Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 04/11/2024, 11:07 (GMT+7)
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu

Công tác huấn luyện giữ vai trò quan trọng, quyết định đối với việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, năng lực thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trong toàn quân, nhất là với các đơn vị binh chủng. Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, Lữ đoàn Công binh 229 (Binh chủng Công binh) đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị “trọng tâm, thường xuyên” và giữ vai trò quan trọng này. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất nhiệm vụ của đơn vị công binh công trình dự bị chiến lược đặt ra cho công tác huấn luyện của Lữ đoàn những mục tiêu, yêu cầu rất cao, rất đặc thù, cùng nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là, đối tượng huấn luyện đa dạng; hình thức tổ chức huấn huyện thay đổi linh hoạt, đan xen giữa tập trung và phân tán; vừa huấn luyện, vừa phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình quốc phòng, rà phá bom mìn, vật nổ,… chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi địa hình, địa chất phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ mất an toàn cao, xa sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Lữ đoàn; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và nhận thức của bộ đội không đồng đều, v.v.

Lữ đoàn tổ chức huấn luyện bắc cầu TMM-3M.

Trước bối cảnh, tình hình đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết, Lữ đoàn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện. Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác huấn luyện, trọng tâm là Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 464-NQ/ĐU, ngày 30/3/2023 của Đảng ủy Binh chủng Công binh về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Từ định hướng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Binh chủng, Đảng ủy Lữ đoàn xác định đổi mới toàn diện công tác huấn luyện, trọng tâm là đổi mới nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập chuyên ngành công binh; huy động các nguồn lực bảo đảm cho huấn luyện; kết hợp chặt chẽ huấn luyện với sẵn sàng chiến đấu. Trên cơ sở đó, xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp phù hợp với đặc điểm, tổ chức biên chế và chức năng, nhiệm vụ được giao. Để đạt hiệu quả cao, quá trình triển khai, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu. Chú trọng đổi mới cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện thông qua xây dựng, quản lý chặt chẽ kế hoạch huấn luyện, tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của chỉ huy các cấp và cơ quan trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, tham mưu đề xuất, giúp Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện sát đối tượng, nhiệm vụ. Cùng với đó, Lữ đoàn đẩy mạnh hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện; coi trọng quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và tầm quan trọng của công tác huấn luyện, cùng những thuận lợi, khó khăn, xây dựng cho bộ đội ý chí, quyết tâm cao, không ngại khó khăn, gian khổ, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rà phá bom, mìn, vật nổ, xây dựng công trình chiến đấu. Đặc biệt, Lữ đoàn chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua trong huấn luyện, nhất là thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Đồng thời, chủ động ngăn ngừa, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, khoán trắng cho cấp dưới, hoặc bớt xén nội dung, chương trình huấn luyện, hạ thấp yêu cầu và “bệnh thành tích” trong huấn luyện, v.v.

Thực tiễn cho thấy, công tác chuẩn bị có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng, kết quả huấn luyện. Thấy rõ thực tế này và xuất phát từ đặc thù huấn luyện chuyên ngành công binh, Lữ đoàn luôn chủ động chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các mặt bảo đảm cho huấn luyện, nhất là khâu xây dựng kế hoạch huấn luyện, tập huấn cán bộ, chuẩn bị cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, v.v. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức kiện toàn khung huấn luyện của các cơ quan, đơn vị; trong đó, chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn cao cho các nội dung khó, khâu yếu, nhất là trong hội thao, hội thi, diễn tập bắn đạn thật, làm nhiệm vụ quốc tế, v.v. Cùng với cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức, Lữ đoàn duy trì nghiêm công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ chủ trì các cấp; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ theo phân cấp1. Nội dung tập huấn được Lữ đoàn tiến hành toàn diện cả về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật theo phương châm “thiết thực, hiệu quả” sát thực tiễn đơn vị và tập trung vào những nội dung mới, còn yếu, những vấn đề chưa thống nhất. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ cấp phân đội phần lớn là sĩ quan trẻ, năng lực, kinh nghiệm tổ chức huấn luyện còn hạn chế, nhiều năm qua, Lữ đoàn đã chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng tập trung với phân công cán bộ có kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ; thực hiện nghiêm quy định người chỉ huy phải trực tiếp huấn luyện, bồi dưỡng cho cơ quan; cấp trên trực tiếp huấn luyện, bồi dưỡng cấp dưới; cán bộ có kinh nghiệm huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp phân đội nhanh chóng trưởng thành; chất lượng huấn luyện của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có trên 80% cán bộ cấp trung đội, đại đội và 94% cán bộ cấp tiểu đoàn xếp loại khá, giỏi.

Huấn luyện Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Bên cạnh việc chuẩn bị về con người, Lữ đoàn luôn coi trọng chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất bảo đảm cho huấn luyện, từ mô hình học cụ, thao trường, bãi tập đến giáo án, bài giảng,... theo hướng thống nhất, chính quy và hiện đại, phù hợp đặc thù chuyên ngành. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tích cực ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, sáng tạo các mô hình, học cụ phục vụ huấn luyện. Thời gian qua, Lữ đoàn đã củng cố và làm mới hơn 10.000 mô hình, học cụ huấn luyện; nghiên cứu, sản xuất hơn 100 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị được đưa vào phục vụ huấn luyện. Các sản phẩm tiêu biểu như: gậy chỉ huy, cọc dấu trong huấn luyện đêm, thước đo góc đa năng, lựu đạn tập, mìn PPM-2, mìn OZM-72,… được Cục Quân huấn/Bộ Tổng Tham mưu lựa chọn để nghiên cứu, sản xuất tập trung.

Trong thực hành huấn luyện, Lữ đoàn luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với đối tượng, phương án tác chiến, biên chế, trang bị của đơn vị và địa bàn hoạt động; trong đó, tập trung huấn luyện để bộ đội vững về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh, giỏi về chiến thuật, kỹ thuật chuyên ngành công binh; khai thác, sử dụng thành thạo các loại trang bị kỹ thuật có trong biên chế. Đối với chỉ huy và cơ quan, Lữ đoàn tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện, nội dung, phương pháp tổ chức chỉ đạo, huấn luyện diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn công binh, v.v. Đối với cán bộ phân đội, Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng về kỹ thuật chuyên ngành công binh công trình; tổ chức, phương pháp huấn luyện, phương pháp soạn thảo giáo án, tổ chức thông qua giáo án và giảng thử. Với phân đội, tập trung huấn luyện khai thác, sử dụng các loại vũ khí, khí tài; tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, hành quân cơ động xa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thời gian chuẩn bị ngắn. Đáng chú ý, thời gian qua, Lữ đoàn vinh dự được giao nhiệm vụ huấn luyện Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Để hoàn thành trọng trách này, Lữ đoàn đã bám sát chỉ đạo của Binh chủng, tổ chức huấn luyện nghiêm túc, chặt chẽ theo phương châm “chuyên nghiệp, chuyên sâu”,… để lực lượng này đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở môi trường quốc tế.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện trong điều kiện đơn vị làm nhiệm vụ phân tán, dã ngoại, Lữ đoàn chỉ đạo “lấy công trường làm thao trường”, kết hợp lý luận với thực hành, tổ chức huấn luyện chuyên ngành ngay trong quá trình thi công công trình, rà phá bom mìn, vật nổ, v.v. Cùng với đó, Lữ đoàn tăng cường tổ chức luyện tập, diễn tập, nhất là diễn tập thực binh cấp đại đội, tiểu đoàn và tham gia diễn tập tác chiến hiệp đồng binh chủng. Duy trì thực hiện nền nếp hội thi, hội thao; tăng cường tổ chức kiểm tra, phúc tra kết quả huấn luyện đảm bảo thực chất, chống mọi biểu hiện qua loa, bệnh thành tích. Với các biện pháp tích cực đó, Lữ đoàn đã tạo được bước đột phá về chất lượng huấn luyện. Hằng năm, kết quả kiểm tra các khoa mục chung: 100% đạt yêu cầu, có trên 85% khá, giỏi; tổ chức, tham gia diễn tập đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối; tham gia hội thi, hội thao các cấp đạt kết quả cao2.

Cùng với các giải pháp trên, Lữ đoàn coi trọng làm tốt công tác bảo đảm cho huấn luyện, nhất là bảo đảm kỹ thuật. Là đơn vị binh chủng kỹ thuật, Lữ đoàn được trang bị nhiều khí tài, trang bị, xe máy, trong đó có nhiều xe máy đặc chủng, thuộc nhiều thế hệ cũ, mới đan xen. Do đó, thực hiện tốt hay không tốt công tác kỹ thuật sẽ tác động trực tiếp đến kết quả huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Với nhận thức đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy tính tích cực, chủ động khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật. Theo đó, một mặt, Lữ đoàn quán triệt nghiêm túc và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của trên về nhiệm vụ công tác kỹ thuật trong giai đoạn mới, trọng tâm là thực hiện tốt Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật; nâng cao chất lượng nghiên cứu, sửa chữa, bảo dưỡng nhằm kéo dài tuổi thọ của vũ khí, phương tiện kỹ thuật. Mặt khác, thực hiện tốt việc kết hợp bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa với huấn luyện kỹ thuật; tổ chức theo dõi, thống kê, duy trì nghiêm việc phân loại trang bị, phương tiện đảm bảo cho các nhiệm vụ: sẵn sàng chiến đấu, thi công công trình và phục vụ huấn luyện theo quy định. Nhờ đó, hệ số trang bị, hệ số kỹ thuật của Lữ đoàn luôn bảo đảm đúng quy định, đảm bảo phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chất lượng công tác huấn luyện của Lữ đoàn không ngừng nâng lên; nhiều năm liền vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện Giỏi”. Đây là cơ sở, động lực để Lữ đoàn 229 phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Binh chủng Công binh vững mạnh, phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” trong tình hình mới.

Thượng tá LÊ VĂN TRÌNH, Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng
____________________
        

1 - Năm 2024, Lữ đoàn và các cơ quan, đơn vị tổ chức 12 lớp tập huấn cán bộ các cấp, cho hơn 500 lượt cán bộ. Tiến hành bồi dưỡng, thông qua giáo án 165 buổi (320 giờ)/230 lượt cán bộ.

2 - Hội thao Quân sự quốc tế đạt Huy chương Đồng (năm 2021, 2022); Hội thao Công binh toàn quân đạt giải Nhất khối lữ đoàn (năm 2022); Hội thi Lữ đoàn trưởng, chính ủy Lữ đoàn Công binh toàn quân đạt giải Ba (năm 2023); Hội thi công tác tham mưu tác chiến cấp binh chủng đạt giải Nhì (năm 2023), v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.