Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 04/07/2013, 15:43 (GMT+7)
Kinh nghiệm nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn Hải quân 147

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), cơ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 147 (Quân chủng Hải quân) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, nên đã tạo chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác, đặc biệt là công tác huấn luyện, SSCĐ. Kết quả các nội dung huấn luyện: kỹ thuật bắn súng, lái (tàu, thuyền, xe…), bơi vũ trang, chiến thuật cấp phân đội, điều lệnh… của Lữ đoàn đều đạt loại giỏi. Trình độ và phương pháp huấn luyện; tham mưu - tác chiến của đội ngũ cán bộ các cấp được nâng lên. Hệ thống kế hoạch huấn luyện, chiến đấu các cấp thường xuyên được bổ sung, hoàn chỉnh sát với tình hình, đối tượng và yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ, nhất là khả năng cơ động của các đơn vị ngày càng cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Với những kết quả đạt được, năm 2012, Lữ đoàn được Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng Cờ “Thi đua Quyết thắng”, Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Kiểm tra công tác chuẩn bị huấn luyện.

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

1. Thường xuyên đẩy mạnh công tác, giáo dục chính trị - tư tưởng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội đối với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Lữ đoàn có tính đặc thù cao, cán bộ, chiến sĩ phải hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, như: huấn luyện trên sình lầy, biển, đảo; trong điều kiện thời tiết phức tạp (sóng to, gió lớn, sương mù…); công tác bảo đảm gặp khó khăn… đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý của bộ đội. Vì vậy, thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội được Lữ đoàn xác định là biện pháp quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng công tác huấn luyện, SSCĐ. Hằng năm, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức quán triệt nghiêm túc mệnh lệnh, chỉ thị về công tác huấn luyện, SSCĐ của Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân chủng cho cơ quan và đơn vị thuộc quyền. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được cùng những thuận lợi, khó khăn đặt ra; từ đó, xác định quyết tâm, trách nhiệm hoàn thành các chỉ tiêu huấn luyện. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, làm cho mọi người nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ huấn luyện, coi huấn luyện là nhân tố chủ yếu để nâng cao chất lượng tổng hợp của đơn vị. Trước yêu cầu mới, công tác giáo dục tuyên truyền phải làm cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hiểu rõ tình hình đất nước, biển, đảo; nhận thức đúng đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; trên cơ sở đó, xây dựng ý chí chiến đấu, niềm tin vào vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự và cách đánh của bộ đội Hải quân. Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn coi trọng việc đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục bảo đảm sát với điều kiện, đặc điểm, nhiệm vụ ở mỗi đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị - tư tưởng với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo từng cương vị, chức trách; đồng thời, gắn giáo dục với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Bên cạnh đó, sau mỗi đợt huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức rút kinh nghiệm đối với cán bộ chủ chốt các đơn vị về thực hiện công tác giáo dục chính trị - tư tưởng; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội đồng Quân nhân trong công tác cổ động, cổ vũ thao trường. Nhờ vậy, đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyển biến rõ nét cả trong nhận thức và hành động, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ.

2. Tập trung thực hiện tốt khâu huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện bổ sung cho chiến sĩ mới. Là đơn vị trực thuộc Quân chủng, gồm nhiều lực lượng chuyên ngành khác nhau, đảm nhiệm nhiệm vụ trong môi trường phức tạp, trên phạm vi rộng nên công tác huấn luyện của Lữ đoàn rất phức tạp. Trong khi đó, đa số cán bộ ở đơn vị cơ sở chưa trải qua chiến đấu, nên trình độ và kinh nghiệm huấn luyện, quản lý, chỉ huy, tham mưu - tác chiến còn hạn chế. Vì vậy, thực hiện tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ các cấp là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của Lữ đoàn. Theo đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện nghiêm túc, có nền nếp việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ trước mỗi giai đoạn huấn luyện. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng đảm bảo toàn diện; trong đó, tập trung vào khâu yếu, mặt yếu, vấn đề mới, nhất là những nội dung về tổ chức, phương pháp huấn luyện đội ngũ chiến thuật cấp phân đội; huấn luyện kỹ thuật bắn súng, điều lệnh; tổ chức và phương pháp huấn luyện phân đội cơ động tác chiến dài ngày trên biển, đảo; huấn luyện sử dụng vũ khí, trang bị mới… Để công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn coi trọng việc chuẩn bị đội mẫu và đội ngũ giáo viên nòng cốt; đồng thời, chủ động phối hợp với Trung đoàn Không quân 916 để nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến theo Phương án “CV”; phối hợp với Cụm lực lượng HQ-1 để nâng cao trình độ bắn đạn thật trên biển theo Phương án “BM”. Ngoài ra, hằng năm, Lữ đoàn còn tổ chức hội thi cán bộ phân đội huấn luyện giỏi; hội thi, hội thao quốc phòng; tổ chức luyện tập, diễn tập chỉ huy cơ quan trên bản đồ và ngoài thực địa có một phần thực binh… Thông qua đó, trình độ huấn luyện, chỉ huy, tham mưu - tác chiến của đội ngũ cán bộ các đơn vị được nâng cao. Đây chính là cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của đơn vị.

Những năm gần đây, thực hiện tiến trình hiện đại hóa Quân chủng, yêu cầu huấn luyện đặt ra cho Lữ đoàn cũng cao hơn. Đối với chiến sĩ mới, sau 3 tháng huấn luyện phải sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện có; số chiến sĩ còn lại, phải làm chủ được vũ khí, trang bị mới và vận dụng thành thạo các hình thức chiến thuật, từng phương án tác chiến để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống. Để đáp ứng yêu cầu đó, Lữ đoàn đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tận dụng giai đoạn chuẩn bị huấn luyện (trước khi ra quân huấn luyện) và những giờ nghỉ, ngày nghỉ (trong giai đoạn huấn luyện) để tổ chức huấn luyện bổ sung cho lực lượng chiến sĩ mới. Trong đó, trọng tâm là huấn luyện thể lực, bơi vũ trang trong điều kiện thời tiết phức tạp; hành quân đường dài (có mang vác nặng) kết hợp với hành quân, ăn ở dã ngoại trên mọi địa hình sát với thực tiễn chiến đấu; luyện tập lên xuống máy bay; thử sóng trên biển dài ngày; huấn luyện cơ động tác chiến kết hợp bắn chiến đấu theo các tình huống hiệp đồng đổ bộ đánh chiếm mục tiêu… Nhờ đó, chỉ trong 6 tuần kể từ khi Lữ đoàn tổ chức lễ ra quân huấn luyện, lực lượng chiến sĩ mới đã thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu của Quân chủng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Không dừng lại ở đây, Lữ đoàn còn chú trọng chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm công tác SSCĐ, nhất là chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy, tuần tra canh gác; tích cực luyện tập các phương án chiến đấu tại chỗ, phòng, chống thiên tai, phòng, chống cháy nổ... Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cụm HQ-1, Trung đoàn Không quân 916 và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức luyện tập, diễn tập thành thạo các phương án tác chiến, nhằm nâng cao khả năng cơ động, SSCĐ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ra khơi thử sóng.

3. Thực hiện tốt công tác đảm bảo huấn luyện, SSCĐ. Xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Lữ đoàn thường xuyên phải cơ động liên tục, dài ngày trên nhiều địa hình phức tạp, cường độ lao động của cán bộ, chiến sĩ bỏ ra rất lớn. Do đó, thực hiện tốt các mặt bảo đảm cả về cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật… là rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Trên cơ sở quán triệt chỉ lệnh bảo đảm hậu cần của cấp trên, Lữ đoàn thường xuyên bảo đảm lượng dự trữ hậu cần theo phân cấp sẵn sàng đáp ứng cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; đồng thời, chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa bàn để bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng bữa ăn thường xuyên cho bộ đội theo quy định. Căn cứ vào điều kiện thực tế về diện tích và thổ nhưỡng ở khu vực đóng quân, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan hậu cần phối hợp với các đơn vị xây dựng vườn rau chuyên canh kết hợp với xây dựng khu tăng gia, sản xuất tập trung, nhất là hệ thống vườn, ao, chuồng nhằm cung cấp nhiều loại rau, quả, thực phẩm có giá trị, không chỉ cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội, mà còn bảo đảm hậu cần trong điều kiện huấn luyện dã ngoại của đơn vị, góp phần nâng tỉ lệ quân số khoẻ ngày càng cao.

Cùng với những việc làm trên, việc bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ luôn được Lữ đoàn coi trọng. Tuy nhiên, do biên chế của Lữ đoàn gồm nhiều đơn vị binh chủng (xe tăng, pháo binh, công binh, tàu thuyền) với nhiều chủng, loại trang bị kỹ thuật khác nhau, nên việc bảo đảm kỹ thuật nói chung, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện nói riêng rất phức tạp. Để khắc phục tình trạng này, Lữ đoàn tăng cường công tác quản lý, khai thác có hiệu quả cơ sở, vật chất vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; từng bước vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ trong điều kiện mới. Mặt khác, Lữ đoàn tập trung chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm chế độ, nền nếp kỹ thuật, thực hiện nghiêm túc việc bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa, tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật theo quy định, kết hợp kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất và thực hiện tốt Cuộc vận động về “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”. Riêng đội ngũ thuyền trưởng, lái xe, thợ máy, thợ kỹ thuật… hằng năm, Lữ đoàn đều phối hợp với cơ quan chức năng của Quân chủng tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nâng cao tay nghề khai thác, vận hành trang bị kỹ thuật. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu về công nghệ quân sự hiện đại để sản xuất, mua sắm các mô hình, học cụ và các trang bị, thiết bị mô phỏng, phục vụ tốt yêu cầu công tác huấn luyện. Đến nay, Lữ đoàn đã đầu tư hàng nghìn ngày công, hàng trăm triệu đồng để mua sắm mô hình, học cụ; cải tạo, nâng cấp thao trường, bãi tập… đáp ứng yêu cầu huấn luyện và tác chiến hiệp đồng binh chủng của đơn vị.

Do thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trên nên chất lượng công tác huấn luyện, SSCĐ của Lữ đoàn ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Đại tá NGUYỄN DUY ĐỊNH

Lữ đoàn trưởng

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)