Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:40 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Công tác dân vận (CTDV) là một nhiệm vụ cơ bản, thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Lào Cai đã luôn kề vai, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương, đoàn kết, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Để thực hiện tốt CTDV, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) và Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo với những nội dung thiết thực, có tính khả thi cao; trong đó, tăng cường công tác giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) đối với nhiệm vụ này là vấn đề cơ bản nhất. Sau khi có Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Hướng dẫn 842/HD-CT của Tổng cục Chính trị, Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 2 và Nghị quyết của Tỉnh ủy Lào Cai về công tác vận động quần chúng, ĐUQS Tỉnh đã ra Nghị quyết chuyên đề về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường CTDV trong LLVT Tỉnh giai đoạn 2006 - 2010”. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng quy chế, kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, các cấp ủy đều xác định rõ nội dung lãnh đạo CTDV, nghiêm túc chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và xác định chủ trương, biện pháp khắc phục kịp thời. Nhằm bảo đảm cho CTDV có hiệu quả, BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy kiện toàn Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động của Tỉnh; cùng với Ban Dân vận Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung hoạt động phù hợp với tính chất, đặc điểm ở từng địa phương và chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Trong quá trình thực hiện, BCHQS Tỉnh đã phát huy tốt vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, sự vào cuộc của các đoàn thể quần chúng, bảo đảm cho CTDV thực sự là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào các dân tộc; khắc phục nhận thức không đúng về chức năng “đội quân công tác”, thiếu trách nhiệm với dân, vi phạm kỷ luật quan hệ quân - dân, làm ảnh hưởng đến uy tín và giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Kết quả rõ nét nhất trong thực hiện CTDV của LLVT Tỉnh thời gian qua là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Xuất phát từ đặc điểm, vị trí địa lý của Lào Cai là một tỉnh miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống gồm nhiều dân tộc khác nhau (62,69% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số), trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế (dễ bị kẻ xấu kích động, lôi kéo) nên tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, nhất là tình trạng truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do, buôn bán phụ nữ qua biên giới… vẫn tồn tại kéo dài. Để đồng bào các dân tộc có nhận thức và hành động đúng, không nghe kẻ xấu tuyên truyền, kích động, chia rẽ đoàn kết quân - dân, LLVT Tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; nhận rõ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử xấu. Thực hiện phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, CB,CS đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, làm cho nhân dân nắm vững yêu cầu xây dựng và bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn; chương trình 134, 135 của Chính phủ1; Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo”. Đồng thời, định hướng cho người dân về xây dựng đời sống văn hóa trong các thôn bản; xóa bỏ các hủ tục, giữ vững bản sắc văn hóa của các dân tộc; không nghe, không tin lời của kẻ xấu, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, CB,CS LLVT Tỉnh đã đến từng hộ dân, tìm hiểu, nắm vững đặc điểm, phong tục, tập quán, chia sẻ với đồng bào về những khó khăn trong cuộc sống; tổ chức các hoạt động kết nghĩa, sinh hoạt thôn, bản, giao lưu văn hóa - văn nghệ... Kết quả trong 10 năm qua, LLVT Tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho 45.000 lượt người ở 860 lượt thôn, bản; vận động, giúp đỡ 150 hộ gia đình hồi cư ổn định sản xuất, trên 1.400 lượt người không di, dịch cư tự do. Qua đó, động viên đồng bào tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh; giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, giữ vững ổn định chính trị, không để xảy ra các “điểm nóng” trên địa bàn Tỉnh.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, LLVT Tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Là địa bàn vùng cao, biên giới, cơ sở chính trị còn nhiều yếu kém, nên việc làm này góp phần củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhận thức rõ điều đó, BCHQS Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan quân sự huyện, thành phố phối hợp với các ban, ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở các xã, phường, thị trấn. Trong đó, tập trung vào các địa phương yếu kém, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dự án kinh tế - quốc phòng và trọng điểm xây dựng nông thôn mới; giúp đỡ địa phương xây dựng, củng cố các tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quần chúng vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động2 và làm tốt công tác phát triển Đảng (nhất là trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và đồng bào dân tộc thiểu số). Trong từng thời điểm cụ thể và căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, ĐUQS và BCHQS Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường cán bộ cho cơ sở ở những nơi có tình hình phức tạp, như: xã Pa Cheo (Bát Xát), xã Minh Lương (Văn Bàn); tham mưu cho cấp ủy địa phương chuẩn bị tốt nhân sự cho bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã (nhiệm kỳ 2010 - 2015), nhân sự Đại hội Đảng bộ xã (nhiệm kỳ 2011 - 2015) bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở những địa bàn trọng yếu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số cán bộ của LLVT Tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu vào cơ cấu lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở các xã3; trực tiếp giúp cơ sở xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân. Bên cạnh đó, BCHQS Tỉnh còn rất quan tâm đến việc tạo nguồn cán bộ cho địa phương, nhất là cán bộ ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trọng điểm; tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đào tạo được 05 khóa cán bộ dự nguồn cơ sở cho 141 đồng chí là hạ sĩ quan, chiến sĩ người dân tộc thiểu số đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Số cán bộ này sau khi hoàn thành khóa học được bố trí sắp xếp làm Chỉ huy trưởng Quân sự, Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã; tham gia vào các đoàn thể ở địa phương; một số đồng chí phát triển thành cán bộ chủ chốt, như: ở xã Tùng Lèng Hồ (Bát Xát), xã Tả Thàng (Mường Khương), xã Si Ma Cai (Si Ma Cai), v.v.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, LLVT Tỉnh còn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai. Thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, BCHQS Tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp và sự đóng góp của CB,CS trong LLVT Tỉnh để thực hiện tốt phong trào này. Theo các tiêu chí đã được xác định, LLVT Tỉnh tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, tổ chức hàng nghìn ngày công lao động giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh4. Tiêu biểu như Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 354 đã hoàn thành việc xây dựng các xã trong Vùng dự án kinh tế - quốc phòng; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án cụm điểm dân cư, dự án rừng phòng hộ đạt kết quả tốt; thực hiện mô hình điểm ươm cây giống (mỡ, keo, sa mộc, chè), góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng dự án. LLVT Tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định canh tác, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung vào việc chuyển đổi giống, vật nuôi, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; từng bước xóa bỏ tập tục làm ăn cũ, hiệu quả thấp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất5; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt dự án nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng cho nhân dân, hướng dẫn cho nhân dân phòng, chống dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, CB,CS LLVT Tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là vào những thời điểm xảy ra cháy rừng, lũ lụt; kịp thời điều động lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, hạn chế những thiệt hại, nhanh chóng ổn định cuộc sống6.
Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ CTDV của LLVT tỉnh Lào Cai có thể rút ra một số kinh nghiệm sau: Một là, phải tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, coi công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân là một nhiệm vụ chính trị; từ đó, có nghị quyết lãnh đạo, quy chế và chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng. Hai là, coi trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực toàn diện cho CB,CS cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, xã hội, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc; kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trách nhiệm với xây dựng, nhân rộng các mô hình “dân vận khéo”. Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành CTDV, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể của địa phương trong quá trình thực hiện CTDV.
Thời gian tới, LLVT Tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTDV, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn.
Đại tá VŨ THÀNH Chính ủy BCHQS Tỉnh ________
1 - Chương trình 134: Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Chương trình 135: Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
2 - Từ năm 2003 đến năm 2013, LLVT Tỉnh đã củng cố 190 thôn, bản, 45 chi đoàn Thanh niên, 45 Ban công tác Mặt trận, 52 chi hội Phụ nữ, 53 chi hội Nông dân và 37 tổ hòa giải thôn, bản.
3 - Xã Hầu Thào (Sa Pa) cán bộ Đội công tác đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân; xã San Sả Hồ (Sa Pa) cán bộ Đội công tác đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân; xã Tả Giàng Phình (Sa Pa), cán bộ Đội công tác đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy.
4 - Từ năm 2003 đến năm 2013, làm mới và sửa chữa 315 km đường giao thông liên thôn; xây dựng mới 256 phòng học, 25 Nhà văn hóa thôn, bản, sửa chữa nhà cho 420 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; quyên góp xây dựng 12 Nhà tình thương, 10 Nhà đại đoàn kết trị giá trên 500 triệu đồng; giúp đỡ nhân dân 1.860 ngày công thu hoạch mùa màng, vệ sinh thôn, bản; khám và chữa bệnh cho 10.230 lượt người.
5 - Giúp đỡ 916 hộ gia đình đưa giống ngô, lúa, đậu cao sản vào sản xuất; 105 hộ gia đình thực hiện mô hình V.A.C.R; hướng dẫn 183 hộ trồng chè cao sản.
6 - Giúp đỡ 39 hộ dân di chuyển từ Mường Khương sang định cư ở A Mú Sung (Bát Xát), di chuyển trên 50 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở ở Trung Lèng Hồ (Bát Xát).
Lào Cai,công tác dân vận
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm