Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 18/09/2020, 09:21 (GMT+7)
Huyện Trạm Tấu chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trạm Tấu là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Yên Bái, có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, kinh tế - xã hội phát triển chậm, một trong những huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước. Trên 95% dân số của Huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 77,5%; trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc không đồng đều. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền đẩy mạnh hoạt động chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, v.v. Trước thực tế đó, cùng với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; trong đó, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở là một nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, nhất là chất lượng chính trị. Do đặc thù huyện miền núi, vùng cao, đồng bào các dân tộc thường cư trú rải rác, phân tán nên Huyện chỉ đạo ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn tổ chức chặt chẽ việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ vào tháng 4 hằng năm. Chú trọng xét duyệt, tuyển chọn những công dân có sức khỏe, phẩm chất, năng lực đưa vào lực lượng dân quân tự vệ theo nguyên tắc: cấp ủy lãnh đạo, chính quyền chỉ đạo, ban chỉ huy quân sự làm tham mưu, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, chặt chẽ từ thôn, bản, nhằm xây dựng lực lượng này có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao, phù hợp đặc điểm địa bàn. Quán triệt, thực hiện Luật Dân quân tự vệ, Đề án “Bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016 - 2020” của tỉnh Yên Bái, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Huyện ban hành các văn bản, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ; quyết định về điều chỉnh lực lượng dân quân tự vệ; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức nghiêm túc, trang trọng lễ kết nạp dân quân tự vệ và cấp giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ dân quân tự vệ. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng mạnh về các thôn, bản để đồng bào nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quyền lợi, chế độ, chính sách được hưởng khi tham gia lực lượng dân quân tự vệ, tạo khí thế phấn khởi, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng chính trị của lực lượng dân quân tự vệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Huyện chỉ đạo ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn tăng cường phát hiện nguồn, tổ chức bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ trong quá trình công tác, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ để xây dựng điển hình tiên tiến; giới thiệu với cấp ủy, chính quyền cơ sở kết nạp, phát triển đảng viên mới, thiết thực nâng cao chất lượng chính trị của lực lượng dân quân tự vệ. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ của Trạm Tấu chiếm 2,5% dân số (dân quân tự vệ là người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%); trong đó, tỷ lệ đảng viên chiếm 23,6%; đoàn viên chiếm trên 56,3%.

Hai là, chú trọng công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ dân quân tự vệ ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ dân quân tự vệ ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp giáo dục, tuyên truyền, vận động, huấn luyện và tổ chức thực hiện các hoạt động của dân quân tự vệ. Nhận rõ điều đó, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện đã tham mưu với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện và phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, quy hoạch, lựa chọn, phê duyệt nhân sự cử đi đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo chỉ tiêu được giao; ưu tiên con em đồng bào dân tộc thiểu số, những người có phẩm chất, năng lực, uy tín, sức thuyết phục, vận động đồng bào để “nói dân nghe, làm dân theo”. Quá trình thực hiện, Huyện kết hợp chặt chẽ giữa tạo nguồn đào tạo với quy hoạch sử dụng; bổ nhiệm, bố trí sử dụng cán bộ theo đúng chuyên môn, quy trình, dân chủ, công khai, tạo sự đoàn kết, thống nhất và phát huy tốt trình độ, năng lực của từng người. Thông qua đó, từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã, tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Những năm qua, các đồng chí được cử đi đào tạo, sau khi tốt nghiệp về địa phương phần lớn được sắp xếp, bổ nhiệm đúng chức danh, chuyên môn, như: Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã, thị trấn; trung đội trưởng trung đội dân quân cơ động,... và phát huy tốt vai trò, chức trách được giao, đóng góp tích cực vào xây dựng, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị của các xã, thị trấn1.

Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, diễn tập phù hợp đặc điểm địa bàn. Hằng năm, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn, đơn vị tự vệ; trung đội, tiểu đội dân quân tự vệ bộ binh, binh chủng và các thôn, đội trưởng. Nội dung tập huấn đi sâu vào quan điểm, chính sách pháp luật, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước; công tác quốc phòng, quản lý nhà nước về quốc phòng ở cấp xã; kinh nghiệm phối hợp, xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng; công tác phối hợp của dân quân tự vệ với lực lượng Công an; nội dung cơ bản công tác tham mưu, huấn luyện, tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã; hướng dẫn sử dụng một số công cụ hỗ trợ được trang bị, v.v.

Trong quá trình huấn luyện, Huyện bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, chất lượng”, vận dụng linh hoạt hình thức, phương pháp huấn luyện phù hợp với đối tượng, đặc điểm địa bàn vùng cao, miền núi. Đối với chiến sĩ dân quân tự vệ năm thứ nhất, dân quân tự vệ cơ động, binh chủng tổ chức huấn luyện tập trung do cán bộ Ban Chỉ huy quân sự Huyện trực tiếp đảm nhiệm và phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm theo dõi, đôn đốc giúp các xã, thị trấn tổ chức huấn luyện đối tượng còn lại, bảo đảm đúng kế hoạch, nội dung, thời gian. Với nội dung huấn luyện quân sự, tập trung vào thực hành các động tác kỹ thuật, chiến thuật bộ binh cơ bản, như: bắn súng, cách phòng tránh vũ khí công nghệ cao, vũ khí hủy diệt lớn, nhận dạng một số mục tiêu bay thấp của địch, cách đào công sự, ngụy trang, vũ khí tự tạo và tổ, tiểu đội dân quân tự vệ đánh chiếm mục tiêu. Trong mỗi khoa mục, Huyện tổ chức huấn luyện từ lý thuyết đến thực hành, từ đơn giản đến phức tạp, “cầm tay, chỉ việc” với từng chiến sĩ và phối hợp, hiệp đồng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho từng người, tổ, tiểu đội dân quân tự vệ để sẵn sàng ứng phó kịp thời trong mọi tình huống bạo loạn, gây rối an ninh, trật tự có thể xảy ra. Để lực lượng dân quân tự vệ tiếp cận với những tình huống sát thực tế chiến đấu, Huyện tăng cường huấn luyện, luyện tập các phương án chiến đấu bảo vệ địa bàn, phương án phối hợp với các lực lượng trong xử lý tình huống về quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Đồng thời, thực hành huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, chiến đấu phòng thủ, phòng thủ dân sự; phòng, chống bão lụt; ứng phó cháy rừng. Nhờ đó, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của lực lượng dân quân tự vệ từng bước được nâng cao.

Bốn là, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ. Ban Chỉ huy Quân sự Huyện, ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn tăng cường kết hợp huấn luyện với làm công tác dân vận, tham gia xây dựng nông thôn mới với nội dung, hình thức phù hợp thực tiễn địa bàn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham gia làm mới, tu sửa đường giao thông liên thôn, bản; tuyên truyền công tác vệ sinh, môi trường, bảo vệ rừng; không buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại các xã trọng điểm, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị định số 02/2020/NĐ-CP, ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của lực lượng dân quân tự vệ, thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh nông thôn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Là huyện miền núi, vùng cao, địa hình hiểm trở, chia cắt bởi núi cao, độ dốc lớn nên khi xảy ra mưa bão, lũ ống, lũ quét, nhiều thôn, bản thường bị cô lập, lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận được ngay mà chủ yếu phải sử dụng lực lượng tại chỗ để ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Do đó, Huyện chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ phát huy tốt vai trò là lực lượng tại chỗ trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, góp phần ổn định đời sống, sản xuất của đồng bào, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ.

Năm là, quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng Dân quân tự vệ. Những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên bố trí ngân sách bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách, chi trả kịp thời phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của Luật, các nghị định của Chính phủ, thông tư, quyết định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, chăm lo, động viên hậu phương gia đình cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ bằng nhiều hành động thiết thực, giúp họ yên tâm, phấn khởi, luôn sẵn sàng tham gia và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Với việc thực hiện đồng bộ những giải pháp trên, huyện Trạm Tấu đã xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Thượng tá PHẠM VĂN THẢN, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Huyện
____________

1 – Từ năm 2010 đến nay, Huyện đã cử 34 lượt cán bộ đi đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.

Ý kiến bạn đọc (0)