Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 23/12/2020, 08:45 (GMT+7)
Tăng cường tổng kết và truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo cán bộ hậu cần, tài chính Quân đội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”1. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy đó của Người và quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo, nhất là Chỉ thị số 89/CT-BQP, ngày 04/4/2018 “Về việc tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu gắn với công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Học viện Hậu cần đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, truyền thụ kinh nghiệm, gắn kết chặt chẽ lý luận với thực tiễn, xác định đây không chỉ là phương châm, nguyên tắc, mà là một nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục, đào tạo.

Gần 70 năm thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, Học viện luôn coi trọng gắn lý thuyết với thực hành, hướng ra tiền tuyến, hướng về đơn vị, bám sát thực tiễn công tác hậu cần, tài chính để bổ sung, phát triển, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo và đổi mới phương pháp dạy học. Những năm gần đây, trước sự phát triển của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo, Học viện đã kịp thời nghiên cứu điều chỉnh, đổi mới đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo theo hướng “cơ bản, chuyên sâu”, “tinh giản, hiện đại, thiết thực”, đảm bảo liên thông giữa các bậc học, rút ngắn một cách hợp lý thời gian lên lớp, tăng thời gian thực hành, tập bài, thực tập và tự học, tự nghiên cứu. Cập nhật vào nội dung đào tạo những vấn đề mới về đường lối quân sự, quốc phòng, sự phát triển của khoa học, nghệ thuật quân sự, thực tiễn công tác hậu cần Quân đội, kiến thức về quản lý kinh tế, tài chính trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; cử cán bộ, giảng viên đi thực tế ở đơn vị,… đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ hậu cần, tài chính theo chức vụ gắn với đào tạo học vấn. Cùng với đó, Học viện đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng, thực hiện dạy học nêu vấn đề, lấy người học làm trung tâm, khắc phục tình trạng truyền đạt kiến thức một chiều, thụ động. Đồng thời, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng đề cao năng lực thực hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn, thúc đẩy học viên phát triển năng lực tư duy, kỹ năng làm việc.

Quá trình thực hiện, Học viện luôn bám sát quan điểm “Đảm bảo sự đồng bộ giữa trang bị kiến thức lý luận với thực hành; coi trọng tổng kết, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, chiến đấu, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Theo đó, hoạt động tổng kết, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn công tác hậu cần, tài chính đã được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc với nhiều hình thức phong phú. Học viện chỉ đạo tăng cường nghiên cứu khoa học, biên soạn và xuất bản hàng trăm đầu tài liệu lịch sử ngành Hậu cần Quân đội và tổng kết công tác hậu cần bảo đảm cho các chiến dịch, trận đánh điển hình trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành, tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, qua đó đúc rút, bổ sung nhiều kinh nghiệm thực tiễn có giá trị vào kho học liệu phục vụ công tác huấn luyện. Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, tư liệu về công tác hậu cần quân đội các nước cũng được coi trọng, đẩy mạnh. Học viện yêu cầu các khoa giáo viên xây dựng bài giảng bám sát mục tiêu, chương trình đào tạo, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa trang bị kiến thức lý luận cơ bản với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng mục tiêu phát triển kỹ năng, tư duy sáng tạo cho người học theo định hướng “Nhà trường gắn liền với chiến trường, hướng về đơn vị”. Ngoài tổ chức huấn luyện cơ bản, Học viện còn mời các nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành, cán bộ đang công tác tại các cơ quan hậu cần cấp chiến dịch, chiến lược, các nhân chứng lịch sử tham gia giảng dạy, nói chuyện chuyên đề khoa học, truyền thụ kinh nghiệm công tác bảo đảm hậu cần chiến đấu và định hướng kế thừa, vận dụng, phát triển phù hợp với yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt2.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổng kết thực tiễn, truyền thụ kinh nghiệm trong giáo dục, đào tạo của Học viện còn những mặt hạn chế. Công tác nghiên cứu tổng kết của một số chuyên ngành còn ít. Số lượng tài liệu, đề tài tổng kết chiến tranh chưa nhiều, chất lượng chưa sâu; phần lớn tập trung nghiên cứu kinh nghiệm, bài học thành công, ít đề cập đến những bài học, kinh nghiệm chưa thành công. Việc khai thác các chiến lệ, kinh nghiệm tổng kết thực tiễn vào bài giảng của một số giảng viên thiếu linh hoạt, nặng về tái hiện diễn biến sự kiện, tính khái quát chưa cao, chưa rút ra quy luật, bản chất của vấn đề để định hướng vận dụng, kế thừa, phát triển. Một bộ phận học viên chưa nhận thức đúng và coi trọng việc nghiên cứu, lĩnh hội kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng chỉ huy, chỉ đạo, quản lý công tác hậu cần, tài chính sau khi ra trường.

Trong những năm tới, Học viện tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, thực hiện phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”, nhằm “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công tác hậu cần, tài chính Quân đội. Để hiện thực hóa mục tiêu đã xác định, Học viện tiếp tục triển khai toàn diện các mặt công tác, khâu đột phá; chú trọng đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học bằng những giải pháp đồng bộ.

Phát huy kết quả đã đạt được, Học viện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 89/CT-BQP của Bộ Quốc phòng và phương châm, nguyên tắc trong giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên về vị trí, tầm quan trọng của công tác tổng kết, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác này. Học viện yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp đề cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng công tác tổng kết kinh nghiệm thực tiễn phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, nghiên cứu khoa học. Tiếp tục triển khai các biện pháp  đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn tài liệu, đề tài lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, kịp thời bổ sung nguồn học liệu phục vụ công tác huấn luyện gắn với đổi mới hình thức, phương pháp truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, khắc phục triệt để hiện tượng “giảng chay”, lý luận đơn thuần.

Để thực hiện tốt điều đó, Học viện tập trung xây dựng, bồi dưỡng nâng cao tư duy, năng lực của cán bộ, giảng viên thực hiện công tác nghiên cứu tổng kết. Chú trọng định hướng, chỉ đạo mở rộng đối tượng, phạm vi nghiên cứu, làm sáng tỏ kinh nghiệm, thực tiễn công tác hậu cần, tài chính phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, nhất là trong xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ, bảo đảm hậu cần cho tác chiến bảo vệ biển, đảo và các hình thái chiến tranh mới, v.v. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy; quản lý chặt chẽ chất lượng bài giảng, đảm bảo tính đồng bộ giữa trang bị kiến thức lý luận cơ bản với truyền thụ kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp cho học viên; tăng cường trao đổi, thảo luận và thực hành tập bài, huấn luyện ngoại khóa, viết bài luận, thu hoạch, phù hợp với chuyên ngành đào tạo để học viên vững vàng cả về lý luận và năng lực thực tiễn, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên, trọng tâm là nâng cao chất lượng đề thi, kiểm tra theo hướng đề cao năng lực thực hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn; thực hiện đa dạng các hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả, phù hợp với từng môn học, đối tượng đào tạo. Tăng cường hoạt động thỉnh giảng, mời các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan nghiệp vụ cấp chiến lược, chiến dịch về giảng dạy, nói chuyện chuyên đề để bồi dưỡng, bổ sung kiến thức thực tiễn cho cán bộ, giảng viên, học viên.

Nhằm thực hiện tốt phương châm “Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, “Nhà trường gắn với đơn vị”, Học viện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị trong toàn quân để nắm tình hình, thu thập thông tin, trao đổi, học tập kinh nghiệm, cập nhật thực tiễn công tác hậu cần, tài chính, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng. Tích cực đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác hệ thống mạng truyền số liệu quân sự gắn với triển khai hình thức học tập, tìm kiếm thông tin mới, sử dụng có hiệu quả kho học liệu số phục vụ nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu. Ưu tiên ứng dụng công nghệ mô phỏng, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và củng cố, hiện đại hóa trang bị của các giảng đường, phòng học chuyên dùng, phòng học đa năng, phòng thực hành, thí nghiệm của các chuyên ngành, sở chỉ huy diễn tập, thư viện số, thư viện điện tử, thao trường tổng hợp,... tạo nền tảng để thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp dạy học trực quan, giới thiệu chiến lệ, v.v. Đặc biệt, Học viện đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng; tăng cường cử cán bộ, giảng viên đi thực tế chức trách ở đơn vị để trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực toàn diện, thực sự là người thầy cả về lý luận và thực tiễn.

Nhận thức đúng vai trò của công tác tổng kết, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển lý luận, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần, tài chính Quân đội, Học viện Hậu cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác quan trọng này, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Thiếu tướng, PGS, TS. PHAN TÙNG SƠN, Phó Giám đốc Học viện Hậu cần
________
___________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 95.

2 - Kết quả các khóa đào tạo gần đây, 77% học viên tốt nghiệp khá, giỏi. Qua khảo sát có 95,7% học viên đào tạo cấp trung, sư đoàn và 94,8% học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ra trường hoàn thành khá, tốt chức trách, nhiệm vụ.

Ý kiến bạn đọc (0)