Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:19 (GMT+7)
75 năm qua, Tổng cục Chính trị luôn quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ động nghiên cứu, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện nhiều chính sách lớn đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, cùng với toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chính trị Cục (nay là Tổng cục Chính trị) đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ và Quân đội ban hành, triển khai thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn các khu và trung đoàn tổ chức các an dưỡng đường để chăm sóc thương binh, lập biểu đồ theo dõi, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ trong toàn quân và từng đơn vị; tham mưu với Chính phủ tổ chức thành công Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên (27-7-1947), thực hiện phong trào đưa thương binh về làng để chăm sóc. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, cơ quan chính sách các cấp, rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của công tác thương binh, tử sĩ trong từng trận chiến đấu; đề xuất với Tổng Quân ủy, Chính phủ ban hành các văn bản quy định về chính sách khen thưởng, chế độ đãi ngộ, bảo dưỡng,... thuộc về quyền lợi của quân nhân, gia đình quân nhân, liệt sĩ. Qua đó, khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua chiến đấu, lập nhiều chiến công, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giành thắng lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bám sát tình hình thực tiễn cách mạng và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển, chiến đấu của Quân đội, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng; nghiên cứu, mở rộng và phát triển hoàn thiện cả về nội dung, phạm vi, quy mô hoạt động công tác chính sách và chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng ban hành, bổ sung, sửa đổi, triển khai thực hiện nhiều chế độ, chính sách phù hợp với từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và xây dựng đất nước, thể hiện sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với hậu phương Quân đội và những người có công, hy sinh cống hiến xương máu cho nền độc lập dân tộc. Qua đó, động viên, cổ vũ, phát huy cao độ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên khắp các chiến trường, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Tổng cục Chính trị phối hợp cùng các cơ quan trong và ngoài Quân đội, giúp Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với quân nhân hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trở về địa phương; giải quyết chính sách thương binh, bệnh binh, liệt sĩ; chính sách khen thưởng; tồn đọng chính sách đi B. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân đội ban hành, thực hiện nhiều chế độ, chính sách bảo đảm ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Lào và Cam-pu-chia.
Bước vào thời kỳ đổi mới, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; nghiên cứu đề xuất chế độ, chính sách đối với lực lượng mới, lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, v.v. Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu, đề xuất về chính sách đối với những trường hợp có công lao đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nổi bật như: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp1, chống Mỹ3, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế3, chính sách đối với dân công hỏa tuyến4 cho các đối tượng quân nhân, công an nhân dân, cán bộ dân chính đảng, thanh niên xung phong, dân quân du kích tập trung, dân công hỏa tuyến,… bảo đảm đúng quan điểm của Đảng, phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội và đặc điểm, tính chất của hoạt động quân sự là ngành “lao động đặc biệt”.
Từ thực tiễn chỉ đạo công tác chính sách trong thời gian qua của Tổng cục Chính trị, rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong nghiên cứu, tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Đây vừa là kinh nghiệm, vừa là nội dung có tính nguyên tắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, bảo đảm cho công tác chính sách đối với Quân đội luôn đúng định hướng chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ cách mạng.
Thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội 75 năm qua cho thấy, Tổng cục Chính trị đã quán triệt và chấp hành nghiêm túc đường lối, quan điểm của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, kịp thời cụ thể hóa thành chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát thực tiễn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện chính sách, đảm bảo cho công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội luôn phù hợp, góp phần cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, nhất là các chính sách lớn có ý nghĩa chính trị sâu rộng được ban hành và thực hiện có hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu trong từng thời kỳ cách mạng.
Hai là, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, Quân đội, kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Đây là bài học có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm cho chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội hướng vào giải quyết đúng các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đối tượng. Phát huy bài học này, việc chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, truyền thống văn hóa của dân tộc, cuộc sống chiến đấu của Quân đội, của đối tượng chính sách, hướng vào giải quyết cho được yêu cầu thực tiễn đặt ra; thông qua thực tiễn mà kiểm nghiệm, bổ sung hoàn thiện chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Theo đó, quá trình này phải có sự kết hợp, thực hiện tốt cả hai mặt: giữa công tác nghiên cứu xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách; giữa chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho mọi đối tượng chính sách; giữa những người đang sống và thân nhân của những người hy sinh, từ trần có liên quan đến sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc; giữa yêu cầu chung và yêu cầu đặc thù; giữa chính sách và cơ chế thực hiện; giữa toàn diện và trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, phải có nhận thức đúng, có kế hoạch thống nhất, khoa học và tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch; dự báo được bất cập phát sinh và có phương án chủ động giải quyết một cách phù hợp.
Ba là, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong các thời kỳ phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa yêu cầu cơ bản lâu dài với bức xúc trước mắt cần giải quyết. Đây không những là kinh nghiệm mà còn là vấn đề có ý nghĩa lý luận, thực tiễn rất quan trọng. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ góp phần bảo đảm cho quá trình chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội vừa ổn định, bền vững, vừa linh hoạt, nhạy bén trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Thực tiễn cho thấy, khi nào việc ban hành, thực hiện các chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội phù hợp với yêu cầu thực tiễn Quân đội, thực tiễn cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ, giai đoạn, thì khi đó sẽ góp phần tạo nên tinh thần, sức mạnh to lớn, khai thác phát huy mọi nguồn lực của đất nước, tạo nên thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh chiến đấu của Quân đội và thắng lợi của cách mạng. Bởi vậy, quá trình thực hiện phải quán triệt sâu sắc đường lối, nghị quyết, quan điểm, tư tưởng, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương về chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; không ngừng thể chế hóa và vận dụng sáng tạo trong nghiên cứu đề xuất, tổ chức thực hiện chính sách sát, đúng với từng thời kỳ, nhiệm vụ, hoàn cảnh cụ thể. Phải xác định rõ mục tiêu, phương hướng; nhạy bén, sáng tạo trong thực hiện. Để đạt được điều này, trước hết phải tập trung chỉ đạo phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; thường xuyên quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chính sách các cấp về bản lĩnh chính trị, tính năng động, sáng tạo, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, của cách mạng trong suốt quá trình xây dựng, phát triển.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, các cấp, các ngành; kết hợp chặt chẽ giữa công tác chính sách với công tác tư tưởng, công tác tổ chức trong tiến hành công tác chính sách. Thực tiễn cho thấy, trong từng thời kỳ của cách mạng khi nào, ở đâu khai thác, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong tổ chức tiến hành công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội thì khi đó, ở đó đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách từng bước được nâng cao, tạo ra động lực mạnh mẽ trong xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước, củng cố, nâng cao niềm tin của đối tượng chính sách và nhân dân vào Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa và ngược lại. Nhiều khi chế độ, chính sách đúng nhưng công tác tuyên truyền hời hợt, năng lực tổ chức triển khai kém thì chính sách không thể đi vào cuộc sống, không đến được với cán bộ, chiến sĩ và đối tượng chính sách. Sự gắn bó giữa tư tưởng, tổ chức và chính sách là bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng Quân đội ta về chính trị; tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cũng như trong chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội.
Trong giai đoạn hiện nay, để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình chỉ đạo tiến hành công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội phải nhận thức đầy đủ đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ; từ đó, có giải pháp phù hợp, huy động sức mạnh của toàn xã hội tiến hành công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Trong các chủ trương, chương trình và trong từng chế độ, chính sách cụ thể, cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các cấp, các ngành, các đoàn thể và của mỗi công dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, huy động sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân để thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Vấn đề này trở nên bức thiết hơn trong khi tình hình kinh tế - xã hội có những biến động phức tạp, tiềm lực còn hạn chế và trước những thử thách to lớn, mới mẻ của sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Năm là, quan tâm chăm lo xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là vấn đề then chốt trong suốt quá trình chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Thực tiễn cho thấy, thời kỳ nào, nơi nào quan tâm xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ chính sách thì khi đó, nơi đó công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội đạt kết quả tốt hơn, thiết thực hơn và ngược lại. Để đảm bảo cho công tác chỉ đạo xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ chính sách đạt được kết quả, phải xuất phát từ yêu cầu và tình hình nhiệm vụ của Quân đội, của công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, chất lượng cao; giải quyết đúng mức giữa biên chế ổn định với biên chế tăng cường; chú ý ưu tiên đối với những vùng, những đơn vị làm nhiệm vụ phức tạp, khó khăn. Thống nhất mô hình tổ chức ở các cấp, bảo đảm cho hoạt động tham mưu, chỉ đạo, thực hiện chính sách đúng tầm và đủ sức mạnh cần thiết. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách “vừa hồng vừa chuyên”; có nhiều biện pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính sách phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng cấp. Có các giải pháp ổn định đội ngũ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ổn định và chuyển tiếp; đồng thời, quan tâm đào tạo cán bộ chuyên sâu về chính sách, để cùng với quá trình tích luỹ kinh nghiệm, trở thành những chuyên gia giỏi, đủ sức xử lý các tình huống mới, những vấn đề phức tạp, nhất là đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chỉ đạo ở cơ quan chiến lược. Đổi mới phương pháp, tác phong công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tuỵ của đội ngũ cán bộ chính sách. Đổi mới quan điểm đánh giá, lựa chọn, sử dụng đúng đội ngũ cán bộ chính sách và có chính sách công bằng hơn với đội ngũ cán bộ này nhằm tạo ra động lực mới để mỗi người yên tâm, hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội.
Những kinh nghiệm trên là cơ sở quan trọng giúp Tổng cục Chính trị tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, bảo đảm đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự ổn định xã hội và động lực trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Trung tướng LÊ VĂN HÂN, Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị __________________
1 - Quyết định 47/2002/QĐ-TTg, ngày 11-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ “quyết định về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ 31 tháng 12 năm 1960 trở về trước”.
2 - Quyết định 188/2007/QĐ-TTg, ngày 06-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 08-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước”; Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương”, v.v.
3 - Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, ngày 09-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc”.
4 - Quyết định 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế”.
Tổng cục Chính trị,công tác Chính sách
Xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới 22/12/2019
Đổi mới tư duy trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị 21/12/2019
Ngành Chính sách Quân đội bám sát yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong tình hình mới 19/12/2019
Cơ quan chính trị, cán bộ chính trị với việc bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Quân đội 19/12/2019
Thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, góp phần hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam 19/12/2019
Bộ Tư lệnh 86 với việc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng 18/12/2019
Công tác đảng, công tác chính trị trong tăng cường tiềm lực quốc phòng 17/12/2019
Nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng trên địa bàn Tây Nam Bộ 17/12/2019
Tổng cục Chính trị tổ chức Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 16/12/2019
“Tổng cục Chính trị - 75 năm với sự nghiệp xây dựng chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam” 06/12/2019