Thứ Sáu, 22/11/2024, 13:52 (GMT+7)
Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực của sự phát triển đất nước. Vì vậy, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng phát huy dân chủ trong mọi tổ chức, hoạt động; đặc biệt là quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân.
Trên tinh thần đó, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định những vấn đề về bản chất, phương hướng, nhiệm vụ, yêu cầu, nguyên tắc, những nội dung, biện pháp, cơ chế, quy chế cụ thể để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Theo quan điểm của Đảng, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là nền dân chủ khác hẳn về bản chất và đối lập về nguyên tắc với dân chủ tư sản, được thể hiện trên những vấn đề sau: Thứ nhất, dân chủ xã hội chủ nghĩa chỉ xuất hiện khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giành được chính quyền và ngày càng phát huy trong quá trình xây dựng xã hội mới. Thứ hai, là nền dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thứ ba, là dân chủ của đa số, của người lao động, vì đa số và người lao động. Thứ tư, là chế độ dân chủ, mà ở đó, nhân dân lao động làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm. Thứ năm, dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện bằng hệ thống tổ chức thể hiện quyền lực chính trị - xã hội thuộc về nhân dân, tập trung và thông qua nhà nước. Thứ sáu, không ngừng mở rộng, phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật là quy luật của sự phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm đó cho thấy, nhận thức của Đảng về dân chủ ngày càng sâu sắc và đầy đủ; là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa giá trị tư tưởng của nhân loại, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thành tựu của 70 năm cách mạng Việt Nam, 30 năm đổi mới xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của đất nước. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ trong đó tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, mà họ là những người chủ. Điều đó không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật, mà còn được thể hiện sinh động trên các lĩnh vực, trong các hoạt động của đời sống xã hội. Với việc đưa quyền làm chủ của nhân dân vào mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng ta không những chỉ rõ bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ, mà còn khẳng định tầm quan trọng của dân chủ xã hội chủ nghĩa với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Hai mặt đó quan hệ chặt chẽ và thống nhất với nhau, bổ sung cho nhau, vừa là động lực của dân chủ trong thực tiễn, vừa là quá trình xây dựng, hoàn thiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất thiết phải xây dựng và không ngừng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực chất của quá trình này là phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, ý thức chính trị của các tổ chức chính trị - xã hội và tính tích cực, tự giác, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước.
Nhờ có quan điểm, đường lối đúng, việc xây dựng, phát huy dân chủ ở Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có ý nghĩa to lớn trong phát triển đất nước, hội nhập, hợp tác quốc tế. Theo đó, trên lĩnh vực chính trị, Hiến pháp năm 2013 chế định đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, các hình thức nhân dân thực thi quyền lực nhà nước và đổi mới tổ chức chính quyền cơ sở, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, là thành tựu, bước tiến mới về dân chủ ở Việt Nam. Trên lĩnh vực kinh tế, ở nước ta đã xác lập và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Trên lĩnh vực xã hội, Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo trước thời hạn so với mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đưa ra và được nhiều nước xem là mẫu mực về bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy bình đẳng giới, gắn chặt phát triển với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, v.v.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi to lớn, song cũng có không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra yêu cầu phải phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực thúc đẩy tiến trình phát triển của đất nước. Để đạt được mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo chúng tôi, Đảng và Nhà nước cần thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:
Một là, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, phản ánh sâu sắc bản chất chế độ dân chủ ở nước ta đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân...”. Muốn vậy, khi hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Bởi, nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực, có quyền và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau. Những thành tựu đạt được trong 70 năm qua của cách mạng Việt Nam, nhất là trong 30 năm đổi mới, đã chứng minh điều đó. Song, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vẫn còn có điểm chưa sát với thực tiễn, chưa phản ánh hết nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Để khắc phục tình trạng đó, Đảng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên; tích cực đổi mới, mở rộng dân chủ, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ, tạo điều kiện để nhân dân được tham gia ở tất cả các khâu của quá trình dân chủ hóa đất nước. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế; kiên quyết phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân.
Hai là, tiếp tục phát huy hiệu quả hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Những năm qua, cùng với thành tựu của công cuộc đổi mới, các hình thức dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện ở nước ta đã có bước phát triển, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, tạo ra những mô hình, điển hình có sức lan tỏa lớn. Dân chủ trực tiếp là hình thức nhân dân trực tiếp quyết định các vấn đề, các công việc quan trọng của quốc gia, trực tiếp thông qua các đạo luật mà không qua một yếu tố trung gian nào, bảo đảm nhanh, nguyên vẹn ý chí chính trị của nhân dân. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng lần này cần xác định rõ chủ trương, biện pháp phát huy hình thức dân chủ trực tiếp, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013, như: bầu cử, bãi miễn đại biểu, thực hiện quyền sáng kiến lập pháp, dân chủ ở cơ sở, quyền tham gia đóng góp ý kiến quản lý xã hội, quản lý nhà nước và các hình thức khác, v.v. Tuy nhiên, dân chủ trực tiếp cũng có những hạn chế nhất định. Vì vậy, việc lựa chọn hình thức và mở rộng, phát huy dân chủ trực tiếp cần phải được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo, cân nhắc thận trọng. Việc kỳ họp thứ chín (Quốc hội khóa XIII) đang thảo luận, cho ý kiến về Luật Trưng cầu ý dân, chính là nhằm cụ thể hóa hình thức dân chủ trực tiếp, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò của các đại biểu dân bầu trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, để họ thực sự là tiếng nói đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của người dân, cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Đảng tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị 30/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đó là điều kiện cần thiết để phát huy quyền làm chủ của nhân dân một cách hữu hiệu nhất, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Ba là, mở rộng và phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật. Thực thi dân chủ sai nguyên tắc, vô nguyên tắc, không gắn với kỷ cương, pháp luật đều trái với bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa, dẫn đến hậu quả khó lường. Xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, thì việc dân chủ hoá sẽ trượt sang quỹ đạo khác - dân chủ phi xã hội chủ nghĩa, đồng nghĩa với việc thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn chứng minh, bất cứ một nền dân chủ nào, dù tư sản hay xã hội chủ nghĩa, cũng đều phải có nguyên tắc và phải tuân thủ những quy định của pháp luật; không có dân chủ vô chính phủ, dân chủ vô nguyên tắc. Việc lợi dụng dân chủ gây mất ổn định chính trị - xã hội, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Tổ quốc và dân tộc là hành động không thể chấp nhận được, là trái với dân chủ. Vì vậy, mở rộng, phát huy dân chủ phải gắn liền với tăng cường kỷ cương, pháp luật là điều đương nhiên.
Bốn là, “Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội”1. Đây là giải pháp đúng đắn, khoa học. Bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị thực hành dân chủ trong xã hội. Vì vậy, vai trò “hạt nhân” của Đảng được thể hiện rất rõ trong đời sống xã hội. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng sẽ tạo điều kiện, là hình mẫu, tấm gương để cán bộ, đảng viên vận dụng, thực hành ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện và phát huy dân chủ trong xã hội. Đồng thời, góp phần khắc phục bệnh: thủ cựu, độc đoán, chuyên quyền, tự do vô kỷ luật..., đang “ăn sâu, bám rễ” làm suy thoái một bộ phận cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ “then chốt” là xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tình trạng quan liêu, tham nhũng; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Không làm được điều đó, chúng ta khó có thể nói đến bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; khó có thể phát huy cao nhất quyền lực chính trị, xã hội của quần chúng nhân dân trong đời sống hiện thực.
Năm là, đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Những quan điểm đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, “mở rộng dân chủ” hơn nữa, cùng với những luận điệu: “Việt Nam vi phạm dân chủ”, “mất dân chủ”, vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam là “trở lực” chính cho việc thực hiện dân chủ của các thế lực thù địch trong thời gian qua chính là những âm mưu, thủ đoạn nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, xoá bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, “lái” nền dân chủ nước ta sang nền dân chủ khác - dân chủ phi xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh vạch trần, làm phá sản mưu đồ chống phá đó.
Dù còn có những hạn chế nhất định trên con đường phát triển và hoàn thiện, nhưng bản chất chế độ dân chủ ở nước ta, một chế độ dân chủ theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng là tốt đẹp và ưu việt. Để có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là kết quả của biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ và máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam mới giành được. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng cần nghiên cứu, xác định rõ các chủ trương, biện pháp nhằm kiên quyết bảo vệ, giữ gìn, nâng cao và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐÌNH MINH, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng _____________________
1 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), 4-2015, tr. 66.
Vấn đề dân chủ,xã hội chủ nghĩa
Những nội dung mới về tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 24/01/2016
Chương trình nghệ thuật "Sáng mãi niềm tin" 20/01/2016
Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 16/01/2016
Về xây dựng lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc 26/12/2015
Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 17/12/2015
Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng 16/12/2015
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới 15/12/2015
Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới 10/12/2015
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Công nghiệp Quốc phòng 19/11/2015
Về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng 09/11/2015