Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 22/05/2017, 07:47 (GMT+7)
Một số kinh nghiệm về nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn Tên lửa 250

Trung đoàn Tên lửa 250 (Sư đoàn Phòng không 361), có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời phía Tây thủ đô Hà Nội, trong điều kiện có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ quân sự, nhất là về phương tiện và phương thức tác chiến đường không, đặt ra cho các đơn vị phòng không - không quân những yêu cầu mới cao hơn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời được giao, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn tập trung phát huy nội lực, triển khai toàn diện các mặt công tác với các giải pháp đồng bộ, khâu đột phá để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu là một nội dung trọng tâm. Từ thực tiễn, Trung đoàn rút ra một số kinh nghiệm sau.

Trước hết, đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, tạo động lực chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Cùng với tổ chức quán triệt cho bộ đội nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, làm cho bộ đội nhận thức đúng tình hình, nắm vững nhiệm vụ của Quân chủng, Sư đoàn, đặc biệt là của Trung đoàn; đồng thời thấy rõ tính chất, đặc điểm, âm mưu thủ đoạn tác chiến đường không vũ khí công nghệ cao của địch, thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Từ đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống trên không, quản lý tốt vùng trời đảm nhiệm. Bên cạnh đó, Trung đoàn coi trọng giáo dục truyền thống của Quân đội, Quân chủng, Sư đoàn và Đơn vị, nhất là những trận đánh điển hình và kinh nghiệm chiến đấu trên mặt trận đối không trong các cuộc kháng chiến vừa qua để cán bộ, chiến sĩ có cơ sở tin tưởng vào thắng lợi với đường lối quân sự của Đảng, vũ khí, khí tài, trang bị hiện có và cách đánh, nghệ thuật tác chiến phòng không của quân và dân ta. Quá trình thực hiện, Trung đoàn kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên và giáo dục theo nhiệm vụ, bằng nhiều hình thức, đa dạng, thiết thực, như: sinh hoạt ngày, tuần của các tổ chức, tọa đàm, trao đổi, hội thi, hội thao,… nhằm nâng cao ý chí quyết tâm, trách nhiệm đối với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.

Cùng với đó, Trung đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý, nắm chắc tư tưởng của bộ đội, kịp thời giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đơn vị. Thời gian qua, Trung đoàn coi trọng đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, nhằm tạo động lực cho việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Huấn luyện Kíp chiến đấu ở Tiểu đoàn 152. (Ảnh: phongkhongkhongquan.vn)

Hai là, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, làm cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Xuất phát từ đặc thù hoạt động thực hiện nhiệm vụ của bộ đội phòng không phải thuần thục kỹ thuật thao tác để khai thác, làm chủ phương tiện khí tài hiện đại, trong điều kiện phức tạp, tình huống diễn biến nhanh, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, khẩn trương. Vì thế, thực hiện tốt công tác huấn luyện có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của bộ đội, hoàn thành nhiệm vụ của Đơn vị. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, trước hết Đảng ủy Trung đoàn tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác huấn luyện, nhất là Nghị quyết 711-NQ/ĐU, ngày 06-5-2013 của Đảng ủy Sư đoàn về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” và ra nghị quyết chuyên đề; trong đó, xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo. Hằng năm, Trung đoàn đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng cán bộ trung đội, đại đội, cán bộ mới ra trường. Nội dung tập huấn đảm bảo tính toàn diện, tập trung vào những vấn đề khó, mới, còn yếu, như: sử dụng máy tính, một số tính năng kỹ thuật, chiến thuật của khí tài cải tiến và khí tài mới được trang bị, phương pháp huấn luyện kíp chiến đấu, v.v. Trung đoàn còn làm tốt công tác chuẩn bị về mô hình học cụ, sơ đồ, tranh vẽ, các đoạn video clip về huấn luyện thu hồi, triển khai khí tài, huấn luyện kíp chiến đấu; củng cố thao trường, bãi tập,… phục vụ cho tập huấn, bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện bộ đội.

Trong huấn luyện, Trung đoàn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ của từng thành phần trong kíp chiến đấu ở tất cả các cấp, từ chỉ huy Trung đoàn đến các đơn vị. Hằng tháng, Trung đoàn tổ chức luyện tập kíp chiến đấu 1 cấp, 2 cấp và 3 cấp. Đối với kíp chiến đấu sở chỉ huy Trung đoàn huấn luyện cho cán bộ nắm chắc vùng trời quản lý, vùng hỏa lực của từng phân đội, của Trung đoàn; phương thức nhận, truyền lệnh từ Sở chỉ huy Trung đoàn đến các đơn vị và phân đội hiệp đồng. Đối với các đơn vị, tập trung huấn luyện kíp chiến đấu trong bắt, bám mục tiêu bay thấp, cực thấp; khẩu lệnh, động tác hiệp đồng; đánh các phương tiện bay trong các tình huống phức tạp, như: đột nhập, nhiễu nặng, cường độ lớn, v.v. Ngoài ra, Trung đoàn còn tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động nhanh, luyện tập các phương án chiến đấu và diễn tập vòng tổng hợp. Nhờ đó, những năm gần đây, chất lượng huấn luyện của Trung đoàn từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Ba là, duy trì và thực hiện nghiêm túc nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu. Đặc điểm tác chiến của Bộ đội Tên lửa phòng không là diễn ra trong thời gian rất ngắn, phạm vi không gian rộng, với sự tham gia của nhiều thành phần, nhiều loại vũ khí, khí tài, trang bị, như: đài ra-đa, đài điều khiển tên lửa, bệ phóng tên lửa, v.v. Bởi thế, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bám sát phương châm “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể” có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của Trung đoàn. Theo đó, Trung đoàn duy trì nghiêm 10 chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu; đảm bảo đúng, đủ quân số; tổ chức canh trực trên không, mặt đất đúng quy định; chú trọng canh thu các mạng, không để sai, sót, lọt, chậm, hoang báo; kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các phương tiện tiến công, đột nhập đường không của địch, nhất là ở độ cao thấp và cực thấp, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ.

Bên cạnh đó, Trung đoàn thường xuyên kiểm tra, bổ sung, hoàn thiện văn kiện chiến đấu ở các cấp; củng cố hầm hào, công sự, đường cơ động ở các trận địa: dã chiến, phòng tránh, đánh trả, đảm bảo cho các đơn vị chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng. Công tác nghiên cứu nắm địch được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên từ nhiều nguồn; bố trí hệ thống trinh sát, cảnh giới nhiều tầng, nhiều lớp, bảo đảm phát hiện địch từ xa. Trung đoàn tổ chức nhiều kênh thông tin, đảm bảo thông báo, báo động nhanh, chính xác. Đóng quân trên địa bàn rộng, các đơn vị, bộ phận cách xa nhau nên để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, Trung đoàn tăng cường kiểm tra cả thường xuyên và đột xuất. Hằng tuần, Trung đoàn kiểm tra các phân đội trực sẵn sàng chiến đấu từ 02 đến 03 lần, chú trọng kiểm tra đột xuất vào ban đêm và phát tín hiệu kiểm tra trên các mạng thông tin, thông báo, báo động, v.v. Cùng với đó, Trung đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân nắm chắc tình hình mọi mặt, xây dựng phương án hiệp đồng bảo vệ trận địa, kho tàng, địa bàn, v.v.

Bốn là, thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Kết quả chiến đấu của Bộ đội Tên lửa Phòng không phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí, khí tài, trang bị. Do vậy, Đảng ủy Trung đoàn ra Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về công tác kỹ thuật; Trung đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm Cuộc vận động 50, bảo đảm vũ khí, khí tài của các đơn vị có hệ số kỹ thuật cao, đồng bộ. Hằng năm, Trung đoàn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên; chỉ đạo Ban Kỹ thuật phân công cán bộ theo dõi, quản lý và chịu trách nhiệm đảm bảo khí tài trên từng hướng; trong đó phân công cán bộ, kỹ thuật viên giỏi chịu trách nhiệm đối với bộ khí tài có hệ số kỹ thuật không ổn định, đơn vị ở xa. Nhờ đó, hệ số kỹ thuật của đài ra-đa, đài điều khiển tên lửa, bệ phóng tên lửa đạt 98%; đạn tên lửa tuyến 1, 2 đạt 100%; trạm nguồn, ô tô đạt 94%.

Cùng với đó, công tác đảm bảo hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu được Trung đoàn coi trọng. Thực tiễn hoạt động huấn luyện, chiến đấu của Trung đoàn cho thấy phải tiêu thụ rất nhiều nhiên liệu các loại. Hiện nay, Trung đoàn đóng quân ở địa bàn có địa hình tương đối phức tạp: nhiều núi cao và sông lớn ngăn cách, nên công tác đảm bảo hậu cần gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Trung đoàn duy trì nghiêm việc đảm bảo đúng, đủ lượng dự trữ vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, bảo đảm trước cả lương thực, thực phẩm, xăng dầu,… cho các đơn vị. Trung đoàn chú trọng hoàn thiện các phương án bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Bên cạnh đó, Trung đoàn có kế hoạch khai thác, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm và xăng dầu tại chỗ khi cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Trên đây là một số kinh nghiệm về nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn. Trong thời gian tới, Trung đoàn sẽ tiếp tục vận dụng và nghiên cứu, bổ sung những kinh nghiệm mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời phía Tây thủ đô Hà Nội và các nhiệm vụ đột xuất khác được giao.

Trung tá ĐÀO HỒNG PHƯƠNG, Trung đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)