Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 04/12/2020, 08:55 (GMT+7)
Quản lý mối quan hệ xã hội của quân nhân ở Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 574

Những biến đổi về kinh tế, xã hội của đất nước đã và đang tác động nhiều chiều đến mỗi quân nhân, đặt ra nhiều vấn đề trong việc nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của họ. Là đơn vị binh chủng chủ lực của Quân khu 5, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ đột xuất khác, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 574 luôn tăng cường nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân, với những nội dung, giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đây là nội dung quan trọng, đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong công tác xây dựng chính quy, quản lý tư tưởng, rèn luyện kỷ luật của Lữ đoàn.

Với chủ trương đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, nhất là cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp trong quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Những vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, chi bộ và kế hoạch kiểm tra cán bộ, đảng viên hằng năm. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn phát huy tốt trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng; chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện quan liêu, buông lỏng lãnh đạo, khoán trắng việc quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân cho đơn vị cơ sở. Lữ đoàn tích cực bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân; khắc phục hiện tượng chủ quan, đơn giản, chỉ thấy tư cách quân nhân, dẫn đến tuyệt đối hóa các hình thức quản lý hành chính quân sự mà không thấy tư cách công dân của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị; duy trì thành chế độ, nền nếp chỉ đạo, kiểm tra trong việc nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân để kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề nảy sinh, tháo gỡ vướng mắc, uốn nắn, chấn chỉnh nhận thức lệch lạc. Phát huy vai trò của cơ quan chính trị, Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ; nhanh chóng xử lý triệt để các tình huống nảy sinh trong giải quyết các mối quan hệ xã hội của quân nhân theo phân cấp, không để diễn biến phức tạp.

Chỉ huy Lữ đoàn trò chuyện cùng chiến sĩ

Trong thực hiện, Lữ đoàn chú trọng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các hình thức nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân phù hợp với từng đối tượng và loại hình cơ quan, đơn vị. Quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân được các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa trong việc quản lý đảng viên, cán bộ, chiến sĩ theo chức trách, nhiệm vụ; thông qua sinh hoạt tự phê bình, phê bình trong các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, đơn vị, hội đồng quân nhân; được lồng ghép trong thực hiện các cuộc vận động và phong trào Thi đua Quyết thắng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, v.v. Qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ tự điều chỉnh hành vi trong giao tiếp, ứng xử với các mối quan hệ xã hội đúng với chuẩn mực đạo đức quân nhân và quy định trong Quân đội, đơn vị. Định kỳ, vào các thời điểm sơ kết, tổng kết, bình xét giữa năm, cuối năm, Lữ đoàn cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí để đánh giá các mối quan hệ xã hội của quân nhân gắn với tình hình, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Để hiểu rõ hơn gia cảnh và các mối quan hệ xã hội của quân nhân, trên cơ sở các quy định chung về khai thác sổ quân nhân, bổ sung lý lịch cán bộ, đảng viên,… Lữ đoàn còn có những quy định cụ thể đối với cơ quan, đơn vị thực hiện đăng ký, báo cáo về bản thân, gia đình, bạn bè, các mối quan hệ trên địa bàn đóng quân, gắn với từng hoạt động cụ thể. Kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức; sinh hoạt các tổ chức với tự phê bình và phê bình của quân nhân. Thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý chặt chẽ phương tiện kết nối internet, các tài khoản mạng xã hội của quân nhân; duy trì nghiêm quy định về việc sử dụng điện thoại của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Để nắm bắt thông tin kịp thời, hiệu quả, ngoài việc phát huy vai trò của cấp ủy viên phụ trách, đội ngũ chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận,… Lữ đoàn thực hiện công khai số điện thoại của cán bộ chủ trì các cấp để cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền kịp thời phản ánh các sự việc xảy ra, nắm bắt dư luận quân nhân. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, địa phương và đơn vị trong quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân; thiết lập mối quan hệ với gia đình quân nhân thông qua trao đổi bằng điện thoại, mạng xã hội. Tăng cường mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân nơi đóng quân; gắn xây dựng đơn vị an toàn với địa phương, địa bàn đóng quân an toàn, khu dân cư văn hóa, tạo hành lang thuận lợi trong quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân.

Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng thực hiện phân cấp trong nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Cấp đại đội, có trách nhiệm quản lý các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền; tập trung giáo dục, định hướng các mối quan hệ lành mạnh, xây dựng ý thức đúng với các nhu cầu về quan hệ giao tiếp, quy định nội dung, phạm vi, quan hệ với gia đình, người thân và với nhân dân địa phương nơi đóng quân cho cán bộ, chiến sĩ, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng các quan hệ tốt trong đơn vị. Đồng thời, thường xuyên phân tích, đánh giá và quản lý chặt chẽ mối quan hệ của từng cán bộ, chiến sĩ; kết luận rõ, thực chất các mối quan hệ, nguyên nhân và dự báo chiều hướng phát triển của từng mối quan hệ, để định hướng nhận thức tư tưởng, ngăn chặn kịp thời những quan hệ thiếu lành mạnh, hạn chế tối đa những tác động của nó đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ. Cấp tiểu đoàn và cơ quan có trách nhiệm quản lý tình hình mọi mặt của các đối tượng thuộc quyền; tập trung nắm, quản lý mối quan hệ xã hội của đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp và những chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Với đặc thù hơn 60% quân số là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị tập trung quản lý mối quan hệ của từng người với gia đình, bạn bè, với nhân dân địa phương nơi đóng quân thông qua hoạt động quản lý của hệ thống tổ chức đảng và chính quyền; qua tự báo cáo, tự kiểm điểm, hội ý giao ban, hoặc qua việc tham gia đóng góp ý kiến, dư luận của quần chúng, v.v. Đối với chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, có nhận thức, tâm lý cá biệt, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị tăng cường nắm điều kiện, hoàn cảnh của từng người, phân công cán bộ có uy tín thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu cặn kẽ các mối quan hệ; kịp thời động viên, giúp đỡ, có biện pháp giáo dục, thuyết phục, định hướng, giúp họ tránh xa những mối quan hệ xã hội không lành mạnh. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn có trách nhiệm quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Để nắm chắc mối quan hệ xã hội của đội ngũ cán bộ này, Lữ đoàn phát huy tốt vai trò của cấp ủy các cấp; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức quản lý cán bộ, đảng viên. Tùy vào từng thời điểm, nhiệm vụ, điều kiện hoạt động của cơ quan, đơn vị mà xác định nội dung, phương thức quản lý sát với từng loại đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, cán bộ quản lý tài chính, hậu cần, cán bộ thường xuyên thực hiện nhiệm vụ độc lập, ngoài doanh trại.

Nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, quản lý đa chiều các mối quan hệ xã hội của quân nhân, Lữ đoàn tập trung phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân các cấp. Chỉ đạo cơ quan chính trị tăng cường hướng dẫn ban chấp hành đoàn thanh niên, phụ nữ các cấp đổi mới nội dung, hình thức quản lý đoàn viên, hội viên; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý các mối quan hệ xã hội của đoàn viên, hội viên với quản lý việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh và kỷ luật. Hội đồng quân nhân các cấp phát huy tốt dân chủ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến với lãnh đạo, chỉ huy trong giải quyết các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ và giữa các quân nhân; xây dựng tình đồng chí, đồng đội thân thiết, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong đơn vị. Trên cơ sở đó, tạo mối quan hệ xã hội lành mạnh, góp phần tạo nên sức mạnh hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Lữ đoàn tích cực nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các cách thức, phương pháp báo cáo, tổng hợp cả trực tiếp và gián tiếp, thường kỳ và đột xuất; cung cấp những thông tin cơ bản, cần thiết và quan trọng để phân tích, đánh giá và quản lý quan hệ của quân nhân được chính xác. Lữ đoàn yêu cầu nội dung báo cáo phải toàn diện, bao gồm tất cả mối quan hệ của quân nhân trong và ngoài đơn vị; phản ánh rõ, cụ thể mối quan hệ của từng quân nhân với gia đình, người thân với nhân dân và chính quyền địa phương nơi đóng quân, cư trú. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, phản ánh từ dưới lên trong giao ban, hội ý hằng ngày; đồng thời, quy định cụ thể chức trách, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cấp trong việc nắm và xác minh tính xác thực của nội dung báo cáo, phản ánh.

Đi liền với đó, Lữ đoàn có nhiều biện pháp nhằm phát huy tính tích cực tự giác, rèn luyện của mỗi quân nhân. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của quân nhân về pháp luật, điều lệnh, các quy định của Quân đội, Quân khu, đơn vị; tổ chức học tập các chuyên đề chính trị hằng năm nhằm định hướng, cảnh báo các nguy cơ, tệ nạn xã hội có thể xâm nhập vào đơn vị; nâng cao bản lĩnh, kỹ năng tạo lập và giải quyết các mối quan hệ xã hội trong quá trình công tác, sinh hoạt tại đơn vị, địa bàn đóng quân và nơi cư trú1. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ chính quy, quy chế trong huấn luyện, thời gian làm việc, học tập, công tác, gắn với xây dựng môi trường văn hóa, bầu không khí dân chủ trong đơn vị.

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả trong nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân đã tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng chính quy, quản lý tư tưởng, rèn luyện kỷ luật của Lữ đoàn. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ vi phạm kỷ luật của quân nhân giảm 0,17%, tỷ lệ đảng viên bị xử lý kỷ luật giảm 0,23% so với 5 năm trước. Đây là tiền đề quan trọng để Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 574 hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đại tá NGUYỄN THANH DŨNG, Chính ủy Lữ đoàn
_________________

1 - Chuyên đề: “Một số biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị cơ sở hiện nay” (năm 2014); Chuyên đề: “Tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng ở cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn” (năm 2017); Chuyên đề: “Tăng cường quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân ở đơn vị cơ sở trong tình hình mới” (năm 2018), v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)