Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 21/07/2023, 06:38 (GMT+7)
Viện Thuốc phóng Thuốc nổ đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ

Là cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu về lĩnh vực vật liệu nổ của Quân đội và quốc gia, Viện Thuốc phóng Thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ, thiết kế, chế tạo các loại thuốc phóng, thuốc nổ, nhiên liệu tên lửa, hỏa thuật phục vụ quốc phòng và kinh tế; đảm bảo công nghệ sản xuất và giải quyết các vướng mắc kỹ thuật liên quan đến vật liệu nổ trong sản xuất quốc phòng. Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện tư vấn, thẩm định các dự án đầu tư; ban hành, thẩm định tài liệu thiết kế, công nghệ liên quan đến vật liệu nổ và thực hiện đo lường, thử nghiệm, giám định các loại vật liệu nổ theo ủy quyền của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; triển khai các hoạt động dịch vụ khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất cho các đơn vị, doanh nghiệp, v.v. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong khi nguồn lực và các yếu tố bảo đảm cho nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, phát triển nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn, v.v. Trước thực tế đó, Viện đã, đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, tạo cơ sở nâng cao chất lượng các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thủ trưởng Viện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Quân đội trong tình hình mới

Trước hết, Viện tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung định hướng phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với thực tế yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong hoạt động khoa học, công nghệ của Viện, nhằm đưa công tác này phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị về công tác khoa học, công nghệ, trực tiếp là Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo” và bám sát định hướng của Bộ Quốc phòng, Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng, Viện tập trung xây dựng, hoàn thiện định hướng khoa học, công nghệ cả trung và dài hạn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung định hướng từng năm, 05 năm, phù hợp với thực tiễn Đơn vị và mục tiêu phát triển công nghiệp quốc phòng. Đến nay, Viện đã xây dựng, bổ sung hoàn thiện Định hướng khoa học, công nghệ số 917/ĐH-TPTN về “Phát triển khoa học, công nghệ của Viện Thuốc phóng Thuốc nổ đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, với các trọng tâm là: tăng cường đầu tư công nghệ, nghiên cứu chế tạo thuốc phóng, thuốc nổ, nhiên liệu tên lửa, hỏa thuật; tập trung vào sản phẩm cho vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, vũ khí công nghệ cao, góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội. Đây là cơ sở căn bản để cấp ủy, chỉ huy các cấp của Viện xây dựng nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thống nhất, đồng bộ; qua đó, giúp cho cán bộ, công nhân viên nắm rõ phương hướng, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, tạo sự chủ động trong triển khai, thực hiện. Đồng thời, là căn cứ để Viện tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, tiến độ thực hiện của các phòng, ban, cơ sở sản xuất, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, cũng như giúp đỡ các đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Trên cơ sở định hướng đã xác định, Viện tập trung đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; trong đó, lấy xây dựng, phát triển nguồn lực con người làm trung tâm. Thực hiện chủ trương đó, Viện thường xuyên rà soát, quy hoạch nguồn nhân lực theo hướng “tinh, gọn, hiệu quả”, cân đối về cơ cấu chuyên ngành, độ tuổi và phù hợp với mô hình hoạt động; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, cán bộ trẻ, cán bộ ở các lĩnh vực nghiên cứu mới và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thuốc phóng, thuốc nổ, hóa chất đặc chủng, v.v. Viện chủ động phối hợp với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội để phát hiện nguồn, tạo nguồn tuyển chọn, bổ sung cán bộ nghiên cứu; ưu tiên đối tượng đào tạo ở nước ngoài, tốt nghiệp loại giỏi. Để nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ, Viện thực hiện đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp giữa bồi dưỡng tại chỗ và cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu ở trong nước và ngoài nước; khuyến khích cán bộ tự học, tự bồi dưỡng theo các nhóm nghiên cứu, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với hoạt động nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ; tăng cường cử cán bộ đi thực tế tại các nhà máy công nghiệp quốc phòng để tích lũy kinh nghiệm. Cùng với đó, Viện thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực vào các vị trí chủ chốt, xây dựng môi trường công tác minh bạch, thân thiện, có nhiều cơ hội phát triển, v.v. Đến nay, cán bộ nghiên cứu của Viện có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 92%; trong đó có 16 tiến sĩ, 06 nghiên cứu viên cao cấp, 11 nghiên cứu viên chính. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt giúp Viện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với xây dựng nguồn lực con người, Viện tích cực huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ theo hướng tự động hóa, đồng bộ, nhằm tăng độ tin cậy, rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực, hiệu quả nghiên cứu, chế thử, chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở định hướng phát triển khoa học, công nghệ và thực trạng hệ thống cơ sở vật chất hiện có, Viện chỉ đạo các cơ quan chức năng, phòng nghiên cứu chuyên ngành tích cực nghiên cứu, đề xuất các phương án mua sắm trang thiết bị mới; cải tiến, nâng cấp hệ thống trang thiết bị hiện có,... làm cơ sở đề xuất với trên các dự án phát triển cơ sở vật chất. Thời gian qua, Viện đã chủ động xây dựng và triển khai Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, chế thử, thử nghiệm của Viện Thuốc phóng  Thuốc nổ” và Dự án “Đầu tư tiềm lực nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm thuốc nổ, hỏa thuật và nhiên liệu tên lửa”. Đến nay, hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành, phòng thí nghiệm Nhà nước Vilas-015 và phòng thí nghiệm vật liệu nổ TC-VN đã được củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa, đưa vào quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả, trực tiếp nâng cao năng lực nghiên cứu, chế thử của Viện. Ngoài ra, Viện còn trích lập, đầu tư kinh phí từ các hoạt động có thu cho nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, củng cố hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ (dây chuyền pilot) phục vụ công tác nghiên cứu, chế thử, v.v. Qua đó, tạo sự đột phá về năng lực nghiên cứu, chế thử, làm chủ công nghệ sản xuất các loại thuốc phóng, thuốc nổ mà nước ngoài không chuyển giao.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chế thử sản phẩm mới

Để công tác nghiên cứu khoa học phát triển rộng rãi, có chiều sâu và thực chất, Viện đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành hoạt động khoa học, công nghệ phù hợp với mô hình hoạt động mới. Quán triệt, thực hiện Quyết định số 823/QĐ-BQP, ngày 19/3/2014 của Bộ Quốc phòng về tổ chức biên chế của Viện Thuốc phóng Thuốc nổ, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh kiện toàn tổ chức lực lượng, Viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hệ thống quy chế, quy định, theo đúng lộ trình chuyển đổi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào đổi mới phương thức điều hành, v.v. Để đảm bảo chặt chẽ và tạo sự linh hoạt, chủ động trong triển khai các đề tài, cùng với thực hiện điều hành tập trung thống nhất của chỉ huy, Viện đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các phòng nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài và các nhóm nghiên cứu, lấy sản phẩm cuối cùng làm tiêu chí đánh giá chất lượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, Viện có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Riêng các ý tưởng, đề tài mới, sáng tạo, khả thi, Viện hỗ trợ cả về tài chính, trang thiết bị và nhân lực, tạo điều kiện tốt nhất để các nhóm nghiên cứu, cá nhân triển khai thực hiện.

Cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Viện đẩy mạnh hoạt động chuyển giao và hợp tác khoa học, công nghệ; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất theo quy trình khép kín: nghiên cứu - chế thử - chuyển giao và nghiên cứu - chế thử - sản xuất. Viện tích cực phối hợp chặt chẽ với các nhà máy trong Quân đội để tổ chức chế thử, thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu trên các dây chuyền của các nhà máy và thực hiện chuyển giao công nghệ cho nhà máy sau khi sản phẩm nghiên cứu thành công, đủ điều kiện sản xuất loạt “O”, sản xuất “loạt”. Mặt khác, Viện đẩy mạnh hoạt động của Xí nghiệp Vật liệu nổ, phát huy hiệu quả các dây chuyền pilot để chế thử, sản xuất các sản phẩm nghiên cứu mà Quân đội chưa có nhu cầu sản xuất lớn, hoặc các nhà máy chưa đủ năng lực công nghệ sản xuất. Để mở rộng các đề tài nghiên cứu, tiếp thu công nghệ mới, phát huy tối đa thế mạnh nghiên cứu chuyên sâu của các đơn vị và chuyên gia, Viện tích cực hợp tác với các đơn vị trong và ngoài Quân đội triển khai các đề tài, chế tạo thiết bị; tổ chức các đoàn khảo sát đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào các hoạt động của Viện.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, định hướng đúng đắn trong hoạt động khoa học công nghệ, từ năm 2018 đến nay, Viện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ; tham gia tích cực, hiệu quả các chương trình, đề án khoa học, công nghệ của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các chương trình hợp tác với Tập đoàn Viettel,… hoàn thành chuyển giao công nghệ sản xuất 10 mác thuốc phóng, thuốc nổ cho các nhà máy; trực tiếp sản xuất 11 sản phẩm và giải quyết dứt điểm các vướng mắc kỹ thuật trong sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn. Đặc biệt, ngoài việc tạo ra sản phẩm áp dụng vào thực tiễn quốc phòng, an ninh, các công trình nghiên cứu của Viện còn tạo ra một loạt các công nghệ mới mà trước đây ta chưa sở hữu, làm chủ, như: sản xuất thuốc phóng 1 gốc thuần hóa, thuốc phóng 1 gốc xốp; nhiên liệu rắn hỗn hợp; thuốc nổ nhiệt áp; nổ định hướng, xuyên lõm; chế tạo một số vật tư kỹ thuật đặc chủng; nhiều pilot công nghệ đã được hình thành, xây dựng phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ, hoàn toàn có thể phát triển thành các dây chuyền sản xuất lớn khi nhu cầu sản phẩm tăng cao.

Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và từ kinh nghiệm tích lũy trong thực tiễn, Viện mạnh dạn chuyển từ phương châm: “Khoa học, thiết thực, an toàn, hiệu quả” sang : “Đổi mới, sáng tạo, an toàn, hiệu quả”; đồng thời, chuyển từ tư duy: “Nghiên cứu theo mẫu” sang “Nghiên cứu thiết kế mới”. Tăng cường đổi mới, sáng tạo, đột phá nghiên cứu các sản phẩm mới; chủ động đề xuất các nội dung nghiên cứu sát với yêu cầu nhiệm vụ trong các đề án theo chương trình Nghị quyết số 08-NQ/TW. Triển khai và đưa vào khai thác hiệu quả các hạng mục của dự án đầu tư tiềm lực nghiên cứu của Viện; khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, tiếp tục củng cố, nâng cao hơn nữa vị thế của Viện trong lĩnh vực đảm nhiệm, góp phần xứng đáng vào việc hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự chủ, hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tá, TS. PHẠM VĂN TOẠI, Viện trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)