Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 26/08/2021, 08:51 (GMT+7)
Trường sĩ quan Lục quân 2 - 60 năm chặng đường vẻ vang

Trường Sĩ quan Lục quân 2 - Đại học Nguyễn Huệ (tiền thân là Trường Quân chính sơ cấp Quân giải phóng miền Nam) được thành lập ngày 27/8/1961, ra đời, lớn lên giữa lòng chiến trường miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Nhà trường vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, vừa trực tiếp tham gia nhiều trận chiến đấu. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975, Nhà trường cử 2 tiểu đoàn học viên quân sự về mặt trận phía Bắc Sài Gòn tham gia chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng và làm công tác quân quản, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đất nước thống nhất, Nhà trường bắt tay vào ổn định tổ chức, biên chế, thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo theo yêu cầu mới. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Nhà trường vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dài hạn cơ bản 03 năm, 04 năm; vừa đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan các khóa ngắn hạn đáp ứng kịp thời yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, Nhà trường cử đoàn chuyên gia sang giúp đỡ Quân đội Hoàng gia Campuchia xây dựng Trường Lục quân tổng hợp; giúp Bạn mở 04 lớp tập huấn cho hàng trăm cán bộ trung, cao cấp và 9 khóa huấn luyện với hàng nghìn cán bộ sơ cấp ra trường, bổ sung về các đơn vị chiến đấu. Nhiều đồng chí ra trường, về nước công tác đã trở thành cán bộ, giáo viên ưu tú của Quân đội hoàng gia Campuchia.

Tháng 9 năm 1998, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học quân sự gồm các chuyên ngành: binh chủng hợp thành, trinh sát bộ binh, trinh sát đặc nhiệm, hỏa khí đi cùng; hoàn thiện sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, hoàn thiện đại học phân đội, chuyển loại chính trị, văn bằng 2, cao đẳng quân sự cho Bộ Công an; giáo viên quân sự, sĩ quan chỉ huy, sĩ quan trinh sát bộ binh và trinh sát đặc nhiệm cho Quân đội Hoàng gia Campuchia. Ngoài ra, Nhà trường còn được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị cho học viên người dân tộc thiểu số và đối tượng cử tuyển khu vực phía Nam. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Nhà trường đã tích cực hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung dạy học, bảo đảm cân đối, đủ khối lượng kiến thức theo quy định, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, bậc học, sát thực tiễn huấn luyện, chiến đấu. Giai đoạn 1998 - 2010, Nhà trường đào tạo 12 khóa học, với hàng nghìn học viên ra trường, có trên 88% đạt khá trở lên, bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định tốt nhiệm vụ, có trình độ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, huấn luyện, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị.

Ngày 28/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1973/QĐ-TTg về việc thành lập Trường đại học Nguyễn Huệ trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Lục quân 2. Đây là một mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc và công sức phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan - binh sĩ Nhà trường. Đồng thời, khẳng định vị thế của Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc gia, một trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy Tham mưu Lục quân trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học quân sự của Quân đội ta. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Nhà trường quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, xây dựng Nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Đảng ủy, Ban Giám hiệu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Trước hết, Nhà trường chủ động đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo, trọng tâm là đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, theo hướng: giảm lý thuyết, tăng thực hành, diễn tập và huấn luyện dã ngoại; khắc phục tình trạng dạy, học thụ động, nặng về lý luận, không gắn với thực tiễn huấn luyện chiến đấu ở các đơn vị. Hằng năm, Nhà trường tổ chức khảo sát thực tiễn ở các đơn vị, nơi công tác của sĩ quan sau khi ra trường để bổ sung nội dung, chương trình đào tạo sát với yêu cầu thực tiễn; kết hợp linh hoạt giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy khả năng tư duy, tính năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động của người học. Quá trình đào tạo, vận dụng linh hoạt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp; giảng viên làm tốt chức năng người tổ chức, điều khiển, định hướng nhận thức, nghiên cứu, giúp học viên tiếp thu tri thức quân sự mới, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo; tập trung vào những vấn đề cơ bản, thiết thực, đáp ứng chức danh khi ra trường. Tiếp tục thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội”; duy trì chặt chẽ, nghiêm túc chế độ thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát quá trình chuẩn bị, thực hành huấn luyện của các khoa và quá trình học tập, rèn luyện của học viên. Từng bước đổi mới tổ chức thi, kiểm tra theo hướng “đề mở” nhằm tăng khả năng tư duy, vận dụng của người học vào thực tiễn. Thực hiện nghiêm Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời, khắc phục triệt để các yếu kém, khuyết điểm. Nhà trường mở 03 mã ngành mới và xây dựng mới 45 chương trình, điều chỉnh 151 chương trình sát với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bảo đảm tính khoa học, đủ khối lượng kiến thức theo quy định.

Hiệu trưởng Nhà trường kiểm tra huấn luyện dã ngoại (năm 2020)

Thực hiện phương châm: “thiết thực, chất lượng, kịp thời, khả thi, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm”, Nhà trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục để mọi đối tượng có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Phát huy vai trò của cơ quan chức năng và hội đồng khoa học các cấp; xây dựng cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác, phát huy tốt tiềm năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Tăng cường giao lưu, mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học với các học viện, nhà trường và cơ quan khoa học trong toàn quân, các địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Chủ động phối hợp triển khai thực hiện 06 đề tài cấp bộ; 73 đề tài cấp ngành, tỉnh, thành phố; 641 đề tài, sáng kiến, 555 giáo trình, tài liệu cấp trường, cấp cơ sở được đưa vào ứng dụng có hiệu quả trong huấn luyện, quản lý, xây dựng Quân đội, Nhà trường và địa phương vững mạnh. Phối hợp với Trung tâm Thông tin/Bộ Quốc phòng triển khai Dự án Thư viện số giai đoạn 3; chủ trì, phối hợp tổ chức 06 hội thảo khoa học cấp Viện Lịch sử quân sự đạt kết quả tốt. Đẩy mạnh hoạt động thông tin khoa học quân sự, nâng cao chất lượng các loại hình thông tin, báo chí trong Nhà trường, nhất là Tạp chí Khoa học và Chiến thuật; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý, chỉ huy và nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

Nhà trường đặc biệt coi trọng nâng cao chất l­ượng đội ngũ cán bộ, giảng viên và thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh quân sự. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện; duy trì nền nếp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên theo chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ. Nhà trường chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp rà soát, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, giảng viên, làm cơ sở cho việc quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ chủ trì, cán bộ khoa học đầu ngành, giảng viên nòng cốt, giảng viên trẻ có năng lực toàn diện cả về kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp sư phạm, đạo đức, lối sống, phong cách công tác; coi trọng xây dựng cán bộ đầu ngành, cán bộ lãnh đạo khoa, bộ môn, hệ, tiểu đoàn, tạo điều kiện cho đội ngũ này có trình độ chuyên sâu. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tiêu biểu, có đủ tiêu chí trở thành phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú, v.v. Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên Nhà trường có trình độ đại học và sau đại học (sau đại học chiếm 50,46%); có 01 nhà giáo ưu tú, 18 phó giáo sư, 16 giảng viên cao cấp (so với năm 2010, trình độ sau đại học tăng 24,95%, phó giáo sư tăng 90,48%, tiến sĩ tăng 67,39%, thạc sĩ tăng 68,89%). Đi đôi với công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, Nhà trường tích cực cử cán bộ, giảng viên đi thực tế ở các đơn vị, tham quan học tập tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, trong và ngoài nước, để họ có điều kiện nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều năm qua, Nhà trường đã vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tạo nguồn đội ngũ cán bộ, giảng viên; coi trọng lựa chọn học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, cán bộ có năng lực, trình độ học vấn, khả năng phát triển lâu dài,… từ các đơn vị, nhà trường trong và ngoài Quân đội để bồi dưỡng làm giảng viên. Thường xuyên bám sát quy chế, chỉ thị, kế hoạch đào tạo của trên, xây dựng và thực hiện quy chế, kế hoạch tuyển sinh hằng năm chặt chẽ, khoa học; phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, báo, đài của Trung ương và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền tuyển sinh quân sự; coi trọng công tác sơ tuyển ban đầu, cả về lai lịch, chính trị, nguyện vọng bản thân, trình độ văn hóa, sức khoẻ; tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc thi tuyển sinh, báo gọi và tiếp nhận thí sinh trúng tuyển. Nhằm khuyến khích và thu hút thanh niên, quân nhân có phẩm chất, năng lực tốt vào Trường học tập, hằng năm, Nhà trường đều tổ chức gặp gỡ gia đình và trao phần thưởng cho thí sinh có kết quả cao trong các kỳ thi tuyển sinh.

Cùng với đó, Nhà trường đã tích cực đầu tư xây dựng, nâng cấp các trang thiết bị, giảng đường, thao trường theo hướng hiện đại, thiết thực, đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp bảo đảm đủ chỗ ở, khu làm việc của giảng viên, học viên; củng cố nâng cấp hệ thống giảng đường, phòng học theo hướng vừa có phòng học thông thường, vừa có phòng học chuyên dùng, có các thiết bị trợ giúp, như: đèn chiếu, phương tiện nghe nhìn thông dụng và các trang, thiết bị hiện đại (máy tính kết hợp với đèn chiếu, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng, sử dụng mạng internet, sơ đồ, tranh vẽ,...). Hệ thống thao trường, bãi tập được đầu tư xây dựng từng bước hiện đại, chính quy, bảo đảm cho huấn luyện thực hành sát với thực tế chiến đấu. Triển khai xây dựng 06 dự án, với 29 công trình, tổng diện tích hơn 71 nghìn m2, tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng bảo đảm chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt, học tập của bộ đội. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm mang tên Đại học Nguyễn Huệ (2010 - 2020), Nhà trường xây dựng Khuôn viên văn hóa quân nhân, Tượng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, thể hiện lòng tri ân đối với Người Anh hùng “áo vải cờ đào” và lớp lớp cán bộ, giảng viên, học viên đã cống hiến, hy sinh để xây dựng Nhà trường phát triển như ngày nay.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trường Sĩ quan Lục quân 2 - Đại học Nguyễn Huệ tiếp tục nêu cao tinh thần “trung dũng, sáng tạo, đoàn kết, kỷ luật, dạy tốt, học tốt”, tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN NGỌC CẢ, Hiệu trưởng Nhà trường

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.