Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 28/04/2020, 16:41 (GMT+7)
Nhà máy Z755 - 45 năm xây dựng và phát triển
Nhà máy Z755 là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh, đơn vị bảo đảm kỹ thuật thông tin cấp chiến lược thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Nhà máy có nhiệm vụ: sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hóa các loại trang bị thông tin liên lạc quân sự và sản xuất vật tư, phụ tùng đồng bộ cho các đơn vị trong toàn quân; đồng thời, tận dụng mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động, Nhà máy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng vững mạnh toàn diện. Từ một cơ sở sửa chữa khí tài thông tin thế hệ cũ cho các đơn vị trên địa bàn phía Nam, đến nay, Nhà máy đã làm chủ được công nghệ sửa chữa, sản xuất trang bị thông tin hiện đại, như: thiết bị thu, phát siêu cao tần của hệ thống thông tin vệ tinh, góp phần xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Nhiều sản phẩm của Nhà máy có thương hiệu trên thị trường, phục vụ tốt cho hoạt động của bộ đội và đời sống dân sinh. Ghi nhận những thành tích đó, Nhà máy được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Có được kết quả đó, trước hết, Nhà máy luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt quan điểm của Đảng về kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và  kinh tế. Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Nhà máy đã tận dụng mọi nguồn lực, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế, như: điện tử - viễn thông, cơ khí,…để tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Nhà máy thường xuyên quán triệt, giáo dục cho cán bộ, công nhân viên, người lao động có nhận thức đúng về quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, tạo sự đồng thuận, phát huy khả năng sáng tạo và sức mạnh đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở kế hoạch dài hạn và từng năm do Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc giao, Nhà máy triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung xây dựng nguồn nhân lực, đổi mới thiết bị, phương pháp quản trị doanh nghiệp, phát huy nội lực để từng bước vươn lên làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị thông tin thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu tác chiến của Quân đội trong môi trường chiến tranh hiện đại. Những năm gần đây, thiết bị, khí tài đưa về Nhà máy sửa chữa đa dạng về chủng loại, qua nhiều năm sử dụng, nhiều loại trước đây nhập của nước ngoài hiện nay đã dừng sản xuất nên không có vật tư, thiết bị thay thế. Phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, sáng tạo, tập thể cán bộ, kỹ sư Nhà máy đã tích cực nghiên cứu nâng cấp, cải tiến, thay thế bằng nguồn vật tư trong nước đạt hiệu quả cao, như: máy phát P50, máy thu chuyên dụng 7512, tổng đài 10JCX, máy thu phát P158. Đặc biệt là máy phát chuyên dụng 91Z sử dụng công nghệ radio định nghĩa bằng phần mềm (SDR) có khả năng làm việc tốt ở môi trường khắc nghiệt vùng biên giới, hải đảo được Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giá cao. Nhà máy đã sản xuất thành công các vật tư, phụ tùng công nghệ cao, như: các loại bảng mạch, hộp mạch, nguồn chuyên dụng Lithium cho viễn thông quân sự; an ten NVIS dùng trong cơ động, môi trường hóa các loại thiết bị thông tin dùng cho biển đảo, v.v. Phát huy thế mạnh về điện tử, cơ khí chính xác và ứng dụng công nghệ thông tin, Nhà máy liên kết với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa các loại thiết bị thông tin quân sự hiện đại, như: hệ thống thông tin vệ tinh quân sự (VSAT), hệ thống thông tin di động quân sự (Radio trunking), tổng đài kỹ thuật số thế hệ mới, các loại máy vô tuyến điện nhảy tần. Đây là sự khẳng định khả năng từng bước chinh phục kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Nhà máy, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành Thông tin Quân sự, tạo điều kiện để Nhà máy chủ động được nguồn phụ tùng thay thế, không phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đảm bảo vững chắc, bí mật, an toàn thông tin. Bên cạnh đó, Nhà máy còn cử hàng chục đoàn cán bộ, công nhân kỹ thuật cao đến các đơn vị cơ sở phía Nam, biên giới, hải đảo, nhà giàn,… bảo dưỡng, sửa chữa tại chỗ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống, được các đơn vị và Binh chủng đánh giá cao.

Đồng bộ thiết bị trên xe cơ động

Những năm gần đây, sản lượng hàng quốc phòng chỉ chiếm từ 50% đến 60% giá trị sản lượng của Nhà máy, vì vậy để đảm bảo việc làm, đời sống cho cán bộ, công nhân viên và tận dụng, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị máy móc cũng như các nguồn lực khác, Nhà máy đã liên kết với Tập đoàn Viettel gia công sản xuất các sản phẩm điện tử - viễn thông có tính lưỡng dụng, như: Bộ nguồn PSC550; vỏ máy vô tuyến điện VRU611, VRH 811/S; vỏ Intercom-A1, Intercom-ĐKX, mang lại hiệu quả cao về quốc phòng và kinh tế. Để đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường, Nhà máy tăng cường nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, có chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, giá cả hợp lý, với nhiều sản phẩm mới phục vụ đời sống bộ đội, dân sinh, nông nghiệp, như: máy Ozone khử độc thực phẩm dùng cho bếp ăn tập thể QS120, QS400, QS600; máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm; gia công, thương mại nhiều sản phẩm điện tử, cơ khí trong lĩnh vực sản xuất ô tô, v.v. Nhờ đó, trình độ chuyên môn, cũng như đời sống người lao động được nâng lên, gắn bó với đơn vị, giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao cho Binh chủng và Quân đội.

Sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực. Đây là nền tảng mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt trong kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu, rộng hiện nay. Hiểu rõ điều đó, Nhà máy đã có những biện pháp đột phá mạnh mẽ nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại lực lượng lao động theo hướng “tinh, gọn, hiệu quả”, phù hợp với mô hình hoạt động, Nhà máy chủ động rà soát, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhân viên, thợ kỹ thuật giỏi, Nhà máy đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện kỹ thuật; gắn huấn luyện toàn diện với chuyên sâu, tập trung vào việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ mới, trang bị hiện đại. Đồng thời, chủ động kết hợp với Tập đoàn Viettel, Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao, Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Thông tin tổ chức các lớp tập huấn về khí tài mới; phối hợp với một số đối tác công nghệ cao đào tạo chuyên môn tại chỗ; tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật đi đào tạo tại chức, đào tạo ở nước ngoài; coi trọng đào tạo thông qua thực tiễn và tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, Nhà máy còn liên kết với Trường Đại học Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh,... lựa chọn các sinh viên của chương trình đào tạo kỹ sư tài năng, có khát vọng cống hiến về thực tập tại Đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để các em phát triển năng lực, nhiều sinh viên khi ra trường đã về công tác tại Nhà máy. Để giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh việc làm tốt công tác tư tưởng, Nhà máy còn có chế độ ưu đãi xứng đáng, mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ vào các vị trí quan trọng. Đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Nhà máy đã có sự phát triển toàn diện, với hơn 61% có trình độ kỹ sư trở lên, đủ khả năng quản lý, khai thác các trang bị hiện đại và làm chủ công nghệ mới, tích cực nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong 5 năm gần đây, Nhà máy có khoảng 200 đề tài khoa học; trong đó, 20 đề tài được trao giải “Tuổi trẻ sáng tạo” cấp toàn quân và cấp binh chủng, được ứng dụng vào thực tiễn làm lợi cho Đơn vị hàng chục tỷ đồng.

Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang, thiết bị, theo hướng đi tắt đón đầu là một trong những giải pháp được Nhà máy quan tâm thực hiện. Cùng với đầu tư của trên thông qua các dự án, như: “Đầu tư công nghệ sửa chữa và sản xuất trang bị thông tin quân sự thế hệ mới”, “Đầu tư mở rộng”, Nhà máy đã huy động nguồn lực tự có để mua sắm một số trang bị công nghệ mới, như: hệ thống thiết bị đo lường của các hãng máy đo Mỹ, Đức; dây chuyền lắp ráp bảng mạch của Thụy sĩ, thiết bị thử nghiệm môi trường của Hàn Quốc, các phần mềm thiết kế, mô phỏng, các thiết bị gia công cơ khí chính xác CNC của Châu Âu, Đài Loan. Từ đó, tạo ra các đột phá trong nghiên cứu, sửa chữa và sản xuất. Hàng loạt các sản phẩm công nghệ cao đã được Nhà máy nghiên cứu chế tạo thành công, như: thiết bị thu phát siêu cao tần BUC, LNB băng C và băng Ku cho hệ thống VSAT, các Card mạch trong nhiều thiết bị vô tuyến điện quân sự, tổng đài điện tử; quy chuẩn các loại máy đo lường ngành điện, điện tử, v.v. Hạ tầng cơ sở nhà xưởng, nhà điều hành, hệ thống xử lý chất thải, phòng, chống cháy nổ cũng được đầu tư bài bản, bảo đảm tốt môi trường làm việc. Nhà máy còn đẩy mạnh việc hợp tác liên kết tham gia đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh,... các cơ sở khoa học - công nghệ trên địa bàn, kịp thời nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu nâng cấp công nghệ. Kết quả đó, đã tạo động lực to lớn, làm chuyển biến tích cực thái độ, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, người lao động; tăng năng suất sản xuất và năng lực nghiên cứu.

Nhà máy cũng đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, tiên tiến. Để làm được điều đó, Nhà máy xây dựng phần mềm quản lý, điều hành ERP, đảm bảo đồng bộ các hoạt động về tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư, quản lý chất lượng sản phẩm và kinh doanh đều được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin. Trên cơ sở áp dụng triệt để các quy định của Tổng Cục Kỹ thuật, Nhà máy tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO9001 đã được triển khai hơn 10 năm nay. Đồng thời, quan tâm xây dựng chiến lược ma-két-tinh, duy trì bạn hàng truyền thống và chủ động mở rộng thị trường mới. Qua trình thực hiện, Nhà máy chú trọng làm tốt công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng; tăng cường quản lý an ninh nội bộ, bí mật quân sự, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, an toàn lao động, v.v.

Thời gian tới, Nhà máy sẽ có sự thay đổi lớn, mang tính đột phá về quy mô, tổ chức lực lượng, cơ chế quản lý khi thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới và quyết tâm cao, Nhà máy Z755 tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, vững bước phát triển, hội nhập, góp phần xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, Ths. ĐẶNG QUANG KHẢI, Giám đốc Nhà máy

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.