Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 07/07/2014, 21:29 (GMT+7)
Vùng 4 Hải quân tập trung nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu

Sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Bộ đội Hải quân. Đối với Vùng 4 Hải quân, việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu được cấp ủy, chỉ huy các cấp đặc biệt coi trọng, thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ.

Huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị

Đứng chân và làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo chiến lược, trọng yếu của Tổ quốc, phạm vi quản lý rộng, lại thường xuyên phải đối mặt với các tình huống phức tạp, nguy hiểm trên biển, trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, song cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông trong thời gian qua đang đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 những yêu cầu mới, ngày càng cao. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định khu vực phân công phụ trách, Vùng đã tập trung phát huy nội lực, triển khai toàn diện các mặt công tác với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị; trong đó, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) là một trong những nội dung trọng tâm.

Trước hết, Vùng thực hiện tốt việc quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội về nhiệm vụ SSCĐ. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, làm cơ sở để Vùng nâng cao trình độ và khả năng SSCĐ của Đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là các quan điểm, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp giáo dục cho bộ đội nhận thức đúng về tình hình, nhiệm vụ của Quân đội, của Quân chủng và của Vùng; thấy rõ tính chất, đặc điểm, âm mưu, thủ đoạn hoạt động xâm phạm chủ quyền của nước ngoài trên biển cùng những mưu đồ lợi dụng các hoạt động này để kích động, chống phá ta từ bên trong; từ đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động, bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên cập nhật và phổ biến cho bộ đội nắm vững tình hình trên Biển Đông, nhất là những diễn biến mới trên vùng biển, đảo phân công phụ trách cùng những quan điểm, chủ trương, biện pháp của Quân chủng và của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết các tranh chấp trên biển. Qua đó, làm cho bộ đội nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện sớm các hoạt động vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta để chuẩn bị kỹ về tư tưởng, tâm lý, lực lượng, phương tiện và phương án xử lý phù hợp. Vùng còn coi trọng giáo dục cho bộ đội về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, của Quân đội, Quân chủng và của Vùng; về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật tác chiến trên địa bàn sông, biển trong các cuộc kháng chiến vừa qua, góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ vào cách đánh và vũ khí, trang bị hiện có của Hải quân; đồng thời, cổ vũ, động viên mọi người nêu cao ý chí, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Do đặc điểm nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của Vùng rộng, mục tiêu bảo vệ lại ở xa căn cứ, các lực lượng thường xuyên phải độc lập đối mặt và xử lý các tình huống phức tạp trên biển, nên tác động không nhỏ tới tư tưởng, sức khỏe và tâm lý của bộ đội. Trước tình hình đó, cấp ủy các cấp tăng cường sự lãnh đạo công tác tư tưởng, thực hiện triệt để khâu đột phá trong dự báo, quản lý, định hướng và giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh; ngăn chặn có hiệu quả các biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên sâu sát cơ sở, phát huy dân chủ và có nhiều biện pháp nhằm động viên tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với đơn vị đóng quân trên đảo xa và hoạt động liên tục, dài ngày trên biển. Đồng thời, gắn công tác tư tưởng với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở từng đơn vị. Nhờ đó, những năm gần đây, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ của Vùng luôn ổn định; 100% đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị; luôn đề cao trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, có quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ cho cơ quan và đơn vị. Xuất phát từ đặc điểm, hoạt động tác chiến trong môi trường biển, đảo và những phát triển mới của nghệ thuật tác chiến hải quân, Vùng đẩy mạnh thực hiện huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, bảo đảm phù hợp với đối tượng tác chiến, đặc điểm địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Vùng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của đơn vị; chú trọng xác định phương hướng, mục tiêu, yêu cầu huấn luyện cho từng lực lượng. Trong đó, Vùng coi trọng đổi mới công tác huấn luyện cả về nội dung, chương trình, hình thức tổ chức, phương pháp và quản lý, điều hành huấn luyện. Trước mắt, Vùng tập trung đột phá vào huấn luyện cơ bản và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho bộ đội; coi trọng huấn luyện theo phương án BM, CV; lấy nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Vùng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm mục tiêu huấn luyện. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp tàu, đại đội, hải đội, tiểu đoàn và tương đương về chiến thuật, kỹ thuật, trình độ tổ chức chỉ huy, tham mưu - tác chiến, nhằm không ngừng nâng cao năng lực ứng phó, xử lý đối với các tình huống phức tạp xảy ra trên biển. Riêng cán bộ mới ra trường, Vùng tổ chức huấn luyện thực tế 06 tháng và qua kiểm tra, sát hạch đủ điều kiện mới bổ nhiệm theo từng chức danh. Đối với đơn vị, nhất là khối đảo và khối tàu, Vùng chỉ đạo huấn luyện thành thạo chiến thuật từ cấp trung đội đến tiểu đoàn; chú trọng huấn luyện đối kháng và không ngừng vươn lên làm chủ VKTBKT mới, hiện đại, bảo đảm cho bộ đội vừa giỏi tác chiến độc lập, vừa thành thạo tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành; đồng thời, tăng cường huấn luyện đêm và khả năng cơ động, hiệp đồng trong xử lý các tình huống trên biển, đảo,... Do có những biện pháp huấn luyện đồng bộ, vững chắc ở từng khâu, nên kết quả huấn luyện của Vùng không ngừng được nâng cao. Năm 2013, Vùng hoàn thành 100% nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện đề ra, kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 91% đạt khá và giỏi; 90% cán bộ hoàn thành tốt chức trách được giao.

Cùng với đó, Vùng coi trọng việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ SSCĐ. Trên cơ sở các quy định về tổ chức biên chế của Bộ Quốc phòng, Vùng tích cực rà soát, kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đồng bộ; ưu tiên quân số, VKTBKT cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ trực đảo, trực vịnh, trực BM và lực lượng làm nhiệm vụ CV. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp và hệ thống trực SSCĐ; tích cực bổ sung, điều chỉnh các phương án tác chiến phù hợp với tình hình thực tiễn và tổ chức luyện tập, diễn tập theo quy định. Trên nền tảng của thế bố trí lực lượng liên hoàn, vững chắc cả trên bờ, trên biển và ở các đảo, Vùng chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa việc cơ động làm nhiệm vụ với tổ chức luyện tập, tuần tra, tuần tiễu trinh sát và phối hợp với các lực lượng, nhằm nâng cao khả năng nắm bắt tình hình, quản lý các hoạt động và chủ động xử lý các tình huống phức tạp xảy ra trên biển, đảo. Vùng còn chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền các địa phương nơi đóng quân và các lực lượng trên biển, có kế hoạch, phương án chiến đấu tại chỗ, bảo vệ doanh trại, kho tàng, bến cảng,… Đồng thời, tích cực tham gia diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ, tác chiến trị an, tìm kiếm, cứu nạn, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Ba là, tăng cường công tác bảo đảm cơ sở vật chất, VKTBKT cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Vùng - một đơn vị thuộc quân chủng kỹ thuật chiến đấu. Đặc biệt hiện nay, thực hiện chủ trương của trên về “hiện đại hóa” Hải quân, Vùng được đầu tư, trang bị tương đối đồng bộ VKTBKT hiện đại thì công tác này lại càng giữ vị trí then chốt trong nâng cao khả năng SSCĐ. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Công tác bảo đảm kỹ thuật trong tình hình mới”, Vùng tập trung thực hiện hai khâu đột phá của ngành là xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT mới, hiện đại. Để thực hiện tốt nội dung này, một mặt, Vùng tích cực xây dựng, kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật các cấp, nhất là nâng cao năng lực của các đội sửa chữa ở cơ sở (cả trên bờ, trên biển và ở các đảo), bảo đảm có trình độ tay nghề cao, chuyên sâu, làm nòng cốt tiến hành công tác kỹ thuật ở đơn vị. Mặt khác, Vùng chủ động rà soát, đánh giá thực trạng số lượng, chất lượng và tình trạng kỹ thuật của VKTBKT để chỉ đạo các đơn vị xác định biện pháp bảo đảm kỹ thuật có hiệu quả; đồng thời, đề xuất với Quân chủng xây dựng, bổ sung các văn bản, quy định trong quản lý, sử dụng VKTBKT. Các cơ quan, đơn vị đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật, nhất là duy trì có nền nếp việc quản lý, khai thác, sử dụng và sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, bảo quản VKTBKT theo quy định, bảo đảm hệ số kỹ thuật cao, vững chắc, đồng bộ, kịp thời cho nhiệm vụ SSCĐ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và các nhiệm vụ đột xuất khác. Trong quá trình thực hiện, Vùng coi trọng công tác kiểm tra, giám sát kỹ thuật; quản lý chặt chẽ kho tàng; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong nghiên cứu, sửa chữa, tăng hạn sử dụng cho VKTBKT; nâng cao một bước trong thực hiện quy chế “Tàu chính quy, mẫu mực”, “Kho - trạm mẫu mực” và khả năng vươn lên làm chủ VKTBKT cho cơ quan kỹ thuật các cấp. Đến nay, hệ số kỹ thuật vũ khí, trang bị của Vùng luôn đạt và vượt chỉ tiêu quy định từ 0,4% đến 0,6%; trong đó, hệ số VKTBKT làm nhiệm vụ SSCĐ luôn có Kbđ = 1.0, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ của Vùng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc PHẠM VĂN HOÀNH, Tư lệnh Vùng

Ý kiến bạn đọc (0)