Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 14/05/2012, 03:32 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở Sư đoàn 9

Là Sư đoàn chủ lực, cơ động, làm nhiệm vụ trên một địa bàn quan trọng của Tổ quốc, để bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy (ĐU,CH) Sư đoàn 9 đã có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực; trong đó, đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng (CTTT) trong quản lý bộ đội, góp phần xây dựng Sư đoàn vững mạnh về chính trị, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

alt

Sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ

 

Trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của trên về CTTT, ĐU,CH Sư đoàn đã ra Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu quả CTTT nói chung và CTTT trong quản lý bộ đội nói riêng. Nghị quyết nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả CTTT trong quản lý bộ đội tại đơn vị; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Hằng năm và từng quý, ĐU,CH Sư đoàn đều chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục, định hướng, quản lý, dự báo tư tưởng; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ phản ánh, báo cáo theo phân cấp để kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong đơn vị. Trong nghị quyết hằng quý, hằng tháng, cấp ủy các cấp đều đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTTT; xác định chỉ tiêu, biện pháp, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ đối tượng, nội dung, thời gian tổ chức thực hiện; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình tư tưởng, việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy chế, quy định cũng như nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Qua đó, tham mưu cho ĐU,CH Sư đoàn bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị tiến hành CTTT trong quản lý bộ đội; chỉ đạo các cấp làm tốt công tác sơ kết rút kinh nghiệm, phát hiện những vấn đề nổi cộm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.

alt

Gặp mặt nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3

 

ĐU,CH Sư đoàn đã đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng; coi đây là nội dung quan trọng để xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS); là cơ sở để nâng cao chất lượng CTTT trong quản lý bộ đội ở đơn vị. Theo đó, hằng năm, các đơn vị đều thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng theo đúng quy chế và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Về nội dung, tập trung vào nâng cao nhận thức của CB,CS về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị... ĐU,CH Sư đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vịvận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức giáo dục theo hướng mở, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, sát với tâm lý, trình độ nhận thức của CB,CS; trong đó, chú trọng các hình thức: học tập chuyên đề, thông báo thời sự, sinh hoạt chính trị - tư tưởng, đọc báo, nghe đài, diễn đàn, đối thoại trực tiếp,... Đồng thời, thông qua các hoạt động tham quan, giao lưu kết nghĩa, thực hiện công tác dân vận,... làm cho CB,CS chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tư tưởng và hành động, nâng cao kiến thức văn hóa, xây dựng bản lĩnh chính trị, xác định quyết tâm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Về phương pháp, cấp ủy các cấp đã kết hợp giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục chung với giáo dục riêng theo đối tượng, hoàn cảnh; kết hợp giữa đơn vị, chính quyền, đoàn thể địa phương và gia đình để giáo dục bộ đội. Các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong việc giáo dục, định hướng tư tưởng cho bộ đội. Đặc biệt, những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị của Sư đoàn đã chủ động đầu tư và có nhiều sáng kiến ứng dụng cho công tác giáo dục ở đơn vị, như: sử dụng mô hình, sơ đồ, bảng kẻ phục vụ các bài giảng chính trị; soạn giáo án điện tử và thực hành giảng bằng phương pháp trình chiếu; "vòng quay trí tuệ", "vòng quay thao trường"; Phiếu liên lạc, Thư báo công;... Những sáng kiến đó được Quân đoàn đánh giá cao và phổ biến nhân rộng. Bên cạnh đó, các đơn vị còn phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hoá, như: thư viện, phòng Hồ Chí Minh, Nhà truyền thống, Câu lạc bộ thể thao, Công viên Quân nhân,... tạo sân chơi lành mạnh cho CB,CS, nhất là trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ, tết.

alt

Công viên Văn hóa quân nhân của Trung đoàn 1

 

Nhằm nâng cao hiệu quả CTTT, ĐU,CH Sư đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải vận dụng linh hoạt các hình thức quản lý tư tưởng bộ đội. Việc nắm, quản lý, báo cáo và giải quyết tư tưởng bộ đội theo phân cấp và quyền hạn luôn được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị duy trì có nền nếp. Để thực hiện tốt việc quản lý bộ đội, cán bộ các cấp phải nắm chắc hồ sơ, lý lịch, hoàn cảnh gia đình cũng như các mối quan hệ của quân nhân; nhất là những đồng chí công tác tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật. Khi tiếp nhận chiến sĩ mới, ngoài việc phối hợp cùng địa phương lựa chọn, nắm chắc hồ sơ, lý lịch, lãnh đạo, chỉ huy các cấp còn chú ý nắm về trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức và sức khoẻ, các mối quan hệ của quân nhân qua phần nhận xét đánh giá của gia đình, địa phương. Đồng thời, đối chiếu với “phiếu tự thuật” của chiến sĩ để có biện pháp quản lý chặt chẽ tư tưởng bộ đội. Cùng với đó, các đơn vị đã phân công cụ thể từng đồng chí cấp uỷ viên và ủy viên ban chấp hành các tổ chức quần chúng cùng tham gia công tác, sinh hoạt, học tập hằng ngày với bộ đội để nắm, định hướng và giải quyết tư tưởng bộ đội. Nội dung nắm và quản lý toàn diện, nhưng tập trung vào những vấn đề, như: xu hướng, sở thích, năng khiếu, nhận thức chính trị, thái độ, trách nhiệm với đơn vị, động cơ phấn đấu, rèn luyện; ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống của CB,CS; từ đó tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành CTTT sát, đúng, trúng và hiệu quả. Các đơn vị đã chú trọng các biện pháp, như: thông qua sinh hoạt tổ 3 người, chiến sĩ dân vận, chiến sĩ bảo vệ, tổ đội thanh niên xung kích; thông qua các mối quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ cấp trên, cấp dưới; quan hệ gia đình và quan hệ xã hội; quan hệ chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới để quản lý tư tưởng. Đặc biệt, CTTT còn được thực hiện thông qua hoạt động Ngày chính trị - văn hoá - tinh thần, “Ngày pháp luật” ở đơn vị; qua đó, các đơn vị tổ chức đối thoại, trao đổi cởi mở giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới. Việc làm đó tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong đơn vị, góp phần làm cho tình cảm giữa CB,CS ngày càng được củng cố, gắn bó; đồng thời, giúp cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp có cơ sở để nhận định, đánh giá, dự báo và xử lý những vấn đề tư tưởng phát sinh. Ngoài ra, thông qua nhiều hình thức hoạt động khác, như: câu lạc bộ chiến sĩ; sinh nhật chiến sĩ; giao lưu, kết nghĩa với các tổ chức, đoàn thể địa phương; văn hóa, văn nghệ, thể thao giờ nghỉ, ngày nghỉ... Đồng thời,  thường xuyên gặp gỡ cấp uỷ, chính quyền địa phương và các gia đình quân nhân để thông tin về tình hình đơn vị, các chế độ, quy định của Quân đội, đơn vị; thông báo kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu của từng quân nhân, làm tốt công tác phối hợp giúp lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị kịp thời nắm, quản lý và giải quyết tư tưởng bộ đội.

alt
Thăm hỏi Giáo xứ Bắc Hà, Củ Chi nhân dịp Lễ Giáng sinh 

Cùng với việc thực hiện đồng bộ 5 khâu cơ bản trong quy trình CTTT ở đơn vị, ĐU,CH Sư đoàn hết sức coi trọng thực hiện tốt 5 chủ động1; trong đó, đi sâu vào công tác giáo dục, định hướng, dự báo, phân tích, đánh giá để kịp thời có chủ trương, biện pháp giải quyết tư tưởng bộ đội. Nội dung tập trung vào việc nắm khuynh hướng tư tưởng trong đời sống sinh hoạt thường ngày của bộ đội; niềm tin vào sự nghiệp cách mạng; tính tích cực trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đoàn kết, kỷ luật... Căn cứ vào từng loại hình đơn vị, từng thời điểm, trước những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, như: cơ động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện diễn tập bắn đạn thật; các thời điểm nhạy cảm, như: ngày lễ, tết, tiếp nhận chiến sĩ mới, chiến sĩ chuẩn bị ra quân,... lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, nắm tình hình tư tưởng bộ đội để dự báo và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, không để nảy sinh tư tưởng phức tạp. Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn đã thực hiện có nền nếp, hiệu quả việc “gặp gỡ, giáo dục quân nhân cá biệt” theo quy định 882/QĐ-SĐ của Sư đoàn; nắm chắc quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những quân nhân có tính cách, hành vi, thói quen chưa phù hợp với đời sống quân ngũ, hoàn thành nhiệm vụ thấp, thường xuyên vi phạm kỷ luật. Qua đó, các cấp có biện pháp quản lý, giáo dục cụ thể, phù hợp với từng đối tượng; góp phần ổn định tư tưởng, tạo bầu không khí cởi mở, dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong đơn vị.

Nét nổi bật trong tiến hành CTTT của Sư đoàn trong những năm qua là, các đơn vị đã gắn CTTT với việc duy trì nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; đẩy mạnh các phong trào thi đua; kết hợp chặt chẽ CTTT với công tác tổ chức và công tác chính sách. Để đảm bảo cho mỗi quân nhân và tập thể quân nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, các đơn vị đã duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp quy định, coi trọng xây dựng tinh thần đoàn kết tập thể; gắn CTTT với việc rèn luyện, chấp hành kỷ luật, đẩy mạnh xây dựng chính quy, tạo ý thức tự giác cao cho bộ đội trong học tập, rèn luyện và chấp hành kỷ luật. Các cấp đã coi trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, gắn kết chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hình thành một chỉnh thể thống nhất, bổ sung, làm phong phú quá trình xây dựng, rèn luyện người quân nhân cách mạng. Hoạt động thi đua của Sư đoàn được duy trì có nền nếp, thực sự trở thành đòn bẩy để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng là biện pháp để quản lý và tiến hành CTTT của bộ đội. Việc đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong phong trào Thi đua Quyết thắng, trong các cuộc vận động, nhất là trong huấn luyện chiến sĩ mới, trong những nhiệm vụ đột xuất, khó khăn,…đã được ĐU,CH các cấp quan tâm, tạo nên tâm lý phấn khởi, tinh thần tự giác trong học tập, rèn luyện của bộ đội. Việc xét, đề bạt quân hàm, nâng lương, bổ nhiệm chức vụ, khen thưởng, kỷ luật được Đảng ủy Sư đoàn và cấp ủy các cấp tiến hành đúng quy chế, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai trong đơn vị. Vào các dịp lễ, tết, các cấp thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, làm tốt công tác thăm hỏi, tặng quà đối với gia đình CB,CS có hoàn cảnh khó khăn… Khi gia đình quân nhân gặp hoạn nạn, có người thân lâm bệnh hiểm nghèo, hoặc gia đình có tang, các đơn vị đều tổ chức đến động viên thăm hỏi, giúp đỡ hoặc quyên góp ủng hộ.

Nhờ có chủ trương đúng, với nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo nên CTTT trong quản lý bộ đội ở Sư đoàn 9 đã đạt những kết quả thiết thực, trực tiếp góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của bộ đội; đơn vị không có CB,CS thoái thác nhiệm vụ; các vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường giảm mạnh; đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội được cải thiện... Nhờ đó, Đảng bộ Sư đoàn nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh; năm 2011, Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tặng Cờ  “Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng” và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 Đại tá NGUYỄN VĂN DŨNG

Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn

_________

1 - 5 chủ động: chủ động giáo dục, định hướng tư tưởng; chủ động dự báo tư tưởng; chủ động nắm bắt tư tưởng; chủ động giải quyết tư tưởng; chủ động đấu tranh tư tưởng.

 

Ý kiến bạn đọc (0)