QPTD -Thứ Hai, 09/11/2015, 07:57 (GMT+7)
Về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được khẳng định nhất quán từ Đại hội VIII đến Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng. Nhưng đến nay, về lý luận và thực tiễn, việc nhận thức, đánh giá thế nào là nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn chưa có sự thống nhất. Vì thế, việc xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại là rất cần thiết.

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: TTXVN

 1. Sự cần thiết và ý nghĩa của việc xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành "Một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại". Mục tiêu này được diễn đạt "mềm dẻo" hơn trong Văn kiện Đại hội IX (năm 2001) của Đảng: "Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đến Đại hội X (năm 2006), Đảng ta nhấn mạnh: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: "Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"1.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã nêu ra một trong những hạn chế là "…nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được"2. Từ đó, mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới (2016 - 2020) được xác định là "Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…"3.

Như vậy, đã 20 năm kể từ Đại hội VIII, Đảng ta nhất quán quan điểm mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mặc dù có sự điều chỉnh "nội hàm" và "thời điểm" đạt mục tiêu đó. Tuy vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản chính thống nào về một bộ tiêu chí để đánh giá và làm thước đo mục tiêu "… nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Vì thế, xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, xuất phát từ những vấn đề sau: (1) Để xác định xem Việt Nam đang ở giai đoạn nào trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, giúp định hướng các mục tiêu phấn đấu trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (2) Hệ tiêu chí về nước công nghiệp theo hướng hiện đại có giá trị như là "cơ sở" hoạch định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hệ thống giải pháp tổng thể thực hiện mục tiêu đó; (3) Việc hiểu và thống nhất nhận thức "Tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại" có ý nghĩa thiết thực để đánh giá các chính sách và mục tiêu phát triển được đề ra từ Đại hội IX của Đảng: "Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

2. Xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Thế nào là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại? Hiện nay, có thể nói, chưa có cơ sở, chuẩn mực nào để xác định. Các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: nước công nghiệp theo hướng hiện đại là nước đạt trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở giai đoạn hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa4.

Theo nhận định trên, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại gắn liền với quá trình công nghiệp hóa - quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp) sang trình độ kinh tế công nghiệp; từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp; từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Như vậy, công nghiệp hóa là quá trình biến đổi về chất của nền kinh tế; nói rộng hơn, là biến đổi cả nền kinh tế - xã hội và nền văn minh. Công nghiệp hóa là con đường đưa một quốc gia phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và cao hơn là nước công nghiệp hiện đại. "Hiện đại" là một khái niệm động, không có tiêu chí "hiện đại" cho tất cả các giai đoạn phát triển của lịch sử. Xem xét theo tiến trình lịch sử phát triển của một quốc gia, phạm trù "hiện đại" không được so sánh theo các giai đoạn phát triển của chính quốc gia đó mà phải đặt sự phát triển ấy trong bối cảnh chung của thời đại.

Trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa trở thành xu thế khách quan; khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, có tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc thực hiện công nghiệp hóa luôn hướng tới trình độ hiện đại, theo yêu cầu của kinh tế tri thức, nền văn minh trí tuệ và phải gắn với xu hướng phát triển bền vững. Xây dựng hệ tiêu chí là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành công nghiệp hóa. Bởi vậy, xây dựng các tiêu chí của một nước công nghiệp phải tham khảo các tiêu chí của các nền kinh tế công nghiệp mới (NICs) trên thế giới và quan trọng hơn là phải phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, v.v.

Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại gồm các tiêu chí phản ánh: trình độ phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng môi trường. Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã nêu định hướng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại:

Một là, chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, điện bình quân đầu người). Những tiêu chí định hướng này là cơ sở cho việc xác định các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đó là "Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 - 30%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4 - 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%"5.

Hai là, các chỉ tiêu phát triển xã hội (chỉ số phát triển con người (HDI), tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo…). Tiêu chí định tính này được lượng hóa thành các chỉ tiêu cụ thể về phát triển xã hội giai đoạn 2016 - 2020: "Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 - 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 26%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3  - 1,5% năm"6.

Ba là, những tiêu chí phản ánh về vấn đề chất lượng môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính). Lượng hóa tiêu chí này bằng các chỉ tiêu về môi trường trong giai đoạn 2016 - 2020 là: "Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%"7.

Từ đó, có thể khẳng định rằng, việc xác định hệ tiêu chí trên là phù hợp. Bởi vì:

(1) Đây là hệ tiêu chí đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2016 - 2020. Đó là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học - công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu và gắn với xu hướng phát triển bền vững, v.v.

(2) Hệ tiêu chí này đã bao quát các vấn đề kinh tế, xã hội (trong đó có chỉ số phát triển con người) và môi trường sinh thái. Các chỉ tiêu trong từng nhóm tiêu chí có đủ tính đại diện và về cơ bản là phù hợp với các mục tiêu, định hướng ưu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, phù hợp với giai đoạn phát triển mới 2016 - 2020 của Việt Nam.

3. Các định hướng giải pháp chủ yếu

Để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong giai đoạn tới theo các tiêu chí đã đề ra, cần thực hiện các định hướng giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tạo nền tảng:

Về thể chế, cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước nói chung và cho từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng với những giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào các giải pháp: Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng chất lượng, hiệu quả và coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Thứ hai, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Thứ ba, tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, mà trực tiếp nhất là đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, vì đó là đầu tư cho phát triển.

Về khoa học và công nghệ, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển các nhóm nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới. Muốn vậy, đầu tư cho khoa học và công nghệ phải có trọng tâm, trọng điểm để tạo bứt phá về một số công nghệ cao có tác động tích cực đến nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hóa đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm: Hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối. Hạ tầng ngành điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hạ tầng đô thị lớn, được xây dựng hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh của một nước công nghiệp.

Hai là, phát triển có chọn lọc một số ngành, lĩnh vực công nghiệp hiện đại và phát huy tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Tiếp tục xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững; nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu. Đó là:

- Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí điện tử, công nghiệp quốc phòng - an ninh.

- Chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, từng bước phát triển công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp môi trường để đến năm 2020 trở thành ngành công nghiệp chủ lực, v.v.

- Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, như: du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin.

- Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh khác.

Thực hiện tốt các nội dung trên, sẽ sớm tạo được nền tảng để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

GS, TS. CHU VĂN CẤP, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.71.

2 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2015, tr. 6.

3, 5, 6, 7 - Sđd, tr. 14, 15, 17, 18.

4 - Hội thảo khoa học: "Tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại", do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức tại Hà Nội, ngày 26-02-2015.

Ý kiến bạn đọc (0)