Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 16/12/2014, 20:15 (GMT+7)
Sư đoàn 395 “đoàn kết, luyện giỏi”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Ngày 26-12-1974, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 222/QĐ-QP thành lập Sư đoàn 325B (tiền thân của Sư đoàn 395, Quân khu 3 ngày nay). Trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã đoàn kết phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn thử thách, hoàn thành tốt chức năng của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, xây dựng nên truyền thống, “Đoàn kết, tiến công, luyện giỏi, đánh thắng”.

Cán bộ Tiểu đoàn 18 Thông tin (Sư đoàn 395), phổ biến kinh nghiệm cuộn
và rải dây thông tin hữu tuyến. 
(Ảnh: qdnd.vn)   

Những ngày đầu thành lập, nằm trong đội hình của Lực lượng vũ trang Quân khu Tả Ngạn (nay thuộc Quân khu 3), mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, trang bị, nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 1975, Sư đoàn đã tuyển quân và tổ chức huấn luyện được hơn 17.500 tân binh, kịp thời bổ sung cho các đơn vị trên chiến trường miền Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bước sang thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn được giao nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng trên địa bàn vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Quán triệt và thấu suốt nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) của Sư đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia mở đường, khai hoang, quai đê lấn biển, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, phát huy tinh thần tự lực tự cường, tích cực tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu của đơn vị và giao nộp vượt chỉ tiêu được giao. Khi cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc xảy ra, CB,CS của Sư đoàn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất, kề vai sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương, kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Từ năm 1986, Sư đoàn có nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Nhận thức rõ nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung phát huy truyền thống, xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu.

Thực tiễn trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Sư đoàn cho thấy, đoàn kết, thống nhất cao không chỉ là truyền thống mà còn là một trong những yếu tố quyết định giúp Sư đoàn vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự đoàn kết, thống nhất đó được xây dựng trên cơ sở quán triệt, nắm vững và thực hiện nghiêm túc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ đó, xây dựng cho CB,CS Sư đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thống nhất cao về ý chí và hành động “toàn Sư đoàn một ý chí”.

Hiện nay, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đang tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đảm bảo cho CB,CS có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; qua đó, rèn luyện ý chí quyết tâm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.  Để thực hiện điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn xác định vấn đề quan trọng trước hết là xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao trong Thường vụ, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp, làm cơ sở xây dựng sự đoàn kết trong Đảng bộ và toàn đơn vị; coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ, xây dựng tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Chỉ thị 317-CT/QUTƯ của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Trong đó, các đơn vị chú trọng học tập và xây dựng sức mạnh đoàn kết theo lời dạy của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công” và tinh thần tự lực tự cường, rèn luyện ý chí phấn đấu vươn lên giành kết quả cao nhất trong huấn luyện, SSCĐ. Tổ chức đảng các cấp luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng và phát huy vai trò của đảng viên đối với việc khắc phục hiện tượng hữu khuynh trong tự phê bình và phê bình, cũng như hiện tượng độc đoán, mất dân chủ trong công tác lãnh đạo, chỉ huy.

Cùng với tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đơn vị, Sư đoàn còn chú trọng xây dựng mối đoàn kết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn đóng quân, thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”. Các chỉ tiêu, biện pháp thực hiện công tác dân vận được lồng ghép trong các chỉ tiêu, yêu cầu của các cuộc vận động, phong trào thi đua do Quân đội và đơn vị phát động, như: Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Phong trào thi đua: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, v.v. Những năm qua, Sư đoàn đã tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa mới, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là, trong giai đoạn làm nhiệm vụ sản xuất kinh tế (5-1975 – 5-1978), Sư đoàn đã đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhân dân  trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ở các huyện Quảng Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ (Quảng Ninh) bám trụ, ổn định sản xuất; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện các chương trình, dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống no ấm cho hàng chục nghìn người dân, trong đó phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế đã chứng minh, hoạt động dân vận đã mang lại hiệu quả toàn diện cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh..., góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các đơn vị của Sư đoàn với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Mặt khác, sự đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân địa phương đã tạo nên thế và lực mới, tạo sức mạnh tổng hợp để Sư đoàn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi Sư đoàn phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó, “luyện giỏi” để nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu là một nội dung hết sức quan trọng. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Sư đoàn đã tăng cường sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Nghị quyết chuyên đề 41-NQ/ĐU về nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo của Đảng ủy Sư đoàn đã chỉ rõ: “Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết 765-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương, bám sát nhiệm vụ của Sư đoàn, chủ động, sáng tạo lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, làm cơ sở nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ của Đơn vị”. Theo đó, các đơn vị đã xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, tập trung giáo dục cho CB,CS nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác huấn luyện, SSCĐ. Trên cơ sở đó, xây dựng cho bộ đội có ý chí quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu “luyện giỏi” để nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu của đơn vị.

Trong huấn luyện, Sư đoàn luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; tập trung nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội; coi trọng huấn luyện hiệp đồng binh chủng; đồng thời, chú trọng rèn luyện hành quân xa, mang vác nặng. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới, Sư đoàn coi trọng rèn luyện, nâng cao khả năng chiến đấu của bộ đội trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tổ chức huấn luyện, diễn tập; tích cực cải tiến các loại thiết bị mô phỏng, mô hình, học cụ huấn luyện. Cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện được đổi mới theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, phân rõ trách nhiệm của cơ quan, người chỉ huy các cấp. Công tác hội thi, hội thao được duy trì thành nền nếp, kết hợp với thực hiện tốt các chỉ tiêu của các phong trào thi đua, như: “huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm”, “Tháng xung kích quyết thắng, lập thành tích chào mừng ngày hội lớn”, v.v. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả huấn luyện được duy trì nghiêm túc, thực hiện tốt “3 thực chất, 5 không”1; kết hợp với khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, như: tư tưởng chủ quan, ngại khó, ngại khổ hoặc chạy theo bệnh thành tích; tính gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao; hiện tượng trung bình chủ nghĩa trong huấn luyện, rèn luyện, v.v. Vì thế, trình độ tổ chức chỉ huy, năng lực quản lý, điều hành huấn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng tiến bộ; chất lượng huấn luyện của các đơn vị không ngừng được nâng lên. Hằng năm, các đơn vị đều hoàn thành 100% nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện cho các đối tượng; quân số tham gia đạt trên 98%; cán bộ huấn luyện theo phân cấp đạt 100%; trong đó, có trên 90% cán bộ tiểu đoàn và trên 80% cán bộ đại đội, trung đội đạt khá, giỏi; kiểm tra các nội dung huấn luyện phân đội, có trên 85% đạt khá, giỏi. Trong huấn luyện chiến thuật, diễn tập, các đơn vị luôn coi trọng rèn luyện khả năng cơ động chiến đấu trên các địa bàn được giao; kết hợp diễn tập với thực hiện chế độ báo động chuyển trạng thái SSCĐ, tăng cường luyện tập theo phương án, kế hoạch tác chiến. Trên địa bàn đóng quân, các đơn vị còn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương tham gia giải quyết, xử lý tốt các tình huống về quốc phòng - an ninh đúng chức năng, nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; tích cực tham gia phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, tìm kiếm, cứu nạn,... được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.

Công tác xây dựng nền nếp chính quy của Sư đoàn hướng vào việc tạo sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động của mọi quân nhân “cả Sư đoàn thành một khối thống nhất”, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ và chiến đấu của đơn vị. Trong đó, Sư đoàn tập trung trước hết vào rèn luyện ý thức chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và điều lệnh, kỷ luật của Quân đội; qua đó, giáo dục cho CB,CS tự giác chấp hành kỷ luật và các quy định an toàn khi tham gia giao thông. Công tác quản lý bộ đội được tăng cường theo hướng đẩy mạnh phân cấp; coi trọng hành động nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp. Vì thế, số vụ vi phạm kỷ luật năm đều giảm; số cơ quan, đơn vị đạt vững mạnh toàn diện tăng so với chỉ tiêu. Nhiều đơn vị không có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Phát huy truyền thống “đoàn kết, tiến công, luyện giỏi, đánh thắng” và kết quả đã đạt được trong 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, CB,CS Sư đoàn 395 tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, tăng cường đoàn kết, thống nhất cao, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGUYỄN QUANG NGỌC, Sư đoàn trưởng
___________________

1 - 3 thực chất: 1. Lên lớp thực chất; 2. Ôn luyện thực chất; 3. Kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện thực chất; 5 không: 1. Không xảy ra quân phiệt; 2. Không có đơn, thư vượt cấp; 3. Không sử dụng quân số sai quy định; 4. Không để mất an toàn; 5. Không vi phạm chế độ, tiêu chuẩn của bộ đội.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.