Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 08/09/2017, 07:24 (GMT+7)
Đảng bộ Binh đoàn 15 - điểm sáng về phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số

Binh đoàn 15 là đơn vị kinh tế - quốc phòng, có nhiệm vụ chủ yếu là phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng khu dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số đối với công tác xây dựng Đảng, những năm qua, Đảng bộ Binh đoàn đã chú trọng thực hiện bằng các giải pháp phù hợp, trở thành điểm sáng trên địa bàn.

Cán bộ và công nhân người dân tộc thiểu số của Binh đoàn
cùng thu hoạch cà phê

Binh đoàn 15 đứng chân và hoạt động sản xuất trên địa bàn của 271 thôn, làng, 33 xã, phường, thị trấn, chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi có nhiều dân tộc thiểu số tại chỗ, như: Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Mơ Nông, Cơ Ho, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Mâm, v.v. Đây cũng là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi; kinh tế, văn hóa, xã hội chậm phát triển; trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục, kinh tế chủ yếu tự cấp, tự túc, tỷ lệ đói nghèo cao, v.v. Vì vậy, trong quá trình phát triển sản xuất, Binh đoàn luôn ưu tiên tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số vào làm việc trong các công ty, đội sản xuất. Hiện nay, Binh đoàn có gần 17.000 lao động và hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư dọc biên giới; trong đó, có trên 7.000 công nhân là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 41,1%. Nổi bật như: Công ty Bình Dương, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 69,7%; Công ty 78 là 55,6%; Công ty 75 là 44,7% và Công ty 74 là 42,9%, v.v. Công nhân là người dân tộc thiểu số được học tập, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của Binh đoàn và đơn vị. Từ đó, nâng cao nhận thức tư tưởng, nắm vững chức trách, nhiệm vụ, tình hình địa bàn, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị còn quan tâm bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng; chọn lọc đưa người dân tộc thiểu số đủ tiêu chuẩn vào lực lượng tự vệ nòng cốt, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn, nhiều đồng chí trở thành công an viên, tham gia các tổ chức quần chúng ở địa phương, v.v. Đây là cơ sở để Đảng ủy Binh đoàn thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số đang công tác trong các công ty, đơn vị trực thuộc Binh đoàn.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa bàn, dân cư, phong tục, tập quán còn lạc hậu, trình độ văn hóa của đồng bào còn thấp nên việc thực hiện chủ trương này gặp không ít khó khăn. Một số thanh niên chưa quan tâm tìm hiểu về Đảng, chưa chủ động xây dựng ý thức phấn đấu, thậm chí chưa tha thiết vào Đảng, v.v. Bên cạnh đó, nội dung hoạt động của Đoàn Thanh niên ở các cơ sở còn nghèo nàn, chưa thu hút được nhiều thanh niên tham gia rèn luyện trong các phong trào thi đua ở cơ sở; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên, hội viên chưa sâu, rộng; ở một số chi bộ việc kết hợp giữa quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số với công tác phát triển đảng viên chưa được quan tâm đứng mức, v.v.

Trước tình hình đó, Đảng ủy Binh đoàn và tổ chức đảng các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, cả trong phát hiện, bồi dưỡng nguồn và tổ chức kết nạp.

Trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, tổ chức đảng các cấp luôn coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia, nhất là vai trò của các tổ chức, như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, Hội Phụ nữ. Xuất phát từ đặc điểm của địa bàn và nhiệm vụ sản xuất, nhiều tổ chức đảng đã có những cách làm mới, sáng tạo, như: lựa chọn nguồn thông qua kết quả lao động hằng tháng và thông qua các phong trào thi đua, hội thi tay nghề giỏi,…; đồng thời, chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở nắm chắc mối quan hệ xã hội, sự tín nhiệm đối với đoàn viên ở nơi cư trú. Qua đó, nhiều đoàn viên ưu tú được phát hiện thông qua thành tích trong lao động sản xuất và các phong trào thi đua ở đơn vị. Cùng với tổ chức tốt việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, định hướng của các đoàn thể, nhiều đoàn viên đã có sự phấn đấu tốt, trở thành nguồn kết nạp đảng viên.

Nổi bật là, ở Công ty 75, trên cơ sở 1.276 đoàn viên Công đoàn, 350 hội viên Hội Phụ nữ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, những năm qua các tổ chức quần chúng của Công ty đã phát hiện tạo nguồn và giới thiệu cho tổ chức đảng để bồi dưỡng kết nạp được 38 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Ở Công ty 74, điển hình là đảng viên Rơ Lan H’Blơn, người dân tộc Gia Rai, công nhân thu hoạch mủ cao su, có 04 năm liên tục (2013 - 2016) đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Trong 9 năm liền (2008 - 2016), năm nào chị cũng được Giám đốc Công ty tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của đơn vị. Đảng viên Rơ Lan H’Kem - công nhân cạo mủ cao su của Đội 8, Công ty 72, đã nỗ lực phấn đấu 11 năm liền chị được khen thưởng, 4 năm liên tục (2013 - 2016) đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, 3 năm liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Binh đoàn tặng Bằng khen Phụ nữ tiêu biểu 5 năm (2011 - 2016). Chị Đinh Thị Huệ là đảng viên người dân tộc Mường, làm công nhân tại Đội 4, Đoàn kinh tế - quốc phòng 78. Qua các kỳ hội thi thợ giỏi các cấp đều đạt giải nhất, nhì và danh hiệu Bàn tay vàng; tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào do đơn vị và các tổ chức quần chúng phát động, 6 năm liên tục (2011 - 2016) được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 năm liên tục (2015 - 2016) được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh đoàn tặng danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2016, Huệ vinh dự được Hội đồng Thi đua - khen thưởng của Bộ Quốc phòng bình chọn là 1 trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp toàn quân, v.v.

Trên cơ sở kết quả lựa chọn nguồn, hằng năm, Đảng ủy Binh đoàn tổ chức bồi dưỡng nhận thức cho quần chúng ưu tú. Cùng với thực hiện các nội dung theo quy định, như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; Phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam,... Đảng ủy Binh đoàn còn chỉ đạo bổ sung các nội dung về chức năng, nhiệm vụ của Binh đoàn; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; bồi dưỡng về tư tưởng, quan điểm, lập trường, đạo đức, lối sống, v.v. Qua đó, giúp quần chúng ưu tú nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, tăng cường tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đảm bảo đủ các tiêu chí để trở thành đảng viên.

Trước khi tổ chức kết nạp đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng luôn hướng dẫn tận tình, đầy đủ, cụ thể các thủ tục về hồ sơ cho quần chúng, không gây phiền hà; trên cơ sở đó, cấp có thẩm quyền ra quyết định kết nạp. Đồng thời, làm tốt việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới theo đúng quy định, bảo đảm trang trọng, đúng thủ tục, có ý nghĩa thiết thực để qua đó mỗi người thấy rõ niềm vinh dự, tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Mặt khác, Đảng ủy Binh đoàn chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp luôn coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không vì chỉ tiêu mà kết nạp những người chưa đủ tiêu chuẩn, v.v.

Nhờ chủ trương đúng, cách làm sáng tạo đó nên từ chỗ toàn Đảng bộ chỉ có 4 đảng bộ cơ sở (2 cấp), 25 chi bộ cơ sở, tổng số 772 đảng viên sinh hoạt ở 69 chi bộ trong những ngày đầu thành lập; đến nay, Đảng bộ Binh đoàn đã có 32 tổ chức cơ sở đảng, 265 chi bộ trực thuộc, 2.562 đảng viên; trong đó, có 198 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 7,7%. Ở Công ty 72, những năm gần đây đã bổ nhiệm 04 cán bộ đội phó là đảng viên người dân tộc thiểu số tại chỗ; có 11 cán bộ đội sản xuất của các công ty thuộc Binh đoàn giữ chức bí thư chi bộ thôn, làng. Đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ làm việc trong các công ty của Binh đoàn đều trở thành những công nhân tiêu biểu về chấp hành kỷ luật lao động, có trình độ tay nghề cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình; gương mẫu về đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; nhiều đảng viên đã phấn đấu vươn lên, trở thành cán bộ tổ trưởng, đội phó, đội trưởng đội sản xuất.

Từ thực tiễn công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số trong những năm qua, Đảng bộ Binh đoàn 15 rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải thường xuyên nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về công tác phát triển đảng viên. Để làm tốt công tác phát triển đảng viên, trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải quán triệt sâu sắc chủ trương, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, tạo sự thống nhất về nhận thức, chủ trương, giải pháp đối với công tác này. Đồng thời, để đảng viên thấy rõ phát triển đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu khách quan và có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp.

Mỗi nhiệm kỳ, các tổ chức đảng phải có nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên, lấy đó làm tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng. Hằng năm, cấp ủy phải giao chỉ tiêu cụ thể đối với các chi bộ về phát triển đảng viên. Các chi bộ phải xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, đề ra chỉ tiêu; đồng thời, phân công đảng viên chính thức có kinh nghiệm, có uy tín, am hiểu về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Cấp ủy các cấp phải quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia công tác tạo nguồn phát triển đảng viên bằng việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp; nhất là vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, Hội Phụ nữ,… trong việc vận động đoàn viên, hội viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ lao động, sản xuất và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp tạo nguồn; chú trọng lựa chọn những quần chúng ưu tú là con em đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu tốt giới thiệu vào Đảng. Đồng thời, phải chăm lo đời sống của đoàn viên, hội viên, động viên, tạo điều kiện để họ tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua, nhằm khơi dậy, phát huy tính tích cực của mỗi người. Từ thực tiễn cho thấy, cùng với chú trọng đối tượng là thanh niên, cần phát huy vai trò của Công đoàn để lựa chọn những công nhân tiêu biểu đưa vào diện tạo nguồn. Bên cạnh đó, cần quan tâm tổ chức các phong trào thi đua để thu hút đoàn viên, thanh niên, đoàn viên công đoàn tham gia, từ đó có điều kiện phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên.

Ba là, thực hiện tốt việc lựa chọn, tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo cơ sở cho việc phát hiện, tuyển chọn đối tượng vào Đảng. Đây là vấn đề quan trọng, là tiền đề, tạo thuận lợi cho công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ đặc thù của địa bàn và đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị, cần chủ động phát hiện, tuyển chọn những nhân tố tích cực (tuổi đời, trình độ văn hóa, sức khỏe,…), làm nòng cốt trong lao động ở các đội sản xuất. Thực tế, Binh đoàn đã thực hiện tốt chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động tại chỗ, lao động là người dân tộc thiểu số; từ đó Binh đoàn đã từng bước xây dựng được đội ngũ công nhân đáp ứng nhiệm vụ sản xuất và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bốn là, tổ chức kết nạp đảng viên đúng nguyên tắc, thủ tục, tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng đảng viên dự bị để chuyển thành đảng viên chính thức đúng kỳ hạn. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy để kiểm tra đầy đủ các điều kiện, thủ tục về kết nạp đảng viên. Mặt khác, cần hướng dẫn cho quần chúng được kết nạp hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền ra quyết định kết nạp. Thực tiễn cho thấy, quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số được kết nạp mặc dù đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhưng nhìn chung còn hạn chế về nhận thức chính trị, trình độ văn hóa. Do đó, cấp ủy các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và nâng cao nhận thức chính trị, trình độ giác ngộ chính trị cũng như năng lực, hiệu quả công tác của đảng viên mới. Mặt khác, cần chỉ rõ cho đảng viên mới được kết nạp những ưu điểm và hạn chế để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, xứng đáng là đảng viên của Đảng.

Bằng các chủ trương, giải pháp đúng đắn, sáng tạo, phù hợp, Đảng bộ Binh đoàn 15 đã trở thành điểm sáng trên địa bàn về công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường sức lãnh đạo của Đảng bộ Binh đoàn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Binh đoàn và góp phần tích cực vào sự ổn định, phát triển của địa phương.

THANH PHÚC - BÁ MÃO

Ý kiến bạn đọc (0)