Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 22/02/2018, 07:42 (GMT+7)
Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ đẩy mạnh thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng công tác

Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ là cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu về lĩnh vực vật liệu nổ phục vụ quốc phòng và kinh tế. Trước yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), nhiệm vụ của Viện có sự phát triển, đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn. Trong đó, trọng tâm là nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại thuốc phóng, thuốc nổ mạnh cho phát triển các loại vũ khí, đạn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây cũng là giai đoạn Viện thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động sang tự chủ một phần về tài chính theo Quyết định 823/QĐ-BQP, ngày 19-3-2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tổ chức lại Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ hoạt động theo Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập”. Bên cạnh những thuận lợi, Viện đứng trước không ít khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra phải giải quyết, nhất là khi cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ, bản quyền thiết kế còn chưa hoàn thiện; nguồn lực có hạn; các yếu tố bảo đảm cho nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ; sản xuất kinh tế chưa có sản phẩm giá trị lớn, v.v. Trước thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Viện đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt hoạt động, nhất là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh kiện toàn cơ cấu tổ chức; tăng cường xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ; đồng thời, có nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo, phù hợp trong sản xuất, tìm đối tác, phát triển thị trường, v.v. Nhờ đó, những năm qua, Viện đã có bước phát triển toàn diện, rõ nét, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng.

Thủ trưởng Viện tham gia tọa đàm với cán bộ, sĩ quan trẻ

Là đơn vị nghiên cứu khoa học đa ngành trong lĩnh vực có tính đặc thù cao, nên chất lượng nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của Viện. Bởi vậy, những năm qua, Viện đã quan tâm đúng mức và có những biện pháp đột phá nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, sắp xếp lực lượng lao động theo hướng “tinh, gọn, hiệu quả” phù hợp với mô hình hoạt động, Viện đã rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, cán bộ trẻ, cán bộ ở các lĩnh vực nghiên cứu mới và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thuốc phóng, thuốc nổ, hóa chất, v.v. Thực hiện mục tiêu phát triển số lượng đi đôi với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Viện thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng; ưu tiên xếp đủ và tăng cường khối cán bộ nghiên cứu; phát hiện sớm những cán bộ có năng lực tư duy tốt để có hướng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Với phương châm “thiết thực - hiệu quả”, Viện gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học công nghệ với đào tạo sau đại học, kết hợp giữa bồi dưỡng tại chỗ và cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu ở trong nước và ngoài nước. Đồng thời, khuyến khích cán bộ tự học, tự bồi dưỡng theo các nhóm nghiên cứu; cử cán bộ đi thực tế tại các nhà máy công nghiệp quốc phòng để tích lũy kinh nghiệm trong quá trình chuyển giao công nghệ, tổ chức chế thử và sản xuất sản phẩm. Cùng với đó, tích cực duy trì hoạt động tọa đàm khoa học, trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu giữa các nhóm nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành, v.v. Mặt khác, Viện thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút nhằm tuyển dụng nhân lực chất lượng cao vào làm việc; ưu tiên các đối tượng qua đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực được giao. Đi liền với đó, Viện làm tốt công tác quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ, mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực vào các vị trí chủ chốt; đồng thời, quan tâm thích đáng đến đời sống của cán bộ, nhân viên; xây dựng môi trường công tác thân thiện, có nhiều cơ hội thăng tiến để thu hút và giữ nhân lực chất lượng cao, v.v. Đến nay, cán bộ nghiên cứu của Viện có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 89%; trong đó, có 06 tiến sĩ và 08 đồng chí đang nghiên cứu sinh. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt giúp Viện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với xây dựng nguồn nhân lực, Viện tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ theo hướng tự động hóa, đồng bộ, nhằm tăng độ tin cậy, rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực, hiệu quả nghiên cứu - thiết kế - chế thử. Thời gian qua, Viện đã huy động các nguồn lực đầu tư, củng cố, nâng cấp 6 phòng thí nghiệm chuyên ngành; xây dựng Phòng thí nghiệm Nhà nước Vilas-015 và Phòng thí nghiệm vật liệu nổ TC-VN để nâng cao năng lực của Trung tâm Phân tích đo đạc kiểm định vật liệu nổ; mở rộng Xí nghiệp Vật liệu nổ và đầu tư 9 dây chuyền pilot nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các loại thuốc phóng, thuốc nổ và phụ kiện, cùng hàng trăm thiết bị phân tích, đo đạc, thí nghiệm, v.v. Qua đó, tạo sự đột phá về năng lực nghiên cứu, chế thử, làm chủ công nghệ sản xuất các loại thuốc phóng, thuốc nổ mà nước ngoài không chuyển giao; chuẩn hóa công tác đánh giá chất lượng thuốc phóng, thuốc nổ trong và ngoài Quân đội.

Thử nghiệm liều phóng Ngư lôi 53-BA

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển, Viện đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với mô hình hoạt động mới, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý, điều hành hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, Viện tích cực kiện toàn tổ chức lực lượng theo Quyết định 823/QĐ-BQP; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, hệ thống quy chế làm việc, thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi. Từ năm 2012 đến nay, Viện đã ban hành 17 quy chế lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng; 46 quy chế điều hành, quản lý các mặt công tác. Đặc biệt, trên cơ sở nghị quyết lãnh đạo của các cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, định hướng nghiên cứu khoa học đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Viện thực hiện quản lý khoa học công nghệ theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Theo đó, Viện đã hoàn thiện quy chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách động viên nguồn lực; triển khai công tác sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả và chuyển giao công nghệ; số hóa thư viện, xây dựng cơ sở dữ liệu đề tài, dự án, v.v. Đây là cơ sở xây dựng quy trình nghiên cứu, quy trình công nghệ sản xuất cho mỗi đề tài, sản phẩm một cách bài bản. Bên cạnh đó, Viện thực hiện kết hợp giữa điều hành tập trung thống nhất của chỉ huy với phát huy tính tự chủ, linh hoạt của các phòng nghiên cứu, các cá nhân trong phát hiện, lựa chọn đề xuất đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu. Cùng với đó, bám sát sự chỉ đạo của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng để định hướng, phân công nghiên cứu cho các tập thể và cá nhân; trao quyền tự chủ cho chủ nhiệm đề tài và các nhóm nghiên cứu; lấy sản phẩm cuối cùng làm tiêu chí đánh giá chất lượng nghiên cứu.

Viện còn tích cực hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là các ý tưởng, đề tài nghiên cứu mới, sáng tạo, có tính khả thi. Đã trích lập và phát huy có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học, công nghệ trong việc hỗ trợ các đề tài gặp khó khăn về kỹ thuật hoặc kinh phí, cũng như mở các đề tài nghiên cứu cấp Viện, các đề tài nghiên cứu nền, giúp cán bộ trẻ có thêm điều kiện nghiên cứu để nâng cao trình độ; trao phần thưởng cho công trình, đề tài, cá nhân xuất sắc tiêu biểu. Những năm qua, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Viện đã thực hiện thành công 100% các nhiệm vụ nghiên cứu theo kế hoạch, nhiều sản phẩm đã được đưa vào trang bị, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có chất lượng tốt, áp dụng hiệu quả, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao1.

Sản xuất thuốc nổ nhũ tương TNP-1E

Để tăng cường tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ, Viện đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ với các cơ sở có uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời, gắn chặt nghiên cứu với sản xuất để thực hiện có hiệu quả các quy trình nghiên cứu - chế thử - chuyển giao; nghiên cứu - chế thử - sản xuất. Theo đó, Viện đã hợp tác triển khai hàng chục đề tài nhánh cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng với các đơn vị khác, như: hợp tác với Viện Vũ khí để nghiên cứu chế tạo đạn pháo tăng tầm, hợp tác với Viện Công nghệ chế tạo nhiên liệu đạn BM21 tăng tầm, v.v. Hiện nay, Viện đang triển khai một số dự án hợp tác khoa học công nghệ cùng tổ chức OZM và Đại học Tổng hợp hóa của Cộng hòa Séc. Bên cạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, Viện khảo sát năng lực sản xuất của các nhà máy, làm cơ sở để xác định phương án chế thử, tham mưu cho cấp quản lý đầu tư và nâng cao năng lực của các cơ sở sản suất. Sau khi các nhà máy có đủ năng lực sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng, thực hiện chuyển giao công nghệ để sản xuất loạt quy mô lớn. Mặt khác, Viện đẩy mạnh đầu tư mở rộng mặt bằng, tăng cường trang thiết bị cho Xí nghiệp Vật liệu nổ phục vụ chế thử, thử nghiệm và sản xuất các sản phẩm mà Quân đội chưa có nhu cầu sản xuất loạt, hoặc các nhà máy chưa đủ năng lực sản xuất.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, định hướng đúng đắn trong hoạt động khoa học công nghệ, giai đoạn 2012 - 2017, Viện đã thực hiện thành công 94 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu các cấp. Trong đó, có 10 đề tài cấp Quốc gia; 28 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng; 16 đề tài, nhiệm vụ cấp Tổng cục và 40 đề tài cấp Viện. Hoàn thành việc chuyển giao công nghệ cho các nhà máy sản xuất 8 mác thuốc phóng, 7 mác thuốc hỏa thuật2; đang trực tiếp sản xuất 11 sản phẩm3 chất lượng tốt, độ an toàn cao. Đặc biệt, Viện đã thực hiện thành công 3 đề tài, 2 dự án, 9 đề tài nhánh thuộc các chương trình TL-01, KC.NQ-06, KC-I, như: chế tạo thuốc phóng, thuốc nổ, thuốc hỏa thuật cho đạn chống tăng chống giáp phản ứng nổ (ĐCT-7, ĐCT-29), đạn pháo tàu AK630 và AK176, đạn nhiệt áp TBG-7V, bom phóng RGB-12; chế tạo cụm mồi B-287; chế tạo thuốc nổ cho đầu nổ Kh-35E; chế tạo các loại thuốc phóng, thuốc nổ, thuốc hỏa thuật và chi tiết cho tên lửa TL-01, xây dựng các quy trình phân tích, đánh giá chất lượng 13 loại hóa chất đặc biệt phía Nga không chuyển giao,... được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Viện tiếp tục khai thác hiệu quả các trang thiết bị mới được đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các chương trình nghiên cứu, chế tạo nguyên liệu đầu dùng cho sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ, nhiên liệu tên lửa và hỏa thuật; sáng tạo các hướng nghiên cứu để nâng cao uy lực thuốc phóng, thuốc nổ, nhiên liệu tên lửa thể rắn cho các loại vũ khí mới, như: đạn chống tăng thế hệ mới, đạn chống giáp phản ứng nổ, đạn nhiệt áp, các loại đạn đặc chủng cho hải quân, phòng không - không quân; nghiên cứu, sản xuất giáp phản ứng nổ thế hệ 3,... đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng trong Quân đội.

Đại tá, ThS. NGUYỄN HỒNG SƠN, Viện trưởng
____________

1 - Từ năm 2012 đến 2017, Viện có 35 sáng kiến được công nhận, trong đó: 3 công trình đạt giải VIFOTEC; 7 công trình đạt giải “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”; 17 sáng kiến được Bằng khen cấp Bộ Quốc phòng và Tổng cục.

2 - 8 mác thuốc phóng dùng cho đạn pháo, gồm: 9/7MNF cho đạn 155mm; 8/1UGF cho đạn 152 D20; 12/1UG và 12/7 cho đạn 122 D74; NDT-3-19/1 cho đạn 152 M47; tấm đột đĩa I cho đạn OG-9 và PG-9; NDSI-2K cho đạn PG-9; BTX-10 cho đạn 122-M30 (K38). 7 mác thuốc hỏa thuật dùng cho các loại ngòi đạn, gồm: MC-1; B11-VN; MC-2; MK-57; CC-7; CC-8.

3 - Các sản phẩm, gồm: thuốc giảm lửa cho đạn 155mm; thuốc nổ DINA; thuốc nổ dẻo C4-VN; liều phóng ngư lôi 53-BA; đạn bắn vỉa khai thác dầu khí; giáp phản ứng nổ thế hệ II; bộc phá ống; quả nổ tạo cột nước; thuốc nổ nhũ tương TNP-1E; lượng nổ huấn luyện các loại.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.