Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 23/09/2022, 07:56 (GMT+7)
Xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ ở tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh khu vực Tây Nam Bộ của Tổ quốc. Nhận rõ điều đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Tỉnh luôn quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc. Trong đó, xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, được Tỉnh thường xuyên quan tâm chăm lo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Từ thực tiễn xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn, Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm, đồng thời cũng là những giải pháp mà các đơn vị, địa phương đã, đang thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Trước hết, chú trọng nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của cơ quan quân sự các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ. Đây là nội dung quan trọng mang tính nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện công tác quan trọng này. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2019, các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các nghị quyết, đề án, văn bản, kế hoạch,… nhằm thống nhất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tổ chức xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ phù hợp với nhiệm vụ và đặc điểm địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ sát với điều kiện thực tiễn địa phương, cơ sở. Các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ trong bảo vệ cấp ủy, chính quyền; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, cũng như trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, Tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ.

Hướng dẫn Dân quân thường trực sắp xếp quân trang, tư trang vào ba lô. Ảnh: tiengiang.gov.vn

Tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao được Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ, thống nhất. Thực hiện Đề án số 307/ĐA-UBND, ngày 09/11/2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, củng cố biên chế, quản lý chặt chẽ lực lượng dân quân tự vệ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, thị xã chú trọng nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào; trong đó, ưu tiên tuyển thanh niên là đảng viên, đoàn viên, thanh niên có trình độ học vấn cao, sức khỏe tốt, thường xuyên có mặt ở địa phương để kết nạp vào lực lượng dân quân. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng lực lượng tự vệ ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,... phù hợp với đặc điểm địa phương và yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ. Coi trọng xây dựng biên chế, tổ chức dân quân tự vệ ở các khu vực, mục tiêu trọng điểm về quốc phòng, an ninh, trên hướng chủ yếu, khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương theo quyết tâm tác chiến phòng thủ của Tỉnh. Đến nay, tổng số dân quân tự vệ toàn Tỉnh đạt 0,98% so với dân số; tổ chức biên chế ở ba cấp đúng, đủ theo quy định của cấp trên. Trong đó, cấp tỉnh có đại đội dân quân Pháo phòng không 23mm, 37mm, Pháo 85mm; cấp huyện có trung đội dân quân Súng máy phòng không 12,7mm, Cối 82mm, ĐKZ 82mm, trung đội dân quân cơ động1, tiểu đội dân quân thường trực2, tiểu đội dân quân biển và các đơn vị tự vệ; cấp xã có trung đội dân quân cơ động, tổ dân quân thường trực của 100 xã trọng điểm về quốc phòng, tổ dân quân trinh sát, công binh, thông tin, y tế, khẩu đội Cối 60mm và dân quân tại chỗ ở các ấp và khu phố.

Công tác phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ được quan tâm thực hiện đạt kết quả tốt, góp phần tạo nguồn cán bộ cơ sở. Đến nay, số lượng đảng viên trong dân quân đạt 22,38%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra; đảng viên trong tự vệ cơ quan, tổ chức đạt 63,44%. Đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã đã được tổ chức, sắp xếp đủ biên chế, đúng yêu cầu, đạt chất lượng tốt; trong đó, 100% chỉ huy trưởng là cấp ủy viên cùng cấp; 100% bí thư đoàn thanh niên cấp xã làm chính trị viên phó; có 99,57% phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã là đảng viên; 100% xã, phường, thị trấn có chi bộ và chi đoàn quân sự (100% chi bộ quân sự có chi ủy). Các chi bộ quân sự phát huy tốt vai trò hạt nhân trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan quân sự, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở.

Để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ, cùng với làm tốt công tác tập huấn, cập nhật và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác huấn luyện quân sự, diễn tập đối với lực lượng này thành nền nếp, tập trung, thống nhất. Trên cơ sở chương trình quy định tại Thông tư số 69/2020/TT-BQP, ngày 15/6/2020 của Bộ Quốc phòng, Tỉnh chỉ đạo bổ sung nội dung huấn luyện về phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh ở cơ sở. Trước khi bước vào huấn luyện, Tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị kiện toàn tổ chức biên chế, lập và phê duyệt kế hoạch huấn luyện theo phân cấp,… các loại sổ sách, giáo án, bài giảng, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập phục vụ huấn luyện được đầu tư làm mới, tu sửa, bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thống nhất, đúng quy định. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình cụ thể, Tỉnh thực hiện phân cấp tổ chức tập huấn quân sự cho 100% cán bộ ở các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác huấn luyện, nhằm nâng cao trách nhiệm, năng lực, phương pháp, tác phong huấn luyện. Ngoài việc sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên ngành của cơ quan quân sự ở các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tăng cường cán bộ phối hợp, hiệp đồng với ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, thị xã để giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên huấn luyện chuyên ngành.

Thực tế cho thấy, khâu yếu của cán bộ và chiến sĩ dân quân tự vệ là hành động thực tiễn và cách xử trí các tình huống cụ thể. Vì vậy, Tỉnh trực tiếp chỉ đạo các địa phương, đơn vị bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”, gắn với thực hiện yêu cầu Nắm chắc nội dung huấn luyện; vận dụng sáng tạo, có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao”. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và giáo dục pháp luật, giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính. Tập trung huấn luyện các đơn vị dân quân tự vệ ở địa bàn trọng điểm, nhất là dân quân cơ động, binh chủng, thường trực và dân quân biển. Tăng cường huấn luyện theo các tình huống dự kiến có thể xảy ra tại cơ sở để cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ biết cách nhận định, xử trí phù hợp, sát điều kiện địa bàn. Chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ dân quân năm thứ nhất, dân quân thường trực. Duy trì nền nếp hội thi, hội thao khi kết thúc từng nội dung, khoa mục hoặc kết thúc giai đoạn huấn luyện; đồng thời, hằng năm coi trọng tổ chức diễn tập nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị dân quân tự vệ cấp xã. Trong đó, ưu tiên diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, sát với phương án chiến đấu và các tình huống dự kiến có thể xảy ra ở từng cơ sở. Qua đó, vừa đưa cán bộ, chiến sĩ rèn luyện sát với thực tế chiến đấu, đánh giá thực chất trình độ, rút ra bài học kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, vừa góp phần giáo dục ý thức quốc phòng, đề cao trách nhiệm cho các đối tượng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Tỉnh tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác dân quân tự vệ. Theo đó, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp xã, phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành cơ quan quân sự cấp mình xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dân quân tự vệ; tổ chức, động viên nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ dân quân tự vệ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các đơn vị tích cực đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện; thực hiện phân cấp trong huấn luyện. Đối với các tiểu đội dân quân thường trực thuộc ban chỉ huy quân sự huyện, thành phố, thị xã và tổ dân quân thường trực thuộc ban chỉ huy quân sự các xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tổ chức huấn luyện cho chiến sĩ thành thạo kỹ thuật cơ bản sử dụng các loại công cụ hỗ trợ, kỹ thuật đánh bắt các đối tượng có vũ khí, các phương án chiến đấu tại chỗ, v.v. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an cùng cấp xây dựng kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ chống tập trung đông người, gồm các nội dung, như: các động tác cơ bản, tư thế trong chiến đấu, cách thức giải tán đám đông, phương thức, biện pháp phối hợp giữa các lực lượng xử lý các tình huống. Sau mỗi đợt huấn luyện, các đơn vị tổ chức luyện tập thực hành giải tán biểu tình, bảo vệ mục tiêu cơ quan Đảng, chính quyền, trụ sở làm việc ở các cấp. Hằng năm, Tỉnh chỉ đạo từ 2 - 3 đơn vị cấp huyện tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ; từ 25% - 30% cấp xã diễn tập chiến đấu phòng thủ và phòng chống thiên tai, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy tốt vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xử lý các tình huống.

Những kết quả đạt được trong xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ trong thời gian qua đã góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, là nền tảng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh ngày càng vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để Tiền Giang phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đại tá PHẠM VĂN THANH, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
__________________-

1 - Xây dựng và duy trì hoạt động 1 Trung đội dân quân cơ động thuộc Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Mỹ Tho, do nguồn kinh phí của Tỉnh.

2 - Xây dựng 11 tiểu đội dân quân thường trực ở cấp huyện, thành phố, thị xã.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.