Thứ Ba, 10/09/2024, 01:57 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Nhà máy Z175 (Công ty Cao su 75) là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; doanh nghiệp Quân đội duy nhất chuyên sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật phục vụ quốc phòng và tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm gần đây, trước yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và xu thế hội nhập đặt ra cho Nhà máy những mục tiêu, yêu cầu cao hơn, cùng nhiều vấn đề cần giải quyết. Tuy đứng trước không ít khó khăn do các yếu tố bảo đảm cho sản xuất thiếu đồng bộ, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt,... nhưng với quyết tâm, trí tuệ, bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận lao động, sản xuất, Nhà máy đã chủ động vượt lên để hội nhập và có bước phát triển khá vững chắc. Năng lực, hiệu quả sản xuất quốc phòng, kinh tế được nâng lên rõ nét1. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm luôn đạt trên 10%. Quy mô sản xuất, chủng loại sản phẩm được mở rộng. Bên cạnh các sản phẩm cao su truyền thống, Nhà máy đã nghiên cứu, chế thử và sản xuất thành công nhiều sản phẩm mới có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ, phục vụ có hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật trong Quân đội, nhu cầu của các ngành kinh tế và xuất khẩu. Thương hiệu “Cao su 75” đã được tạo lập và khẳng định.
Có được kết quả đó, trước hết là do Nhà máy luôn xác định đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của một doanh nghiệp quân đội; thường xuyên chú trọng tăng cường, giữ vững sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, trên cơ sở đó cụ thể hóa tổ chức thực hiện bằng các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phù hợp với đặc điểm của Nhà máy. Với nhận thức sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, nên mặc dù sản phẩm cao su kỹ thuật phục vụ nhu cầu của Quân đội đa dạng về chủng loại, tính năng kỹ thuật yêu cầu cao, số lượng thường nhỏ, lẻ, giá trị gia tăng trong sản xuất không cao,... nhưng Nhà máy luôn ưu tiên nguồn lực, đảm bảo hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ này. Cùng với đó, Nhà máy chú trọng tận dụng tối đa công năng dôi dư, trình độ công nghệ, trang thiết bị để đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo cơ sở cho giữ gìn, phát triển đội ngũ, năng lực sản xuất quốc phòng. Trước đòi hỏi cấp thiết của yêu cầu phát triển, hội nhập, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, đặc biệt là Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Nghị quyết 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, hướng trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo vào kiện toàn cơ cấu tổ chức; hoạch định chiến lược phát triển, chiến lược sản phẩm; đầu tư hiện đại hóa thiết bị, công nghệ; phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu,... nhằm đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu được kết quả tích cực. Đây chính là tiền đề quan trọng để Nhà máy hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế trong giai đoạn mới.
Nguồn nhân lực chất lượng cao và trang bị, thiết bị, công nghệ hiện đại là yếu tố nền tảng, then chốt, quyết định sức cạnh tranh, năng lực, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Nhận thức rõ điều đó, Nhà máy đã có những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực và đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang bị, thiết bị phục vụ sản xuất. Thời gian qua, Nhà máy đã rà soát, sắp xếp lại lực lượng theo hướng giảm tối đa lao động gián tiếp, tăng lao động trực tiếp sản xuất; điều chỉnh tổ chức, thành lập một số bộ phận mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, như: Ban Nghiên cứu phát triển, Ban Thị trường, Tổ Chế thử sản phẩm mới, Phân xưởng Luyện cao su, v.v. Đồng thời, chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao. Để đạt hiệu quả, Nhà máy đã thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, coi trọng việc bồi dưỡng qua thực tiễn sản xuất, khuyến khích người lao động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, tay nghề. Đặc biệt, để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, công nhân chuyên ngành hóa polyme (đối tượng này rất ít nhà trường tổ chức đào tạo), Nhà máy đã có chính sách ưu tiên thu hút và phối hợp với Trung tâm Polyme Bách khoa để tuyển dụng; mặt khác, đẩy mạnh đào tạo chuyển nghề cao su cho công nhân, để cân đối lực lượng sản xuất, v.v. Đi liền với xây dựng nguồn nhân lực, Nhà máy tích cực huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất trước mắt và sự phát triển lâu dài. Theo đó, cùng với tập trung hoàn thành tốt Dự án đầu tư theo Chương trình thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, những năm qua, Nhà máy đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các dự án cải tạo, nâng cấp mặt bằng công nghệ, nhà xưởng và mua sắm, bổ sung nhiều máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện đại cho các dây chuyền sản xuất, phòng thí nghiệm2. Vì vậy, diện mạo và năng lực sản xuất của Nhà máy được nâng cao. Hiện nay, Nhà máy tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, có tính lưỡng dụng cao. Trong đó, trọng tâm tập trung vào thực hiện Dự án cải tạo nhà xưởng giai đoạn 2; cải tạo, nâng cấp các dây chuyền sản xuất sản phẩm băng tải cao su; nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, công nghệ phục vụ Dự án “I” giai đoạn 2, v.v. Đặc biệt, Nhà máy tích cực phối hợp với Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bên có liên quan để tiếp nhận, triển khai thiết bị, công nghệ, sớm đưa Dự án đặc biệt cấp quốc gia về sản xuất áo bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (VN-01) đi vào hoạt động.
Do tính đặc thù cao, nên hầu hết các chủng loại sản phẩm cao su kỹ thuật, Nhà máy đều phải tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, rất ít được chuyển giao công nghệ. Vì vậy, Nhà máy luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong đó, tập trung mũi nhọn vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới phục vụ quốc phòng, kinh tế và xuất khẩu, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là xương sống đối với sự tồn tại, phát triển của Nhà máy, nhất là khi nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm truyền thống có xu hướng giảm. Để thực hiện vấn đề này, cùng với làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, động viên, khen thưởng, khuyến khích đông đảo cán bộ, nhân viên tích cực tham gia nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Nhà máy đã chú trọng củng cố, kiện toàn Hội đồng Khoa học, công nghệ; chỉ đạo thành lập Ban Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Phòng Kỹ thuật - Công nghệ, làm nòng cốt trong nghiên cứu nhu cầu thị trường, đề xuất giải pháp và thực hiện nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm mới. Mặt khác, Nhà máy ưu tiên đầu tư thích đáng nguồn lực tài chính, hình thành Quỹ đầu tư và phát triển khoa học, công nghệ; đầu tư hiện đại hóa phòng thí nghiệm,... nhằm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ này. Từ năm 2010 đến nay, Nhà máy đã hoàn thành gần 40 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu ở các cấp và đưa hơn 600 sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Từ kết quả nghiên cứu, nhiều sản phẩm mới của Nhà máy đã được sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu quốc phòng và phục vụ phát triển kinh tế; trong đó, có sản phẩm đã thay thế hàng nhập khẩu, giúp chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật, tiết kiệm ngân sách. Tiêu biểu như: lốp pháo đặc các loại; áo bảo quản tên lửa; guốc xích, bánh tì xe tăng; thùng dầu mềm máy bay AN26, Mi8, Su22; săm ly hợp tàu hải quân; đệm thủy khí cho tàu ngầm; đệm va tàu; gioăng, phớt, đệm, bọc ống cách nhiệt cho tên lửa Igla; bộ khí tài phòng hóa PD2; Peker chân đế giàn DK;... cung cấp cho các quân chủng, binh chủng và các sản phẩm kinh tế: băng tải cao su cốt thép; băng tải chống cháy; vây quây dầu tràn; bọc cách nhiệt ống dẫn dầu ngầm dưới biển; khuôn cao su ép đá ốp lát cao cấp, v.v. Phát huy kết quả đó, trong thời gian tới, Nhà máy tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu nhu cầu thị trường, phát triển sản phẩm mới; trong đó, ưu tiên đầu tư nghiên cứu, mở rộng các sản phẩm cao su kỹ thuật cao phục vụ quốc phòng và các ngành kinh tế trọng điểm, như: khai thác than, khoáng sản, dầu khí, sản xuất xi măng, phân bón, đóng tàu, lắp ráp ô tô, xe máy,...; hoàn thiện công nghệ các sản phẩm có độ phức tạp cao và nghiên cứu nâng cao chất lượng vật liệu “cao su nền” phục vụ sản xuất, v.v.
Cùng với đó, để phát triển, hội nhập trong điều kiện thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, Nhà máy quyết liệt triển khai các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường. Bằng nhiều biện pháp, Nhà máy đã xây dựng, bổ sung tương đối đồng bộ hệ thống quy chế, quy định về quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp, thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa điều hành tập trung, thống nhất của Ban Giám đốc với phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ của các cơ quan, phân xưởng; tăng cường công tác quản lý lao động, quản lý tài chính, vật tư, triệt để tiết kiệm chi phí, cũng như xây dựng tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp trong sản xuất cho người lao động, v.v. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trong điều kiện hoạt động sản xuất luôn biến động do có nhiều sản phẩm mới vừa nghiên cứu, chế thử, vừa sản xuất, Nhà máy chỉ đạo đưa công tác kỹ thuật, công nghệ đi trước một bước trong chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất và giải quyết kịp thời các vướng mắc kỹ thuật phát sinh, nhất là đối với các dây chuyền sản xuất quốc phòng, kinh tế quan trọng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật công nghệ, quản lý kỹ thuật, kiểm soát vật tư đầu vào và các chặng công nghệ trên các dây chuyền sản xuất, đảm bảo quản lý chặt chẽ chất lượng của từng sản phẩm, kiên quyết không để có sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Thời gian qua, Nhà máy đã đầu tư thích đáng cho việc nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm định chất lượng sản phẩm và nghiên cứu thay toàn bộ nguyên liệu cao su phục vụ sản xuất trước đây bằng nguyên liệu mới có chất lượng cao, khả năng chống lão hóa tốt; qua đó, tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm, được các đơn vị và thị trường đánh giá cao. Hiện nay, các sản phẩm của Nhà máy được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt ở tất cả các công đoạn theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và tiến tới sẽ áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Đi liền với sản xuất, Nhà máy đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm thị trường, đối tác và các hoạt động tiếp thị, quảng bá thương hiệu sản phẩm ở cả trong nước và ngoài nước. Nhà máy còn thực hiện kết hợp duy trì giữ vững khách hàng truyền thống với đẩy mạnh việc phát triển thị trường, đối tác, tìm kiếm sản phẩm quốc phòng nhóm 2 và các đơn hàng có giá trị lớn, ổn định lâu dài. Đồng thời, áp dụng một số chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm, thực hiện cơ chế bán hàng năng động, linh hoạt, nhằm tăng sản lượng tiêu thụ, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm mũi nhọn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, v.v.
Những kết quả đã đạt được là tiền đề để Nhà máy Z175 tiếp tục phát huy, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, kinh tế, giữ vững uy tín, thương hiệu “Cao su 75”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trung tá PHAN CHIẾN THẮNG, Giám đốc Nhà máy
______________
1 - Năm 2016, giá trị sản xuất của Nhà máy đạt 258 tỷ đồng; doanh thu đạt 268 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 23 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,88 triệu đồng/người/tháng (tăng gần gấp 2 lần năm 2010).
2 - Nhà máy đã đầu tư trang bị: máy ép 900 tấn; thiết bị lưu hóa khuôn bằng 900MN; máy ép băng tải cao su khổ lớn 5000 tấn; máy đo cường lực cao su vạn năng; dây chuyền ép đùn xuất tấm cao su, v.v.
Nhà máy Z175,sản xuất quốc phòng,kinh tế
Sư đoàn 4 xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 26/08/2024
Lữ đoàn Thông tin 134 huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao 22/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 15/08/2024
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513 15/08/2024
Sư đoàn Phòng không 365 thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời 12/08/2024
Huyện Cần Giờ tăng cường giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ 25/07/2024
Quận Nam Từ Liêm đẩy mạnh thực hiện công tác quân sự, quốc phòng 22/07/2024
Sư đoàn bộ binh 9 tập trung đẩy mạnh công tác huấn luyện chiến đấu 18/07/2024
Lữ đoàn Pháo binh 382 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 15/07/2024
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nâng cao chất lượng công tác xuất bản quân sự 08/07/2024
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513
Sư đoàn Phòng không 365 thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu
Lữ đoàn Thông tin 134 huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao
Sư đoàn 4 xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”