Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 24/10/2024, 08:25 (GMT+7)
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu

Sau khi Hiệp định Geneve năm 1954 được ký kết, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trong bối cảnh đó và trước yêu cầu xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới, ngày 25/10/1954, Trung đoàn Pháo binh 86 - tiền thân của Lữ đoàn Pháo binh 164, Quân đoàn 12 được thành lập. Ngay sau khi ra đời, trong điều kiện thiếu thốn “trăm bề”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã đoàn kết một lòng, chủ động khắc phục khó khăn, khẩn trương ổn định tổ chức biên chế; xây dựng, củng cố doanh trại; tổ chức huấn luyện, làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, nhất là khả năng tác chiến hiệp đồng với các đơn vị bộ binh, binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho chiến trường.

Lữ đoàn thực hành bắn đạn thật trong diễn tập.

Từ năm 1964 đến năm 1975, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường từ miền Trung đến miền Nam, tham gia hàng trăm trận đánh, chiến dịch, lập nhiều chiến công vang dội. Trong đó, tại chiến trường Quân khu 4 (từ năm 1964 đến 1966), vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, với sự mưu trí, sáng tạo, Lữ đoàn đã bắn rơi 06 máy bay, tiêu diệt 11 tàu khu trục, tàu biệt kích của địch, chi viện hỏa lực cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, từ năm 1966 đến 1971, với quyết tâm và tinh thần quả cảm, Lữ đoàn đã tổ chức đánh trả pháo binh địch ở bờ Nam sông Bến Hải, trút “bão lửa” xuống các căn cứ: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Gio An; hiệp đồng chiến đấu, chi viện hỏa lực cho bộ binh ta tiến công, đập tan tuyến phòng thủ vững chắc của địch trên mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị; cũng từ đây, Lữ đoàn vinh dự được mang tên Đoàn Pháo binh Bến Hải. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lữ đoàn tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972), Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn tiếp tục lập công xuất sắc trong phối hợp chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm tròn nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Với những chiến công và thành tích xuất sắc, Lữ đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân (năm 1972) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác1. Những năm gần đây, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, với nhiều kết quả và thành tích nổi bật. Trong đó, quan trọng nhất là cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng; xây dựng đoàn kết, thống nhất, ý chí quyết tâm cao; không ngừng nâng cao trình độ huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu; công tác hậu cần, kỹ thuật được triển khai đồng bộ, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất.

Có được kết quả đó, trước hết, Lữ đoàn tập trung điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, coi đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo tổ chức Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Lữ đoàn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhiệm vụ điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, khoa học, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của Đơn vị. Trong đó, coi trọng đảm bảo đủ quân số, vũ khí, trang bị theo biểu biên chế mới cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tổ chức sáp nhập cơ quan hậu cần - kỹ thuật đúng theo lộ trình. Để xây dựng Lữ đoàn vững mạnh về chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung quán triệt, giáo dục cho bộ đội nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, truyền thống của Quân đội, Quân đoàn và Đơn vị; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân, v.v. Cùng với giáo dục tập trung theo chương trình, kế hoạch, cấp ủy, chỉ huy các cấp tích cực cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin, tận dụng môi trường mạng để quản lý, giáo dục, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ2. Qua đó, kịp thời định hướng tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, không mơ hồ, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn thường xuyên kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng đảng bộ, cấp ủy, chi bộ các cấp trong sạch, vững mạnh tiêu biểu gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện tiêu cực, nhận thức lệch lạc hoặc thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng công tác. Nhờ đó, những năm gần đây, Đảng bộ Lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kiểm tra nhận thức chính trị hằng năm 100% đạt yêu cầu, trên 82% khá, giỏi; 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, tâm huyết, gắn bó xây dựng đơn vị.

Nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định là nhiệm vụ trung tâm, biện pháp quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 33-NQ/ĐU, ngày 15/01/2024 của Đảng ủy Quân đoàn 12 về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, Mệnh lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tư lệnh Quân đoàn và hướng dẫn của các cơ quan cấp trên, Lữ đoàn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu ở tất cả các giai đoạn, phù hợp với sự phát triển mới của tình hình, nhiệm vụ. Trước khi bước vào huấn luyện, Lữ đoàn cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của Quân đoàn và tổ chức tập huấn cho các đối tượng tại Lữ đoàn để nâng cao trình độ, phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, trọng tâm là cán bộ mới ra trường, cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn trực tiếp tham gia huấn luyện. Đồng thời, chủ động triển khai xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện ở các cấp, chuẩn bị đầy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng hệ thống giáo án, mô hình học cụ, thao trường, bãi tập, v.v. Trong huấn luyện, bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng cả về nội dung, chương trình đến công tác quản lý, điều hành, tổ chức kiểm tra, hội thi, hội thao và đánh giá kết quả huấn luyện. Trong đó, đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành trên súng, pháo, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài mới, huấn luyện ban đêm, huấn luyện hiệp đồng chiến đấu với bộ binh trong các hình thức chiến thuật, huấn luyện di chuyển, dịch chuyển, cơ động, phòng tránh, đánh địch trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng; sẵn sàng tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu trong điều kiện thời tiết phức tạp, thời gian chuẩn bị gấp. Tăng cường tổ chức hội thi, hội thao trong huấn luyện ở các cấp, tổ chức và tham gia các cuộc diễn tập vòng tổng hợp có thực binh cho các đơn vị, phân đội, v.v. Nhờ đó, kết quả huấn luyện hằng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó có 86% khá, giỏi trở lên; tham gia hội thi, hội thao cấp Quân đoàn đều đạt thành tích cao, nhiều năm liên tiếp Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, Lữ đoàn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tổ chức trực đúng, đủ thành phần, tuần tra, canh gác, trực tăng cường trong các dịp lễ, Tết và bảo vệ các sự kiện trọng đại của đất nước. Hằng năm, Lữ đoàn thường xuyên kiểm tra, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu ở các cấp và hiệp đồng chặt chẽ với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) để xây dựng, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Là đơn vị binh chủng chiến đấu, sử dụng nhiều vũ khí, khí tài, trang bị, xe pháo cả thế hệ cũ và mới, nên Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quan tâm thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật phục vụ đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất các trang bị thế hệ mới với tăng cường nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, nâng cấp, kéo dài tuổi thọ trang bị thế hệ cũ; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chế độ đăng ký, quản lý, thống kê công tác kỹ thuật theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông. Nhờ đó, hệ số kỹ thuật của vũ khí, khí tài, trang bị, xe pháo của Lữ đoàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, sẵn sàng cơ động, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đối với công tác bảo đảm hậu cần, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên duy trì và quản lý lượng vật chất sẵn sàng chiến đấu, chú trọng xây dựng đầy đủ các văn kiện, kế hoạch hậu cần theo các phương án sẵn sàng chiến đấu; kết hợp chặt chẽ giữa khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn trên cấp với đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội. Các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh. Nhờ đó, lượng dự trữ hậu cần sẵn sàng chiến đấu luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, hệ thống văn kiện, kế hoạch bảo đảm hậu cần thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, quân số khỏe của Lữ đoàn luôn đạt 98,5% trở lên.

Phát huy truyền thống “Kiên cường, tự lực, đánh giỏi, bắn trúng” trong suốt 70 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 164 tiếp tục đoàn kết, đột phá nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, phấn đấu xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá NGUYỄN VĂN THỤ, Lữ đoàn trưởng
_____________________
       

1 - Huân chương Lao động hạng Ba (1964), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2019), 27 Huân chương Quân công, 135 Huân chương Chiến công, hàng nghìn danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Đơn vị Quyết thắng” cho các tập thể và cá nhân, v.v.

2 - Lữ đoàn đã xây dựng được 01 website và 27 nhóm Zalo để trao đổi, định hướng tư tưởng cán bộ, chiến sĩ trước các thông tin đa chiều trên không gian mạng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.