QPTD -Thứ Năm, 13/08/2015, 16:15 (GMT+7)
Quan hệ giữa quốc phòng và an ninh trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Quan hệ giữa quốc phòng và an ninh là yêu cầu khách quan trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, nhận thức đúng đắn mối quan hệ, phân biệt rõ cái chung và cái riêng của mỗi lĩnh vực là cơ sở quan trọng để xác định nội dung xây dựng và hoạt động của quốc phòng và an ninh trong nhiệm kỳ tới.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia R’vê tuần tra khu vực vành đai biên giới
Việt Nam - Cam-pu-chia. (Ảnh: TTXVN)

Quốc phòng và an ninh là hai thành tố cơ bản, biểu trưng cho sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; hai lĩnh vực có quan hệ khăng khít, xuyên suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, trong các kỳ Đại hội Đảng, nội dung về quốc phòng và an ninh luôn được thể hiện rõ ở từng lĩnh vực cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa chúng với nhau. Nếu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, quốc phòng và an ninh được trình bày ở một mục riêng, với tiêu đề: “Tăng cường quốc phòng và an ninh” thì đến Đại hội X được phát triển là: “Tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Tiếp đó, trong Nghị quyết Đại hội XI, tại mục VIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận;… Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”1. Và trong mục X Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII, xác định: “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”. Như vậy, có thể thấy, quốc phòng và an ninh là hai nhiệm vụ trọng yếu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, luôn được quán triệt, nhấn mạnh trong từng nhiệm kỳ lãnh đạo của Đảng. Điều đó đã khẳng định tầm quan trọng, quan hệ hữu cơ, toàn diện giữa hai lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trở thành quan điểm nhất quán của Đảng, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc vừa phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa,… nên sự gắn kết giữa quốc phòng và an ninh càng có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoài những điểm chung lại có những cái riêng “đặc thù”, từ nội dung, phương pháp xây dựng đến phương thức, hình thức đấu tranh, chiến đấu,… nên quan hệ giữa hai lĩnh vực này cũng hết sức phong phú, đa dạng, có thể quan hệ, phối hợp trực tiếp với nhau hoặc có thể thông qua các ngành, lĩnh vực khác để thực hiện sự gắn kết. Vì thế, xác định đúng đắn mối quan hệ, phân biệt cái chung và cái đặc thù của mỗi lĩnh vực, làm cơ sở xác định nội dung về quốc phòng, an ninh trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cho phù hợp với tình hình mới là vấn đề rất quan trọng và theo chúng tôi, cần nắm vững một số vấn đề cơ bản sau.

1. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, mỗi lĩnh vực đều có chức năng, nhiệm vụ riêng trong tổng thể đường lối, kế hoạch, chiến lược quốc gia của Đảng và Nhà nước; lĩnh vực quốc phòng và an ninh cũng không phải là ngoại lệ. Điều đó được biểu hiện khi lực lượng quốc phòng, mà nòng cốt là Quân đội nhân dân, được tổ chức thành các quân chủng, binh chủng, có vũ khí, trang bị hiện đại, nhằm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Còn lĩnh vực an ninh, với lực lượng nòng cốt là Công an nhân dân được tổ chức, trang bị phù hợp, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tuy chức năng, nhiệm vụ có khác nhau, nhưng quốc phòng và an ninh đều có mục tiêu chung là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc,… góp phần thực hiện mục tiêu: xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì thế, quan hệ giữa quốc phòng và an ninh muốn đạt hiệu quả cao vừa phải đặt trong tổng thể quan hệ của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước, vừa phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng khu vực, địa bàn cũng như đặc thù của từng chủ thể quốc phòng hoặc an ninh. Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế, khu vực đang có thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, tình hình trong nước, nhất là tình hình quốc phòng - an ninh vừa có thời cơ và thách thức đan xen, đòi hỏi quan hệ giữa quốc phòng và an ninh không chỉ được gắn kết chặt chẽ với nhau, đi vào chiều sâu, thực chất, mà còn được vận dụng cho tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương theo hướng: lấy tự bảo vệ là chính. Do đó, việc thể hiện mối quan hệ này trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cũng cần bảo đảm tính toàn diện, chứ không chỉ thể hiện riêng trong mục dành cho quốc phòng và an ninh.

2. Quốc phòng và an ninh là hai lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, nên quan hệ giữa chúng cũng bao hàm trên phạm vi rộng, gồm nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hoạt động. Vì thế, nhìn nhận và xác định quan hệ quốc phòng và an ninh phải bảo đảm thấu đáo, toàn diện, nhưng không tràn lan mà cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết, quan hệ đó phải được thể hiện về sự kết hợp giữa hai lĩnh vực trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định và chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách đối nội và chiến lược, chính sách đối ngoại nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây là một công việc to lớn, phức tạp và rất hệ trọng của đất nước, của dân tộc mà một cơ quan, một lực lượng khó có thể thực hiện được, nên tất yếu và trước tiên phải phát huy cao độ quan hệ quốc phòng với an ninh. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt sự kết hợp giữa quốc phòng và an ninh trong phân tích, đánh giá tình hình; xác định đúng đối tác, đối tượng và các mối đe dọa đối với quốc phòng - an ninh; trên cơ sở đó, chủ động tham mưu và dự kiến các tình huống có thể xảy ra, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đối tượng, đối tác tồn tại đan xen và chuyển hóa lẫn nhau rất phức tạp, nên việc xác định đâu là đối tác, đâu là đối tượng rất khó khăn. Vì thế, thời gian tới, việc kết hợp giữa quốc phòng và an ninh trong công tác này cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, trên cơ sở khách quan, khoa học và phải lấy đại cục làm trọng. Quá trình thực hiện phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và vai trò lãnh đạo của Đảng lên trên hết; đồng thời, lấy đó làm nguyên tắc để đưa ra nhận định, đánh giá cả thời cơ, thách thức và nguy cơ đối với quốc phòng - an ninh của đất nước.

Thực tiễn những năm đổi mới vừa qua cho thấy, sự kết hợp chặt chẽ quốc phòng với an ninh đã có tác động to lớn tới sự ổn định chính trị và duy trì môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiệu quả của quan hệ này lại phụ thuộc phần lớn vào năng lực của từng chủ thể, nhất là năng lực của những lực lượng giữ vai trò nòng cốt cùng các cơ chế phối hợp chung cũng như cơ chế phối hợp đặc thù trên các địa bàn chiến lược. Do đó, trong dự thảo nội dung về quốc phòng, an ninh 5 năm tới, vấn đề này cần được đề cập một cách thỏa đáng, phù hợp với tình hình mới. Đây sẽ là định hướng cơ bản để hai lĩnh vực quốc phòng và an ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt.

3. Nghiên cứu Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, chúng tôi nhận thấy, ở mục X về: “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới” đã nêu được phương hướng cơ bản về xây dựng và hoạt động của quốc phòng và an ninh trong nhiệm kỳ tới. Trong đó có nhiều điểm mới về quan hệ quốc phòng với an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với các lĩnh vực khác, như: kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại, v.v. Đây là thể hiện sự phát triển trong tư duy của Đảng về quốc phòng - an ninh và điều này rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Tuy nhiên, dưới góc độ về mối quan hệ giữa quốc phòng và an ninh, chúng tôi cho rằng có những vấn đề cần nghiên cứu thêm. Ngoài những phương hướng chung cho cả quốc phòng và an ninh, như: mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng và đấu tranh cũng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh thì những vấn đề khác cần được xác định cụ thể, sát với từng lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực quốc phòng, ngoài phương hướng chung, để thể hiện rõ tính đặc thù, cần xác định cụ thể mục tiêu xây dựng tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân phải đạt đến mức nào trong 5 năm tới. Đặc biệt, đối với Quân đội nhân dân, cần xác định những tiêu chí xây dựng chủ yếu trong nhiệm kỳ tiếp theo, không nên chỉ dừng lại ở phương hướng chung là: xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại như Nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng đã nêu. Về hoạt động quốc phòng, cần đề cập việc đẩy mạnh đấu tranh quốc phòng của các lực lượng trên các địa bàn, nhất là đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo và tuyến biên giới đất liền. Đây là một vấn đề trọng điểm của cả quốc phòng và an ninh, đang diễn ra hết sức phức tạp; trong đó, đấu tranh quốc phòng thời bình luôn gắn với chuẩn bị mọi mặt cho sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giành thắng lợi khi có tình huống xảy ra.

Trong lĩnh vực an ninh, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động, đấu tranh của Ngành, ngoài các vấn đề chung, cần xác định rõ những nhiệm vụ và yêu cầu có tính chuyên biệt. Trong đó, cần đề cập phương hướng xây dựng những lực lượng “đặc biệt” và mục tiêu xây dựng nền công nghiệp an ninh,… nhằm trang bị ngày càng tốt hơn cho lực lượng an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong tình hình mới. Từ những phương hướng cơ bản đó và trên cơ sở năng lực, sở trường, yêu cầu, nhiệm vụ của từng lĩnh vực sẽ tạo ra nhu cầu để tăng cường quan hệ quốc phòng với an ninh, nhằm bổ khuyết cho nhau trên tất cả các mặt, lĩnh vực. Vì vậy, cần đề cập những điểm chung có liên quan đến cả quốc phòng và an ninh; đồng thời, xác định những nội dung có tính đặc thù của từng lĩnh vực. Có như vậy, nội dung phương hướng không chỉ sát với thực tiễn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi lĩnh vực, mà còn tạo khả năng mới cho sự kết hợp giữa quốc phòng và an ninh tốt hơn, hiệu quả hơn.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sức mạnh tổng hợp của quốc gia, của toàn dân tộc và của chế độ xã hội chủ nghĩa; trong đó, quốc phòng và an ninh là hai thành tố trực tiếp, cốt lõi. Vì vậy, giải quyết tốt mối quan hệ giữa quốc phòng và an ninh cả về lý luận và thực tiễn sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

PGS, TS. HOÀNG XUÂN LÂM
____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

Ý kiến bạn đọc (0)