Thứ Sáu, 22/11/2024, 19:53 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Những năm gần đây, trước thách thức do sự thay đổi liên tục của công nghệ; vòng đời sản phẩm ngắn; nguồn cung và chi phí nguyên vật liệu phục vụ sản xuất biến động lớn; đối tượng cạnh tranh đa dạng, áp lực gay gắt,… khiến thị trường các mặt hàng truyền thống1 của Nhà máy Z143, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, các yếu tố bảo đảm cho sản xuất của Nhà máy thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị, công nghệ cũ, lạc hậu; kế hoạch sản xuất quốc phòng không ổn định, tỷ trọng giảm (dưới 40% giá trị sản xuất),… ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của cán bộ, công nhân. Trước bối cảnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy quyết tâm đổi mới tư duy, bám sát nhu cầu thị trường, huy động tối đa các nguồn lực về tài chính, công nghệ, con người, tập trung cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, tạo đà “bước ra biển lớn”.
Với nhận thức sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, nên mặc dù chỉ tiêu sản xuất quốc phòng giảm, nhưng Nhà máy luôn ưu tiên nguồn lực, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Đồng thời, tận dụng tối đa năng lực công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo cơ sở để hội nhập, phát triển. Theo đó, Nhà máy chỉ đạo nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của thị trường; đột phá nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng sản phẩm mũi nhọn; thực hiện xuất khẩu trước, chiếm lĩnh thị trường nội địa sau. Phát huy lợi thế về kinh nghiệm, uy tín, thương hiệu trong sản xuất các mặt hàng quân sự, quốc phòng với chất lượng tốt, đặc biệt là độ an toàn thông tin cao, Nhà máy tăng cường quảng bá, giới thiệu năng lực sản xuất và sản phẩm đến nhiều đối tác, nhất là các đối tác nước ngoài, nhằm xây dựng lòng tin, tìm kiếm, mở rộng bạn hàng, phát triển thị trường. Tiến hành rà soát danh mục sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm theo hướng giảm mạnh tỷ trọng hàng dịch vụ nhỏ lẻ, giá trị thấp, tăng tỷ trọng mặt hàng chủ đạo, giá trị cao, sản phẩm được sản xuất theo loạt có tính ổn định,… đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã và thời gian giao hàng. Đồng thời, đầu tư chuyển đổi công nghệ để sản xuất sản phẩm truyền dẫn quang (thay thế dây, cáp truyền dẫn kim loại) và nhiều sản phẩm chiến lược theo nhu cầu dài hạn của thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành viễn thông.
Cùng với đó, Nhà máy đẩy mạnh cải tiến, hợp lý hóa các khâu của quá trình sản xuất, như: bố trí lại mặt bằng nhà xưởng; chuyên môn hóa công việc cho từng bộ phận trong dây chuyền để tiết kiệm thời gian di chuyển của vật tư, bán thành phẩm, sản phẩm; sắp xếp lại lực lượng lao động theo hướng giảm tối đa lao động gián tiếp, phát huy cao nhất sở trường của công nhân,… nâng cao năng xuất lao động. Rà soát, phân loại danh mục vật tư, hàng hóa, tích cực chào hàng, tiêu thụ sản phẩm, kết hợp bán hàng với thu hồi nợ đọng, hạn chế hàng tồn kho, nhanh quay vòng vốn. Đặc biệt, Nhà máy tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và áp dụng thêm phương pháp quản lý 5S; xây dựng, hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn, định mức tiêu hao, hư hỏng cho từng công đoạn; điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng lô hàng, khách hàng, tích cực kiểm tra chất lượng bán thành phẩm ở từng khâu, giai đoạn để khống chế tỷ lệ phế phẩm, v.v.
Để phát huy nguồn lực con người, Nhà máy tăng cường giáo dục, thông tin, tuyên truyền, xây dựng động cơ, quyết tâm cho cán bộ, nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn minh công nghiệp; ban hành quy chế, quy định khen thưởng, kỷ luật và chế độ, chính sách đối với người lao động. Chỉ đạo hệ thống quản lý các cấp đổi mới tác phong, phương pháp lãnh đạo, hạn chế các mệnh lệnh hành chính; mở rộng dân chủ, khuyến khích cán bộ, công nhân tham gia ý kiến vào quá trình ra quyết định, điều hành sản xuất, bảo đảm an toàn lao động,... nhằm phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao trách nhiệm, tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, nhằm tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thực hiện “mua ý tưởng của người lao động”, Nhà máy đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hướng vào phát triển các sản phẩm mới theo yêu cầu thị trường và phát huy hiệu quả, mở rộng năng lực thiết bị2, công nghệ hiện có. Từ năm 2015 đến nay, Nhà máy đã nghiên cứu, hoàn thành 07 nhiệm vụ, đề tài cấp Tổng cục và cơ sở, ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Tiêu biểu, như: hoàn thiện công nghệ sản xuất cáp tín hiệu camera tích hợp dây nguồn 5C-FB.2C; hoàn thiện công nghệ cáp tín hiệu đường sắt; cải tiến hệ thống dây chuyền bọc nhựa S90; sản xuất dây cáp điện năng lượng mặt trời,... làm lợi hàng chục tỷ đồng. Thông qua nghiên cứu đổi mới, làm chủ công nghệ, Nhà máy huy động ngồn vốn kết dư để triển khai các dự án, như: dự án dây và cáp điện chất lượng cao; mua sắm máy móc sản xuất thuê bao quang; phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia; bổ sung máy móc, trang thiết bị cho sản xuất, v.v. Đồng thời, phát triển một số sản phẩm mới, như: dây thuê bao quang; cáp đồng trục; dây thuê bao đồng; dây kíp mìn; tổ hợp dây điện dành cho xe ô tô; một số tổ hợp dây điện dùng cho điện thoại cầm tay, thiết bị di động; cáp điện hạ thế; cáp điện biển,… chất lượng tốt, mẫu mã độc đáo, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ số lượng lớn. Từ năm 2016 đến năm 2020, Nhà máy đã sản xuất, cung cấp cho Quân đội trên 1,2 triệu các loại ống giấy, nắp phòng ẩm bảo quản đạn pháo; gần 52 triệu mét dây và cáp thông tin; bán ra thị trường gần 180 triệu mét dây kíp mìn, 20 triệu mét dây cáp điện, trên 51 triệu mét dây thuê bao quang và trên 10 triệu mét dây điện, v.v. Hiện nay, sản phẩm của Nhà máy luôn có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh được xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Lào, Campuchia và có trên 50 cơ sở, doanh nghiệp lớn trong nước tin dùng; bước đầu chiếm lĩnh thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ.
Để liên tục củng cố sức cạnh tranh, đáp ứng sự biến động mạnh mẽ của thị trường, Nhà máy chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, tay nghề, sức lao động, sự sáng tạo của cán bộ, công nhân. Theo đó, cùng với sắp xếp, bố trí lại công việc theo sở trường, Nhà máy thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng tại chỗ để nâng cao kỹ năng toàn diện, rèn luyện tay nghề cho công nhân. Cách làm chủ yếu là sử dụng đội ngũ cán bộ, công nhân tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và mời thợ giỏi của các nhà máy trong Tổng cục hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng với kiểm tra sản xuất, nghiệm thu chất lượng bán thành phẩm, sản phẩm nhằm rút kinh nghiệm tại chỗ, sửa sai ngay từ đầu. Tổ chức tham quan, học tập tại doanh nghiệp tiêu biểu; các hội thi tay nghề gắn với sản xuất các sản phẩm mới, kiểu mẫu, chất lượng cao để nhân rộng cho mọi công nhân học tập; tăng cường thảo luận, đề xuất các giải pháp kỹ thuật, v.v. Tích cực mời chuyên gia mở các lớp tập huấn cho cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp về công tác quản trị, xây dựng và triển khai các chiến lược sản xuất, kinh doanh, marketing, quản lý, ứng phó với rủi ro, phân tích thị trường,... theo hướng đào tạo chuyên gia, bảo đảm cho quá trình sản xuất kinh doanh bài bản, vững chắc. Trong đó, chuyên gia cùng cán bộ các cấp rà soát, kiểm tra công tác quản lý, quá trình sản xuất, chỉ ra nhược điểm, chi phí vô ích và nghiên cứu cách khắc phục, khả năng phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng của từng công đoạn, dây chuyền. Cách làm đó đã mạng lại hiệu quả cao, tỷ lệ phế phẩm hoặc phải thu hồi, sửa chữa sau sản xuất giảm rõ rệt; năng lực, trình độ, tay nghề, tư duy sáng tạo, độ năng động của cán bộ, công nhân được nâng cao; khâu yếu, mặt yếu của quá trình sản xuất, kinh doanh cơ bản được khắc phục.
Không chỉ phát huy nội lực, Nhà máy nắm bắt xu thế hội nhập, chủ động mở rộng hợp tác sản xuất, kinh doanh để giải quyết khó khăn về công nghệ, nguyên vật liệu, đầu ra cho sản phẩm. Với nhận thức, hợp tác sản xuất là con đường ngắn nhất để đi tới thành công, bảo đảm nguồn cung cho khách hàng; các bên liên kết tận dụng được công suất máy móc dôi dư của nhau, giảm đầu tư cho tài sản cố định; cán bộ, công nhân nhanh chóng nắm được quy trình, bí quyết công nghệ sản xuất - một quá trình đào tạo, bồi dưỡng không mất phí, Nhà máy đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp cung cấp nguyên, vật liệu bảo đảm ổn định nguồn cung, chất lượng tốt. Đồng thời, tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội có uy tín, đủ năng lực, trình độ công nghệ để đặt hàng một số bán thành phẩm, chia sẻ công suất gia công sản phẩm theo đơn hàng của các bên. Nhờ đó, nhiều nhiệm vụ quốc phòng đột xuất được hoàn thành đúng hạn; giải quyết được các rào cản thể chế trong xuất, nhập khẩu, đưa hàng đến thị trường nhiều nước.
Cùng với các giải pháp trên, Nhà máy ban hành và thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện các quy chế quản lý, hoạt động doanh nghiệp cho phù hợp với thực tế; có chính sách đãi ngộ, khuyến khích đội ngũ công nhân lành nghề; hỗ trợ suất ăn theo ca; chăm sóc sức khỏe định kỳ; bảo đảm tốt chế độ làm việc, an toàn lao động cho cán bộ, công nhân; thực hiện tốt Cuộc vận động 50, v.v. Với cách làm đó, Nhà máy đã có bước phát triển vượt bậc về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu Z143 trên thị trường. Từ năm 2016 đến nay, kể cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Nhà máy luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao3. Đó là tiền đề quan trọng để Nhà máy Z143 tiếp tục hội nhập, phát triển.
Thượng tá LÊ VĂN MINH, Giám đốc Nhà máy _____________
1 - Cáp và dây thông tin; phụ kiện, vật liệu viễn thông; dây, cáp dẫn điện; dụng cụ điện và một số sản phẩm nhựa, kim loại, gỗ, v.v.
2 - Từ năm 2015 đến năm 2020, đã nghiên cứu và áp dụng 135 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiêu biểu như: thiết kế, chế tạo đồ gá lắp lô dây JLK-54; chế tạo máy đột lỗ ống giấy; giải pháp kéo dây thép dẻo trên các máy kéo ủ dây đồng; cải tiến công nghệ thu dây thuê bao quang,… thu lợi trên 1,3 tỷ đồng.
3 - Giá trị sản xuất đạt gần 1.417 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 31 tỷ đồng, nộp ngân sách 60 tỷ đồng, tăng trưởng sản xuất 10%/năm, thu nhập đạt gần 10 triệu đồng/người/năm.
Nhà máy Z143,Sản xuất,kinh doanh,Hội nhập
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm