Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:47 (GMT+7)
Để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XII đề cập khá toàn diện, phù hợp thực tiễn của đất nước, với nhiều nội dung mới. Bài viết này phân tích làm sâu sắc thêm và đề xuất, bổ sung về bốn vấn đề.
1. Về sự thống nhất giữa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.
Đại hội XI của Đảng đã xác định: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại,…”[1]. Dự thảo lần này xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm (2016-2020): “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại,…”. Như vậy, Dự thảo bổ sung thêm cụm từ “xây dựng nền tảng” vào mục tiêu. Điều này, nghĩa là Dự thảo xác định mục tiêu chiến lược “đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” sẽ chưa thể thực hiện được.
Có nhiều lý do để Đảng ta đưa ra nhận định trên, song chủ yếu là do sự tác động của tình hình thế giới, khu vực, nhất là tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, tình hình chính trị - an ninh khu vực, những khó khăn của đất nước và thực lực của nước ta hiện nay. Cùng với đó, là do chúng ta chưa xác định rõ mô hình, tiêu chí cơ bản của “nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Như vậy, mục tiêu được xác định tại Đại hội XI của Đảng có tính vượt trước, nhưng quá cao so với điều kiện và khả năng thực tế của đất nước, cho nên trong Dự thảo lần này bổ sung vào mục tiêu cụm từ: “xây dựng nền tảng” để sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là hoàn toàn đúng, dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Có thể nói thẳng thắn rằng, đó là sự nhận thức lại vấn đề của Đảng ta và qua đó thể hiện sâu sắc dũng cảm, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, nhằm đảm bảo tính khả thi của mục tiêu đề ra Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu thêm về nội dung phương hướng, nhiệm vụ được xác định tại Điểm 2, Mục III của Dự thảo, đó là: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[2]. Trình bày như vậy, giải pháp này vượt quá mục tiêu, đi gần tới cách thể hiện như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020) khóa XI của Đảng, nhưng không thống nhất với mục tiêu tổng quát đã xác định, là:“xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[3].
Để thống nhất giữa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trong tiêu đề Điểm 2 cần bổ sung cụm từ:“xây dựng nền tảng để” sau cụm từ “hiện đại hóa” trước cụm từ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Theo đó, nội dung hoàn chỉnh là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
2. Về xây dựng lực lượng vũ trang.
Tại điểm 7, Dự thảo viết: Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng[4]. Qua theo dõi, tổng hợp, chúng ta thấy nhìn chung nhân dân, cán bộ, đảng viên cơ bản nhất trí với Dự thảo về nội dung này; trong đó, cụm từ “xây dựng lực lượng vũ trang” đã bao hàm cả xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Các thành tố: “cách mạng - chính quy - tinh nhuệ” cơ bản đã rõ, có sự đồng thuận cao. Nhưng, với thành tố “từng bước hiện đại” cũng còn có ý kiến khác nhau. Trong khi một số ít mong muốn Đại hội XII của Đảng cần xác định hiện đại lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, nghĩa là bỏ cụm từ “từng bước”, thì đa số ý kiến cho rằng trình bày như Dự thảo: “Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng” là hợp lý, có cơ sở khoa học - thực tiễn. Bởi thực trạng nền kinh tế và điều kiện của đất nước còn rất nhiều khó khăn, chỉ trong 5 năm (2016-2020) thì chưa thể có đủ thực lực để thực hiện xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tiến thẳng lên hiện đại, nên không có tính khả thi; vì thế để cụm từ: “từng bước hiện đại” phù hợp hơn là như vậy.
Trong Dự thảo, Trung ương cũng đánh giá “tăng trưởng kinh tế 2010-2015 thấp hơn 5 năm trước; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được”. Nên, Mục tiêu tổng quát 5 năm (2016-2020), Dự thảo xác định: “Xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nội dung này cũng có ý kiến cho đây là một bước thụt lùi của Đại hội XII so với Đại hội XI của Đảng. Đảng ta xác định mục tiêu tổng quát 5 năm 2016-2020 như Dự thảo là khách quan, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng, dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thể hiện tính cách mạng và khoa học. Chúng ta đều biết, quốc phòng, quân sự có mối quan hệ chặt chẽ và luôn phải phụ thuộc vào thực lực nền kinh tế của đất nước. Khi chủ trương trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thực hiện còn khó khăn thì việc hiện đại hoá lực lượng vũ trang ngay trong 5 năm tới cũng khó khả thi. Như vậy, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng là phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của nước ta.
3. Cần làm rõ thêm một số vấn đề liên quan trong Mục X: “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”[5].
Trong Dự thảo, có năm điểm mới so với các Báo cáo Chính trị trong các kỳ Đại hội X, XI của Đảng, đó là:
Thứ nhất, trong tiêu đề mục này, Trung ương đã bổ sung cụm từ “trong tình hình mới” để thấy hết tính chất phức tạp, sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và là sự tiếp tục khẳng định tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội X, Đại hội XI, Đảng ta không dùng cụm từ này (Đại hội IX chỉ nói đến tăng cường quốc phòng, an ninh). Việc đưa vào cụm từ nêu trên là cần thiết. Bởi lẽ, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn và việc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng phức tạp; cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh chóng. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, ly khai, can thiệp lật đổ diễn ra ở nhiều khu vực, tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt là chiến tranh mạng phát triển rất mạnh mẽ, tác động nhanh chóng, sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội và con người. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biên giới, biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp, khó dự đoán. Cùng với đó, ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tiếp tục tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp, v.v. Những điều đó đặt ra với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển, đảo của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đứng trước những thách thức mới, nghiêm trọng. Thứ hai, Dự thảo đã phân biệt rõ mục tiêu và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ trọng yếu. Thứ ba, Dự thảo đã bổ sung nội dung nhiệm vụ “ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”. Thứ tư, Dự thảo xác định chủ trương “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. Thứ năm, xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển đảo.
Điều đó phản ánh quá trình phát triển nhận thức, tư duy của Đảng ta trên cơ sở thực tiễn của đất nước để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Tuy nhiên, Dự thảo chưa đề cập thỏa đáng nhiệm vụ giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, mà mới chỉ đề cập: “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm,… đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”[6]. Viết như vậy, mới đúng chứ chưa trúng. Vì, quá trình nhận thức luôn tuân theo quy luật khách quan, nhưng muốn bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, thì không chỉ có ý thức, trách nhiệm, mà mỗi người dân cần phải có trình độ, năng lực bảo vệ Tổ quốc (đây không phải khái niệm mới nhưng hầu như chưa thấy dùng). Kinh nghiệm lịch sử dựng nước, giữ nước và các cuộc chiến tranh đã chứng minh: dân tộc Việt Nam luôn ý thức rất rõ về độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc và quyết tâm rất cao giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhưng, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền, định hướng chưa kịp thời, nên một số người dân ở một số địa phương bị kích động, lôi kéo làm mất trật tự tại một số nơi, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đến uy tín nước ta. Đó cũng là cơ hội để các thế lực thù địch tiếp tục chia rẽ, chống phá. Vì lẽ đó, trong Dự thảo, cần bổ sung cụm từ “phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh” vào sau cụm từ “tuyên truyền, giáo dục”; cụm từ “trình độ, năng lực” sau cụm từ “nâng cao ý thức trách nhiệm”; thay từ “đối với” bằng từ “trong thực hiện”. Viết lại nội dung này như sau: “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh, nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
4. Về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong 5 năm 2016-2020.
Thiết nghĩ cần phải nhấn mạnh hơn nữa các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng; kết hợp tốt giữa nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, để trong thời bình các khu kinh tế quốc phòng tập trung phát triển kinh tế cho đất nước, nhưng khi đất nước có chiến tranh thì chuyển ngay sang làm nhiệm vụ quốc phòng, v.v. Đồng thời, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân”; kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Trong đó, trọng tâm là trên các địa bàn có vị trí chiến lược, trọng yếu, như: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để nhân dân ở các địa bàn trên nâng cao đời sống, yên tâm gắn bó với bản làng; không bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo; đồng thời, làm tốt công tác vận động quần chúng trong cả nước, cũng như trên các địa bàn chiến lược để nhân dân chủ động tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trân quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Đại tá, TS. ĐINH QUANG TUẤN
Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn
[1] - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 31.
[2] - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương - Lưu hành nội bộ), H. 4-2015, tr. 22.
[3] - Sđd, tr. 15 và tr. 22.
[4] - Sđd, tr. 16.
[5] - Sđd, tr. 53-55.
[6] - đd, tr. 55.
Những nội dung mới về tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 24/01/2016
Chương trình nghệ thuật "Sáng mãi niềm tin" 20/01/2016
Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 16/01/2016
Về xây dựng lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc 26/12/2015
Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 17/12/2015
Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng 16/12/2015
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới 15/12/2015
Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới 10/12/2015
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Công nghiệp Quốc phòng 19/11/2015
Về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 09/11/2015