Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:24 (GMT+7)
Xây dựng lực lượng vũ trang là nội dung cốt lõi trong xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết đại hội Đảng mỗi nhiệm kỳ cần xác định phương hướng xây dựng lực lượng này phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Luật Quốc phòng xác định: “Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ”1. Đây là những lực lượng nòng cốt, quyết định đến thắng lợi của một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam - nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, trong các văn kiện của Đảng, nhất là nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc từng nhiệm kỳ, phần về quốc phòng, an ninh nói chung, phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng đều được Đảng ta coi trọng, dành một vị trí và thời lượng thỏa đáng, phù hợp. Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trình Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo, có tính khái quát cao, rõ định hướng, nhất là phương hướng chung cho các lực lượng. Trong đó, việc Dự thảo đề cập “ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng” thể hiện “tư duy mở” của Đảng ta trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, xét ở góc độ nào đó, chúng tôi cho rằng, xác định như vậy còn có mặt chưa cụ thể và dường như đó mới chỉ là định hướng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời gian dài, còn với nghị quyết cho nhiệm kỳ 5 năm là chưa thỏa đáng. Phương hướng như vậy là hoàn toàn đúng, nhưng còn thiếu cụ thể cho từng lực lượng, nhất là các lực lượng có tính chiến lược của cách mạng. Nhìn lại nghị quyết các kỳ đại hội Đảng gần đây cho thấy, phần về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân luôn được định hướng rõ cả về phương hướng chung và các nội dung cụ thể của từng lực lượng. Tại Đại hội X, Đảng ta đã xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu… Đổi mới tổ chức, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo đi đôi với cải tiến, đổi mới vũ khí, trang bị, phương tiện phù hợp với điều kiện tác chiến mới;… cải tiến phương thức hoạt động của lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách phối hợp với các tổ chức nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”2. Đây được xem như một trong những định hướng cơ bản để đẩy mạnh việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhân dân trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến Đại hội XI, sau khi nêu phương hướng chung, Nghị quyết đã xác định cụ thể yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang là: “… có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đồng thời quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống”3.
Như vậy, nghị quyết về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của hai kỳ đại hội gần đây đều thống nhất ở phương hướng chung, nhưng căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ của từng nhiệm kỳ để xác định một cách cụ thể, phù hợp với các nội dung xây dựng khác. Nhờ đó, thời gian qua, từng lực lượng chiến lược vừa phấn đấu xây dựng theo định hướng chung về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, vừa có biện pháp phát triển để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ có tính đặc thù, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, theo chúng tôi, cùng với xác định phương hướng chung, Dự thảo nên chỉ ra một số định hướng riêng, sát với tình hình thực tiễn cho từng lực lượng, nhất là các lực lượng có tính chiến lược, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Đặc biệt hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã, đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhất là yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều đó đòi hỏi lực lượng vũ trang nhân dân với vai trò nòng cốt trong tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cần được xây dựng vững mạnh toàn diện. Trong đó, riêng đối với lực lượng Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, chúng tôi đề nghị Dự thảo cần nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:
1. Về xây dựng bản lĩnh chính trị của lực lượng vũ trang. Đây là vấn đề cốt lõi, nền tảng để tạo nên chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Vì vậy, trong các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc, Đảng ta đều nhấn mạnh nhiệm vụ này và trong Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này phần nào cũng đề cập, nhưng chưa rõ nét. Sở dĩ phải như vậy bởi hiện nay, việc xây dựng, tăng cường bản lĩnh chính trị cho lực lượng vũ trang tuy có thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn và tác động nhiều chiều. Về khách quan, đó là ảnh hưởng do các yếu tố tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế; mặt trái của kinh tế thị trường; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” để “vô hiệu hóa” lực lượng vũ trang, v.v. Về chủ quan, đó là tệ quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thậm chí, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói chung, trong lực lượng vũ trang nói riêng có biểu hiện mơ hồ về mục tiêu chiến đấu, lý tưởng cách mạng, bản chất giai cấp công nhân, thoái hóa, biến chất, chạy theo lợi ích cá nhân, vụ lợi, lợi ích nhóm, v.v. Những thách thức đó đang có xu hướng phát triển, diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến bản lĩnh chính trị của lực lượng vũ trang. Để ngăn chặn có hiệu quả những tác động tiêu cực trên, giữ vững và tăng cường bản lĩnh chính trị của lực lượng vũ trang trong mọi tình huống, đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có chủ trương, biện pháp xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn từng giai đoạn. Do đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này cần chỉ rõ định hướng xây dựng bản lĩnh chính trị cho lực lượng vũ trang, bảo đảm cho lực lượng này thực sự là lực lượng chính trị trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và được nhân dân tin cậy, yêu mến.
2. Về xây dựng lực lượng dự bị động viên. Đây là lực lượng biểu hiện cho sức mạnh tiềm ẩn của Quân đội, nguồn tích lũy tiềm lực quân sự, quốc phòng của một đất nước, nên hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hết sức quan tâm. Quân đội chỉ thực sự vững mạnh, có sức chiến đấu cao khi cả lực lượng thường trực và lực lượng dự bị mạnh, hùng hậu. Đối với nước ta, việc xây dựng lực lượng dự bị động viên đã được triển khai từ khi thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự và luôn là nhiệm vụ quan trọng, nhưng khó khăn, phức tạp trong các thời kỳ. Ngày nay, trong điều kiện nước ta vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng lực lượng dự bị động viên có nhiều điểm khác so với trước đây. Để xây dựng lực lượng này ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ từ phương thức, nội dung đến giải pháp thực hiện, nên rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của Đảng, Nhà nước; ở các cấp, ngành, lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương. Trên thực tế, nội dung này đã được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề cập, làm cơ sở định hướng để các cấp ủy đảng cụ thể hóa, triển khai thực hiện và đã đạt hiệu quả tích cực. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng lần này cần tiếp tục đề cập phương hướng xây dựng lực lượng dự bị động viên; trong đó, xác định rõ yêu cầu xây dựng về số lượng, chất lượng, quy trình thực hiện và mục tiêu đạt được, bảo đảm sẵn sàng động viên lực lượng kịp thời, đáp ứng các tình huống quốc phòng và chiến tranh (nếu xảy ra).
3. Về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Theo Luật Dân quân tự vệ, lực lượng này là một thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước; làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Trong thời bình, dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, phối hợp với các lực lượng khác trên từng địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, nên có vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, trong điều kiện đất nước hòa bình nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, nhất là các nguy cơ về tranh chấp lãnh thổ, xâm lấn biên giới, hải đảo thì coi trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ càng có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, Dự thảo lần này cần bổ sung phương hướng xây dựng dân quân tự vệ trong phần về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo chúng tôi, việc bổ sung phương hướng xây dựng lực lượng này cần ngắn gọn, đi vào những vấn đề cốt lõi nhất. Trước hết, về cơ cấu thành phần lực lượng phải hợp lý, gắn với địa bàn và phương thức hoạt động; thuận tiện cho lãnh đạo, chỉ huy và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dù ở địa bàn nào cũng phải theo phương châm vững mạnh, rộng khắp nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao trên biên giới đất liền và vùng biển, đảo. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng này bám đất, bám rừng, bám biển, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu tự vệ, bảo vệ địa bàn, địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Xây dựng lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước. Trên cơ sở đường lối, chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang cơ bản, lâu dài của cách mạng, mỗi kỳ đại hội Đảng cần cụ thể hóa phương hướng xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.
PGS, TS. HOÀNG XUÂN LÂM ____________
1 - Luật Quốc phòng, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 16.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H. 2006, tr. 110.
3 - Sđd, tr. 234.
Lực lượng vũ trang
Những nội dung mới về tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 24/01/2016
Chương trình nghệ thuật "Sáng mãi niềm tin" 20/01/2016
Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 16/01/2016
Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 17/12/2015
Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng 16/12/2015
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới 15/12/2015
Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới 10/12/2015
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Công nghiệp Quốc phòng 19/11/2015
Về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 09/11/2015
Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát 5 năm (2016-2020) trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng 20/10/2015