Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:30 (GMT+7)
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với ngành Công nghiệp Quốc phòng, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Tàu tên lửa Molniya, sản phẩm hợp tác công nghiệp quốc phòng Việt – Nga (Ảnh: chinhphu.vn)
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trình Đại hội XII xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, trong đó đã nêu: “Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ)...”.
Là một bộ phận của tiềm lực quốc phòng - an ninh của đất nước, đồng thời cũng là một ngành kinh tế, kỹ thuật đặc thù của nền kinh tế quốc dân, ngành Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn về nhu cầu nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Mục tiêu hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới và đóng góp có hiệu quả vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đồng thời đòi hỏi phải sớm tạo ra những bước phát triển đột phá, đồng bộ về năng lực làm chủ khoa học - công nghệ; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo những sản phẩm quân sự, sản phẩm lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh được trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Từ những đặc điểm nêu trên, có thể thấy, thực tiễn đặc thù của ngành Công nghiệp Quốc phòng đặt ra rất nhiều vấn đề, vừa có sự tương đồng, vừa có sự khác biệt trong nhu cầu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khi so sánh với các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng vũ trang cũng như nhiều ngành công nghiệp dân sinh khác. Do chịu sự chi phối đồng thời của cả hai nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế, định hướng phát triển nguồn nhân lực của ngành Công nghiệp Quốc phòng phải vừa bám sát các tiêu chí chung về xây dựng nguồn nhân lực phục vụ quốc phòng - an ninh, đồng thời phải sớm hội nhập sâu rộng hơn vào xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động của nền kinh tế quốc dân, trong đó phải ưu tiên đặc biệt cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhìn từ thực tiễn của ngành Công nghiệp Quốc phòng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải luôn được đặt trong tổng thể của nguồn nhân lực chung với các yêu cầu đồng bộ về: số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề chuyên môn, trình độ đào tạo, sự am hiểu về tri thức khoa học - công nghệ, nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, sự tâm huyết, gắn bó với truyền thống ngành Quân giới - Công nghiệp Quốc phòng, v.v. Tuy nhiên, bên cạnh các yêu cầu tổng thể và đồng bộ đó, nhất thiết phải xác định rõ phạm vi, đối tượng của “nguồn nhân lực chất lượng cao” để có định hướng đúng đắn về trọng tâm ưu tiên và giải pháp phát triển có tính đột phá. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam, trước hết phải chú trọng tới đội ngũ tinh hoa nhất về tri thức khoa học - công nghệ liên quan tới vũ khí, trang bị kỹ thuật: các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về thiết kế công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất quân sự; kỹ sư, kỹ thuật viên và thợ bậc cao thực sự tài giỏi về kỹ năng chuyên sâu và các bí quyết công nghệ sản xuất vũ khí, v.v. Họ là những người đóng vai trò quyết định tạo ra các sản phẩm chủ lực của Ngành với các tiêu chí cao nhất về chất lượng và hiệu quả (kinh tế và quân sự). Đây cũng chính là hạt nhân, nòng cốt, đóng vai trò dẫn hướng, quy tụ để tạo nên sức mạnh chung của toàn bộ nguồn nhân lực trong ngành Công nghiệp Quốc phòng.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, nguồn nhân lực của ngành Công nghiệp Quốc phòng đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; số lượng chuyên gia có trình độ cao, được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước được bổ sung năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành kỹ thuật mới, công nghệ cao đang từng bước gia tăng ổn định. Một số dự án đào tạo nguồn nhân lực theo các chuyên ngành đặc thù về thiết kế, công nghệ, chế tạo vũ khí mới đã được triển khai có hiệu quả. Điều kiện, phương tiện làm việc, các phòng thí nghiệm mới, hiện đại, dây chuyền sản xuất có mức độ tự động hóa cao,... đã được đưa vào khai thác, sử dụng, là cơ sở tốt để các chuyên gia tự trau dồi, phát triển trình độ chuyên môn. Nhiều chế độ, chính sách về khoa học - công nghệ, phụ cấp trách nhiệm, đãi ngộ về thu nhập, nhà ở,... đã được triển khai, thu hút cán bộ trẻ, trình độ cao; cơ hội được đào tạo, nâng cao trình độ, tham quan, khảo sát nước ngoài, tiếp cận với thông tin mới nhất về khoa học - công nghệ từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Công nghiệp Quốc phòng trong giai đoạn mới, còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Số lượng cán bộ có trình độ đào tạo trên đại học tại nhiều đơn vị công nghiệp quốc phòng tăng, nhưng kinh nghiệm thực tiễn, năng lực tiếp cận và làm chủ công nghệ cao còn hạn chế; còn thiếu các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành. Các chế độ, chính sách mới tập trung nhiều ở góc độ “đãi ngộ” mà chưa chú trọng đầy đủ tới khía cạnh quan trọng hơn là “trọng dụng”. Thậm chí, một số chế độ, chính sách còn mang tính đại trà, bình quân chủ nghĩa. Việc bổ sung một số loại phụ cấp mới vào lương chủ yếu hướng tới số đông lao động, chưa thực sự có tác động ưu tiên mạnh mẽ cho các đối tượng thực sự tài năng, có đóng góp quyết định tạo đột phá về khoa học - công nghệ và sản phẩm mới. Công tác đào tạo có chuyển biến về ngành nghề và số lượng, nhưng vẫn còn có sự “lệch pha” giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo trong thực tiễn, đào tạo thông qua các dự án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Lãnh đạo, chỉ huy nhiều nhà máy, viện nghiên cứu tuy nhận thức rõ tính cấp thiết về nhu cầu nhân lực chất lượng cao, nhưng thiếu quyết tâm đầu tư, mà chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên.
Thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Công nghiệp Quốc phòng cũng cho thấy sự cần thiết phải có các giải pháp kịp thời, đồng bộ, có lộ trình và bước đi hợp lý. Khâu quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng phải luôn là xuất phát điểm để tạo động lực, tạo môi trường cho nhân tài được phát huy và thăng hoa. Đây cũng chính là điều kiện để có thể thực hiện thành công định hướng mà Dự thảo Báo cáo Chính trị đã chỉ ra: “Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình...”.
Từ thực tiễn và định hướng nêu trên, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:
1. Cần thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc dành ưu tiên lớn hơn về nguồn lực, có biện pháp đa dạng hóa nguồn lực, kết hợp nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó cả nguồn lực giáo dục - đào tạo, nguồn lực khoa học - công nghệ và các nguồn lực khác. Đồng thời, phải bảo đảm việc phân bổ, sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn lực nêu trên, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có sự đột phá ưu tiên đầu tư cho các chuyên gia đầu ngành, nhân tài và các nhà khoa học trẻ cống hiến.
2. Đa dạng hóa địa chỉ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao cho Công nghiệp Quốc phòng, ở cả trong và ngoài nước. Tập trung ưu tiên cho những ngành, nghề đặc thù và công nghệ mới. Kết hợp đồng bộ, nhiều phương thức đào tạo tại nhà trường, các viện nghiên cứu và các phòng thí nghiệm,... để nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền tại các trường đại học và cơ sở đào tạo để tuyển dụng sinh viên giỏi vào làm việc trong ngành Công nghiệp Quốc phòng. Nghiên cứu bổ sung các chế độ, chính sách, hệ thống quy trình đào tạo, tiêu chuẩn chức danh đối với đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao trong Công nghiệp Quốc phòng; coi trọng điều kiện làm việc sáng tạo và môi trường tự rèn luyện trong thực tiễn của quá trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho ngành Công nghiệp Quốc phòng. Cần lồng ghép các nội dung đào tạo vào trong định hướng bố trí công tác, phân công nhiệm vụ, thử thách và trải nghiệm thực tiễn, tiếp cận thị trường khoa học - công nghệ, các hoạt động hợp tác quốc tế; chú trọng mở rộng đào tạo, bồi dưỡng thông qua các dự án đầu tư tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài.
3. Nghiên cứu thực hiện Nghị định 40/2014/NĐ-CP, ngày 12-05-2014 của Chính phủ về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học - công nghệ. Đối với nhân tài thực sự, có đóng góp và cống hiến to lớn, cần có chế độ đặc cách trong bổ nhiệm chức danh, phong, thăng quân hàm, nâng lương vượt bậc; kéo dài thời gian công tác; được cấp kinh phí và phương tiện nghiên cứu. Chú trọng hơn tới các biện pháp đãi ngộ đặc thù cho những chuyên gia trực tiếp nghiên cứu, thử nghiệm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, công nghệ đòi hỏi điều kiện làm việc độc hại, nguy hiểm, v.v. Hoàn thiện các quy định về tiền lương, chế độ bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, đào tạo, nhà ở,... để họ yên tâm công tác lâu dài trong ngành Công nghiệp Quốc phòng.
4. Để trọng dụng nhân tài và các chuyên gia đầu ngành, cần nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với người chủ trì hoặc tham gia thực hiện các đề án sản phẩm quốc gia phục vụ quốc phòng - an ninh; áp dụng tương tự như các nhiệm vụ, đề án, dự án khoa học - công nghệ đặc biệt quy định tại Nghị định 95/2014/NĐ-CP, ngày 17-10-2014 của Chính phủ. Đối với các đối tượng này, cần mạnh dạn thí điểm và thực hiện phương thức khoán chi tới sản phẩm cuối cùng; phương thức chỉ định thầu để mua sắm vật tư, thiết bị, bí quyết công nghệ; được cấp trên ủy quyền quyết định một số vấn đề về mức chi, đề xuất nhân sự và một số cơ chế đặc biệt khác. Đồng bộ hóa cơ sở pháp lý liên quan tới các vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyển đổi cơ chế để thích ứng thị trường khoa học - công nghệ trong ngành Công nghiệp Quốc phòng. Từng bước định hình rõ hơn thẩm quyền chuyên môn, trách nhiệm, quyền lợi vật chất, tinh thần của các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành trong Công nghiệp Quốc phòng.
Thiếu tướng, PGS, TS. ĐOÀN HÙNG MINH, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Nhân lực,Công nghiệp Quốc phòng
Những nội dung mới về tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 24/01/2016
Chương trình nghệ thuật "Sáng mãi niềm tin" 20/01/2016
Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 16/01/2016
Về xây dựng lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc 26/12/2015
Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 17/12/2015
Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng 16/12/2015
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới 15/12/2015
Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới 10/12/2015
Về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 09/11/2015
Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát 5 năm (2016-2020) trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng 20/10/2015