QPTD -Thứ Hai, 09/12/2013, 14:57 (GMT+7)
Đẩy mạnh phối hợp tuần tra chung trên biển giữa hải quân hai nước Việt Nam – Trung Quốc

Phối hợp tuần tra liên hợp giữa hải quân hai nước Việt Nam – Trung Quốc là một trong những điểm sáng trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, nhằm xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định trên vùng biển liền kề hai nước.

Mô phỏng hoạt động kết hợp tuần tra trên biển giữa biên đội tàu mặt nước và máy bay của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. (Nguồn: qdnd.vn)

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển; trong đó, một phần đường biên giới biển là đường phân định Vịnh Bắc Bộ, được hai bên ký kết vào tháng 12-2000 (có hiệu lực vào năm 2004). Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn của thế giới1. Tại đây, Việt Nam có 763 km bờ biển, hơn 2.300 đảo lớn nhỏ trải dài qua 10 tỉnh, thành phố. Phía Trung Quốc có 695 km bờ biển đi qua hai tỉnh Quảng Tây và Hải Nam. Vịnh Bắc Bộ có nhiều hải cảng quan trọng của cả hai bên, nên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại đối với hai nước và cả khu vực, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Vì vậy, duy trì sự ổn định về an ninh ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ luôn được hai bên quan tâm, coi đó là một trong những trụ cột để củng cố, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc nhằm hiện thực hóa phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định.

Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận liên quan về Vịnh Bắc Bộ; Nghị định thư hợp tác (năm 2003) giữa Bộ Quốc phòng hai nước và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, ngày 26-10-2005, hai bên đã ký Thỏa thuận “về tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ giữa Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”. Đây là kết quả hợp tác lớn nhất, công phu và nổi bật nhất về quốc phòng kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước (năm 1991), mở ra hướng mới trong việc triển khai các hoạt động phối hợp, giao lưu đưa quan hệ hợp tác quốc phòng nói chung, lĩnh vực hải quân nói riêng phát triển lên tầm cao mới. Cũng trong Thỏa thuận này, hải quân hai nước thống nhất lập văn phòng đại diện của mỗi bên để phối hợp giải quyết công việc liên quan; đồng thời, xác định phương án tuần tra liên hợp (phần không thể tách rời của Thỏa thuận), trong đó xác định một cách tổng quát và chi tiết những nội dung cơ bản. Về mục đích, tuần tra liên hợp nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng nhau giữ gìn ổn định an ninh vùng biển Vịnh Bắc Bộ, góp phần củng cố, phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa quân đội hai nước. Về nhiệm vụ, thực hiện duy trì trật tự và ổn định trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ; thúc đẩy việc thực thi thuận lợi Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ và Nghị định thư bổ sung giữa hai nước. Về khu vực tuần tra gồm, vùng đánh cá chung và vùng nước dàn xếp quá độ mà hai bên đã thỏa thuận. Riêng tuyến tuần tra từng chuyến sẽ được hai bên lựa chọn và thống nhất trước khi thực hiện. Về lực lượng tuần tra, phải là lực lượng và tàu trong biên chế của hải quân hai nước (từ 02 đến 03 tàu); trong đó, tàu tuần tra của mỗi bên phải tuân thủ quy định quốc tế, ghi rõ số hiệu ở mạn tàu và treo Quân kỳ hoặc Quốc kỳ của nước mình. Trong quá trình tuần tra, hai bên không được can thiệp đối với các tàu thuyền hoạt động bình thường trong Vịnh; không trực tiếp tham dự vào các hoạt động thi hành pháp luật về nghề cá, nhưng được phép ngăn chặn các hành vi vi phạm, hoạt động tội phạm và thông báo cho các cơ quan hữu quan của mỗi nước biết để tiến hành các thủ tục xử lý, v.v.

Thực hiện Thỏa thuận trên, những năm qua, hợp tác về hải quân nói chung, phối hợp tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc Bộ nói riêng đã được mở rộng và tăng cường cả về bề rộng và chiều sâu. Cùng với các cuộc thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng quốc phòng hai bên, hải quân hai nước đã tiến hành trao đổi đoàn cấp Bộ Tư lệnh; tổ chức nhiều phiên họp thường niên; đồng thời, thiết lập và duy trì kênh thông tin liên lạc thường xuyên về tuần tra liên hợp. Từ năm 2005 đến nay, mặc dù còn nhiều trở ngại, hải quân hai bên đã thực hiện thành công 15 chuyến tuần tra liên hợp và 07 phiên họp thường niên về nội dung này. Gần đây nhất, ngày 22-6-2013, khi chuyến tuần tra thứ 15 sắp diễn ra cũng là lúc cơn bão số 2 với cường độ lớn tràn vào Vịnh Bắc Bộ, nhưng hai bên vẫn quyết tâm “xuyên bão tuần tra chung” theo kế hoạch đã định. Đây là một trong những biểu hiện sinh động của tình đoàn kết, hữu nghị vì mục tiêu chung của quân đội hai nước. Trong quá trình tuần tra chung trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp hữu ích, như: luyện tập tìm kiếm cứu nạn, diễn tập chống cướp biển; thường xuyên trao đổi thông tin và xử lý các tình huống về an toàn hàng hải cùng các vấn đề có liên quan; thăm cảng của nhau và tiến hành các hoạt động giao lưu sau khi kết thúc tuần tra,… Thông qua đó, quan hệ hữu nghị, hợp tác và sự tin cậy, hiểu biết giữa hải quân hai nước nói chung, phối hợp trong triển khai các hoạt động trong khuôn khổ tuần tra liên hợp nói riêng ngày càng được tăng cường, tình hình an ninh, trật tự trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ được duy trì ổn định, góp phần tăng điểm đồng, giảm căng thẳng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Chính từ kết quả này, trong Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ Tư vào tháng 6 vừa qua, hai bên đã đánh giá cao sự hợp tác tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ và coi đó là điểm sáng nổi bật để lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước và Quân đội có cơ sở vững chắc trong việc đưa ra các quyết sách ở tầm chiến lược; đồng thời, đập tan mọi mưu đồ xuyên tạc, kích động hòng chia rẽ quan hệ hai nước của các thế lực thù địch.

Hiện nay và thời gian tới, cục diện thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, ẩn chứa nguy cơ, thách thức khó lường tác động trực tiếp tới cả hai bên. Vì thế, quan hệ hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước cần tiếp tục phát triển lên tầm cao mới theo tinh thần nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được. Trong đó, hợp tác về hải quân nói chung, phối hợp tuần tra chung trên biển nói riêng là một trong những trọng điểm cần được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

Một là, hai bên cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân và các lực lượng trên biển về mục đích, ý nghĩa và nội dung của công tác tuần tra liên hợp giữa hải quân hai nước. Phải làm cho mọi người hiểu rõ tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc Bộ không chỉ tăng cường hiểu biết và tin cậy để cùng nhau giữ gìn an ninh vùng biển, nâng cao vị thế của hải quân hai bên và phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa quân đội hai nước, mà còn là cơ sở để xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia, tạo nền tảng cho việc giải quyết thuận lợi những điểm còn tồn tại giữa hai bên, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc lên một bước mới. Trên cơ sở đó, cán bộ, chiến sĩ của lực lượng hai bên nâng cao quyết tâm, trách nhiệm đối với công tác tuần tra liên hợp; đồng thời, xây dựng bản lĩnh, lòng tin để chủ động đấu tranh với những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, hòng tuyên truyền xuyên tạc, kích động làm tổn hại đến quan hệ hai nước.

Hai là, cùng với duy trì và thực hiện tốt Thỏa thuận tuần tra liên hợp đã được ký kết, hai bên cần tăng cường mở rộng phối hợp luyện tập trên nhiều nội dung nhằm nâng cao hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở trên biển. Trong phối hợp luyện tập, cần lựa chọn các nội dung thiết thực, phù hợp với cả hai bên; chú trọng các nội dung về tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, bảo vệ môi trường cùng các kỹ năng về bảo đảm an toàn hàng hải tạo cơ sở cho việc mở ra các hướng hợp tác mới. Thông qua các hoạt động phối hợp luyện tập trong tuần tra liên hợp có thể tiến tới tổ chức các cuộc diễn tập chung giữa hải quân hai bên về ứng phó thiên tai khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, rà phá thủy lôi và chống khủng bố trên biển, v.v.

Ba là, coi trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng tuần tra liên hợp của hai bên, nhất là trong nắm tình hình, trao đổi thông tin, tổ chức chỉ huy, hiệp thương về kế hoạch và bảo đảm tổ chức hoạt động tuần tra cụ thể. Đồng thời, phối hợp duy trì thường xuyên các phiên họp thường niên, luân phiên của Nhóm công tác hải quân hai nước theo quy định để bàn bạc, trao đổi về nội dung, phương thức và các vấn đề liên quan đến công tác tuần tra, nhất là cách thức thông báo, phối hợp trong xử lý công việc thường xuyên và đột xuất. Ngoài ra, sau mỗi đợt tuần tra liên hợp, văn phòng của từng bên tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình tuần tra, rút ra nguyên nhân mạnh, yếu và thông báo cho nhau bằng văn bản.

Bốn là, chú trọng tổ chức thăm và giao lưu hữu nghị giữa hai bên sau khi kết thúc mỗi chuyến tuần tra liên hợp bằng nhiều hình thức phong phú, như: tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thăm quan các đơn vị hải quân của nhau,… nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuẩn bị và thực hành phối hợp, hiệp đồng trong quá trình tuần tra liên hợp; về kinh nghiệm huấn luyện đường dài trên biển ở các biên đội tàu và về công tác bảo đảm trong các chuyến đi dài ngày trên biển,… Cùng với đó, định kỳ hằng năm, thông qua kênh thông tin tuần tra liên hợp, hai bên phối hợp tổ chức các chuyến thăm tàu lẫn nhau, làm cơ sở cho các đoàn cấp Vùng, Hạm đội và Căn cứ hải quân thăm viếng, trao đổi, học hỏi và giao lưu hữu nghị.

Năm là, trên cơ sở kết quả của tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, hai bên cần xúc tiến triển khai hợp tác trên các lĩnh vực: đào tạo cán bộ (ở các ngành tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật); bảo đảm kỹ thuật hải quân (nhất là trong sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền); tham quan, nghỉ dưỡng; cứu trợ nhân đạo,... Qua đó, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy về chính trị, tạo nền tảng để đưa quan hệ hải quân hai nước nói riêng, hợp tác quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc nói chung lên tầm cao mới.

Phó Đô đốc PHẠM NGỌC MINH

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân
_________________

1 - Vịnh Bắc Bộ có diện tích khoảng 126.250 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km, nơi hẹp nhất khoảng 207,4 km. Vịnh có hai cửa: eo biển Quỳnh Châu rộng khoảng 35,2 km và cửa chính từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới đảo Hải Nam (Trung Quốc), rộng khoảng 207,4 km.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.