Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:09 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015), phóng viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã phỏng vấn Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu I – một trong những nhân chứng lịch sử chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Thưa đồng chí Trung tướng, với cương vị là Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) - chỉ huy bộ phận đi đầu của lực lượng thọc sâu (cánh quân phía Đông) tiến công vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, xin đồng chí cho biết rõ hơn về nhiệm vụ, cách đánh của đơn vị?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Để nói đầy đủ vấn đề này, phải bắt đầu từ tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Quán triệt tư tưởng đó, ngay từ khi nhận nhiệm vụ tiến công trên hướng Đông Nam của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã hết sức coi trọng tổ chức lực lượng thọc sâu. Điều đó thể hiện ngay trong cách đánh của Quân đoàn: Tập trung lực lượng, nhanh chóng đột kích, chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Sau đó sử dụng lực lượng cơ động thọc sâu của Quân đoàn phối hợp với các mũi khác tiến thẳng vào nội đô bằng tiến công trong hành tiến, đánh chiếm mục tiêu được phân công, hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo. Để thực hiện cách đánh đó, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn được tổ chức gồm: Lữ đoàn Xe tăng 203 (thiếu 01 tiểu đoàn), Trung đoàn Bộ binh 66, một số đại đội, trung đội pháo binh 85 ly, cao xạ, công binh… Ngoài ra, khi bước vào chiến đấu, lực lượng thọc sâu còn được pháo binh của Quân đoàn chi viện. Đây là lực lượng cơ động có sức đột kích mạnh nhất của Quân đoàn. Chúng tôi được giao nhiệm vụ: sau khi Quân đoàn hoàn thành nhiệm vụ trước mắt sẽ xuất phát tiến công theo trục xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, nhanh chóng đánh chiếm Dinh Độc lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, v.v.
Ngày 29-4-1975, khi Sư đoàn 304 tiêu diệt địch phòng thủ ở khu vực cầu Sông Buông thì lực lượng thọc sâu bắt đầu xuất kích. Đến 04 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, sau đợt hoả lực chuẩn bị của pháo binh chiến dịch, đơn vị chúng tôi phát triển tiến công vào nội đô. Toàn bộ đội hình thọc sâu bao gồm gần 400 xe cơ giới các loại, dẫn đầu đội hình là phân đội xe tăng trinh sát và các Tiểu đoàn (1, 4, 5) của Lữ đoàn Xe tăng 203, xen kẽ với xe chở bộ binh của Trung đoàn 66, tiếp đó là các đơn vị binh chủng phối thuộc.
Trên đường tiến công vào Sài Gòn, lực lượng thọc sâu phải vượt qua nhiều điểm chốt giữ ngăn chặn của địch có lực lượng phòng thủ với nhiều loại hoả lực mạnh, chống trả quyết liệt. Điển hình là tại ngã tư Thủ Đức, khu vực cầu Sài Gòn,... Để đánh bại sức kháng cự của địch, ta phải tổ chức lại đội hình chiến đấu, dùng sức mạnh đột kích của xe tăng kết hợp với pháo 85 ly bắn thẳng. Trận chiến đấu ở khu vực đầu cầu Sài Gòn cũng diễn ra hết sức quyết liệt, nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh ngay trên cầu, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 xe tăng Ngô Văn Nhỡ. Sau khi đánh bại quân địch ở khu vực cầu Sài Gòn, chúng tôi còn phải tổ chức một trận đánh tương đối ác liệt ở khu vực cầu Thị Nghè để tiến vào Dinh Độc lập.
Nét nổi bật về nghệ thuật quân sự được thể hiện ngay trong việc xác định cách đánh và tổ chức lực lượng thọc sâu. Ngoài ra, còn được thể hiện ở chỗ lựa chọn thời điểm xuất phát tiến công hợp lý, đúng thời cơ khi địch đang lúng túng, tinh thần hoang mang, dao động. Điều đó đã thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, sáng tạo, nhạy bén của Bộ Tư lệnh Cánh quân phía Đông và chỉ huy các cấp, cũng như việc quán triệt tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" mà Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đề ra.
Vận dụng phương pháp tiến công trong hành tiến, bỏ qua hoặc đánh lướt những mục tiêu nhỏ, lẻ bên đường để nhanh chóng tiến đến mục tiêu chính, quan trọng nhất là Dinh Độc lập cũng là một nét đặc sắc, rất sáng tạo của lực lượng thọc sâu. Vì thế, chỉ hơn 5 giờ chiến đấu, lực lượng thọc sâu của ta đã chiếm được mục tiêu trọng yếu là Dinh Độc lập.
Phóng viên: Có mặt tại Dinh Độc lập trong những giờ phút lịch sử, bắt nội các của chính quyền Sài Gòn ra Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chắc hẳn ký ức về sự kiện đó vẫn còn nguyên trong đồng chí?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đúng vậy, đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Đến nay đã 40 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại, tất cả vẫn hiển hiện trong tôi. Tôi cảm nhận sâu sắc khí thế của ngày tháng đó, từng đoàn quân rầm rập tiến vào Sài Gòn, lực lượng vũ trang địa phương tích cực phối hợp tác chiến và quần chúng nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ ở khắp nơi.
Sau khi xe tăng của Lữ đoàn 203 húc đổ cánh cổng sắt, Trung uý Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm cờ Giải phóng chạy lên cắm trên nóc Dinh Độc lập - lúc đó là 11giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Cùng thời gian đó, chiếc xe jeep (chiến lợi phẩm lấy được ở Đà Nẵng) của tôi do đồng chí Đào Ngọc Vân lái cũng lao nhanh vào Dinh Độc lập; khi xe dừng, tôi định chạy lên nóc Dinh Độc lập để cắm cờ, nhưng đến hết tầng 01 thì gặp một người cao to, ông ta giới thiệu: "Tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các chính quyền và ông Minh đang trong phòng họp. Mời cấp chỉ huy vào làm việc". Tình huống đột xuất đó có ý nghĩa trọng đại trong đời tôi. Vào phòng, tôi được nghe giới thiệu có đầy đủ nội các chính quyền Sài Gòn, gồm ông Dương Văn Minh (Tổng thống), Nguyễn Văn Huyền (Phó Tổng thống), Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng), Bùi Tường Huân (Phó Thủ tướng),… Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi biết quân giải phóng đã tiến vào nội đô, chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao". Nghe vậy tôi nói ngay: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng chứ không bàn giao gì cả". Thấy tôi kiên quyết, Dương Văn Minh lùi lại thực hiện theo yêu cầu của tôi. Khi đó có tình tiết đáng chú ý là: nghe thấy tiếng súng ở bên ngoài vẫn nổ, Dương Văn Minh sợ mất an toàn nên xin được tuyên bố đầu hàng tại chỗ. Tôi giải thích là quân giải phóng đã làm chủ thành phố, ông sẽ được bảo đảm an toàn. Nghe vậy, ông ta cùng chúng tôi đi đến Đài Phát thanh. Trong phòng bá âm, chúng tôi đã chứng kiến thời khắc lịch sử Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự kiện đặc biệt đó luôn đọng mãi trong tôi.
Phóng viên: Từ thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đồng chí muốn nói gì với cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ hiện nay?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đại thắng mùa Xuân 1975 là một sự kiện đặc biệt đối với dân tộc ta, nó cần được tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng, làm cho thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng, giữ gìn những thành quả cách mạng mà thế hệ cha, anh phải hy sinh xương máu mới có được. Qua đó bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Riêng đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân, ngoài việc giáo dục truyền thống, chúng ta cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, nghệ thuật quân sự; trong đó, cần coi trọng bồi dưỡng, nâng cao khả năng tư duy quân sự sáng tạo, linh hoạt của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chiến dịch, chiến lược. Vì thực tế trong tác chiến đã cho thấy diễn biến của mỗi chiến dịch, mỗi trận chiến đấu đều khác nhau, những tình huống đột xuất, ngoài dự kiến không ít, đòi hỏi người chỉ huy phải nhạy bén, sáng tạo, có tính thực tiễn cao, biết tìm ra giải pháp đúng trong thời gian nhanh nhất. Ngay bản thân chúng tôi gặp các tình huống rất bất ngờ, không có sách nào dạy, nhưng nghĩ lại, thấy chúng tôi đã xử lý các tình huống mà “lịch sử” giao cho rất đúng.
Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy vai trò to lớn của chính trị, tinh thần. Thế và lực của ta vượt trội địch; trong đó, sức mạnh chính trị, tinh thần, ý chí chiến đấu của bộ đội ta “hơn địch hàng trăm, ngàn lần”, điều mà kẻ thù không thể có được. Do đó, vấn đề cốt lõi là phải thực hiện tốt việc giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí chiến đấu cao. Đặc biệt là, phải định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ nói chung và bộ đội nói riêng biết phân biệt đúng, sai, không nghe theo luận điệu tuyên truyền sai trái, thù địch. Ví dụ: gần đây có một số người đã lên tiếng cho rằng Tổng thống Dương Văn Minh đã “có công” khi tuyên bố đầu hàng để tránh đổ máu và giữ cho Sài Gòn nguyên vẹn không bị đổ nát, v.v. Tôi khẳng định là: đó còn là kết quả của cách đánh “thần tốc, táo bạo”. Với thế và lực vượt trội so với địch, 05 cánh quân của bộ đội chủ lực tiến vào nội đô mạnh mẽ như vũ bão, cùng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở khắp nơi, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, phải đầu hàng vô điều kiện là tất yếu.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Trung tướng!
MẠNH DŨNG (thực hiện)
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm