Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:07 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Lữ đoàn Công binh 299 (Đoàn Công binh Tân Trào) là đơn vị công binh hỗn hợp thuộc Quân đoàn 1, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng công trình quân sự; dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ; phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đơn vị quản lý, khai thác một khối lượng lớn các trang bị, phương tiện và khí tài đặc chủng; sử dụng, tiếp xúc, vận chuyển, xử lý nhiều loại vật liệu nổ, nhất là bom, mìn, thuốc nổ,... nguy cơ mất an toàn rất cao. Ý thức sâu sắc tính đặc thù của nhiệm vụ, cùng những khó khăn, thách thức, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tạo nền tảng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; trong đó, bảo đảm an toàn trong huấn luyện, thi công công trình là mặt công tác trọng tâm, khâu đột phá được các cơ quan, đơn vị của Lữ đoàn triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Hơn 20 năm qua, Lữ đoàn luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân đoàn. Các công trình Lữ đoàn xây dựng đảm bảo “bí mật, an toàn, chất lượng, tiến độ và tiết kiệm”, được Quân đoàn và các ban quản lý dự án đánh giá cao. Năm 2021, Lữ đoàn tham gia hội thao công binh toàn quân đạt giải Nhất khối quân chủng, quân đoàn; Hội thi cơ quan, đơn vị “Dân chủ, kỷ luật, an toàn” đạt giải Nhì khối lữ đoàn.
Để có được kết quả đó, trước hết, Lữ đoàn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác bảo đảm an toàn, xem đây là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định đến kết quả chung của Đơn vị. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác bảo đảm an toàn trong huấn luyện, thi công công trình và đánh giá đúng đặc điểm tình hình, nhiệm vụ1, Đảng ủy Lữ đoàn xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác bảo đảm an toàn; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ và xây dựng kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp với việc duy trì và chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn. Để công tác bảo đảm an toàn đi vào chiều sâu, thực chất, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, bổ sung, chuẩn hóa hệ thống các quy định, quy tắc, hướng dẫn bảo đảm an toàn2 và triển khai thống nhất trong toàn Đơn vị. Cùng với đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về công tác bảo đảm an toàn. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, Lữ đoàn đã thi công hơn 10 công trình lớn nhỏ, sử dụng trên 20 tấn vật liệu nổ, hàng chục nghìn kíp nổ; tổ chức diễn tập vượt sông 10 lần,… đều bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Đặc thù, tính chất nhiệm vụ của Đơn vị đa dạng, phức tạp, khó khăn, gian khổ, nhất là với nhiệm vụ huấn luyện vượt sông, thi công đường hầm, bởi phần lớn lực lượng thường xuyên phải hoạt động dã ngoại; làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao. Nhận thức rõ điều đó, Lữ đoàn thực hiện nghiêm túc quy trình bảo đảm an toàn trong từng nhiệm vụ. Trước mỗi nhiệm vụ, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải lập kế hoạch chi tiết về công tác bảo đảm an toàn, lựa chọn con người, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, phương án xử lý và các trang, thiết bị bảo đảm. Đặc biệt, trong các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, Lữ đoàn ưu tiên lựa chọn đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, tác phong công tác khoa học, cẩn trọng, tỉ mỉ. Theo đó, trong huấn luyện vượt sông, do đặc điểm hoạt động của bộ đội luôn gắn liền với các loại khí tài, phương tiện có trọng tải lớn, quy trình triển khai, vận hành phức tạp, hơn nữa hầu hết đã qua sử dụng nhiều năm, tính đồng bộ, ổn định không cao, Lữ đoàn ưu tiên tuyển chọn các đồng chí có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Trong thi công công trình, bộ đội phải làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng, không gian chật hẹp, địa chất đất, đá không ổn định dễ gây sụt, sạt gây mất an toàn,… nên Lữ đoàn lựa chọn các đồng chí cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp không chỉ có kinh nghiệm tổ chức thi công mà còn phải có tinh thần trách nhiệm cao, cụ thể, tỉ mỉ trong kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của bộ đội và có tâm lý vững vàng, có năng lực chỉ huy, điều hành, xử trí các tình huống. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, với phương châm “chưa an toàn chưa vào huấn luyện, thi công công trình”, các đơn vị duy trì nghiêm chế độ bảo đảm an toàn, như: trực ban an toàn công trường, mang mặc thiết bị an toàn. Cán bộ, chỉ huy các cấp thường xuyên bám công trình, theo sát bộ đội để hướng dẫn, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. Cùng với chủ động trong dự báo và chuẩn bị kỹ các phương án xử trí, Lữ đoàn bảo đảm đầy đủ vật chất, trang bị bảo đảm an toàn, như: phao cứu hộ, trang phục bảo hộ lao động; triển khai sâu rộng các phong trào thi đua: “Giờ máy an toàn”, “Ca thi công an toàn”, “Bí mật hàng đầu, an toàn trên hết, chất lượng tiên phong”, v.v.
Qua nghiên cứu, rút kinh nghiệm thực tế một số vụ mất an toàn huấn luyện, diễn tập, thi công công trình trong toàn quân cho thấy, hầu hết nguyên nhân là do bộ đội thiếu kỹ năng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, cũng như đội ngũ cán bộ còn thiếu kinh nghiệm trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát khi bộ đội thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng huấn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội. Theo đó, đối với đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, Lữ đoàn tập trung huấn luyện về phương pháp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bộ đội thực hiện các quy trình, quy định bảo đảm an toàn; khả năng dự báo, nhận biết các dấu hiệu mất an toàn và kỹ năng xử trí các tình huống trong huấn luyện, thi công công trình. Đối với chiến sĩ, bên cạnh việc huấn luyện các nội dung về chấp hành các quy tắc, quy định bảo đảm an toàn theo kế hoạch, Lữ đoàn còn tăng cường huấn luyện theo từng nhiệm vụ gắn với từng tình huống cụ thể. Để đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống các bài tập, trong đó có dự kiến các tình huống phát sinh trong quá trình huấn luyện, thi công công trình và tổ chức cho bộ đội thay phiên luyện tập để từng người nắm chắc nhiệm vụ trên từng cương vị, cũng như thành thục các động tác trong xử trí tình huống, khắc phục sự cố. Trước mỗi nhiệm vụ, Lữ đoàn đều tổ chức huấn luyện bổ sung, huấn luyện lại và kiểm tra, đến khi bộ đội nắm chắc về công tác bảo đảm an toàn mới bắt đầu triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong thi công công trình trọng điểm, ngoài việc huấn luyện đầy đủ nội dung lý thuyết, Lữ đoàn thực hiện “lấy công trường làm thao trường” và tổ chức huấn luyện theo ca, kíp trên từng cương vị khác nhau, nhất là các tình huống phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đáng chú ý, năm 2018, Lữ đoàn đã xây dựng và ban hành “Bộ quy tắc dự báo các tình huống mất an toàn và quy trình xử trí, khắc phục”, với 180 tình huống có thể mất an toàn trong mọi hoạt động, như: phòng ngừa mất an toàn trong huấn luyện, diễn tập vượt sông, xây dựng công trình, thu gom, vận chuyển, xử lý bom, mìn, v.v. Với cách xây dựng theo hướng “mở”, bộ tài liệu đang tiếp tục được bổ sung thêm các tình huống và biện pháp phòng ngừa mới, được đúc rút từ thực tiễn. Từ năm 2018 đến nay, Lữ đoàn đã tổ chức huấn luyện cho hơn 500 lượt cán bộ, chiến sĩ theo Bộ quy tắc, nhờ đó, khả năng dự báo, cũng như kinh nghiệm xử trí tình huống của bộ đội ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động của đơn vị.
Cùng với đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm quy chế công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm (cấp trung đội kiểm tra, rút kinh nghiệm vào cuối ngày; cấp đại đội cuối tuần, cấp tiểu đoàn cuối tháng; cấp Lữ đoàn hằng tháng và quý). Đây là mặt công tác được Lữ đoàn hết sức coi trọng và được tiến hành một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trong diễn tập phòng, chống lụt bão; bảo đảm vượt sông, thi công công trình, v.v. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Lữ đoàn phân công rõ từng cán bộ trực tiếp kiểm tra, theo dõi công tác bảo đảm an toàn của từng cơ quan, đơn vị; thành lập các tổ kiểm tra chuyên trách do các đồng chí trong Ban Chỉ huy Lữ đoàn trực tiếp phụ trách. Kết hợp kiểm tra thường xuyên và đột xuất về công tác bảo đảm an toàn của các cơ quan, đơn vị. Riêng các bộ phận thực hiện nhiệm vụ độc lập, đóng quân xa, Lữ đoàn yêu cầu chỉ huy các bộ phận phải duy trì và thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra bảo đảm an toàn theo quy định và báo cáo kết quả hằng ngày bằng văn bản và hình ảnh. Quá trình kiểm tra, chỉ huy và cơ quan chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót của đơn vị để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời, nâng cao bản lĩnh, tác phong chỉ huy của đội ngũ cán bộ; thực hiện chính quy hóa ở tất cả các các khâu, các bước, tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, từ người chỉ huy và cơ quan đến từng thao tác của phân đội. Sau mỗi giai đoạn huấn luyện, đợt diễn tập, thi công công trình, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức sơ, tổng kết chặt chẽ, nghiêm túc, đánh giá đúng mạnh, yếu trên từng mặt, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân, tránh hình thức, chạy theo thành tích. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong huấn luyện, diễn tập, thi công công trình.
Cùng với các nội dung giải pháp trên, Lữ đoàn luôn duy trì nghiêm nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là trên thao trường, công trường, khu vực bộ đội đóng quân dã ngoại; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội bảo đảm tốt điều kiện ăn, ở, sinh hoạt để bộ đội luôn yên tâm công tác, chủ động khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, thời gian tới, Lữ đoàn tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá PHẠM VĂN LUẬN, Lữ đoàn trưởng ____________________
1 - Thông tư số 202/2010/TT-BQP, ngày 06/12/2010 của Bộ Quốc phòng về quy định tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động, bảo hộ lao động trong Quân đội; Chỉ thị số 1145/CT-TM, ngày 15/6/2016 của Tổng Tham mưu trưởng về việc bảo đảm an toàn trong huấn luyện, kiểm tra, diễn tập.
2 - Từ năm 2012 đến nay, Lữ đoàn đã chuẩn hóa 28 quy định bảo đảm an toàn các loại; triển khai lắp đặt 325 biển, bảng quy định an toàn tại khu khí tài, thao trường, công trường.
Lữ đoàn Công binh 299,huấn luyện,thi công công trình,bảo đảm an toàn
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm