Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 10/10/2024, 08:27 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt”

Những năm qua, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu, chỉ huy kỹ thuật cấp phân đội trình độ đại học chuyên ngành Tăng thiết giáp cho toàn quân; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đào tạo sĩ quan tăng thiết giáp cấp phân đội cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia,… Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp đã lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành toàn diện, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” là nội dung trọng tâm, tạo động lực thúc đẩy, cổ vũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ khắc phục khó khăn, đề cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thắng lợi khâu đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Năm học 2023 - 2024, kết quả thi tốt nghiệp có 100% đạt yêu cầu, có trên 82,74% khá, giỏi (tăng 2,22% so với năm học 2022 - 2023); 100% học viên tốt nghiệp ra trường đều có phẩm chất, năng lực, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ ban đầu theo mục tiêu đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội và Binh chủng Tăng thiết giáp tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Học viên Trường sĩ quan Tăng thiết giáp trong giờ học tập, huấn luyện. Ảnh: qdnd.vn

Để phong trào trở thành nền nếp, một biện pháp tổ chức thực tiễn hiệu quả được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thi đua “dạy tốt, học tốt” là tăng cường giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, xây dựng quyết tâm, động cơ thi đua đúng đắn cho các đối tượng. Các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên về mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu cùng những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” nói riêng, nhất là sự vất vả, căng thẳng trong đào tạo, huấn luyện xe tăng, thiết giáp; sự tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và các tệ nạn xã hội trên địa bàn đóng quân, v.v. Đồng thời, tăng cường giáo dục cho các đối tượng nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong thực hiện, Nhà trường tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục; chú trọng lồng ghép thông qua phát động phong trào thi đua, sinh hoạt các tổ chức, giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Bên cạnh đó, phát huy tốt các thiết chế văn hóa, cổng thông tin điện tử của Nhà trường và các trang, nhóm Zalo, Facebook,... để tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp. Nhà trường duy trì và thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ giao ban, báo cáo, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp; chủ động nắm, quản lý, định hướng tư tưởng, kịp thời phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh, uốn nắn mọi biểu hiện nhận thức lệch lạc, bệnh hình thức, hành động thiếu gương mẫu trong thi đua. Nhờ đó, cán bộ, giảng viên, học viên trong toàn Trường đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận cao; có động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn, khí thế thi đua sôi nổi, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nội dung, chỉ tiêu thi đua đã đề ra.

Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo đòi hỏi ngày càng cao, trong khi quy trình, thời gian đào tạo một số đối tượng tại Nhà trường chưa phù hợp, tỷ lệ giữa các khối kiến thức trong các chương trình đào tạo chưa cân đối, nội dung còn dàn trải, v.v. Để phong trào thi đua đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo hướng nội dung thi đua vào đổi mới toàn diện, đồng bộ quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo. Thực hiện chỉ đạo đó, các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đã bám sát Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” và phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng để xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua phù hợp; tập trung đột phá làm chuyển biến mạnh mẽ khâu yếu, mặt yếu trong công tác giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Trong thực hiện phong trào thi đua, các cơ quan và khoa giáo viên đã phối hợp, tập trung đổi mới quy trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, thực tập, tự học của học viên; bảo đảm lôgic trong từng môn học, kỳ học, năm học và khóa học. Trên cơ sở chương trình khung đã được Bộ Quốc phòng thông qua và ban hành, các cơ quan, khoa giáo viên rà soát, xây dựng, điều chỉnh chuẩn đầu ra chương trình đào tạo bảo đảm thiết thực, nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo, bậc học cao hơn. Chú trọng chắt lọc, tinh chỉnh nội dung các chương trình để giảm tải, khả thi, cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, có hệ thống, từng bước hiện đại; coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Quân đội, Bộ đội Tăng thiết giáp và Nhà trường; rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm; nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, thể lực, kiến thức quản lý nhà nước, kinh tế, xã hội, pháp luật, kiến thức thực tiễn, phương pháp công tác và các kỹ năng cần thiết cho học viên, v.v. Năm học 2023 - 2024, Nhà trường đã xây dựng và nghiệm thu cấp Trường 02 chuẩn chương trình đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu và chỉ huy kỹ thuật tăng thiết giáp trình độ đại học; rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới 03 chương trình đào tạo cho các đối tượng đúng quy định.

Nội dung phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” còn được Nhà trường hướng vào đổi mới hình thức, phương pháp dạy - học theo hướng hiện đại. Để đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên đã phát huy tốt dân chủ quân sự, động viên tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, chống áp đặt, rập khuôn máy móc. Quán triệt, thực hiện đúng phương châm, quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện, giáo dục và đào tạo; lý luận liên hệ với thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành, lấy thực hành làm chính; kết hợp giữa học mới với ôn cũ, giáo dục tư tưởng với rèn luyện động tác, tác phong. Duy trì hiệu quả hoạt động phương pháp của các khoa giáo viên, tích cực đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên, nhất là giảng viên mới. Chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự tìm kiếm, tăng cường tri thức, hình thành năng lực tự học và hợp tác; chú trọng truyền cảm hứng, xây dựng lòng say mê học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện cho người học. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở các đơn vị đã phát huy tốt trách nhiệm của “người thầy thứ hai”, thường xuyên sâu sát, nắm tâm tư, nguyện vọng và chất lượng của học viên; tổ chức hướng dẫn ôn tập và định hướng học tập, nghiên cứu khoa học, khơi dậy động cơ, trách nhiệm để học viên tích cực, tự giác thi đua “học giỏi, rèn nghiêm”. Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo; trong đó, quan tâm thực hiện tốt cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục và đào tạo, nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý giáo dục, Nhà trường tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tiếp tục “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, đào tạo”; thực hiện dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất, kiên quyết chống bệnh thành tích, tiêu cực trong huấn luyện, giáo dục và đào tạo. Nhờ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường đã có bước chuyển biến tích cực, vững chắc, học viên tốt nghiệp có chất lượng tương đối toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, kiến thức và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Nhận thức rõ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và các cấp ủy, tổ chức đảng đã đẩy mạnh khâu đột phá xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vững mạnh. Thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2030”, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên rà soát, thực hiện tốt quy trình, kế hoạch tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, kịp thời kiện toàn đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ quân số để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, đi đào tạo, bồi dưỡng, đi thực tế và sẵn sàng mở rộng lực lượng khi cần thiết. Nhà trường đã lựa chọn những cán bộ có năng lực chuyên môn vững, phương pháp, tác phong và trình độ sư phạm tốt để bổ sung vào đội ngũ giáo viên; đồng thời, tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng, thực tế các chức vụ ở các đơn vị trong toàn quân; bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin,… cho cán bộ, giảng viên. Để chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Nhà trường coi trọng công tác bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tiễn, như: hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt học thuật; nghiên cứu đề tài khoa học, biên soạn tài liệu, viết báo khoa học; phát huy trách nhiệm của giảng viên có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn giảng viên trẻ, giảng viên mới và tự học, tự rèn, tự chuẩn hóa của đội ngũ giảng viên. Thường xuyên quan tâm động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh, với phương châm “Làm hết việc, chứ không hết giờ”. Đến nay, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường được xây dựng đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý; trong đó, gần 75% nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định.

Cùng với đó, Nhà trường đã gắn kết chặt chẽ giữa phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” với phong trào Thi đua Quyết thắng, các phong trào, cuộc vận động của các cấp, các ngành và địa phương, trọng tâm là Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, v.v. Đồng thời, duy trì hiệu quả các mô hình, các câu lạc bộ, cách làm mới, sáng tạo, như: “Học giỏi, rèn nghiêm”; “Tổ học tập ba người”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nâng cao chất lượng huấn luyện thông qua giảng thử, giảng mẫu”, “Giờ giảng kiểu mẫu”, “Tuần học tập kiểu mẫu”, “Câu lạc bộ tiếng Anh”, “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, v.v.

Với những giải pháp thiết thực, được tiến hành đồng bộ đã làm cho phong trào thi đua phát triển liên tục, cả về bề rộng và chiều sâu, huy động sức mạnh tổng hợp, tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân thi đua “dạy tốt, học tốt”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng Đảng bộ Nhà trường trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Nhà trường tinh, gọn, mạnh, chuyên sâu, thông minh, hiện đại.

Đại tá NGUYỄN TIẾN NGỌC, Chính ủy Nhà trường

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.