Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 27/09/2024, 15:17 (GMT+7)
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển

Nhà máy Z199 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quang điện - Điện tử1) thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các loại khí tài quan sát, ngắm bắn phục vụ Quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong lĩnh vực điện - điện tử, quang - điện tử, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong suốt chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Nhà máy luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế; có nhiều sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường. Những năm gần đây, nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội có sự phát triển, đặt ra cho Nhà máy yêu cầu mới cao hơn; trong khi đó, cơ cấu tổ chức của Nhà máy chưa được hoàn thiện, còn nhiều khâu trung gian, nhiều bộ phận trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; trình độ, tay nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên và cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất có mặt chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ; áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, v.v. Trước bối cảnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã triển khai đồng bộ các giải pháp kiện toàn cơ cấu tổ chức; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư chiều sâu công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường,… để chủ động hội nhập, tạo bước phát triển mới.

Hội nghị Đảng ủy Nhà máy ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Quyết định số 3358/QĐ-BQP, ngày 31/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quang điện - Điện tử, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã xây dựng, ban hành các nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo điều chỉnh tổ chức biên chế chặt chẽ, khoa học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung kiện toàn, sắp xếp các cơ quan, cơ sở sản xuất theo hướng giảm đầu mối trung gian; sáp nhập các bộ phận có chức năng và nhiệm vụ tương đồng; tăng cường lực lượng lao động trực tiếp. Đồng thời, ổn định tổ chức, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng; sửa đổi quy chế, quy định các mặt công tác trọng yếu để đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị “hiệu lực, hiệu quả”. Trên cơ sở tổ chức, biên chế mới, Nhà máy tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng cán bộ, nhân viên gắn với đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm phù hợp với mô hình hoạt động. Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ khoa học trẻ, chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật có trình độ cao, công nhân giỏi, thợ lành nghề về quang điện - điện tử, Nhà máy đã có chính sách ưu tiên thu hút tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, coi trọng việc bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo tại chỗ, huấn luyện trực tiếp thông qua thực tiễn sản xuất, kinh doanh; khuyến khích người lao động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn, tay nghề. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức chính trị, chấp hành kỷ luật, pháp luật và các quy định an toàn; xây dựng tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp cho các đối tượng. Đồng thời, mạnh dạn bổ nhiệm, sử dụng cán bộ trẻ có năng lực; xây dựng môi trường công tác thân thiện, có nhiều cơ hội phát triển, tạo động lực cho người lao động yên tâm công tác, cống hiến. Đến nay, 100% cán bộ, kỹ sư của Nhà máy có trình độ cao đẳng trở lên (trên 41% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) và gần 80% công nhân kỹ thuật có tay nghề từ bậc 5/7 trở lên, tạo nền tảng quan trọng để Nhà máy tự tin hội nhập và phát triển bền vững.

Cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao thì công nghệ và trang thiết bị là những yếu tố nền tảng, then chốt, quyết định sức cạnh tranh, năng lực, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Với nhận thức đó, Nhà máy đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị và nhu cầu thị trường, Nhà máy đã chủ động đề xuất với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng các phương án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm dây chuyền công nghệ, trang thiết bị theo hướng lưỡng dụng, hiện đại. Thực hiện phương châm “đi trước đón đầu”, Nhà máy chủ động cử nhiều đoàn cán bộ đi khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ ở trong và ngoài nước; đón các đoàn chuyên gia đến giới thiệu công nghệ mới. Trên cơ sở đó, lựa chọn đối tác cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế. Với hướng đi đó, từ năm 2019 đến nay, Nhà máy đã triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư mới dây chuyền, trang thiết bị, công nghệ mới, hiện đại, như: dây chuyền đúc hợp kim nhôm trong môi trường chân không; dán nhiệt lạnh và các thiết bị, công nghệ sản xuất động cơ một chiều chất lượng cao, khuôn dập rotor, stator quạt trần, máy tiện CNC, v.v. Ngoài ra, Nhà máy quan tâm đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình đồng bộ, như: nhà đa năng, nhà điều hành, nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật, hệ thống nhà kho bảo quản sản phẩm. Vì vậy, diện mạo và năng lực sản xuất của Nhà máy được nâng cao, tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

Hiệu chỉnh tính năng sản phẩm quốc phòng tại Phân xưởng Tổng lắp sản phẩm quang học.

Để đứng vững, phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, Nhà máy đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới tự chủ về công nghệ. Thực hiện nội dung này, Đảng ủy Nhà máy đã ban hành Nghị quyết số 440-NQ/ĐU, ngày 05/7/2023 về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ đến năm 2030 và những năm tiếp theo, với chủ trương: tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm quốc phòng mới theo hướng tích hợp nhiều công nghệ hiện đại trên cùng một sản phẩm; thiết kế chế tạo sản phẩm kinh tế theo hướng tích hợp công nghệ thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, phù hợp nhu cầu thị trường, có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, v.v. Để hiện thực hóa chủ trương đó, Nhà máy thực hiện đa dạng các hình thức nghiên cứu (tự nghiên cứu, nhóm nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu) và tích cực đổi mới quy trình quản lý, triển khai đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu. Trong đó, với các đề tài được đặt hàng và phối hợp thực hiện, Nhà máy chỉ đạo Phòng Nghiên cứu phát triển rà soát, lựa chọn cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao để thành lập các nhóm nghiên cứu và tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ triển khai thực hiện. Với các đề tài do cán bộ, kỹ sư, nhân viên tự làm chủ, Nhà máy chỉ đạo rà soát, xét duyệt, lựa chọn các chương trình, đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính khả thi, ứng dụng cao để đưa vào triển khai nghiên cứu, phát triển, hỗ trợ kinh phí sản xuất, chế thử. Đặc biệt, Nhà máy ban hành nhiều chính sách đặc thù, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhờ đó, 05 năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong Nhà máy thu được nhiều thành quả tích cực; số lượng, chất lượng các đề tài, nhiệm vụ ngày càng tăng2; nhiều đề tài, nhiệm vụ có yêu cầu kỹ thuật cao, tính chất phức tạp, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách đặt ra, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để tiếp tục khẳng định vị thế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, Nhà máy đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, trên cả lĩnh vực quốc phòng và kinh tế. Với phương châm lấy sản xuất quốc phòng là trọng tâm, phát triển kinh tế là quan trọng, làm cơ sở cho phát triển sản xuất quốc phòng, Nhà máy tập trung đánh giá đúng tình hình, xác định chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất quốc phòng và kinh tế phù hợp, khả thi. Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược, mũi nhọn, làm tiền đề để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với sản xuất quốc phòng, Nhà máy đã triển khai nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và làm chủ nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là các loại khí tài quan sát, ngắm bắn theo nguyên lý khuếch đại ánh sáng mờ, ảnh nhiệt; các sản phẩm khí tài quan sát ngày, đêm lai ghép trên cùng một sản phẩm. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm đã và đang sản xuất cung cấp cho các đơn vị trong toàn quân. Hiện nay, nhiều sản phẩm của Nhà máy được các đơn vị sử dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đánh giá cao về công năng và độ tin cậy, như: kính nhìn đêm trưởng xe, lái xe trên xe tăng T54, T55; kính ngắm dùng cho xe thiết giáp XCB-01; kính ngắm súng bộ binh, kính ngắm phòng không, kính quan sát đêm biển, đảo; các loại ống nhòm, đầu dẫn tên lửa, v.v. Đặc biệt, Nhà máy đang tích cực triển khai nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị bay không người lái (UAV) phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng. Đối với sản xuất kinh tế, Nhà máy xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu mũi nhọn là phát triển các loại quạt điện hiện đại phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo đó, tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới, như: quạt trần 5 cánh điều khiển xa; các sản phẩm quạt điện tích hợp kết nối với loại nhà có sử dụng công nghệ thông minh; các sản phẩm thân thiện với môi trường, v.v. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với hoàn thiện tổ chức, phương thức quản trị hiện đại; tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường mới,... nhằm tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, tiết kiệm chi phí, nhân công, qua đó nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Với chủ trương đúng đắn, giải pháp thiết thực, hiệu quả, cùng tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên, Nhà máy đã tạo được những bước phát triển đáng tự hào trên cả lĩnh vực sản xuất quốc phòng và kinh tế. Nhiều sản phẩm quốc phòng đã và đang trở thành những “đôi mắt thần” để bộ đội nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; quạt điện thương hiệu “PEC- Điện cơ 91 Bộ Quốc phòng” nhiều năm liên tục được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố Hà Nội” v.v. Đây là niềm tự hào, động lực để Nhà máy Z199 tiếp tục khẳng định vị thế, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển, góp phần vào xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng “tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”.

Đại tá, ThS. TRẦN VĂN HÒA, Giám đốc Nhà máy
______________________
        

1 - Thành lập ngày 09/10/1999 trên cơ sở hợp nhất Nhà máy Z191 và Z123

2 - Nhà máy đã chủ trì và phối hợp thực hiện 34 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ; trong đó có 03 đề tài, nhiệm vụ cấp quốc gia; 03 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng; 01 đề tài, nhiệm vụ phối hợp với các bộ ngành, địa phương; 13 đề tài, nhiệm vụ cấp Tổng cục; 14 nhiệm vụ loạt “0”, v.v. Tổ chức đánh giá, nghiệm thu được 14 đề tài, nhiệm vụ các cấp = 41,17%.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.