 tượng đài “Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào”.

Từ năm 2002 đến nay, Ngành đã nghiên cứu, đề xuất nhiều đề án lớn về chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Đến nay, toàn quốc đã có gần 4,2 triệu người được hưởng chế độ trợ cấp một lần, chế độ trợ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí theo quy định; 95,75% số đối tượng người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, 97% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú1; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng. Nhiều công trình dân sinh, như: cầu, đường, trường học, bệnh xá quân dân y,… được triển khai và đưa vào sử dụng hiệu quả, trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thiết thực góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định tình hình chính trị - xã hội ở các địa phương.

Ngành đã chủ động đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội và tích cực chỉ đạo thực hiện; hoàn thiện các văn bản quy định và phối hợp tốt trong tổ chức hoạt động. Theo đó, các đơn vị trong toàn quân đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, nhằm tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng. Giai đoạn (2008 - 2018), cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã vận động, tham gia đóng góp được hơn 699 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây mới 13.476 ngôi Nhà tình nghĩa; trao 9.637 sổ tiết kiệm với số tiền 18,2 tỷ đồng tặng các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách vào dịp lễ, Tết với tổng trị giá 204,7 tỷ đồng; huy động lực lượng, hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ trị giá gần 199 tỷ đồng; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công, đối tượng chính sách và nhân dân trị giá trên 230 tỷ đồng; hỗ trợ các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Toàn quân đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng 2.867 Mẹ Việt Nam anh hùng; tuyển dụng, tạo việc làm cho 338 trường hợp là vợ, con liệt sĩ và thương binh, bệnh binh nặng; lập hồ sơ, đề nghị xác nhận 1.146 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho hơn 8.200 trường hợp, hơn 5.500 bệnh binh.

Kết quả mà ngành Chính sách Quân đội đạt được những năm qua có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, được nhân dân, đối tượng chính sách ghi nhận, đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Quân đội, hậu phương Quân đội ngày càng vững mạnh, tạo nền tảng cho thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội ngày càng cao; trong khi đó, tồn đọng chính sách trong các cuộc chiến tranh vẫn còn lớn, tính chất ngày càng khó khăn, phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, hoàn thành tốt vai trò là cơ quan đầu ngành toàn quân trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác này, thời gian tới, ngành Chính sách Quân đội tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các chỉ thị của trên về công tác chính sách trong Quân đội. Chủ động nghiên cứu, quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”; Chỉ thị 368-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016 - 2020”. Chú trọng làm tốt công tác dự báo tình hình, kịp thời phát hiện, lựa chọn, xác định đúng vấn đề nghiên cứu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, phát huy dân chủ, năng lực tư duy, sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn, tập trung nghiên cứu, thể chế hóa, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách ưu đãi người có công; chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc điểm của Quân đội theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).

Hai là, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Nắm chắc các văn bản quy định, chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ các chế độ, chính sách đối với quân nhân tại ngũ và hậu phương Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất ưu tiên, bổ sung chế độ, chính sách đối với các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới, ở những địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo; chính sách thu hút, khuyến khích người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội; phát triển chính sách hậu phương Quân đội và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Ba là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, bảo đảm chu đáo, tận tụy, thiết thực và hiệu quả. Công tác chính sách cần hướng trọng tâm vào việc giải quyết tốt mọi chế độ cho các đối tượng: lực lượng tại ngũ, người nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành; tập trung hoàn thành giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; người Việt Nam có công định cư ở nước ngoài; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời, động viên các nguồn lực, các tổ chức, cá nhân, tiếp tục tham mưu, đổi mới nâng cao chất lượng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng; đẩy mạnh các chương trình “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”; chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn của đất nước và Quân đội.

Bốn là, tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết chế độ, chính sách tồn đọng về thương binh, liệt sĩ. Tiếp tục thực hiện tốt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; giải quyết kịp thời, chu đáo chính sách thương binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thời kỳ mới. Trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách, Ngành cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; có chương trình, kế hoạch, biện pháp thực hiện cụ thể, tạo được sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành trong và ngoài Quân đội; bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, dân chủ, công khai, công bằng, chính xác, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.

Năm là, chấp hành nghiêm các chế độ công tác, không ngừng đổi mới phương pháp, tác phong công tác. Toàn Ngành thường xuyên quán triệt, nắm vững các quan điểm chỉ đạo, phương hướng, nguyên tắc xây dựng chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; luôn bám sát thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của các đối tượng chính sách; kịp thời phát hiện vướng mắc phát sinh. Thực hiện tốt việc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên; coi trọng công tác xây dựng kế hoạch, chương trình công tác với từng nội dung, biện pháp cụ thể; chủ động thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ mới. Đội ngũ cán bộ của Ngành phải luôn bám sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện chế độ, chính sách; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng và đối tượng chính sách hậu phương Quân đội được thụ hưởng các chính sách theo quy định; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, không để tồn đọng kéo dài. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để bổ sung cho hoạch định các chính sách tiếp theo.

Sáu là, thường xuyên xây dựng cơ quan chính sách và đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm công tác chính sách các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung xây dựng, kiện toàn về tổ chức và hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ hệ thống cơ quan chính sách các cấp vững mạnh, đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu đội ngũ, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ quan chính sách các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức, năng lực toàn diện, chuyên sâu, có phương pháp, tác phong công tác tốt; phát huy tốt vai trò của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành chức năng trong và ngoài Quân đội, nhằm đề xuất chính sách đúng, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách thấu tình, đạt lý.

Phát huy truyền thống vẻ vang “Đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội tập trung mọi nỗ lực, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng, ThS. TRẦN QUỐC DŨNG, Cục trưởng Cục Chính sách
_____________

1 - Ban Chỉ đạo Đề án Ban Chấp hành Trung ương, năm 2017 - Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới 22/12/2019

Đổi mới tư duy trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị 21/12/2019

Kinh nghiệm chỉ đạo công tác Chính sách trong Quân đội của Tổng cục Chính trị 20/12/2019

Cơ quan chính trị, cán bộ chính trị với việc bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Quân đội 19/12/2019

Thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, góp phần hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam 19/12/2019

Bộ Tư lệnh 86 với việc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng 18/12/2019

Công tác đảng, công tác chính trị trong tăng cường tiềm lực quốc phòng 17/12/2019

Nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng trên địa bàn Tây Nam Bộ 17/12/2019

Tổng cục Chính trị tổ chức Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 16/12/2019

“Tổng cục Chính trị - 75 năm với sự nghiệp xây dựng chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam” 06/12/2019