Thứ Sáu, 09/05/2025, 11:35 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Cuối năm 2014, Nga điều chỉnh Học thuyết quân sự của mình. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ khi Học thuyết này được công bố (tháng 2-2010). Vì sao Nga điều chỉnh Học thuyết quân sự và việc điều chỉnh lần này có gì mới? Đó là những vấn đề được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
Tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm Bulava (Ảnh: in-tơ-nét)
Ngày 21-11-2013, Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích khi đó tuyên bố tạm dừng việc ký Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU) đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng sâu sắc tại U-crai-na. Cùng với diễn biến phức tạp chưa có hồi kết của cuộc khủng hoảng, mâu thuẫn giữa Nga với phương Tây ngày càng sâu sắc. Đây là vấn đề không phải mấy năm gần đây mới bùng phát, mà nó đã âm ỉ xuất hiện từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đó là tính phi đối xứng tạo nên một xu thế nổi bật giữa “bên tan rã” và “bên chiến thắng”. Theo các nhà quan sát, sự tự tin chưa từng có của “bên chiến thắng” - phương Tây - khiến cho họ tự tin thực hiện hơn nữa tính thực dụng của tư duy Chiến tranh Lạnh, từ đó hình thành quan hệ “đối thoại bất bình đẳng” trong việc xây dựng cục diện quốc tế mới. Sau khi làm tan rã hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, phương Tây - đứng đầu là Mỹ đã không dừng lại ở đó, mà tiếp tục làm suy yếu và phân hóa đối thủ, thậm chí còn tìm cách xóa bỏ triệt để quan niệm an ninh cũ của đối thủ. Để thực hiện chiến lược đó, Mỹ và lãnh đạo một số quốc gia châu Âu đã vứt bỏ cam kết “Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không mở rộng về phía Đông” - điều mà NATO từng đưa ra để giành được sự phối hợp chủ động của Liên Xô đối với các vấn đề, như: rút quân khỏi Đông Âu, thống nhất nước Đức, cắt giảm vũ khí chiến lược, v.v. Năm 1999, lần đầu tiên, NATO kết nạp một số nước nhằm tăng số lượng các thành viên trong khu vực, mở rộng lãnh thổ về phía Đông, tiến dần đến lãnh thổ của Nga. Đó là các nước: Cộng hòa Séc, Hung-ga-ri và Ba Lan. Không dừng lại ở đó, 05 năm sau, năm 2004, NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông với 07 nước là: Bun-ga-ri, Ét-stô-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Ru-ma-ni, Xlô-va-ki-a và Xlô-vê-ni-a. Nhưng khác với lần đầu tiên NATO mở rộng về phía Đông là sự gia nhập của ba nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết trước đây là Ét-stô-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va. Việc làm này không chỉ đi ngược lại cam kết “NATO không mở rộng về phía Đông”, mà còn khiến cho biên giới của NATO trực tiếp tiếp giáp với lãnh thổ của Nga. Điều này làm cho bản đồ địa chính trị - quân sự có những thay đổi quan trọng, khiến cho các khu đệm chiến lược vốn có giữa Nga và NATO không còn, tức là Nga mất đi một lá chắn che chở truyền thống. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, năm 2008, lãnh đạo khối NATO tiếp tục đưa ra yêu cầu cho phép Gru-di-a và U-crai-na gia nhập NATO; năm 2009, An-ba-ni và Crô-a-ti-a lại trở thành nước thành viên mới của NATO.
Vì vậy, đa số giới bình luận quốc tế cho rằng, mặc dù phương Tây và EU tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga trong thời gian vừa qua, song việc Nga điều chỉnh Học thuyết quân sự (HTQS) không phải vì đáp trả các đòn trừng phạt và cô lập, mà là nhằm đưa ra định hướng đối phó lâu dài với các mối đe dọa đến an ninh Nga, hoặc liên quan tới an ninh của nước Nga. Nói cách khác: cuộc khủng hoảng ở U-crai-na; tiềm năng quân sự ngày càng tăng của NATO thông qua động thái mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của liên minh này sát biên giới Nga và việc xây dựng, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược làm hủy hoại sự ổn định toàn cầu, thực thi khái niệm “Cú đòn phủ đầu” và ý định triển khai vũ khí trên vũ trụ cùng nguy cơ ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố, cực đoan,… là những nguyên nhân căn bản, trực tiếp và lâu dài khiến Nga phải điều chỉnh HTQS của mình.
Nói về việc điều chỉnh HTQS của Nga, phát biểu tại Hội nghị mở rộng Bộ Quốc phòng Nga (tháng 12-2014), Tổng thống V. Pu-tin lưu ý rằng “Mỹ đang tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp, NATO cũng đang tăng cường sự hiện diện và hoạt động ở Đông Âu, song HTQS Nga vẫn như trước đây mang tính phòng thủ”. Tuy nhiên, theo lời Ông, Nga sẽ bảo vệ an ninh của mình “một cách nhất quán và kiên quyết”. Tinh thần đó đã được thể hiện rõ trong việc điều chỉnh HTQS của Nga lần này.
Trước hết, về quan điểm, HTQS Nga phản ánh cam kết đối với việc sử dụng các biện pháp quân sự để bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích các đồng minh của mình chỉ sau khi không còn khả năng sử dụng các công cụ chính trị, ngoại giao, luật pháp, kinh tế, thông tin và các công cụ phi bạo lực khác. Các nhà hoạch định HTQS Nga cho rằng, sự phát triển của thế giới trong giai đoạn đương đại đặc trưng bởi sự cạnh tranh, căng thẳng toàn cầu ngày càng tăng trên nhiều lĩnh vực tương tác giữa các nước và các khu vực; nhiều cuộc xung đột khu vực vẫn chưa được giải quyết, xu thế giải quyết bằng vũ lực vẫn được duy trì, trong đó có các khu vực giáp Nga; trong khi đó, hệ thống an ninh quốc tế hiện nay không đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các nước.
HTQS Nga cũng đưa ra nhiều khái niệm cơ bản về an ninh, như: hiểm họa quân sự, nguy cơ quân sự, xung đột quân sự, chiến tranh địa phương, chiến tranh khu vực và chiến tranh quy mô lớn, v.v. Đề cập đến “nguy cơ và hiểm họa quân sự của Nga”, Học thuyết chỉ rõ: vẫn tồn tại xu hướng dịch chuyển các nguy cơ và hiểm họa quân sự trong khoảng không thông tin và môi trường bên trong Liên bang Nga. Vì vậy, mặc dù khả năng diễn ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại Nga đã giảm, song một số nguy cơ quân sự đối với nước này vẫn gia tăng.
Theo cách xét đoán của Nga, những nguy cơ quân sự chính từ bên ngoài, gồm: (1) NATO tăng cường tiềm lực quân sự và cho mình những chức năng toàn cầu, được thực hiện bằng sự vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế; trong đó có hành động tiếp tục mở rộng khối sát biên giới Nga; (2) Sự bất ổn tại những nước và khu vực cụ thể có thể hủy hoại sự ổn định trên toàn cầu và khu vực; (3) Việc triển khai (mở rộng) đội quân của một số nước (nhóm nước) có lãnh thổ tiếp giáp với Nga và các đồng minh của Nga cũng như các vùng biển lân cận, kể cả gây sức ép chính trị và quân sự với Nga; (4) Việc thiết lập và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược, vũ khí trên vũ trụ cũng như triển khai các hệ thống vũ khí chính xác chiến lược phi hạt nhân; (5) Tranh chấp lãnh thổ với Liên bang Nga và các đồng minh của Nga, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này; (6) Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tên lửa và công nghệ tên lửa; (7) Sử dụng vũ lực, sự xuất hiện các lò lửa và xung đột leo thang trên lãnh thổ các nước tiếp giáp Nga và đồng minh của Nga; (8) Nguy cơ ngày càng cao của chủ nghĩa cực đoan (khủng bố); (9) Sự xuất hiện các cuộc đấu tranh căng thẳng sắc tộc và tôn giáo; (10) Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thiết lập lại thể chế tại các nước láng giềng với Nga, không loại trừ sử dụng các biện pháp lật đổ chính quyền hợp pháp, mà còn áp dụng nhiều chính sách khác hòng đe dọa các lợi ích của Nga.
Không chỉ xác định nguy cơ quân sự chính từ bên ngoài, HTQS Nga cũng chỉ rõ các nguy cơ quân sự chính ở bên trong, bao gồm: (1) Hoạt động nhằm cưỡng bức thay đổi trật tự Hiến pháp Liên bang Nga, gây bất ổn tình hình xã hội và chính trị đối nội của Nga; (2) Hoạt động của các tổ chức khủng bố và cá nhân cụ thể nhằm hủy hoại chủ quyền, vi phạm sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga; (3) Hoạt động tuyên truyền người dân Nga, trước tiên là các thanh niên Nga, kích động lực lượng này phá hoại truyền thống lịch sử, tinh thần và lòng ái quốc trong lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc; (4) Kích động căng thẳng giữa các sắc tộc và xã hội, chủ nghĩa cực đoan, châm ngòi cho hận thù tôn giáo, sắc tộc.
Thứ hai, về chính sách quân sự, HTQS Nga nhấn mạnh chính sách quân sự của Liên bang Nga nhằm vào các vấn đề chính là: (1) Răn đe và ngăn chặn các cuộc xung đột quân sự, cải thiện tổ chức quân sự, hình thức và phương thức sử dụng các lực lượng vũ trang, các đội quân và tổ chức khác; (2) Không cho phép cuộc xung đột quân sự hạt nhân, cũng như bất cứ cuộc xung đột quân sự nào khác; (3) Vô hiệu hóa các hiểm họa và nguy cơ quân sự tiềm tàng bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao và các biện pháp phi quân sự khác; (4) Duy trì sự ổn định trên toàn cầu, khu vực và khả năng răn đe hạt nhân ở mức độ thích hợp; (5) Mở rộng vành đai các nước đối tác và phát triển hợp tác với các nước trên cơ sở cùng chung lợi ích phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có các nước thành viên khối BRICS1; (6) Củng cố hệ thống an ninh tập thể trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và củng cố hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc tế trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), hợp tác với Cộng hòa Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a, duy trì đối thoại bình đẳng trong lĩnh vực an ninh châu Âu với EU và NATO; (7) Hình thành cơ chế đôi bên cùng có lợi và hợp tác đa phương chống lại nguy cơ tên lửa tiềm tàng; (8) Đối phó với các âm mưu của những nước (nhóm nước) cụ thể nhằm đạt được ưu thế quân sự thông qua triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược, vũ khí trên vũ trụ và các hệ thống vũ khí chính xác phi hạt nhân chiến lược; (9) Tham gia cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
Đáng chú ý, trong chính sách quân sự của mình, Nga coi việc tấn công vũ trang vào một nước thành viên của CSTO như hành động xâm lược, chống lại cả tổ chức CSTO; và Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng chống lại mình (hay) các đồng minh của mình bằng vũ khí hạt nhân và các dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cũng như trong trường hợp sử dụng vũ khí thông thường xâm lược chống Liên bang Nga; quyền sử dụng vũ khí hạt nhân do Tổng thống Liên bang Nga quyết định.
Thứ ba, về phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng, Nga đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó đáng chú ý là: cải thiện tổ hợp công nghiệp quốc phòng trên cơ sở hình thành và phát triển các cấu trúc chế tạo - khoa học lớn; đảm bảo sự độc lập công nghệ của Nga trong lĩnh vực chế tạo vũ khí chiến lược và thiết bị kỹ thuật quân sự; hình thành hệ thống các công nghệ ưu tiên, đảm bảo phát triển, chế tạo các hệ thống mẫu vũ khí, thiết bị kỹ thuật quân sự chuyên biệt trong tương lai. Mới đây, phát biểu trước giới quân sự Nga, Tổng thống V. Pu-tin lưu ý rằng: “Trong năm 2015, các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga phải nhận được hơn 50 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”, “Trong trung hạn - đến năm 2021 - phải chuyển dịch toàn bộ các lực lượng hạt nhân có bệ phóng trên đất liền sang sử dụng vũ khí hiện đại; hiện đại hóa toàn bộ các máy bay mang tên lửa (TU-160 và TU-95MS), cũng như chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới”. Đây cũng được coi là những mục tiêu không nằm ngoài việc điều chỉnh HTQS của Nga, nhằm đảm bảo cho nước này có đủ khả năng bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình; đồng thời, sẽ “tìm cách củng cố sự ổn định quốc tế, bảo vệ nền an ninh công bằng cho tất cả các quốc gia và các dân tộc”, đúng như Tổng thống V. Pu-tin từng tuyên bố.
ĐỨC LÊ ______
1 - Gồm: Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Học thuyết quân,Nga
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực